Dự luật phòng chống tham nhũng sửa đổi: “Củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô" đều phải cháy

Thứ năm, 23/11/2017 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “10 năm qua thi hành luật, giống như xây “lò“ nhưng “củi to, củi ướt“ chưa cháy được. Vậy sửa luật lần này phải gia cố để đảm bảo “củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô“ đều phải cháy”. Đó là ví von của đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (Hà Nội) khi bàn về việc sửa luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). 12 năm ra đời, luật PCTN đã lập “kỷ lục” lần thứ 3 được sửa đổi. Điều đó cho thấy vấn đề tham nhũng càng ngày càng “nóng” và những nỗ lực chống tham nhũng, mới chỉ dừng lại ở mức “muối bỏ bể”.

10 năm, tham nhũng gây thiệt hại gần 60.000 tỷ

Sáng 21/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho hay trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, xấp xỉ 10%.

Trước đó, ngày 5/9/2017, tại Hà Nội, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của QH, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết: Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại hơn 1.351 tỷ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314 nghìn USD và bốn căn nhà, một căn hộ chung cư.

Theo báo cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 5.110,9 tỷ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương ứng với số tiền 1.013,1 tỷ đồng.

Từ 1/10/2016 đến 31/7/2017, các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 282 vụ án, 628 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 195 vụ, 393 bị can). Đã kết luận điều tra 122 vụ, 355 bị can; đình chỉ điều tra năm vụ, một bị can; tạm đình chỉ hai vụ, 8 bị can; hiện đang điều tra 145 vụ, 251 bị can. Cùng thời gian, Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 241 vụ, 595 bị can về các tội tham nhũng.

Báo Công luận
 
Trên nghị trường kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) lưu ý, “lò” sẽ giảm nhiệt nếu sửa luật này không hiệu quả. Do đó, phải sửa luật làm sao triển khai được đường lối của Đảng và mong muốn PCTN. Phải xác định ai có thể lấy được tiền bạc của Nhà nước? Đó là người có chức vụ, quyền hạn, được trực tiếp giao trách nhiệm quản lý tài sản, đó là những chủ thể đặc biệt.

Chỉ kỷ luật, không đụng nổi khối tài sản

Hầu hết các ý kiến trên diễn đàn Quốc hội đều cho rằng một trong những khâu yếu nhất trong công tác PCTN là kê khai, xác minh và thu hồi tài sản tham nhũng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua đều tăng nhưng còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2016, tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 38,3%.

Trước câu hỏi, vì sao số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, xấp xỉ 10%, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có việc pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Bà phân tích pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên. Theo quy định của dự thảo thì xử lý người kê khai không đúng như ai được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, bổ nhiệm rồi thì tuỳ theo mức độ bị cách chức, giáng chức. “Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo luật tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý nên chưa đụng được đến”, đại biểu Thủy nhấn mạnh. “Tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu mới bị phát hiện, độ ẩn cao. Nếu không có các thủ tục tố tụng đặc biệt, vượt lên trên khuôn khổ pháp lý thông thường, thì sẽ không thể xử lý”, bà Thủy nêu quan điểm.

Một điều “rất lạ” từ con số do Uỷ ban Tư pháp đưa ra: năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn (1.113.422 người), nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm (?!).

Báo Công luận
 
Phải có cơ chế truy đến cùng nguồn gốc tài sản

Thảo luận về dự án luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, một trong những “vấn đề cốt tử” trong đạo luật này và để PCTN hiệu quả, theo nhiều đại biểu Quốc hội, là phải có cơ chế để truy đến cùng và thu hồi tài sản bất minh, tài sản có được từ tham nhũng.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh Luật PCTN sửa đổi phải bổ sung quy định tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc. “Luật cần quy định cho phép truy đến cùng nguồn gốc tài sản, ví dụ ông  Phạm Sỹ Quý khai vay của ông A 5 tỉ, bà B 3 tỉ thì phải yêu cầu ông A, bà B giải trình lấy đâu ra số tiền đó để cho vay và nếu không giải trình được thì phải xử lý tài sản này”- đại biểu Phạm Văn Hoà nêu rõ quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), dự thảo luật phải làm rõ tài sản bất minh có coi là tài sản tham nhũng hay không. Có hai vấn đề cốt tử trong lần sửa đổi này, thứ nhất là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng truy lùng đến cùng nguồn gốc các loại tài sản. Từ trước đến nay, việc chuyển dịch và xác lập quyền sở hữu ban đầu cho khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn mà không vấp phải sự kiểm soát của cơ quan nhà nước, trở thành nơi trú ẩn, cất giữ tài sản tham nhũng. Đối với trách nhiệm giải trình tài sản, đại biểu Nguyễn Bá Sơn thẳng thắn đề nghị: “Theo tôi, đây phải là trách nhiệm chứng minh và chứng minh nguồn gốc của tài sản đó là hợp pháp. Nếu anh không chứng minh được đó là hợp pháp thì Nhà nước có quyền nhân danh xã hội để tịch thu”.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) việc truy ra nguồn gốc tài sản là trách nhiệm chính của cơ quan nhà nước. “tôi cho rằng, giải trình về nguồn gốc tài sản là quyền của người có tài sản. Còn chứng minh việc vi phạm hay tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu buộc người có tài sản phải chứng minh và áp dụng biện pháp suy đoán có tội là áp đặt, duy ý chí. Tôi e rằng như vậy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ biến thành cuộc đấu tố”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang bày tỏ quan điểm đồng thời đề nghị dự thảo luật cần thiết kế một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó phải tính toán đến các trình tự, thủ tục chặt chẽ để không vênh với quy định pháp luật khác.❏

Nguyễn Hà             

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn