Khi giáo dục thiếu đi giá trị cốt lõi!

Thứ năm, 29/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Câu chuyện về 231 cái tát tại Quảng Bình tuần qua, đúng trong tháng tri ân nghề giáo đã khiến những người thầy có lương tâm với nghề xót lòng. Thực ra, những cái tát mà cậu học sinh lớp 6 ở Quảng Bình vừa nhận không phải chỉ dành cho cậu. Nó còn dành cho cả những nhà giáo, những người có trách nhiệm của ngành giáo dục. Bởi ai cũng sẽ cảm thấy bỏng rát má, đau nhói ở trong tim khi thông tin về 231 cái tát ấy lan truyền trên mạng xã hội.

Rồi đây, cô giáo Thủy sẽ phải đối mặt với hình phạt của pháp luật nhưng liệu xã hội có vui không? Chắc sẽ không ai thấy vui khi hình ảnh người thầy ngày càng xấu đi trong mắt học trò. Chắc chẳng ai thấy vui khi ngành giáo dục, mỗi lần có chuyện chỉ biết “cương quyết xử lý” phần ngọn mà quên đi cái gốc, cái giá trị cốt lõi của mình: Giáo dục là để rèn người sống sao cho tử tế chứ không phải là sống sao cho có thành tích!

Còn thành tích là còn tát

Một đứa trẻ phải nhận hơn 200 cái tát từ chính những người bạn trong lớp. Những đứa bạn vẫn chơi đùa với nhau buộc phải tát thật mạnh vào má bạn nếu không sẽ bị... phạt ngược. Cô giáo “chốt hạ” cái tát cuối cùng như “đao phủ” ban phát ơn huệ cuối cùng cho kẻ tử tù. Những cái tát ấy khiến cậu bé tội nghiệp phải nhập viện. Chỉ nghe vậy thôi, chúng ta đã thấy má mình bỏng rát. Không chỉ cậu bé tội nghiệp phải đứng cho các bạn và cô giáo tát mới là người bị chịu phạt. Mà hình phạt đó dành cho tất cả chúng ta.

23 đứa trẻ tội nghiệp trong lớp cũng bị phạt. Chúng bị bắt phải làm cái việc mà mình không thích. Dùng bạo lực để đánh người bạn của mình thật sự không phải là điều vui vẻ gì. Nhưng chúng vẫn phải làm và phải làm thật mạnh tay. Bởi chẳng ai muốn mình cũng bị nhận hình phạt như vậy.

Đứa trẻ chấp nhận đứng để cho các bạn tát và những đứa trẻ tội nghiệp ngoan ngoãn thực hiện mệnh lệnh của cô đều là nạn nhân trong sự việc này. Điều gì sẽ xảy ra nếu những lần trừng phạt như thế hình thành trong tư duy của những đứa trẻ này một điều: bạo lực có thể giải quyết được mọi thứ? Thậm chí, hình thành thói tuân lệnh, kẻ mạnh có quyền, tước mất của con trẻ tư duy phản biện, không dám lên tiếng, làm ngược lại những điều chướng tai gai mắt.

Cô giáo cũng tát thẳng vào mặt những người lương thiện, tát thẳng vào mặt những đồng nghiệp đang ngày đêm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Cái tát ấy mới đau đớn. Nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giáo dục vốn đã có không ít những điều đáng buồn.

Báo Công luận
 
Trước đó, một phụ huynh ở Hà Nội cũng tố cô giáo tát con phải nhập viện. Không chỉ vậy, cô giáo này còn bị phụ huynh tố mạt sát học sinh chỉ vì bố làm... thợ xây.

PGS. TS Phạm Mạnh Hà (Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia) cho rằng, để học sinh “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui mà không cần bất cứ một phương pháp đòn roi, trừng phạt nào, cần giải quyết được việc giảm tải và căn bệnh thành tích.

Chúng ta phải chấp nhận có học sinh ở lại lớp học lại, đừng đánh giá học dốt là kém mà có thể do điều kiện hoàn cảnh nào đó. Chứ không thể nào có chuyện học sinh toàn khá giỏi. Điều đó là không nên và không thực tế”.

Yếu tố nữa theo PGS. Phạm Mạnh Hà liên quan đến hoàn cảnh. Theo đó, hầu như sĩ số các lớp học đều vượt chuẩn quy định “30 cháu”. Rõ ràng lao động của giáo viên quá tải rất nhiều trong khi cá tính của học sinh mỗi em một khác. Chưa kể học sinh cũng bị học nhiều quá, không có thời gian chơi.

Thử hỏi mỗi ngày, mỗi em có bao nhiêu phút được ra chơi? Bao nhiêu phút dành cho các hoạt động ngoại khóa? Hiện mấy trường có bể bơi, có khu vui chơi cho các em? Hay hầu hết thời gian ở trong lớp cả sáng, cả chiều? Rõ ràng với khoảng thời gian bị ở trong lớp dài như vậy chuyện học trò quậy, phá, không kiểm soát được là đương nhiên.

“Tất cả những yếu tố đó làm cho mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường trở nên gần như đối đầu. Một bên mong muốn những tri thức tốt đẹp, mong muốn phải tốt phải được khen, một bên thì căng thẳng dồn nén và xảy ra xung đột là điều không tránh khỏi”, PGS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, hàng loạt vụ việc lùm xùm của ngành giáo dục thời gian qua bắt nguồn từ việc xung đột giữa triết lý giáo dục cũ và sự vận động, phát triển của xã hội. Theo GS. Thêm, vì Việt Nam thuộc nền văn hóa âm tính, trọng tĩnh rất điển hình nên sứ mệnh của nền giáo dục truyền thống là cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo sự ổn định của xã hội. Để thực hiện sứ mệnh này, văn hóa học đường Việt Nam xây dựng chuẩn đầu ra là đào tạo người vừa có đức, vừa có tài.

Trong đó, cái đức quan trọng mà xã hội ưa ổn định cần là phẩm chất “dễ bảo, vâng lời” hay còn gọi là “ngoan”. Còn cái tài được xã hội hiện nay ghi nhận là điểm số, bằng cấp, dẫn đến “thuộc bài” trở thành tiêu chí đánh giá việc học tập.

“Đến nay, triết lý, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của ngành giáo dục về cơ bản vẫn là “con ngoan, trò giỏi” . Chính vì hướng đến “ngoan”  theo nghĩa “vâng lời”  nên tư duy phản biện không được khuyến khích”, GS. Thêm nói.

Vì hướng đến giỏi theo nghĩa “thuộc bài” nên sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học luôn được biên soạn ngắn gọn để có thể học thuộc lòng. Mọi đề thi (kể cả tự luận) từ phổ thông đến đại học đều có đáp án đính kèm sẵn. Ở bậc phổ thông còn có tuyển tập những bài văn mẫu và có hẳn một website để học sinh, giáo viên tham khảo.

Ông Thêm đánh giá rằng vì mục tiêu đi học là để đỗ đạt làm quan (ngày xưa) và lấy bằng cấp, thăng quan tiến chức (ngày nay) cho nên bệnh thành tích ngày càng tràn lan; dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn; học trò chịu áp lực lớn đến nỗi học sinh giỏi vẫn nhảy lầu tự tử…

Bệnh giả dối cũng lan tràn cùng với vấn nạn học giả bằng thật. Vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) là đỉnh điểm của tệ nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông. Sau phổ thông, người học cứ đua nhau học lên cao để có địa vị, hệ quả là trong đội quân thất nghiệp của Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm một số lượng lớn, hơn 20.000 cử nhân thất nghiệp năm 2017.

Tại sao không là một nền giáo dục hướng đến “nhân tính”?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho hay hiện nay, phương pháp học lấy người thầy làm trung tâm và học thuộc lòng làm thước đo khiến việc đào tạo đại học ở nhiều nơi bị xem là phổ thông cấp 4. Việc quá đề cao vai trò người thầy dẫn đến hệ quả coi nghề giáo là nghề cao quý nhất, trái ngược với thực tế nghề giáo có thu nhập vào loại thấp nhất trong xã hội. Những người “chuột chạy cùng sào”, 9 điểm 3 môn hay vào học sư phạm vì được miễn học phí… sau 4 năm, họ phải lãnh trách nhiệm trở thành hình mẫu lý tưởng cho học trò về mọi phương diện.

Việc quá đề cao người thầy dẫn đến hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng quái đản như cô giáo không nói suốt 3 tháng đứng lớp, cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau… Như một phản ứng ngược lại, quan hệ kinh tế thị trường và quá trình dân chủ hóa dẫn đến sự cố học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo, học sinh đâm thủng bụng thầy giáo, phụ huynh xông vào tát cô giáo, phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi…

Theo GS Thêm, sự xung đột giữa triết lý, mục tiêu giáo dục xưa cũ với sự thay đổi, biến động của tình hình kinh tế - xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến những sự cố giáo dục đang xảy ra ngày một nhiều trong văn hóa học đường và xã hội hiện nay.

Cô giáo ở Quảng Bình, khi biện minh cho nỗi bức xúc dẫn đến việc trừng trị học sinh, đã nói về sức ép của điểm thi đua. Hiệu trưởng còn xin báo chí giấu chuyện để nhà trường đạt “trường chuẩn”. Giáo dục ở nhà trường đặt ra chỉ tiêu thang điểm, xếp hạng; dùng “đội cờ đỏ” để thi hành, giám sát, gây áp lực để thực hiện các chỉ tiêu đó, mới dẫn đến tình trạng bạo lực như trường hợp cô giáo ở Quảng Bình. Họ hầu như quên mất mục tiêu sản phẩm cuối cùng của giáo dục là con người. Các chỉ tiêu thi đua không bám sát vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng đầu ra “sản phẩm cuối cùng” là học sinh, mà đặt nặng hình thức, chú ý các công đoạn trung gian.

Tại sao giáo dục Việt Nam không đặt ra một yêu cầu là hướng đến “dân tộc, nhân tính, cởi mở”? Dễ nhất là lấy đó làm khẩu hiệu để hành động.

Tại sao cứ phải chạy theo thành tích “trường chuẩn” với điểm thi đua, với thi dạy giỏi, thi học sinh giỏi, xếp hạng học sinh?

Nếu hướng đến “nhân tính” thì ai cũng có chỗ trong cuộc sống. Sao phải bận tâm xếp hạng con người, phân loại con người theo tiêu chí ai cũng giống ai? Cuộc sống có người giỏi chơi đàn thì có thể dốt toán, người làm đường thì không biết làm thơ…

Rồi đây, cô giáo Thủy sẽ phải đối mặt với hình phạt của pháp luật nhưng liệu xã hội có vui không? Chắc sẽ không ai thấy vui khi hình ảnh người thầy ngày càng xấu đi trong mắt học trò. Chắc chẳng ai thấy vui khi ngành giáo dục, mỗi lần có chuyện chỉ biết “cương quyết xử lý” phần ngọn mà quên đi cái gốc, cái giá trị cốt lõi của mình: Giáo dục là để rèn người sống sao cho tử tế chứ không phải là sống sao cho có thành tích!

Khánh An

Tin khác

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

(NB&CL) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Góc nhìn
“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

(NB&CL) Cách đây chừng 3,4 năm, khi bàn về câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam - mà theo nhiều chuyên gia ví von đó là công cuộc “lót ổ đón đại bàng”.

Góc nhìn
Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với  triển khai, thi hành pháp luật

Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với triển khai, thi hành pháp luật

(NB&CL) Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Góc nhìn