Ngăn rừng "chảy máu": Đừng chỉ hô hào!

Thứ năm, 20/09/2018 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tháng 6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên! Tháng 10/2017, Thủ tướng lệnh tiếp tục đóng cửa rừng, yêu cầu các địa phương siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xử nghiêm bất cứ ai vi phạm. Tới tháng 8/2018, những tuyên bố trên tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ. Ấy vậy mà từ Bắc chí Nam, rừng vẫn lần lượt bị xẻ thịt, đầy rẫy những ngọn đồi bị cạo trọc...

1. Ở Quảng Ninh mới đây, hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, cây nằm trơ gốc bởi dân phá bỏ để trồng cây nguyên liệu. Nơi đây, nhiều thôn có diện tích rừng bao phủ gần 100%. Nhưng khi Công ty Lâm nghiệp Đông Triều giao không chỉ rừng sản xuất mà cả rừng phòng hộ cho dân, hậu họa đã xảy ra.

Ở Bắc Kạn, trên địa bàn xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tình trạng phá rừng nghiêm trọng tới mức Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phải lên tiếng. Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, đã có hơn 10,909ha rừng thuộc trạng thái rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy bị phát, phá. Đáng buồn, có cả cán bộ, đảng viên, lãnh đạo UBND xã tham gia phá rừng.

Thậm chí, ngay tại Hà Nội, huyện Sóc Sơn cũng để hàng chục héc ta rừng phòng hộ bị thay thế bởi các dự án du lịch nghỉ dưỡng; các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất rừng được “chứng thực”. Khi báo chí lên tiếng, địa phương chỉ hồi đáp: Đã lập biên bản;… dù đã “đụng” vào rừng, khi rừng đã “đóng cửa”…

Càng về phía miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng phá rừng càng thêm tang thương. Đặc biệt, hành vi phá rừng được “lách” bằng những cách bất ngờ: Đơn xin phát dọn, tận thu cây gãy đổ…

Cuối tháng 8/2018, tại tiểu khu 701 thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), lâm tặc đã khiến những sườn núi, ngọn đồi còn trơ gốc cây. Về lý do, Công ty này đã xin phép khai thác tận thu cây gãy đổ. Nhưng thực tế, hầu hết số gỗ bị khai thác là cây đứng đường kính lớn, cây gãy đổ kích thước nhỏ bị bỏ qua.

Ở Đắk Nông, chuyện rừng cộng đồng bon Bu Koh quản lý bị chặt phá đã và đang trở thành một “điển hình” về mất rừng Tây Nguyên.

Theo đó, UBND huyện Tuy Đức đã giao 1198,7ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư bon Bu Koh quản lý, bảo vệ. Tới tháng 8/2017, Ban Quản lý rừng xin được cắt dọn và tận dụng củi trên diện tích rừng bị chết. Sau khi huyện Tuy Đức đồng ý cho cắt dọn, tận dụng củi thông,… hàng trăm cây thông sống bị cưa hạ, khai thác ra ngoài phạm vi dọn dẹp.

Báo Công luận
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk kiểm tra tang vật tịch thu là hàng trăm m3 gỗ - Ảnh: TNMT 

2. Khi lũ quét tràn vào các tỉnh miền núi phía Bắc tháng 6, tháng 7 vừa qua, gây biết bao thiệt hại về sinh mạng và tài sản, chúng ta đã ước: Phải chi Tây Bắc còn rừng!

Chúng ta đều biết, với diện tích hàng triệu héc ta, rừng Tây Bắc ngoài vai trò là “mái nhà” đảm bảo an toàn sinh thái cho 3,7 triệu héc ta nội vùng và cho cả vùng đồng bằng sông Hồng, còn có nhiệm vụ phòng hộ cho các nhà máy thủy điện: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà.

Thế nhưng những năm gần đây, rừng Tây Bắc lại bị tàn phá nghiêm trọng với những “điểm nóng phá rừng” nhức nhối đến mức Thủ tướng Chính Phủ phải có ý kiến chỉ đạo. Mất rừng, hồ chứa các nhà máy thủy điện về mùa khô cạn kiệt, mùa mưa xả lũ ngày càng căng thẳng. Mất rừng, lũ quét, lũ ống, lốc xoáy, sạt lở núi liên tiếp xảy ra với những hậu quả ngày một nặng nề hơn…

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có hàng nghìn héc ta rừng ở các tỉnh Tây Bắc bị xóa sổ. Chỉ riêng năm 2015, lực lượng chức năng các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Về thiệt hại, tính từ đầu mùa mưa lũ năm 2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Bắc đã có gần 100 người chết và mất tích, ước thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng. Riêng tại Yên Bái, thiệt hại do mưa lũ lên tới 700 tỷ đồng, gần bằng 1/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh (năm 2017).

Không chỉ Tây Bắc, nguy cơ còn hiện hữu đối với tất cả các địa phương. Như chia sẻ của bà Đặng Thanh Mai - Phó GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bốn khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét là vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. “Việc khai thác làm rừng nguyên sinh và phòng hộ bị tàn phá; khai thác khoáng sản, lấn chiếm lòng suối để xây dựng công trình, nhà cửa, đường giao thông làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét…”, bà Mai nói.

Hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai luôn hiện hữu nguyên nhân: Mất rừng.

Báo Công luận
Tỉnh Đắk Nông là một trong những điểm nóng về phá rừng và lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp nhất Tây Nguyên - Ảnh: TNMT.

3. Đóng cửa rừng, nói như ông Trần Mạnh Đương - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đăk Nông, đó là thông điệp cứng rắn, đầy quyết đoán của Chính phủ.

Nhưng suy cho cùng, việc phải đóng cửa rừng bắt nguồn từ tình trạng rừng bị suy giảm nghiêm trọng, và cũng do không quản lý, bảo vệ được rừng. Điều đó cũng cho thấy sự thất bại trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của nước ta nhiều thập kỷ qua.

Đầu tiên, là việc chuyển các lâm trường sang công ty lâm nghiệp theo Nghị định 200/2004 năm 2004. Mười năm sau, Nghị định 118/2014 về sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hoạt động của các công ty lâm nghiệp ra đời, thực chất chưa có sự thay đổi căn cơ về cơ chế quản lý, quản trị; về quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý rừng (doanh nghiệp đại diện sở hữu nhà nước; tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê rừng...). Nhiều chính sách như khoán theo Nghị định 135/2005; giao đất, giao rừng; liên doanh, liên kết,... có nhiều lỗ hổng, bất cập, kém hiệu quả và bị lạm dụng, thực hiện một cách méo mó.

Theo ông Đương, không một tổ chức, lực lượng nào có thể quản lý, bảo vệ được rừng nếu rừng không có chủ. Rừng chỉ có chủ và trở thành tài sản gìn giữ khi và chỉ khi là nguồn sinh kế và là cơ hội mang lại khá giả, thịnh vượng cho người quản lý, bảo vệ nó. Việc xây lô cốt bảo vệ cây sưa giữa lòng Hà Nội chính là bài học đầy thấm thía.

Có thể thấy, khi Nhà nước sở hữu rừng, sau đó giao khoán, đặt hàng quản lý, bảo vệ…, khiến nhiệm vụ trên thành “cha chung không ai khóc”. Do đó, việc xác định rõ ai, tổ chức nào sẽ là “người chơi chính” - chủ rừng đích thực là rất cần thiết, không thể chậm trễ.

Nhưng như đã nêu, khi con đường bảo vệ, phát triển và khai thác rừng bền vững còn ở phía trước, thì quyết định đóng cửa rừng là giải pháp tối cần thiết để “dưỡng rừng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa nhấn mạnh: “Thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta nhiều nơi phá nham nhở. Rừng sẽ thành sức mạnh kinh tế nếu biết tổ chức quản lý tốt!”

Ai cũng biết, rừng là vàng, và khai thác là một biện pháp lâm học để tái sinh rừng. Nhưng trước khi tính tới lợi ích, rừng cần phải được đóng cửa, cây rừng không phải “ứa máu” và những cá nhân, tổ chức tham gia phá rừng cần phải bị nghiêm trị đích đáng.

Và trên hết, là tấm tình đối với “Mẹ Rừng” của mỗi người trong chúng ta, những người đã, đang và luôn hằng ngày thụ hưởng những lợi ích từ việc có rừng và sẽ gánh chịu những hệ lụy khôn lường nếu rừng biến mất. Những cá nhân, các cấp, các ngành có trách nhiệm có lúc nào đó tự hỏi liệu họ có thực sự quyết liệt trước những kẻ phá rừng, hay mặc kệ, làm ngơ, thoái thác trách nhiệm?. Nói như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Rừng sẽ không bỏ đi, nếu chúng ta thực sự muốn giữ.

Có thế, quyết tâm bảo vệ, phát triển rừng bền vững của Chính phủ mới không là hô hào vô nghĩa.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn