Mạnh mẽ sau vấp ngã!

Thứ năm, 28/06/2018 10:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đó là niềm tin mà người dân đặt để khi Đảng bộ, chính quyền TP.HCM đang quyết liệt xử lý những vụ khiếu nại nổi cộm về đất đai, các sai phạm của cán bộ, Đảng viên… Cần phải biết rằng, nhiều “tồn tại” bắt đầu từ 5, 10, 15 năm về trước, là vật cản đối với sự phát triển của thành phố, làm nhân dân lung lay niềm tin. Cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng ấy đã và đang thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt và bài bản.

1. “Phát đại bác” đầu tiên nổ ra vào đầu tháng 6/2018, khi Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy vì những sai phạm trong việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ban thường vụ Thành ủy xác định các vi phạm của ông Tất Thành Cang là ra quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản, không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ thành phố và thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình. Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và giao UBKT Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan để báo cáo UBKT Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Cách đó gần 2 tháng, khi vụ việc tại Phước Kiển “nóng ran”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã giao UBKT Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong việc chuyển nhượng đất; làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan... Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác hủy hợp đồng; không đồng ý việc bán chỉ định.

Và tới nay, ngoài ông Tất Thành Cang bị đề xuất kỷ luật, nhiều lãnh đạo, cán bộ Công ty Tân Thuận đã bị xử lý trách nhiệm; UBKT Thành ủy cũng tiếp tục kiểm tra và có kết luận sai phạm của các cá nhân liên quan tại Văn phòng Thành ủy…

Báo Công luận
Nhiều người dân đến điểm tiếp xúc cử tri sớm để chờ gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Tự Trung 

2. Ngay khi những ồn ào ở Phước Kiển chưa lắng dịu, Thành ủy, UBND TP.HCM đã nhanh chóng hướng tới Quận 2, Quận 9, Quận 12…, với không ít những tồn tại nhức nhối.

Từ cuối tháng 5/2018, UBND TP.HCM đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn, nhận định dự án Thủ Thiêm (Quận 2) và Khu Công nghệ cao (Quận 9) là 2 trong 4 vụ nổi cộm cần xử lý.

Đối với dự án Khu công nghệ cao, UBND TP.HCM cho biết các khiếu nại liên quan tới việc công khai không đúng bản đồ quy hoạch; không lập phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại theo quy định; thu hồi thêm khoảng 334ha đất ngoài ranh giới quy hoạch… Và thực tế, Thanh tra Chính phủ vào tháng 9/2017 đã chỉ ra nhiều sai phạm: Thu hồi, giao đất không đúng thẩm quyền; không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư…, dẫn tới sự bức xúc gay gắt của người dân bị thu hồi đất.

Đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM cho biết đây là vụ việc phức tạp, kéo dài; nội dung khiếu nại chủ yếu là xác định ranh giới quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế…

Để giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, từ cuối tháng 12/2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm 16 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban và Tổ giúp việc do Phó chánh Thanh tra TP.HCM làm Tổ trưởng.

Và khi thành phố đã nắm bắt thực trạng, đã tính tới nhiều phương án xử lý, thì người dân đang mong mỏi rằng cuộc sống của họ sẽ sớm ổn định trở lại. Và cũng như câu chuyện Phước Kiển, sẽ không một cá nhân, tập thể nào cầm được kim bài miễn tội nếu liên quan tới việc thu hồi, cưỡng chế trái luật, gây hại cho nước, cho dân.

3. “Thành phố không gạt bà con”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã nói như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 chiều 20/6. Suốt buổi chiều ấy, ông đã lắng nghe, đã trao đổi bằng rất nhiều sự đồng cảm, chân thành và tha thiết.

Ông Nhân cho biết ông đã đi gặp 3 hộ dân ở khu tạm cư. Ông đã thăm gia đình bà Giác (78 tuổi), ông Lực (88 tuổi), nhà lụp xụp, tường mốc hết. Ông nói đó là những người trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh, cuối đời muốn có chỗ ở đàng hoàng bình yên và bày tỏ sự đau xót.

Ông kể việc đi thăm nhà bà Phạm Thị Vinh (61 tuổi) bị khuyết tật chân, thăm gia đình ông Hồng Minh Hả (69 tuổi) là thương binh 4/4, có mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha là liệt sĩ... Ông nói đi thăm khu tạm cư của bà con để xem có nên sống như vậy nữa không. Câu trả lời của ông là không và thiết tha xin bà con ủng hộ chủ trương của thành phố, vào ở các khu tái định cư trong lúc chờ thành phố giải quyết. “Tôi khẳng định việc này không phải bà con vào đó rồi xí xóa hết cho thành phố. Thành phố không gạt bà con, mà chỉ muốn cuộc sống ngắn hạn của bà con tốt hơn bây giờ”, ông tha thiết.

Về việc chưa xử lý dứt điểm vụ Thủ Thiêm, ông Nhân giải thích rằng thành phố muốn giải quyết dứt điểm những vụ việc bà con bức xúc, nhưng phải chờ cơ quan thanh tra. Về vấn đề trong và ngoài ranh giới, ông mong bà con chờ một chút, để 15/7 Thanh tra Chính phủ kết luận chính thức; khẳng định “nếu ở ngoài ranh giới thu hồi đất, thì không phải di dời” khiến người dân ấm lòng.

Diễn biến tại Phước Kiển, sự thẳng thắn, chân thành của Bí thư Nguyễn Thiện nhân đối với Thủ Thiêm, hay các cuộc tiếp xúc với người dân Quận 9… diễn ra trong bối cảnh Tổng Bí thư và các cơ quan Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đã thể hiện quyết tâm tiếp lửa, sự mạnh mẽ và bài bản của TP.HCM trong xử lý các vụ khiếu nại nổi cộm.

Người dân sẽ tin đó chỉ là những cú vấp. Và thành phố sẽ đứng lên mạnh mẽ sau những vấp váp ấy.

Kiên Giang             

 

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn