Bài 1 : Giàu nghèo và nhóm lợi ích

Thứ ba, 24/04/2018 21:48 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đảng ta đang trong thời điểm của sự “giao tranh” quyết liệt: giữa một bên là tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, một bên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên. Giữa sự kiên định con đường đi lên CNXH với sự chệch hướng con đường đó. Giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích nhóm. Giữa những Đảng viên chân chính với những kẻ cơ hội tham lam. Đây là cuộc chiến nội bộ đầy cam go “lửa thử vàng” chiến đấu vì sự sống còn của Đảng và chế độ

Thoát khỏi hoạ "giặc nội xâm" không chỉ là ý chí của Đảng mà còn là mong muốn tột cùng của toàn dân. Tin tưởng, phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng đang trên đà thắng lợi và kết quả bước đầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, để  phục vụ nhân dân. Nhân dân cả nước đang gửi gắm niềm tin vào Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đi đến thắng lợi cuối cùng còn vô vàn khó khăn trở ngại, không thể một sớm, một chiều. Chúng ta phạm sai lầm trong một thời gian dài, muốn sửa không phải nói là sửa được ngay. Sửa lỗi thể chế, lỗi hệ thống phải đổi mới triệt để cả về kinh tế và chính trị, phải có chính sách và giải pháp đồng bộ, cần có thời gian để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật.

Khi chưa sửa được lỗi hệ thống, chưa có công cụ pháp luật mới phù hợp, chưa có lực lượng tin cậy, tinh nhuệ để giám sát, kiểm soát quyền lực hữu hiệu, chưa hoá giải được các căn nguyên của suy thoái, tha hoá thì hệ lụy của những sai lầm vẫn đeo bám gây tác hại. Trước mắt cần tập trung sức lực, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 khoá Xll của Đảng để hóa giải những điểm nghẽn, những nghịch lý không thuận chiều, tạo được thông suốt trên con đường đi lên mà chúng ta đã dày công vun đắp.

 Với quan điểm đúng đắn: yêu Đảng, yêu chế độ, cần nói thẳng, nói thật và như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Lời nói trái tai nhưng là báo động cần lắng nghe.”

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài viết của Đại tá, nhà báo Nguyễn Hoà Văn, tác giả của hai tác phẩm: "Chống được "chạy" sẽ thành công" và "Binh pháp" chống "giặc nội xâm".

Mục tiêu mà chúng ta phấn đấu là “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đã trải qua mấy thập kỷ, với nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng mà mục tiêu nêu trên không được chuyển biến thuận chiều. So với trước, đất nước có nhiều tiến bộ, văn minh do thành tựu đổi mới mang lại. Tuy nhiên đối chiếu với mục tiêu đã đề ra thì sự tiến bộ đó chưa được ăn nhập với con đường mà chúng ta đã chọn. Thực trạng về bức tranh tổng thể của đất nước hiện nay, có thể nói dân giàu không đều, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nước chưa mạnh, so với trước có phần suy yếu do một bộ phận đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính trị tha hoá, suy thoái nghiêm trọng, hoạt động quản lý nhà nước nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều vấn đề sai lệch với bản chất nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Nhiều cơ quan nhà nước bị nhóm lợi ích thao túng, chi phối. Bất công xã hội ngày càng nhiều. Dân chủ không được thực thi đúng nghĩa.

Báo Công luận
 
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta rút ra nhiều bài học lớn có giá trị, nhưng những bài học ấy còn nhiều lực cản chưa được thấm sâu vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Thí dụ như một bài học lớn bao trùm toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị là lấy dân làm gốc. Nhưng thực hiện bài học này không thực chất, không triệt để, nhiều nơi chỉ dừng lại việc nêu khẩu hiệu chung chung. Đây cũng là một nguyên nhân gây phân hoá giàu nghèo, bất công xã hội, dân chủ bị biến thái...

Không chỉ là các bài học lớn chúng ta không vận dụng, áp dụng được vào hoạt động của thể chế hiện hành mà nhiều vấn đề cơ bản khác của lý luận soi đường chưa được thâm nhập thực tiễn đời sống xã hội, hoặc thâm nhập vào thực tiễn mỗi nơi một khác, mỗi lúc một khác. Nhiều nguyên lý, nguyên tắc không ăn nhập sâu vào đời sống xã hội. Sự chệch hướng và lệch pha giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, giữa bản chất đích thực của Đảng, của chế độ và thực tế cuộc sống, đã và đang làm lung lạc, khủng hoảng ý chí và niềm tin của bao thế hệ, bao lớp người theo đuổi lý tưởng Cộng sản Chủ nghĩa.

Ngày nay các thế lực thù địch mặc sức rêu rao rằng: Chế độ Cộng sản là dối trá, là lừa bịp, là bất công... điều đó hoàn toàn trái ngược với bản chất chế độ chúng ta đang xây dựng. Nhưng vì sao có một bộ phận dân chúng không còn niềm tin hoặc giảm niềm tin vào Đảng, vào chế độ, tin và nghe theo những lời xuyên tạc, bôi nhọ của lực lượng đối kháng, của những kẻ muốn thay đổi chính thể ở Việt Nam. Phải chăng trên đất nước của chúng ta có biết bao ngang trái, nghịch lý đang làm thay đổi tâm trạng xã hội. Sự ca ngợi, biết ơn, tri ân của các giai tầng trong xã hội đối với Đảng và chế độ ngày càng chìm lắng, thay vào đó là sự kêu ca, oán thán, bức xúc của người dân nóng lên từng ngày. Mà nguyên nhân chính là do sự tha hóa suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền.

Các Nghị quyết của Trung ương Đảng gần đây đã nhận diện đầy đủ và sâu sắc những nghịch lý, những nỗi đau cùng với những nguy cơ sống còn của Đảng, của chế độ mà chúng ta đang phải đối mặt.

Kết quả bước đầu của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đang giảm độ nóng về những nguyện cầu, bức xúc chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tạo được sự tăng trưởng về kinh tế, ngăn được một phần dòng chảy thất thoát, lãng phí tài sản công, củng cố được niềm tin của một bộ phận lớn nhân dân yêu Đảng, yêu chế độ.

Tuy nhiên, đất nước ta vẫn còn hiện hữu quá nhiều chuyện nhức nhối nghịch lý chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

 Không ngăn nổi sự phát tác của mặt trái cơ chế thị trường

Mặt trái cơ chế kinh tế thị trường là câu được viết ra trong nhiều tác phẩm sách, báo. Đã được các học giả nêu lên trong nhiều Hội thảo khoa học nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, chuyển hướng sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường của nước ta. Nhưng nội hàm của nó là gì thì lại ít người nói đến. Chỉ biết rằng mặt trái cơ chế kinh tế thị trường tác động mạnh và xấu vào quá trình xây dựng Đảng, xây dựng chế độ. Mặt phải của cơ chế kinh tế thị trường là thuận mua vừa bán, là sòng phẳng, minh bạch, mục đích là lợi nhuận thì mặt trái của nó phải chăng là vì lợi nhuận nên con người không từ bỏ các thủ đoạn để đạt tới. Vì lợi nhuận nên có nhiều phi vụ, quan hệ làm ăn không minh bạch, không sòng phẳng; không còn là thuận mua vừa bán, mà là tranh mua, tranh bán; không còn là hợp pháp mà là phi pháp; không còn là giá trị thặng dư mà là siêu lợi nhuận. Do tác động của mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường nên có nhiều loại hàng hoá giá thị trường thấp nhưng giá mua bán thực tế lại rất cao do ý chí của chủ thể giao dịch.

Báo Công luận
 
Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lẽ ra khi chúng ta nhận diện được mặt trái của cơ chế thị trường, chúng ta phải có những rào cản, ngăn cách, đoạn tuyệt với mặt trái đó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của nó vào công việc lãnh đạo điều hành đất nước, công việc xây dựng Đảng... Đồng thời phải có những giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế đi đôi với phát huy dân chủ, thực hiên công bằng và tiến bộ xã hội. Đằng này chúng ta nói nhưng không làm, nói một đường làm một nẻo, mặc cho mặt trái cơ chế kinh tế thị trường thẩm thấu, công phá, làm khuynh đảo nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, nhiều nguyên tắc, kỷ cương mà chúng ta đã dày công xây dựng.

Chúng ta không thể để mãi một xã hội mà sự phân hoá giàu nghèo phần lớn lại có nguyên nhân từ yếu kém của công tác quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Chúng ta khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng người làm ăn chân chính giàu lên không nhiều. Trong khi đó làm ăn bất chính lại giàu nhanh, trong đó có nhiều kẻ siêu giàu. Sự giàu lên rất nhanh chủ yếu là nhờ dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài nguyên, tài sản công, giá trị sinh lợi của tài nguyên đất nước, hoặc nhờ được bảo kê để làm ăn phi pháp. Nếu người giàu là chủ doanh nghiệp, thì số làm giàu chính đáng, hợp pháp, bằng trí thông minh, sức sáng tạo của mình, có đóng góp phát triển lực lượng sản xuất của đất nước rất đáng quý, trân trọng và tôn vinh. Nhưng tiếc là số lượng của loại doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ còn thấp. Số doanh nghiệp thành lập ra vừa sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường vừa làm “sân sau” hoặc thành lập ra chỉ để làm "sân sau" của các quan chức có quyền lực, số này chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp đã đóng vai trò sân sau thì việc đấu thầu, chỉ định thầu đã được cơ quan có quyền lực định đoạt từ trước. Doanh nghiệp sân sau sẽ bao trọn thủ tục dự án và chi phối các bên A, B. Vốn thanh toán cho các công trình sản phẩm mà doanh nghiệp sân sau thực hiện thường đội lên so với giá thị trường. Chênh lệch giữa giá được duyệt với giá thị trường như là một khoản siêu lợi nhuận, từ đó cả chủ doanh nghiệp và quan chức có quyền lực giàu lên bất thường, nhờ khai thác triệt để cơ chế “xin – cho”.

Còn số doanh nghiệp không giữ vai trò sân sau thì cũng tìm mọi cách để quan hệ với quan chức có quyền lực, nhằm tạo ra quan hệ thân hữu, khai thác triệt để cơ chế “xin – cho” hoặc có sự bảo kê để tăng lợi nhuận.

Quá trình hình thành quan hệ thân hữu trong sản xuất kinh doanh cũng là quá trình hình thành phát triển và củng cố nhóm lợi ích.

Khi trong quan hệ sản xuất kinh doanh đã có sự hiện diện gắn bó của nhóm lợi ích thì việc thực hiện các quy định của pháp luật chẳng qua là hợp thức hóa quy trình, thủ tục đế đối phó mà thôi. Thí dụ nhiều doanh nghiệp trúng thầu mà vốn và năng lực, kinh nghiệm không phải là những yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định phải là thân hữu quan chức và phải “chịu chơi”. Thế mới có câu chuyện nhiều nhà đầu tư “tay không” mà vẫn “ bắt được giặc”.

Đáng sợ hơn là còn có nhiều doanh nghiệp dùng nhóm lợi ích chi phối xây dựng chính sách, chi phối cả thủ đoạn đục khoét bòn rút tài sản công. Trên đất nước ta đã xảy ra nhiều vụ điển hình, như vinasin, vinalines, Oceanbank, Vũ Nhôm… mới đây vụ Mobifone mua lại thương hiệu và công nghệ AVG. Tiền của Nhà nước vào túi của nhiều quan chức ở nhiều bộ ngành và chủ doanh nghiệp bằng những ma thuật mê hoặc lòng tham và lợi dụng sơ hở của pháp luật.

Báo Công luận
 ảnh minh họa
Nhóm lợi ích cũng là một nguyên nhân chính gây bao bức xúc, oan trái, nghiệt ngã cho người dân. Có hàng ngàn vụ kiện người dân mất đất sản xuất vì thực hiện dự án. Có hàng vạn câu chuyện oan trái, sự thật bị che lấp, chôn vùi, người đi kiện thì uất ức, còn kẻ bị kiện lại được bao che, bảo kê…Tất cả cũng chỉ vì danh lợi của nhóm lợi ích và nhiều "Hoà Thân"(1) đang tồn tại.

Chúng ta luôn nói vì hạnh phúc của nhân dân, nhưng do nhóm lợi ích tung hoành nên trong xã hội phân cực giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Kẻ giàu thì muốn giải quyết mọi nhu cầu của cuộc sống gia đình, cá nhân của họ đều bằng tiền. Họ có nhiều tiền thì “mua tiên cũng được”. Còn người nghèo thì trông cậy vào chính sách, sự công bằng của pháp luật, dựa vào cán bộ liêm chính, tử tế.

Trong thực tế cuộc sống thực tại người nghèo chịu nhiều thiệt thòi, yếu thế, oan ức nhưng cán bộ liêm chính, tử tế cũng chẳng giúp gì được nhiều cho họ. Cuộc sống của dân nghèo còn nhiều bức xúc do suy thoái  tha hóa của quan tham. Thế mới có đại biểu quốc hội thốt lên rằng: “Thử hỏi quốc gia mà có nhiều “Hòa đại nhân” thì dân còn gì để ăn, tài sản quốc gia hết”. Sau đó có nhà báo nói rõ ra: Đất nước nhiều Hòa thân, nhân dân nhiều chị Dậu”. Còn phát ngôn gần đây của Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải : “Bức xúc của dân không được giải quyết, lấy đâu sự bình yên".

Nếu phân cực giàu nghèo không được điều chỉnh sẽ kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp, thực tế cuộc sống trái với công bằng và tiến bộ xã hội thì con đường định hướng xã hội chủ nghĩa gặp rất nhiều khó khăn.”

Bài 2:  Vấn nạn "hợp thức hóa" dân chủ.   

Nguyễn Hòa Văn

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn