Không thể để nỗi đau “di căn”, không thể thỏa hiệp với tội ác!

Thứ năm, 18/08/2016 08:30 AM - 0 Trả lời

Báo chí, mạng xã hội Facebook, Youtube… đang “nóng ran” câu chuyện chị Trần Thị Thu Thủy, ngụ tại chung cư Lakeside Vũng Tàu đâm đơn tố cáo một cán bộ ngân hàng về hưu 76 tuổi có hành vi xâm hại tình dục con gái 6 tuổi của mình.

(NB&CL) Báo chí, mạng xã hội Facebook, Youtube… đang “nóng ran” câu chuyện chị Trần Thị Thu Thủy, ngụ tại chung cư Lakeside Vũng Tàu đâm đơn tố cáo một cán bộ ngân hàng về hưu 76 tuổi có hành vi xâm hại tình dục con gái 6 tuổi của mình. Clip của “người mẹ Vũng Tàu” đăng lên mạng với nội dung bé gái 6 tuổi kể về những địa điểm, hành vi của kẻ đồi bại đã có hàng trăm ngàn lượt xem, chia sẻ, cùng với đó như là có một mệnh lệnh: Sự thật phải mau chóng được phơi bày trước ánh sáng!

“Người mẹ Vũng Tàu” quyết không thỏa hiệp với cái ác

Theo đơn tố cáo của chị Thủy, tháng 6/2016, con gái chị - bé T.M.T, 6 tuổi đã về kể cho mẹ nghe chuyện ông N.K.T, 76 tuổi đã nhiều lần có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô tại khoảng sân và công viên phía dưới chung cư Lakeside, Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu. Gia đình bé T rất bức xúc và lên án ông N.K.T tại khu dân cư và trên mạng xã hội.

[caption id="attachment_115642" align="aligncenter" width="640"]NBCL - Xam hai tre em - Bai chinh Cần phải nghiêm trị hành vi lạm dụng tình dục trẻ em![/caption]

Ngay sau đó, phía bên ngoài cửa nhà chị Thủy đã có mảnh giấy dán lên với nội dung đe dọa. Ngày 26/6/2016, chị Thủy đã viết đơn tố cáo ông T. gửi công an và các cơ quan liên quan tại phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu… Lúc này, chị Thủy cho biết ông T. cũng bày tỏ mong muốn được bỏ qua mọi chuyện, ký vào biên bản hòa giải. Về phần mình, chị đã ghi ý kiến trong biên bản với nội dung: “Tôi không đồng ý với cách giải quyết của Công an Phường Nguyễn An Ninh. Tôi đề nghị cơ quan điều tra truy xét hành vi xâm hại trẻ em của ông Nguyễn Khắc T.” và bắt đầu một hành trình đằng đẵng, chông gai để đòi lại công lý cho con.

Trong đơn kêu cứu gửi đến các cấp lãnh đạo, các cơ quan báo chí về trường hợp con gái mình, chị Thủy viết: “Nếu tôi cho phép mình sợ hãi trước sức mạnh của bạo lực vô pháp để chọn cho mình một sự im lặng để thỏa hiệp với tội ác? Các nạn nhân trước con tôi, các nạn nhân sau con tôi, ai sẽ mang lại công bằng cho các con? Hay các con sẽ bị đẩy vào trong bóng tối để một mình đối diện với vết thương khoét sâu vào tâm hồn và một cuộc đời mất hết niềm tin đang chờ đợi? Rồi hàng trăm cháu nhỏ hàng ngày chạy nhảy dưới sân chung cư sẽ chơi ở đâu hay phải nhốt trong phòng để làm bạn với Ipad, mất hết khả năng giao tiếp, tương tác với thế giới bên ngoài.

Tôi tha thiết đề nghị các cơ quan ban ngành, lãnh đạo các cấp hãy giúp tôi đọc hết lá đơn này. Hãy hành động để bảo vệ trẻ em, kỷ cương phép nước, thượng tôn pháp luật, giúp con tôi và các nạn nhân như cháu lấy lại danh dự và nhân phẩm của một con người, trừng trị kẻ dâm ác T. để răn đe những mầm mống đang manh nha làm suy đồi đạo đức xã hội…”

Những trăn trở, đau khổ của chị Trần Thị Thu Thủy đã không chỉ được đáp lại bằng sự vô cảm, mà có rất nhiều sự đồng cảm, ủng hộ của báo chí, các cơ quan, tổ chức, nhất là hàng triệu bậc cha mẹ. Trên mạng xã hội, cộng đồng gọi chị là “Người mẹ Vũng Tàu”, tôn vinh một người mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả để lấy lại danh dự và nhân phẩm cho con cũng như các nạn nhân khác, như là sự đồng lòng tuyên chiến với nạn xâm hại tình dục trẻ em đã và đang bùng phát tại Việt Nam nhưng chưa được xem trọng đúng mức.

Không thể để “chìm xuồng”!

Khi chị Trần Thị Thu Thủy làm đơn tố cáo, rất nhiều tờ báo (báo Phụ Nữ Việt Nam, Người Lao động, Bà Rịa – Vũng Tàu, Pháp luật Plus…) đã vào cuộc quyết liệt, tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận, yêu cầu sự việc phải mau chóng được làm sáng tỏ.

Về phía lãnh đạo TP. Vũng Tàu, ngày 13/7/2016, ông Mai Ngọc Thuận, Bí thư Thành ủy đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ vụ việc nghiêm trọng này. Công văn nêu rõ, Phòng LĐ-TB-XH cần phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và các ngành liên quan quan tâm và bảo hộ đến cháu T. Phòng VHTT, Văn phòng HĐND – UBND TP. Vũng Tàu phối hợp với Cơ quan điều tra Công an TP. Vũng Tàu khẩn trương cung cấp thông tin chính xác về vụ việc.

Sáng 25/7/2016, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với gia đình chị Trần Thị Thu Thủy. Đại diện Ban Nội chính tỉnh ủy ghi nhận các thông tin để có cuộc trao đổi làm việc với Viện kiểm sát tỉnh, Viện kiểm sát TP, Công an tỉnh, Công an TP. Vũng Tàu, đồng thời khẳng định việc “Bảo vệ quyền trẻ em là trên hết!”

Ngày 1/8/2016, Hãng luật GOLD KEY (nơi nhận bảo vệ quyền lợi cho bé T.N.T và chị Trần Thị Thu Thủy) đã chính thức gửi văn bản đến Ban nội chính Tỉnh ủy Vũng Tàu cùng các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, phân tích 7 dấu hiệu vi phạm của cơ quan điều tra khi xử lý vụ tố cáo ông lão 76 tuổi dâm ô cháu bé 6 tuổi, trong đó có các vi phạm rất nghiêm trọng như: Chưa tiếp xúc nhân chứng, chưa thực hiện biện pháp nghiệp vụ cho nạn nhân đối chứng với người bị tố cáo, tự ý làm biên bản hòa giải... nhưng đã vội vàng kết luận là không có cơ sở khởi tố vụ án. Cơ quan cảnh sát điều tra Vũng Tàu đã thực hiện việc đối chất giữa bé T.N.T và ông N.K.T. Bé T.N.T lần nữa kể lại các hành vi (dùng tay và dùng miệng tiếp xúc vào bộ phận sinh dục của cháu bé) và số lần cùng địa điểm bị ông N.K.T xâm hại.

Và ngày 5/8/2016, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có công văn gửi gửi các cơ quan công quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định đây là việc “cực kỳ nghiêm trọng”!

Một chi tiết đặc biệt nghiêm trọng là không chỉ một mình bé T.N.T có thể bị ông N.K.T xâm hại tình dục. Trước đó 2 năm, cũng là nhân chứng V.J cho biết đã nhìn thấy trực tiếp ông N.K.T có hành vi cho tay vào trong váy, vị trí bộ phận sinh dục của 1 bé gái 4 tuổi. Nhân chứng đã chụp được hình và ngay lập tức viết đơn tố cáo gửi Công an phường Nguyễn An Ninh. Tuy nhiên, đơn thư tố cáo của nhân chứng được cho rằng “bị thất lạc”, công an thông báo không tìm được bé gái… Vụ việc sau đó đã chìm vào im lặng. Nay, đã gần 2 tháng kể từ ngày chị Trần Thị Thu Thủy làm đơn kêu cứu, tố cáo kẻ xâm hại con mình. Nhưng, nói như một nhà báo của báo CAND, cái cách vào cuộc của những người được giao nhiệm vụ điều tra thực thi pháp luật lại có vẻ như chưa theo kịp sự nhẫn tâm ấy.

Chúng ta đã và đang nỗ lực xây dựng Việt Nam ngày một hiện đại, văn minh. Hãy tạm gác những thứ to tát, bởi tất cả nên và phải được bắt đầu bằng việc một đứa trẻ được lớn lên trong sự bảo vệ trước mọi nguy cơ của Nhà nước, của xã hội. Vậy, chúng ta có thể dửng dưng trước việc nỗi đau của con trẻ sẽ “di căn”, có nên cho tội ác một cơ hội để thỏa hiệp!?

Cứ 4 bé gái có 1 bé bị xâm hại tình dục trước 18 tuổi

Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành trẻ em (NSPCC) độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Đáng nói hơn, 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình.

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục liên tục gia tăng với mức độ ngày càng phức tạp. Nếu trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13 tuổi. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), trong 5 năm (2011-2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Các con số nhói lòng trên đã phần nào thể hiện việc gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm đúng mực tới vấn nạn này, đến việc dạy trẻ kỹ năng tự vệ để phòng tránh việc bị xâm hại tình dục.

Điều đau lòng là nhiều phụ huynh còn coi nhẹ việc này, đến khi con bị xâm hại tình dục nhiều lần, tổn thương vùng kín, sang chấn tâm lý, mang thai, tự tử… mới phát hiện. Hậu quả đối với trẻ rất nặng nề, không chỉ đau đớn về thể chất, mà còn mang nỗi ám ảnh, sợ hãi, tự ti đến khi lớn; thậm chí khi lập gia đình, sang chấn trở lại khiến đời sống hôn nhân không thể hạnh phúc.

Kiên Giang

DIỄN ĐÀN …………………………………………………………..

Kền kền biết nói tiếng người

Thưa các bạn, vụ cụ ông 76 tuổi bị tố xâm hại bé gái đang có những diễn biến không thể tưởng tượng nổi.

Mẹ của bé gái vừa cho biết nghi can bày tỏ mong muốn được bỏ qua mọi chuyện, mong chị ký vào... biên bản hòa giải.

Dù chưa nói thẳng, nhưng đâu đó có mùi tiền bạc.

Nhưng liệu một người mẹ có đồng ý “hòa giải” trên sự tổn thương của con mình? Liệu người mẹ nào đồng lõa với cái ác dù với giá nào?

Chị Thủy, mẹ của nạn nhân cho biết “sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi hành động dâm ô kia phải bị trừng trị”. Chị Thủy, thẳng thắn ghi vào tờ biên bản ma quỷ là không đồng ý với cách giải quyết của Công an phường và đề nghị truy xét đến cùng hành vi xâm hại trẻ em của nghi can T”.

Cảm ơn chị - Dư luận xã hội sẽ ở bên cạnh chị. Có người đã nói đúng “Tội ác này (nếu đúng là có hành vi dâm ô) còn hơn cả giết người. Nó giết chết tâm hồn, khi thân xác vẫn vất vưởng sống”. Bằng việc đấu tranh đến cùng với cái ác, cái xấu, chị đang không chỉ bảo vệ một đứa trẻ của mình.

Nhưng chưa hết đâu các bạn!

Khi chị Thủy muốn đưa vụ việc lên báo chí, đã có một kẻ tự xưng là báo chí đã ra giá để được phản ánh vụ việc trên khoảng 20 tờ báo với giá 300 triệu đồng.

Kền kền, hóa ra còn biết nói tiếng người cơ đấy!

Nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao Động)

Kẻ “kiếm ăn” trên nỗi đau trẻ nhỏ là giả mạo (!?)

Liên quan tới việc một kẻ tự xưng là báo chí đã ra giá để được phản ánh vụ việc trên khoảng 20 tờ báo với giá 300 triệu đồng, trao đổi với báo Người lao động, người này tự xưng là Hồng Quang Minh, hiện công tác tại Báo Đại Đoàn Kết và phủ nhận toàn bộ nội dung tin nhắn, cuộc gọi trao đổi với chị Thủy (người tố cáo hành vi xâm hại con gái mình – PV).

Trả lời báo chí, ông Hồng Thanh Quang- Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết- khẳng định: “Cơ quan tôi không có ai tên như vậy. Đây là người mạo danh”. Đại diện các tờ báo bị đối tượng này nhận “có thể đăng bài” cũng cùng phủ nhận không có phóng viên nào tên Hồng hay tên Hồng Quang Minh và có giọng nói như trong băng ghi âm ghi lại thông qua các cuộc gọi.

BÌNH LUẬN…………………………………………………

Những người có lương tri phải hổ thẹn

Từ 2011-2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân (5.300 vụ xâm hại tình dục, chiếm khoảng 65%). Bên cạnh đó, theo Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông tại Hà Nội bị xâm hại, quấy rối tình dục… Đó là những con số đau lòng, khiến những người có lương tri phải hổ thẹn.

Nguyên nhân:

  1. Gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, cũng như chưa đủ kiến thức, kỹ năng để cùng con bảo vệ an toàn khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực.
  2. Các vụ việc xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại được thương lượng dân sự.
  3. Định kiến với nạn nhân bị bạo lực khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo.
  4. Trẻ em, phụ nữ không được tiếp cận, cung cấp thông tin và kiến thức để tự bảo vệ mình;
  5. Hệ thống luật pháp còn một số kẽ hở, ví dụ như Luật Lao động có nói về quấy rối tình dục nhưng không có định danh thế nào là quấy rối tình dục. Luật Hình sự có tội danh dâm ô nhưng không thể xử lý các hành vi dâm ô vì thiếu các bằng chứng thực thể…

Kiến nghị:

  1. Thúc đẩy các thảo luận với Bộ Giáo dục về việc cần biên soạn chương trình giáo dục Bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc Tiểu học tới Trung học phổ thông với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình.
  2. Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em…
  3. Các cơ quan hành pháp, tư pháp từ cấp cơ sở cần đặt người bị hại làm trung tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương.
  4. Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ Luật Bình đẳng giới của các cơ quan truyền thông để đảm bảo các sản phẩm truyền thông không duy trì khuôn mẫu và định kiến giới. Báo chí cần giữ vai trò tiên phong trong phòng ngừa, cảnh báo vi phạm luật từ các vụ việc được phát hiện…
  5. Xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng trong Bộ Luật Lao động trong kỳ Quốc hội mới như quy định rõ về hành vi, tội danh.

Nguyễn Vân Anh

GĐ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên

(Trích thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân)

DƯ LUẬN……………………………………………………….

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:

Theo quan điểm của tôi, các cơ quan bảo vệ pháp luật TP. Vũng Tàu đã chậm trễ trong việc khởi tố vụ án, làm cho dư luận hết sức bức xúc. Theo quy định của pháp luật, các vụ phức tạp thì sau không quá 2 tháng phải ra quyết định là khởi tố hay không khởi tố. Sự việc xảy ngày 26/6, giờ chỉ còn vài ngày nữa là hết thời gian. Thêm nữa, dư luận đang rất quan tâm tới vụ việc này, các cơ quan bảo vệ pháp luật TP. Vũng Tàu cần mau chóng khởi tố vụ án, sau đó có thể khởi tố bị can căn cứ trên những dấu hiệu của tội phạm như lời khai của cháu bé, lời khai của người làm chứng… Theo tôi đến thời điểm này là các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chậm trễ. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức liên quan cũng cần sớm vào cuộc để bảo vệ, hỗ trợ mẹ con chị Thủy để đảm bảo về an toàn tính mạng (chị Thủy đã bị đe dọa), sức khỏe và tinh thần.

Nhà báo Trần Vương Thuấn, TKTS Thế giới Số:

Tôi kính trọng người mẹ kiên quyết làm rõ kẻ xâm hại con gái mình ấy, bất chấp khoét sâu tổn thương của chính cô. Kính trọng cả anh nhân chứng người ngoại quốc đòi công bằng cho các đứa trẻ. Vì người mẹ hay anh nhân chứng biết, các nạn nhân đã qua không phải kết thúc, cách chọn nạn nhân nhỏ tuổi, thể trạng yếu ớt, không thể chống cự, cho thấy motif xâm hại có tính bệnh hoạn cao và còn tái diễn. Trong sự chọn lựa, hãy đừng để sự xúc phạm, tội ác thành khuôn mẫu của đạo đức và tự do của một cá nhân lại trở thành thứ tội ác cần bài trừ.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM:

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây đã báo động về tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động và đặc biệt là tình trạng trẻ em bị LDTD trên toàn thế giới hiện nay. Theo một nghiên cứu của UNICEF, có từ 5 – 10% các em gái và có tới 5% em trai, đã bị LDTD khi các em ở lứa tuổi thiếu niên. Những nghiên cứu cho thấy nguy cơ sang chấn tâm lý của trẻ em là rất lớn sau khi bị những hành vi xâm hại tình dục. Chính vì thế, người lớn càng phải bình tĩnh đối mặt với vấn đề này để tập cho trẻ đối mặt và vượt qua... Vì vậy, thay vì né tránh, phụ huynh nên giúp con giải tỏa với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Qua trị liệu, trẻ sẽ chấp nhận thực tế rằng tai nạn quả thật đã xảy ra, nhưng đó không phải là ngày tận thế, và các em có thể vượt qua để sống tiếp. Trẻ sẽ biết rằng nhân phẩm của mình không vì thế mà trở nên nhơ bẩn.

Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch, Trưởng Cơ quan thường trực phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân số, Gia đình và trẻ em:

Đề nghị UBND, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Vũng Tàu quan tâm và có ý kiến chỉ đạo Cơ quan điều tra TP. Vũng Tàu xem xét và tích cực giải quyết vụ việc trên, không để lọt tội phạm làm ảnh hưởng niềm tin của người dân với cơ quan pháp luật. Đồng thời cũng đòi quyền lợi chính đáng cho bé T.N.T và các bé gái khác đã bị xâm hại. Chúng tôi đặt niềm tin vào sự công tâm và sáng suốt của luật pháp cũng như của các cơ quan công quyền. Kết quả giải quyết vụ việc như thế nào, kính đề nghị quý cơ quan vui lòng thông tin lại để chúng tôi cùng biết.

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn