Phải coi tham nhũng như lửa bén gót chân

Thứ năm, 09/11/2017 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phát biểu tại Quốc hội, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói: “Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta”. Giặc nội xâm mà ông Cò nhắc tới chính là tham nhũng.

Hàng năm, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đều công bố Chỉ số cảm nhận Tham nhũng (CPI) trên cơ sở khảo sát cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại 176 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, xếp hạng năm 2017 của Việt Nam là 113/176. Nghĩa là, “top 100” cũng không vào được.

Nhận xét về bảng xếp hạng tham nhũng của TI, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống Tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nói: đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số cảm nhận Tham nhũng “chỉ để tham khảo là chính” bởi kết quả đó không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam.

Vậy làm thế nào để có phản ánh một cách toàn diện? Thực tế bức tranh tham nhũng ở Việt Nam hiện đang như thế nào?

Hiện tại, có rất nhiều từ ngữ đã được đại chúng hóa sau các sự kiện của nhiều bộ ngành. Ngành giáo dục có “đổi tình lấy điểm”; ngành giao thông có “tiếp thị sữa”, có “bánh mì”; ngành y tế có thuật ngữ “phong bì”; ngành thanh tra nơi ông Đạt công tác, mỗi độ tết đến xuân về lại có cụm từ “không phát hiện trường hợp” nào biếu quà lãnh đạo… Còn nói về xử lý cán bộ, xử lý sai phạm thì ở đâu đâu cũng thấy “đúng quy trình”.

Không rõ, những người đứng đầu các bộ ngành này có thấy vấn đề nội tại của chính mình?

Vừa qua, ông Phạm Sỹ Quý bị cách chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái sau khi công bố kết luận thanh tra vụ “biệt phủ Yên Bái” đình đám (cái kết luận năm lần, bảy lượt hoãn công bố). Ông Quý được điều chuyển về làm Phó chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.

Báo Công luận
Nguồn: Internet 
Nhìn hình thức thì ai cũng thấy ông Quý bị giáng chức. Nhưng có phải như thế? Nghị quyết 18/NQ-TW - Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa được ban hành. Có người nói: Khi Nghị quyết 18 đi vào cuộc sống, ông Quý sẽ là phó thủ trưởng của một “siêu văn phòng” gồm văn phòng tỉnh ủy, văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh và văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh.

Xét một cách toàn diện thì như vậy có bị coi là “giáng chức”? Như vậy thì có được coi là xử lý triệt để, tận gốc vấn đề?

Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc chống tham nhũng từ năm 2009 nhưng sau bao năm qua chúng ta vẫn chỉ loay hoay hoàn thiện văn bản luật. Chính Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phải thừa nhận, chống tham nhũng “tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá”.

Trong khi các chế tài pháp luật chưa hoàn thiện, chặt chẽ, thì mức độ, cấp độ tham nhũng ngày càng tinh vi hơn, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khai thác khoáng sản, đầu tư công... Trong 10 năm qua, việc thu hồi số tiền tham nhũng mới chỉ đạt khoảng 8%. Vậy 92% còn lại ở đâu?

Trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cho thấy: năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập là hơn 1 triệu người nhưng chỉ xác minh... 78 người, trong số này phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

Từ các nguyên tắc của khoa học xác suất, thống kê, nói điều gì để nhân dân tin rằng 78 người này (dù là ngẫu nhiên) có thể đại diện cho hơn 1 triệu người kia? Cũng như cách các quan chức giải thích về khối tài sản của mình là nhờ “đóng giầy”, “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm”, “đóng gạch đến thối cả móng tay”... Những lý giải như thế này chỉ làm tăng bức xúc trong nhân dân, giảm lòng tin vào hệ thống chính trị.

Tình trạng tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi, khiến những người tử tế phải phẫn nộ. Phải coi tham nhũng như lửa bén đến gót chân mà xử lý nhanh chóng, dứt khoát, triệt để từ những trường hợp nhỏ nhất. Phải coi chống tham nhũng như “trận đánh cuối cùng”. Có như vậy mới củng cố được lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị và pháp quyền Nhà nước.

Tử Hưng

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn