Hội nghị Trung ương 7 và ngã rẽ tương lai đất nước

Thứ năm, 10/05/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hội nghị Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc vào sáng 7/5. Trên báo chí và các diễn đàn mạng, triệu triệu người dân đang dõi theo các nội dung thảo luận, đặc biệt là đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng về đích đến của công cuộc chống tham nhũng, để đất nước thực sự được cởi trói đi lên, niềm tin của nhân dân được giữ vững.

1. Chủ trì Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề để Trung ương tập trung thảo luận, xem xét, quyết định 3 đề án quan trọng gồm: Xây dựng đội ngũ cán bộ; Cải cách chính sách tiền lương; Cải cách chính sách BHXH.

Ngoài ra, trong một tuần làm việc (dự kiến tới 12/5/2018), Hội nghị sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của UBKT Trung ương và UBKT các cấp năm 2017…

Và không phải ngẫu nhiên, báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng lại được quần chúng nhân dân quan tâm nhiều nhất. Bởi chỉ khi tội phạm tham nhũng bị trừng trị, được nhận diện và loại bỏ nghiêm khắc, mới chấm dứt được nạn chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, các phi vụ bổ nhiệm “thần tốc”, “gia đình trị”… đã và đang nhức nhối.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?

Những lưu ý của Tổng Bí thư thực ra đã được làm rõ trong chính rất nhiều bài phát biểu trước đó của ông về xây dựng chỉnh đốn Đảng, về tuyên bố dẹp bỏ những ai cản trở, nhụt chí trong phòng chống tham nhũng… Và Đề án về Cải cách chính sách tiền lương được kỳ vọng sẽ là giải pháp giúp phòng ngừa, tiêu trừ tham nhũng, để khu vực công có thể thu hút và giữ được người tài, để cán bộ, quan chức có tài nhận đãi ngộ xứng đáng, mà dốc lòng dốc sức cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không màng trục lợi cho cá nhân.

Báo Công luận
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị . Ảnh: TTXVN

2. Trong và sau Hội nghị Trung ương 7, người dân đang kỳ vọng “Thủ Thiêm” và “bức màn đen” che phủ trên đó sẽ được vén lên trọn vẹn. Là bởi, như chưa bao giờ, một dự án lớn như thế, quan trọng như thế, liên quan tới nhiều quan chức, cựu quan chức cao cấp đến thế được mang ra mổ xẻ công khai. Ai ai giờ cũng tỏ tường việc TP.HCM liên tiếp thông báo “mất bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm 1996” khi mà bán đảo đã bị “băm nát” bởi một số lãnh đạo các thời kỳ, đất đai trôi dần về phía nhóm lợi ích…

Căn cứ tờ trình xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000 Thủ Thiêm của UBND TP.HCM năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm. Nhưng về sau, các quyết định điều chỉnh quy hoạch “có vấn đề” đã biến Thủ Thiêm – nơi tưởng sẽ là trung tâm hạt nhân mở rộng của thành phố, trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học tầm cỡ khu vực và quốc tế trở nên kệch cỡm như hôm nay; từ một khu với nhiều công trình công cộng đã thành nơi đầy rẫy các dự án nhà ở, bất động sản. Đau đớn hơn, hàng vạn con người nằm trong, thậm chí ngoài quy hoạch 1996 bị đẩy ra ngoài lề sự phát triển của Thủ Thiêm, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Người Thủ Thiêm bây giờ đã ra lập “làng” ở Thủ đô Hà Nội. Họ thuê trọ dài ngày gần trụ sở Ban tiếp dân Trung ương trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) và đi khiếu nại từ 5h sáng đến tối mịt. Họ vạch ra nơi phải đến, tuyến đường phải đi, tính toán giá vé xe buýt, quãng đường cuốc bộ mòn mỏi… Và giờ đây, hy vọng của người Thủ Thiêm được thắp sáng, khi đơn từ được chuyển tới Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, khi Hội nghị chuẩn bị lắng nghe báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng…

3. Không chỉ ở TP.HCM, mà từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Đồng Tháp…, việc người dân khiếu nại tố cáo đông người, kéo dài chưa ngừng tiếp diễn.

Nhiều học giả, luật gia, báo giới… đang nghĩ về tiếng trống Đăng Văn, một biểu tượng về công lý từng có mặt trong chiều dài lịch sử dân tộc. Tiếng kêu của trống là tiếng kêu của người dân đến tận tai nhà vua.

Đời vua Tự Đức, nhà vua đã cho dựng trống Đăng Văn treo ở Ty Tam Pháp. Về sử dụng trống: Sau khi đã xử tòa các cấp mà đương sự vẫn cảm thấy mình bị oan, thì được đến lầu đặt trống Đăng Văn, đánh ba tiếng dõng dạc, rồi tiếp sau ba tiếng trống ấy là một hồi vang vọng. Viện Đô Sát và Đại Lý Sự mỗi tháng ba ngày: Mồng sáu, mười sáu, hai mươi sáu cứ ra trực ở chòi trống. Hễ có ai đến đánh trống thì nhận đơn kêu oan đưa thẳng lên nhà vua.

Nghe thấy tiếng trống, dù lúc ấy nhà vua đang làm gì cũng chuẩn bị sẵn sàng nhận đơn kêu oan kịp thời của Viện Đô Sát và Đại Lý Sự đưa vào, đọc và phê ngay trên đơn đưa xuống Ty Tam Pháp xét xử. Và tiếng trống ấy cũng từng được đàn bà Nguyễn Thị Tồn, vợ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa chèo ghe bầu từ Nam Bộ ra Huế sử dụng để minh oan cho chồng, để con cháu mai sau được đi trên con đường Bùi Hữu Nghĩa.

Một nhà báo viết rằng, ngày nay chúng ta có hàng triệu phương tiện thay cho chiếc trống Đăng Văn, là email, tin nhắn, điện thoại, bưu phẩm…, nhưng người lắng nghe tiếng trống sao vắng quá. Và dù là trống hay là email, là Ty Tam Pháp hay phòng tiếp dân… cũng chỉ là phương tiện, nếu vẫn còn sự bưng tai bịt mắt để ấm vào thân của những hữu trách. Nhưng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân sẽ được thắp lên, bởi công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư đã diễn ra rộng khắp, liên tục, không khoan nhượng; hàng loạt các cá nhân có chức có quyền lần lượt xộ khám.

Và khi cuộc chiến phòng và chống tham nhũng được thực hiện bằng những giải pháp căn cơ, từ công tác cán bộ, cải cách tiền lương…, là lúc đất nước đứng trước bước ngoặt lịch sử.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn