Bão đi qua, tai ương nào ở lại?

Thứ năm, 29/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) TP.HCM nói riêng hay Nam Bộ nói chung hiếm khi có bão lũ. Thế nên, cơn bão số 9 Usagi khi đi qua đây đã gây mưa lớn kèm gió giật, tàn phá khủng khiếp khắp 24 quận huyện nội, ngoại thành, biến cả thành phố thành “một điểm ngập”. Và có lẽ, NGẬP chính là tai ương cản trở sự đáng sống, sự chuyển mình tiến bước của “Hòn ngọc viễn Đông” này.

1. Thảm họa bắt đầu từ trưa 25/11, những cơn mưa lớn trút xuống kèm giông lốc, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, cây cối ngã đổ, công trình kiến trúc hư hại…

Trên trời, mưa trắng xóa kèm gió lốc. Ở dưới đất, hàng triệu con người, người vật lộn giữa dòng nước dữ trên đường về, người cố thủ ở nhà, tát nước thâu đêm, kẻ phải bỏ xe cộ giữa đường để bảo toàn mạng sống,… Và nhất là, có những thiệt hại oan uổng về nhân mạng.

Chiều 25/11, ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi) được phát hiện bị cây xanh trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) đè chết khi đang đi trên đường. Ông Tân từ nhà trọ ở quận 7 về khu vực vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) để cúng giỗ ông nội, và gặp nạn.

Cũng trong tối mưa bão, một thanh niên 18 tuổi đi cùng bạn khi ngang qua khu vực nước chảy xiết ở kênh Đen (quận Bình Tân) đã bị nước xô ngã, một người bị cuốn mất tích. Dòng nước siết ấy, theo đại diện Cảnh sát PCCC TP.HCM, là khu vực cống thoát cho cả phường.

Edward Nguyễn - một người Úc gốc Việt làm việc tại một công ty an ninh tư nhân, đã nhắc đi nhắc lại rằng: Người Việt Nam rất thiếu kỹ năng sinh tồn, kỹ năng đối phó thảm họa!

Theo anh, ở nhiều nước, trẻ em khi 4, 5 tuổi đã được dạy những kỹ năng cơ bản về ứng phó những tình huống khó khăn, nguy hiểm, có khả năng đương đầu và vượt qua, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, học sinh tiểu học được dạy cách ứng phó với cháy nổ, động đất, bão lũ,… nên họ không hoang mang, sơ suất. “Ở nước ta, thậm chí, hầu hết mọi người còn thiếu cả kỹ năng tối thiểu là hô hấp nhân tạo”, Edward hốt hoảng.

Trên báo chí, mạng xã hội, đầy rẫy cảnh người dân xuống đường ngày bão, chạy xe giữa dòng nước xiết,… Thờ ơ với thiên tai, thiếu kỹ năng sinh tồn, chắc chắn là nguyên nhân quan trọng để cơn bão Usagi gây nên thảm họa.

Báo Công luận
Người dân TP.HCM đi lại trên đường ngập trong khu Thảo Điền (Q.2, TPHCM). Ảnh: M.Q 

2. Trận ngập lụt lịch sử sau bão Usagi đã tạo nên cảnh tượng cười ra nước mắt. Bão lũ, là lúc dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, cũng chung cảnh chôn chân giữa đường, tát nước giữa đêm. Cả thành phố đã thành “một điểm ngập” thực sự, chứ không còn là lời bông đùa trên internet.

Chiều và đêm 25/11 tại TP.HCM, nội đô ngập, ngoại thành ngập, bệnh viện ngập, trường học ngập, sân bay ngập,… Trên nhiều tuyến đường đã thành sông, “xe sang” hay “xe cỏ” cũng đều không có khả năng lội nước. Trong hầm các tòa nhà, la liệt phương tiện nằm “xâm xấp nước” như khoai luộc. Sáng 26/11, hàng vạn người dân còn oằn mình “vượt sông” tới nơi làm việc.

Về nguyên nhân thảm họa, ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý thoát nước cho biết lượng mưa quá lớn, có nơi đến hơn 400mm. Trong khi hệ thống cống chỉ thoát được 86mm/3 giờ, kênh rạch thoát được 96mm/3 giờ. Lượng mưa gấp nhiều lần với khả năng thoát nước. Không những vậy, mưa lớn còn kết hợp với triều cường. Mức triều cường ngoài khả năng thoát nước đã được thiết kế từ trước…

Những chia sẻ của lãnh đạo ngành chống ngập TP.HCM cho thấy nguyên nhân chủ quan, chính là sự yếu kém trong dự báo thiên tai. Nhưng cũng lộ rõ nguyên nhân “khách quan”: Đường thoát nước nhân tạo đã quá khả năng chịu đựng nhiều lần; đường thoát nước tự nhiên phía Đông - Nam thành phố cũng quá tải. Có lẽ, do đã bị các công trình tòa nhà án ngữ. Vật kiến trúc đó, các nhà làm hạ tầng hay quen mồm gọi là “phát triển đô thị”.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cường độ những trận mưa trên chưa từng được ghi nhận, khiến nó trở thành kỷ lục. Ở một đô thị lớn, tưởng như chẳng bao giờ biết đến hậu quả của sóng, lũ như TP.HCM, thì gió bão khiến cây đổ, đường phố biến thành sông, là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng.

3. Hơn 12 năm trước, khi TP.HCM vào mùa “sống chung với lụt”, GS.TSKH Lê Huy Bá đã cảnh báo: “Nếu lấp đi bao nhiêu diện tích sông rạch thì phải quy ra thể tích nước bị chiếm chỗ và có hồ điều hòa thay thế. Bài toán ngập tại TP.HCM sẽ chưa có lời giải nếu cứ xây nhà cao tầng, phố hiện đại, nhiều làn xe mà không thay vào đó là đô thị dạng miệt vườn, sông nước…”

Lời khoa học gia Lê Huy Bá đã chưa được nghiêm túc lắng nghe, dù hội thảo nào ông cũng được mời dự, cũng phát biểu, cảnh báo, luôn là “ngôi sao” của báo giới.

Gần đây nhất, ông phát biểu: Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, việc quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập bởi với nền đất yếu, hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng lại cho xây dựng hàng loạt cao ốc tạo áp lực khiến nền đất lún nhanh hơn. Kênh rạch nhiều năm không khơi thông, kèm theo quá trình lấn chiếm… Thành phố bị ngập lụt khi triều cường hoặc khi mưa lớn là tất yếu.

TP.HCM từ thập kỷ trước, đã bắt đầu mục tiêu “tiến về Nam” để phát triển đô thị. Kết quả thế nào, chỉ cần nhìn vào tình cảnh khu vực quận 6, 8, 7 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh liên tục “thất thủ” bởi kẹt xe, ô nhiễm và ngập nước.

Nay, TP.HCM tiếp tục ấp ủ khát vọng xây dựng khu Đông thành “khu đô thị sáng tạo”. Như Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã nói: “Xây dựng khu đô thị sáng tạo gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức không chỉ có mối quan hệ về hành chính mà còn là đặc thù phát triển của thành phố. Nếu không kết nối ưu điểm của các quận này thì các ý tưởng khởi nghiệp sẽ không ra được thị trường, gây lãng phí chất xám và giá trị công sản cũng không được sử dụng tối đa…”

Cần phải nhắc lại rằng, khu Nam hay Đông TP.HCM có nền đất yếu, thấp, bị ảnh hưởng rất lớn bởi chế độ bán nhật triều. Phát triển đô thị, giãn dân ra các khu vực này, khi hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước yếu kém, nơi thoát nước tự nhiên bị san lấp tràn lan,… thì bế tắc càng dễ bế tắc. Thêm nữa, khởi nghiệp với đặc thù đất nước, cần bắt đầu từ những ruộng rau, các hoa trang, rừng ngập mặn Cần Giờ,… và trên các máy vi tính.

Trước mắt, thiết nghĩ, TP.HCM cần rà soát lại điều kiện tự nhiên, các dự án đô thị ở khu Đông và khu Nam, để có phương án quy hoạch sao cho hài hòa với thiên nhiên; thay đổi tư duy “sống chung với lũ” bằng “sống nương theo lũ” để tạo ra các đô thị dạng miệt vườn, sông nước; tận dụng nguồn nước, phù sa cho nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái,…

Xa hơn, như các chuyên gia nhiều lần từng đề nghị, TP.HCM với vai trò “anh cả”, nên phối hợp các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu,… để cùng nghiên cứu phát triển đô thị mang tầm cụm, khu vực. Qua đó, sẽ giúp TP.HCM giãn dân, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống và phát triển kinh tế.

Vươn cao, đào sâu và phình to không phải là giải pháp “thuận tự nhiên” để TP.HCM giữ vững vai trò “đầu tàu”, mà có thể sẽ thành “tai ương” cho hiện tại và mai sau.

Đoàn Kiên Giang

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn