Khi niềm tin bị đặt dấu hỏi

Thứ năm, 31/05/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) TP.HCM sau cơn mưa ngày 19/5 đã thành “biển nước”, rồi được Trung tâm chống ngập báo cáo là “tụ nước” chứ không phải “ngập sâu”. Trước đó nữa, việc nâng đường Kinh Dương Vương khiến dân phải “chui vào nhà”, sống chung với ngập còn được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường gọi tên “hài hòa cao độ”… Sự bế tắc, chống chế của cơ quan quản lý đã gây phản ứng dữ dội, bị xem là dối trá, coi thường người dân, khiến niềm tin vào công tác chống ngập của TP.HCM bị đặt dấu hỏi.

1. Trận mưa kéo dài gần hai giờ tối 19/5 được đánh giá là lớn nhất từ đầu năm (khiến toàn thành phố có hơn 30 điểm ngập) đã khiến hàng loạt con đường như Nguyễn Văn Quá (quận 12), Cây Trâm, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích (Gò Vấp), Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh (quận 7), Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (Thủ Đức), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Hồ Học Lãm, An Dương Vương (quận Bình Tân)… “tụ nước” nặng nề, người dân bì bõm dưới nước, phương tiện hư hỏng la liệt… Báo cáo về tình trạng này, phía Trung tâm chống ngập đã dùng từ “tụ nước” khiến dư luận phẫn nộ.

Ngày 28/5/2018, trong cuộc họp bàn về giải pháp chống ngập do mưa với Sở GTVT, Trung tâm chống ngập và 24 quận huyện, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn nói: “Vừa qua, ngập như vậy mà dân đang bức xúc, các anh dùng từ tụ nước thì gây thêm bức xúc cho dân, dùng từ chuyên môn, chuyên ngành... không đúng thời điểm gây phản ứng ngược”.

Trung tâm chống ngập thành phố đã bỏ từ “tụ nước”, nhưng giải thích về điệp khúc “mùa mưa đường biến thành sông” như sau: Ngay từ đầu mùa mưa đơn vị đã lên kịch bản và kế hoạch ứng phó như ký hợp đồng để nhân viên thoát nước đô thị trực tại các lưu vực cụ thể, chuẩn bị các máy bơm di động công suất lớn để giải cứu những điểm ngập nặng... Tuy nhiên, đây chỉ là cách ứng phó tạm thời, về lâu dài phải hoàn thành các dự án chống ngập đã được quy hoạch.

Báo Công luận
Mỗi khi triều cường lên cao, nhiều khu vực TP.HCM lại rơi vào cảnh ngập lụt. (Ảnh: Zing.vn) 

2. Ông Đỗ Tấn Long (Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa - Trung tâm chống ngập TP.HCM) cho biết, nguyên nhân đầu tiên khiến thành phố chưa thể giảm ngập là việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm. Đơn cử như Quy hoạch thoát nước mưa (quy hoạch 752) xác định đến năm 2020 xây dựng 6.000km cống, song hiện chỉ khoảng 2.590km được đầu tư; phải xây 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng chưa hồ nào hoàn thành. 

Việc nạo vét kênh rạch cũng chỉ đạt 1% so với kế hoạch. Tương tự, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu. Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (quy hoạch 1547) xác định triển khai 10 cống kiểm soát triều nhưng hiện mới đưa vào vận hành cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè, số còn lại vẫn dang dở.

Đặc biệt, công tác dự báo không lường được diễn biến biến đổi khí hậu; tình trạng lún đất đang diễn ra tại nhiều quận, huyện; còn có những khu vực đô thị phát triển “nóng’’, hạ tầng không theo kịp nên hễ mưa là ngập; tình trạng xả rác và lấn chiếm hệ thống cống thoát nước…

Với hàng loạt những khó khăn ấy, để chống ngập, các dự án chống ngập của thành phố cần tới nguồn vốn rất lớn. Chỉ riêng việc hoàn thành hai quy hoạch chống ngập đã được tính toán (752 và 1547) cần đến 97.000 tỷ đồng nhưng chưa biết phải huy động từ đâu, bằng cách nào(?)

UBND TP.HCM đã và đang mong mỏi phải có một “nhạc trưởng” chống ngập. Theo đó, thành phố sẽ sắp xếp để Trung tâm chống ngập chỉ duy trì hai chức năng là quản lý dự án và vận hành các công trình thoát nước đã nghiệm thu. Còn quản lý nhà nước sẽ giao về Sở GTVT và 24 quận huyện.

Sự “sắp xếp” này tiếp tục gây âu lo, bởi Sở GTVT TP.HCM đã thể hiện “tầm nhìn chống ngập” trong các dự án nâng đường; UBND các quận, huyện đã và đang để tình trạng các dự án bê trễ, vi phạm về xây dựng, chậm xử lý hiện tượng lấn chiếm kênh rạch, cống, rãnh, công trình thoát nước…

3. Các chuyên gia đều cho rằng, vì quy hoạch tổng thể chống ngập ở TP.HCM chưa có, thực hiện các giải pháp chắp vá…, nên việc chống ngập ở TP.HCM chưa đạt hiệu quả.

Tiêu biểu cho sự chắp vá ấy là các dự án nâng đường. Như đường Kinh Dương Vương khi được nâng cao để “hài hòa cao độ”, 44 tuyến hẻm nối vào đường này rơi vào cảnh ngập nặng do nước từ đường lớn đổ dồn vào đường nhỏ, vào hẻm và dốc vào nhà dân. Quận Bình Tân phải xem xét phương án tiếp tục nâng hẻm.

Thêm nữa, quy hoạch cho TP.HCM do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 chỉ giới hạn ở vùng trung tâm với khoảng 700ha, không tính cho các khu vực cửa ngõ. Hiện ở các quận, huyện vùng ven, việc chống ngập được thực hiện theo quy hoạch giao thông, đô thị chứ không theo quy hoạch chuyên ngành thoát nước. 

Một chuyên gia cho rằng: “Cứ đường to đặt cống to, đường nhỏ thì cống nhỏ, muốn xóa ngập thì nâng đường… chỉ khiến nước từ chỗ cao chảy về chỗ thấp. Nếu có quy hoạch tốt, thì nhắm mắt cũng biết nước đổ về đâu, các dự án dân cư cứ bám theo đó mà làm. Phú Mỹ Hưng nằm ở khu vực thấp nhưng không bị ngập vì được quy hoạch tốt…”

Nhìn rộng hơn, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP.HCM cho rằng, nếu TP.HCM chỉ loay hoay giải quyết các vấn nạn ngập nước, kẹt xe… trong địa giới hành chính của mình, vừa khó vừa tốn kém, lại không bền vững vì trên thực tế gần 50% diện tích TP.HCM là đất yếu, thấp, không thuận lợi cho phát triển đô thị và nếu xây dựng thì tốn rất nhiều chi phí. 

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, TP.HCM cần mạnh liên kết vùng, qua đó giải quyết vấn nạn quá tải (hạ tầng, dân cư…) - là nguồn gốc của ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…

Theo đó, TP.HCM có thể điều tiết hàng hóa ra khu cảng Cát Lái ra Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), sẽ không chỉ giúp giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông mà còn tạo điều kiện cho khu cảng này phát triển; Thay vì phát triển về hướng Nam, TP.HCM liên kết với Đồng Nai để phát triển đô thị Nhơn Trạch, từng bước đưa dân cư khu Nam qua Nhơn Trạch; Chuyển giao dần những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động cho các địa phương và tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, có thể hỗ trợ cho các địa phương cùng phát triển. Các địa phương “có thêm dân” với các cơ sở sản xuất được hình thành sẽ đẩy nhanh được quá trình đô thị hóa…

Và quan trọng hơn, để giải quyết tình trạng ngập nước, bản thân thành phố cũng phải điều chỉnh cách phát triển đô thị, không rải ra như hiện nay mà nén lại. TP.HCM “cứ” phát triển đô thị về hướng Nam như hiện nay (dàn trải, chiếm nhiều đất, lấp kênh rạch) là chặn mất hướng thoát nước chung… thì không những TP.HCM bị ngập mà các địa phương ở phía trên cũng bị ảnh hưởng. Cần phải trả kênh, rạch, các vùng đất ngập nước cho… nước.

Chống ngập là một trong 7 chương trình đột phá của Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhưng khi thành phố vẫn tiến về hướng Nam thấp trũng, nước không có chỗ thoát, kênh rạch bị lấn chiếm bởi các khu đô thị, nhà ở, các giải pháp chống ngập còn chưa chứng minh được tính khả thi…, thì người dân sẽ khó tin thành phố sẽ chống ngập thành công.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn