Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc

Thứ ba, 15/01/2019 09:23 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Có người ví anh là “ông vua” chùm ảnh đất Bắc, cũng có tin đồn Trưởng ban Ảnh Zing.vn được cơ quan đãi ngộ tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung các tay săn ảnh báo chí khác ở Hà Nội. Cứ cho là mọi người yêu mến ưu ái anh, nhưng những điều thú vị mà anh mang đến trong cuộc trò chuyện này cũng cho thấy nghề ảnh thật lắm công phu và để ảnh có chỗ đứng trong bối cảnh số hóa hiện nay không phải là điều dễ dàng.

Nghề này không cực nhọc lấy đâu ra ảnh tốt

+ Anh từng chia sẻ: “Làm phóng viên ảnh phải có máu liều và phải biết chấp nhận rủi ro để có được khuôn hình đẹp, thậm chí phải chen lấn, xô đẩy... Anh khắc họa về nghề ảnh cứ như chỉ có mồ hôi, nước mắt. Nghề này có thực rất nhọc nhằn đến vậy?

- Tôi có một nguyên tắc không bao giờ than vất vả quá, mệt quá, nếu ai đó để ý mới biết. Nhưng trả lương không tương xứng với công sức là tôi kêu. Mình làm nghề này thì phải chấp nhận gian khổ, dấn thân. Vất vả ở đây chỉ là kể chuyện thôi. Đặc thù của phóng viên ảnh là nhọc cả chân tay lẫn đầu óc: Lao vào vùng bão lũ, leo trèo nơi có cọc nhọn, gai đâm, lội bùn dẫm mảnh sành hoặc ngã vỡ ống kính hoặc tác nghiệp ở nơi có vấn đề tiêu cực bị dọa đánh là chuyện bình thường. Phóng viên ảnh không những phải mang vác đồ đạc tác chiến, bất kể nắng mưa rồi lại phải nỗ lực chớp những khoảnh khắc quý giá, chưa kể phải tư duy xem thiếu cái gì, thừa cái gì, chờ đợi điều gì để chụp và ghi nhận thông tin bổ sung cho ảnh. Đặc biệt, những phóng viên ảnh ở một tờ báo điện tử phải làm quá nhiều sự kiện trong một ngày và đảm nhiệm đa lĩnh vực cả xã hội, thể thao, giải trí thì đó là những người vất vả. Khi tôi còn chưa làm công tác quản lý, là một phóng viên, có những ngày, buổi sáng tôi làm thời sự xã hội, chiều thể thao, tối lại giải trí. Xong sự kiện giải trí là 12h đêm, về biên tập bài đến tận 4h sáng, ngủ được 3 tiếng lại phải dậy làm sự kiện của ngày hôm sau từ 7h sáng. Tôi nghĩ đó là lúc rất mệt, nhưng mà thích.

Báo Công luận
Nhà báo Hoàng Hà tác nghiệp tại Thường Châu.

+ Có phải vì quá vất vả mà tôi thấy không ít những lời than phiền, kiểu như “nghề  này bạc lắm!”, thưa anh?

- Câu chuyện ấy thì chưa hẳn ở sự vất vả mà ở việc mức thù lao mà các tòa soạn trả cho phóng viên ảnh thường chưa tương ứng với giá trị thực sự của ảnh trên tờ báo. Đồng nghiệp của tôi nhiều người đã bỏ nghề, gác máy ra làm công việc khác. Cũng dễ hiểu thôi, một phần là bởi ảnh báo chí hiện chưa được coi trọng, nhiều phóng viên không đủ điều kiện để theo đuổi đam mê. Khi còn làm ở VnExpress, đồng nghiệp gán cho tôi danh hiệu là “vua chùm” bởi chùm ảnh (bài ảnh) sản xuất liên tục, đăng liên tục. Ngày nào không có bài đăng là thấy bồn chồn, cứ như nghiện, kể cả bây giờ cũng vậy. Vì hồi đó một mình tôi làm phóng viên ảnh cho cả tờ báo, tác nghiệp đa lĩnh vực, làm gì mà chả nhiều bài. Có những đề tài mà tòa soạn không cần thì mình bỏ chi phí đi xa tác nghiệp, nhuận bút không bù lại nổi nhưng được đăng báo là vui.

+ Tôi rất ấn tượng về bức ảnh sân vận động Thường Châu ngập tuyết nhìn từ trên cao tại trận chung kết giải U23 châu Á giữa Việt Nam và Uzbekistan. Có lẽ hôm đó cả thế giới chỉ mỗi Zing.vn có bức ảnh này, còn người hâm mộ thì rất sốt ruột lo lắng trận đấu liệu có bị hoãn. Anh có thể tiết lộ câu chuyện “bếp núc” của bức ảnh đặc biệt ấy?

- Quả thật, đó là một chuyến tác nghiệp đáng nhớ. Tôi sang Thường Châu hôm đó chủ yếu là để cùng đoàn đón cả đội U23 về nước mà không xác định tác nghiệp chính. Phóng viên Việt Nam sang cũng rất ít, không ai tưởng tượng nổi đội nhà có thể vào sâu trong giải được như vậy. Sáng hôm diễn ra trận chung kết tuyết rơi dày đặc, thành phố Thường Châu thì vắng bóng người, tôi vẫn liều sử dụng flycam bay lên để chụp toàn cảnh sân vận động. Như tôi đã nói, làm nghề này phải có máu liều. Trong hoàn cảnh mưa tuyết như vậy, mấy ai dám bay flycam, bởi một là dễ hỏng, hai là dễ rơi, camera bị nước vào mờ tịt đi ngay. Nói thật có rất nhiều lần tôi từng xác định nếu chẳng may bị rơi sẽ mất mấy chục triệu tiền thiết bị thì cũng được miễn sao được tấm ảnh quý giá. Rất may là thiết bị bay không sao, còn tôi thì chỉ dám bay trong 5 phút rồi cất đi ngay.

Kể cả ở đỉnh cao thì vẫn phải nỗ lực hơn nữa

+ Nhưng cơn lốc số hóa cũng đẩy ảnh báo chí vào cuộc cạnh tranh rất khốc liệt vì ai cũng có thể “nhanh như chớp” có được những khoảnh khắc về sự kiện. Ảnh báo chí phải đổi mới như thế nào trong bối cảnh này, thưa anh?

- Tôi luôn đặt ra câu hỏi: Mọi người đều có thể chụp được, nhưng làm sao để chụp được bức hình đắt giá trong một rừng tay máy khác? Tôi nghĩ rằng, ngoài việc chụp nhanh, đăng nhanh thì ảnh báo chí phải có nội dung khơi gợi cảm xúc. Tôi là người khá kỹ tính trong việc lựa chọn hình ảnh, lại phải chịu trách nhiệm về mảng ảnh của tờ báo nên ngoài sự đam mê còn là thách thức trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Bạn biết đấy, các đồng nghiệp trong làng báo hiện nay đánh giá cao về ảnh của Zing, cá nhân tôi cũng nghĩ rằng, dù trong tay đang có các cộng sự là các em phóng viên ảnh trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, máu lửa nhưng chất lượng ảnh của tờ báo nơi tôi làm việc cũng như của nền báo chí Việt Nam nói chung còn phải phấn đấu rất nhiều. So rộng ra thế giới mới thấy mình chả là gì cả.

Báo Công luận
Bức ảnh chụp sân vận động Thường Châu ngập tuyết độc nhất.

+ Những chùm ảnh, phóng sự ảnh của Zing.vn có vẻ được đầu tư rất công phu, đặc sắc. Đây liệu có phải là một cách tạo nên sự khác biệt trong bối cảnh này?

- Chưa nói đến yếu tố khoảnh khắc độc đáo, ánh sáng đẹp thì khi xem ảnh, cái mà độc giả thích thú đầu tiên là phải nội dung rõ ràng, màu sắc bắt mắt. Tôi không phải là người biên tập 100% các bài ảnh trên Zing.vn nhưng tôi thấy có một thực tế là hiện nay nhiều báo điện tử không có người biên tập ảnh, điều đó sẽ rất khó để sàng lọc chất lượng. Bởi nhiều người duyệt bài của báo điện tử không có chuyên môn sâu về ảnh. Nhiều bài ảnh của họ rất hổ lốn, có gì đẩy hết lên, dân phóng viên ảnh chúng tôi gọi là “toàn ảnh rác”.

Tôi là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc chụp ảnh, đồng thời giám sát chất lượng các đề tài ảnh quan trọng. Tất nhiên không thể đòi hỏi 100% ảnh trên trang phải đẹp nhưng hạn chế tối đa các bức hình kém chất lượng. Đặc biệt, chúng tôi luôn có những quy định thống nhất về việc sử dụng ảnh trên báo, thỉnh thoảng mở lớp đào tạo hoặc hướng dẫn riêng cho từng phóng viên. Ngoài các đề tài thời sự hằng ngày chúng tôi thường kể những câu chuyện của cuộc sống qua các phóng sự ảnh. Về biên tập chúng tôi có những nguyên tắc rất rõ ràng, sắp xếp ảnh phải xâu chuỗi vấn đề khéo léo, có trình tự, chú thích ảnh phải bổ sung thông tin bên ngoài bức ảnh giúp người đọc hiểu thêm về câu chuyện, không được phép mô tả lại những gì đã hiển nhiên trên ảnh, không được nhồi nhét quá nhiều ảnh bắt độc giả phải mất thời gian cho những thứ thừa thãi không đáng. Ngoài ra, phóng viên ảnh phải có tư duy báo chí, có kinh nghiệm và trong mọi hoàn cảnh phải sẵn sàng dấn thân để “săn” được những khoảnh khắc đáng giá và kỹ năng biên tập tốt để kể những câu chuyện bằng ảnh.

+ Vâng, xin cảm ơn anh!

Bảo Minh (Thực hiện)

 

 

baogiay

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo