Họp báo để làm gì khi không phát ngôn?

Thứ năm, 23/11/2017 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Sự việc 4 trẻ sơ sinh chết trong cùng 1 ngày là hiện tượng bất thường. Đây là sự mất mát rất lớn của gia đình các cháu”. Đó là khẳng định của đại biểu QH, cũng là một người từ ngành Y- GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tuy nhiên, một cuộc họp báo để giải tỏa những khúc mắc thông tin xung quanh vụ việc không chỉ bất thường mà còn khiến dư luận xã hội xôn xao, lại chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 phút và phần trả lời báo chí chỉ kéo dài trong… 90 giây.

Cuộc họp báo thông tin về sự cố gây tử vong 4 trẻ sơ sinh ở bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh kết thúc nhanh chóng, để lại những bất ngờ và vô số các câu hỏi chưa có trả lời của hàng loạt các cơ quan báo chí. Nhiều phóng viên có mặt tại cuộc họp báo này đã hỏi nhau: “Không hiểu tổ chức họp báo để làm gì?”

Đúng 17h ngày 20/11, ông Nguyễn Minh Hiệp - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh thông tin, vào sáng 20/11, có 4 trẻ sơ sinh đẻ non tử vong và bệnh viện này đang tích cực phối hợp với bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai điều tra, làm rõ về nguyên nhân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã có ngày nào có khoảng 4 trẻ sinh non tử vong như trong sáng nay chưa, ông Hiệp khẳng định chưa ngày nào có sự việc như này.

Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với thông tin trước đó, ông Lê Văn Nam - Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh thông tin có những ngày, tại bệnh viện này có từ 5 - 7 trẻ sinh non tử vong. Đến đây thì ông Hiệp từ chối trả lời và đi khỏi phòng họp báo.

Báo Công luận
Hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh. Ảnh: Thúy Hạnh 
Tổng cộng thời gian cho việc trả lời này chỉ diễn ra trong vòng hơn 1 phút. Mặc cho rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đặt câu hỏi nhưng ông Hiệp đều từ chối trả lời và đi khỏi phòng họp.

Để có được hơn một phút này, đông đảo phóng viên từ các cơ quan truyền thông đã phải chờ đợi suốt 2 giờ đồng hồ với mong muốn có được thông tin đa chiều hơn về vụ việc đang gây xôn xao dư luận.

Nhiều câu hỏi dự định được đặt ra xoay quanh vụ việc như thực tế diễn biến vụ việc, nguyên nhân, biểu hiện của các cháu trước khi sự việc xảy ra; gia đình cho rằng bệnh viện không thông báo sự việc ngay với họ... Những câu hỏi nhằm vừa cung cấp thông tin kịp thời, vừa giải đáp thắc mắc của chính người thân các cháu bé đã được đáp lại bằng cái lắc đầu từ chối trả lời và đi ra khỏi phòng họp của ông Phó Giám đốc.

Phóng viên Công Phương từ báo Pháp luật và Xã hội nói: “Tôi không hiểu bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tổ chức họp báo để làm gì khi từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên. Nếu thực sự cầu thị muốn thông tin rõ ràng thì chắc chắn ông Hiệp không làm vậy. Không dám nói là kém nhưng cách hành xử với báo chí của một lãnh đạo như vậy là không chuyên nghiệp”.

Để nói về tính chuyên nghiệp” trong phát ngôn, ngày 9/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP, Quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định này thay thế cho Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong chiều 20/11, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh kiểm tra ngay sự việc báo chí nêu về sự việc này và nghiêm túc xử lý các sai phạm (nếu có) đối với các cán bộ liên quan theo đúng quy định hiện hành. Một trong những yêu cầu của Bộ Y tế là khẩn trương cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và các cơ quan truyền thông.

Với 90 giây gặp gỡ, nghe câu hỏi và trả lời các cơ quan báo chí thì chắc chắn không thể coi việc cung cấp thông tin này là “khẩn trương, chính xác, kịp thời” như yêu cầu của bộ chủ quản.

Thực tiễn cho thấy, trong nhiều vụ việc, việc cung cấp thông tin chậm trễ, thậm chí phong tỏa, cản trở báo chí tiếp cận thông tin đúng, chính xác, kịp thời đã tạo điều kiện cho các thông tin xấu tràn lan, gây nhiễu thông tin, gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội có khả năng lan nhanh chóng từng giây, từng phút.

Mới đây, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định về thông tin xấu như sau: Chỉ một bộ phận nhỏ với “năng lượng đen, xấu” đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội. Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này là “tiếp tục đẩy mạnh thông tin tích cực trên báo chí đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội”.

Như trong vụ việc ở Bắc Ninh, với cách hành xử của lãnh đạo bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, thật khó mà trách việc thông tin xấu tràn lan khi các nhà báo đã bị từ chối, không được cung cấp thông tin chính xác và kịp thời.❏

Tử Hưng           

 

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn