Để không lỡ con tàu 4.0

Thứ bảy, 25/08/2018 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 cũng đem lại thời cơ bình đẳng cho mọi quốc gia, do vậy với một nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam nếu không hành động nhanh chóng rất dễ bị bỏ lại phía sau.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - CMCN 4.0” trung tuần tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam sẽ không nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0. Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, nắm cơ hội để sớm bước lên con tàu này. Đây là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực”.

Nhưng, cũng có người đặt câu hỏi: Doanh nghiệp đã sẵn sàng chưa? Theo Báo cáo đánh giá về mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 quốc gia về cấu trúc của nền sản xuất và thứ hạng 53/100 quốc gia về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Nhìn chung, mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam thuộc nhóm thấp của thế giới và thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, trong khu vực ASEAN, về cấu trúc của nền sản xuất, Việt Nam xếp hạng 48 và chỉ đứng trên Campuchia (hạng 81).

Báo Công luận 
Về các yếu tố dẫn dắt sản xuất, Việt Nam xếp hạng 53, đứng sau Singapore (hạng 2), Malaysia (hạng 22), Philippines (hạng 22), Thái Lan (hạng 35)…

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết cuối năm 2017, Bộ này đã tiến hành khảo sát tính sẵn sàng cho CMCN 4.0 của các doanh nghiệp (DN) ngành công thương. Kết quả cho thấy phần lớn DN sản xuất công nghiệp đang mới đứng ở điểm xuất phát (có tới 61% DN hiện còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên).

Các DN Việt Nam tiếp cận ở mức thấp với 6 trụ cột đánh giá tính sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 (chiến lược và tổ chức, nhà máy thông minh, vận hành dịch vụ, dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu, sản xuất thông minh, người lao động).

Khảo sát 2.000 DN do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội thực hiện cũng cho thấy 79% DN trả lời chưa chuẩn bị cho CMCN 4.0. “Đây là xu hướng đáng lo ngại, cũng là điểm nghẽn cần cởi bỏ để nâng cao tính sẵn sàng của DN”, ông Hải chia sẻ.

Khẳng định Việt Nam cần phải hành động để tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng Công nghiệp 4.0 đem lại thời cơ bình đẳng cho mọi quốc gia nhưng với quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không có hành động. Hành động cần được triển khai quyết liệt từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tới DN và người dân.

Bây giờ hoặc không bao giờ

 Nhắc lại 3 cuộc cách mạng công nghiệp mà Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Bây giờ hoặc không bao giờ!” - Theo ông cuộc cách mạng 4.0 chính là cơ hội để chúng ta tiến nhanh hơn… Chính sách kinh tế số thuận lợi không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển mà còn tạo cơ hội để công nghệ Việt Nam, kinh tế Việt Nam bắt kịp được tiêu chí của khu vực và thế giới. Do đó việc áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số là không phù hợp.

Dẫn chứng thông tin từ một công ty nghiên cứu thị trường cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp quy mô GDP Việt Nam tăng từ 8-18 tỷ USD mỗi năm”. Đây là động lực để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay. Tuy nhiên cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động chờ đợi tiếp nhận cơ hội, mà đòi hỏi chúng ta phải chủ động, thực hiện một loạt các cải cách. Kinh tế số phát triển và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhà nước cần đóng vai trò là một cơ quan thúc đẩy sự phát triển thay vì cơ quan quản lý rủi ro. Quản lý phải đi sau, phục vụ cho kinh tế số phát triển, chứ không phải đưa ra những chính sách “cản trở” sự phát triển...

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Kinh tế số đã và đang nhanh chóng bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế. Không thể áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số. “Quản lý cần phải tạo điều kiện và thúc đẩy, tạo cơ hội cho phát triển”, theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).

Chính phủ nhiều nước đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số để đảm bảo sự tham gia kịp thời và tận dụng tối đa các cơ hội mà nền kinh tế số có thể đem lại, gồm: hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo hệ sinh thái cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phát triển toàn diện, các ngành công nghiệp tái tạo.
Việt Nam có thể áp dụng nhiều giải pháp thay thế như: nếu lo ngại về an ninh mạng có thể yêu cầu tuân thủ một tiêu chuẩn quốc tế cao về an ninh mạng, ví dụ ISO 27018 về Bảo vệ thông tin có thể định danh cá nhân (PII), or PCI-DSS cho dữ liệu thanh toán thẻ - những tiêu chuẩn này có thể được áp dụng mà không cần phải địa phương hóa dữ liệu. Để đảm bảo an ninh quốc gia, cần xây dựng một chiến lược phân cấp dữ liệu, để xác định dữ liệu nào có thể được đưa lên đám mây chung,  những dữ liệu của Chính phủ phải được xử lý riêng.


Bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam

Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng DN hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô,  vi mô để bắt kịp CMCN 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt. 
“Trong 22 tiếng bay từ Paris về Hà Nội hôm qua, tôi đã suy nghĩ và đặt ra câu hỏi thế giới chúng ta sẽ đi về đâu với nền kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ. Kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ sẽ là trọng tâm của các quốc gia trong thời gian tới và chúng ta phải bắt đầu từ đâu” - GS.Nguyễn Đức Khương (Đại học IPAG Pháp, thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ) đã chia sẻ suy nghĩ của ông.

Khi kinh tế số hóa đang dần ngấm vào cuộc sống mỗi người, ông nói, hai mươi, ba mươi năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không làm những công việc mà chúng ta đang làm bây giờ. Ở các nước phát triển 90% các giao dịch thanh toán và 80% các giao dịch mua bán đã thanh toán và mua bán online. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và hàng loạt các quốc gia đang coi kinh tế số hóa là chiến lược phát triển.

Kinh tế số hóa đang ngấm dần và đang mở ra nhiều cơ hội hơn nhưng cũng đang đe dọa sự hủy diệt mạnh mẽ. Báo in đang đứng trước sự cáo chung vì đang bị báo điện tử lấn át. Báo điện tử đang bị facebook đe dọa. Taxi thì đang lo đứng lo ngồi trước sự xuất hiện của Uber và Grab. Truyền hình đang bị Youtube lấy dần người xem. Thương mại truyền thống đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thương mại điện tử và các trang bán hàng bằng công nghệ như Lazda, Alibaba... Các nhà mạng như VinaPhone, Viettel đang giảm doanh số vì Messenger...
Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mô hình kinh tế mới được tạo ra, với những biến đổi căn bản trong các ngành công nghiệp. Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các start-up phát triển trên nhiều lĩnh vực, như hạ tầng tin, sản xuất xe ôtô, hàng không vũ trụ, giao dịch tài chính...

Thế nhưng “chỉ 3 năm sau nữa thì nhiều khả năng Uber sẽ bị cướp ngôi vì đổi mới sáng tạo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn”... ông Bertrand Gassani - Giám đốc về khoa học dữ liệu Capgemini Consulting dự báo và kết luận rằng, “Công cụ số hóa, trí tuệ nhân tạo, học tập trọn đời, đó là những điều chúng ta luôn cần thay đổi và thực hiện liên tục trong thời kinh tế số hóa”.

Trên thị trường nội địa, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab, Facebook, Viber… đã tạo ra những dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng đồng thời tận dụng rất hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Theo đó, họ cũng tạo ra những áp lực lên với các mô hình DN truyền thống. Từ cá nhân, DN đến Chính phủ đang đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải giải quyết các bài toán thông qua các công cụ hành chính và chính sách, để có thể cân bằng lợi ích giữa các bên kinh tế một cách bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ kinh nghiệm đầu tư vào các DN đầu tư mạo hiểm và các start-up, các DN phát triển kỹ thuật số... ở Việt Nam, VinaCapital nhận thấy tốc độ phát triển công nghệ số ở Việt Nam nhanh vào hàng đầu thế giới.

Nhưng ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm DFJV Capital thuộc VinaCapial nhận ra rằng “Tuy có tốc độ phát triển nhanh nhưng Việt Nam đang có nguy cơ thụt lùi”. “Nếu không bắt kịp sẽ bị thụt lùi. Ai phát triển kinh tế số ở DN mình thì sẽ phát triển”, ông Phúc khuyên.

Xu hướng kinh tế số hóa không thể quay ngược, nhưng kinh tế số giúp tăng nguồn lực cả nguồn lực con người và nguồn lực tài nguyên, kinh tế số sẽ giảm chi phí sản xuất, tạo sự vượt trội... Vậy “Việt Nam phải làm sao tăng tốc để bắt kịp” bởi thế giới không chờ chúng ta. Để bắt kịp, ông Phúc cho rằng, cần khẩn trương hỗ trợ DN, nhất là DNNVV hội nhập vào thời kinh tế số, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và DN để có thể giúp các DN phát triển vững mạnh. Cần có chính sách và giải pháp để tự động hóa ở các khâu, trong mọi lĩnh vực, sao cho có chi phí sản xuất thấp nhất.

Và bài toán chiến lược đặt ra với Chính phủ trong giai đoạn then chốt là những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0, tránh những nguy cơ tụt hậu, khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị trên mọi phương diện. Còn GS. Khương thì lạc quan: “Tôi tin rằng là chúng ta sẽ không để thế giới phải chờ đợi chúng ta. Chúng ta sẽ tăng tốc, bắt kịp để trở thành đối tác hàng đầu cùng lãnh đạo tham gia vào sự phát triển kinh tế số hóa của thế giới”, ông Khương kết luận.

PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam:  
Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc CMCN trước đây, nhưng không thể bỏ lỡ cuộc CMCN 4.0. Nếu Việt Nam không đón được “sóng” của cuộc CMCN 4.0 có thể sẽ làm cho nhiều ngành nghề biến mất, nhiều người được dự báo thất nghiệp… đây là cuộc CMCN tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.   

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: 
Việt Nam cần quan tâm đến 3 vấn đề là: công nghệ, thể chế và con người. Theo ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch HĐQT Lina Network, nếu ví các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 như một mỏ kim cương thì Việt Nam đang rất gần và cần có phương án khai thác để khai thác mỏ kim cương ấy. Có 3 yếu tố Việt Nam buộc phải quan tâm, đó là khung hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và tính đồng bộ của các công nghệ 4.0 để khi đưa vào vận hành có thể dễ dàng thay đổi.

GS.TS Nguyễn Quang Liêm - Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam: 
Việt Nam phải có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trực tiếp thực hiện/tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0; có hệ thống đào tạo định hướng tiếp cận cuộc CMCN 4.0; xây dựng các cơ chế chính sách quản lý và đầu tư có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đào tạo nhân lực, đầu tư đến ngưỡng trực tiếp phục vụ cuộc CMCN 4.0. Mặt khác cần có các định hướng chính sách phát triển khoa học công nghệ ưu tiên như: trong lĩnh vực công nghệ số; an ninh mạng; thực tại tăng cường và mô phỏng; trí tuệ nhân tạo, hệ chuyên gia, tài chính, tiền số…

Ông Alistair Nolan, chuyên gia phân tích chính sách cao cấp, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): 
Việt Nam cần ưu tiên phổ biến công nghệ, phát triển những kỹ năng phù hợp và xây dựng hệ sinh thái số. Trong đó sẽ cần có các định chế được tổ chức tốt để phổ biến và đẩy mạnh áp dụng công nghệ; tạo môi trường thành lập và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hệ thống giáo dục phải nắm bắt và đáp ứng hiệu quả với những diễn biến trên thị trường lao động; tăng mức độ áp dụng điện toán đám mây cho các hoạt động; mở rộng khả năng tiếp cận hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; quản lý an ninh số…
Huy Hoàng

Khánh An 

Tin khác

Render OnePlus Nord CE 4 trước ngày ra mắt

Render OnePlus Nord CE 4 trước ngày ra mắt

(CLO) OnePlus dự kiến ra mắt chiếc điện thoại Nord CE 4 tại thị trường Ấn độ vào ngày 1 tháng 4 tới đây. Theo thông tin có được, Nord CE 4 trang bị màn hình 6,7 inch, pin 5.500mAh và hỗ trợ sạc nhanh SuperVOOC 100W.

Sức sống số
Hé lộ thông tin thiết kế flagship Sony Xperia 1 VI

Hé lộ thông tin thiết kế flagship Sony Xperia 1 VI

(CLO) Thời gian gần đây có nhiều tin đồn về thiết kế thay đổi của Sony Xperia 1 VI, cho rằng Sony sẽ loại bỏ màn hình 4K trên mẫu flagship Xperia 1 thế hệ tiếp theo, điều này sẽ xảy ra khi tỷ lệ khung hình thay đổi từ 21:9 thành 19.5:9.

Sức sống số
Xiaomi POCO C61 lộ diện thiết kế và thông số kỹ thuật ấn tượng

Xiaomi POCO C61 lộ diện thiết kế và thông số kỹ thuật ấn tượng

(CLO) Xiaomi mới đây đã trình làng chiếc điện thoại POCO C61 của họ, với trang bị màn hình có kích thước 6.71 inch, chip Helio G36 đến từ MediaTek, RAM 4GB/6GB, bộ nhớ trong 64GB/128GB.

Sức sống số
Apple phát hành macOS Sonoma 14.4.1 với bản sửa lỗi cho USB Hub

Apple phát hành macOS Sonoma 14.4.1 với bản sửa lỗi cho USB Hub

(CLO) Apple mới đây đã phát hành macOS Sonoma 14.4.1, một bản cập nhật nhỏ cho hệ điều hành macOS Sonoma‌ ra mắt lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái. Được biết, phần mềm mới này xuất hiện sau khoảng 3 tuần kể từ khi Apple phát hành macOS Sonoma‌ 14.4.

Sức sống số
Samsung ra mắt máy tính bảng Galaxy Tab S6 Lite 2024

Samsung ra mắt máy tính bảng Galaxy Tab S6 Lite 2024

(CLO) Samsung mới đây bất ngờ ra mắt chiếc máy tính bảng tầm trung có tên gọi Galaxy Tab S6 Lite. Phiên bản này mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, được trang bị chipset mới và pin 7040 mAh, chạy OneUI 6.1.

Sức sống số