THƯ GỬI CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI DỰ KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII: Quốc hội trước lãng phí quá lớn

Thứ bảy, 04/04/2015 00:08 AM - 0 Trả lời

THƯ GỬI CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI DỰ KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII: Quốc hội trước lãng phí quá lớn

Congluan.vn

Thưa quý vị đại biểu
Trong cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt khi đất nước đang trải qua nhiều khó khăn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu Đảng và Nhà nước ta coi triệt để tiết kiệm, chống lãng phí là một trong mấy nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Đã có đề nghị cần biến triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, thành những đòn bảy kinh tế có thể cân, đong, đo, đếm không nên chỉ hô hào kêu gọi rồi lại rơi vào quên lãng như vẫn xảy ra. Nhiều năm qua ta đã có Nghị quyết tiết kiệm chống lãng phí (1993), có Pháp lệnh (1997) rồi đến Luật tiết kiệm chống lãng phí (2006) nhưng lãng phí không giảm vì còn thiếu những hành động cụ thể, những mục tiêu chống lãng phí cụ thể để từng tháng từng năm có thể tính được đã tiết kiệm được bao nhiêu, đẩy lùi được lãng phí đến đâu, loại trừ được bao nhiêu lãng phí. Xin nêu lãng phí rất lớn dưới đây kéo dài đã nhiều năm rất cần được quy định thời gian phải loại trừ để tiết kiệm, chống lãng phí có nội dung thiết thực, nói và làm đi đôi, rất mong được quý vị quan tâm.
Năm 1995, Chính phủ đã giao cho một nhóm liên bộ điều tra, kê khai toàn bộ nhà đất của các Văn phòng 2 (cơ quan đại diện mỗi bộ ở TP. Hồ Chí Minh). Kết quả là một con số khổng lồ, diện tích lên đến 6,3 triệu m2, trong đó có 311 biệt thự, 1.244 nhà phố, 178 cao ốc và hầu hết các trụ sở đều ở vị trí đắc địa, giá thuê hoặc bán 1m2 rất cao, có nơi 50 triệu đồng 1m2 và còn cao hơn. Sau cuộc điều tra, Chính phủ chủ trương thu gọn các Văn phòng 2 và tập trung vào một nơi, số nhà đất thừa ra sẽ chuyển hết thành tài sản công giao cho bộ có chức năng quản lý, sử dụng có hiệu quả nhất. Rất tiếc chủ trương đúng đắn này không thực hiện được, nguyên nhân chủ yếu vẫn vì số người có chức, có quyền hưởng lợi không chịu trả lại nhà, đất công đang chiếm giữ. Hàng triệu m2 đất, nhà công thừa ra Nhà nước vẫn chưa quản lý được, lãng phí và tham nhũng không sao lường hết và chắc còn kéo dài.
Năm 2006, Cố vấn Võ Văn Kiệt có thư gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề cập vấn đề lãng phí nhà, đất công của các Văn phòng 2. Thư nêu xuất phát từ nguồn gốc sau ngày đất nước được giải phóng 30-4-1975, giao cho các bộ, ngành trong Chính phủ tiếp quản bộ, ngành tương đương của chế độ cũ để lại, sau đó chuyển thành cơ sở 2 (Văn phòng 2), phía Nam của các bộ, ngành. Việc này kéo dài từ thời bao cấp và sau đó vẫn còn tồn tại. Thường trực Chính phủ cũng đã thấy sự bất hợp lý và lãng phí trong sử dụng khối tài sản này nên đã bàn và thống nhất trong Chính phủ chủ trương giải thể các đại diện văn phòng 2, thu gọn tập trung lại một nơi, xây dựng cao ốc số 5 đường Lê Duẩn để đến năm 1998 đại diện các bộ, ngành có thể tập trung về đây. Sau đó có sự thay đổi vẫn giữ nguyên cơ sở 2 (Văn phòng 2) và cao ốc số 5 đường Lê Duẩn lúc đó đã xây xong phần khung nhà, phòng ốc về cơ bản đã giao cho Tổng Công ty dầu khí (hiện nay đang là cao ốc cho thuê). Thư đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng yêu cầu các Bộ báo cáo ngay những số liệu được cập nhật trong 10 năm kể từ khi chủ trương thu gọn và tập trung các Văn phòng 2 không thực hiện được, cũng như thực trạng hiện nay (2006) ra sao và cần có biện pháp thích đáng chấm dứt sự lãng phí kéo dài này. Đó là nỗi trăn trở cuối đời của Cố vấn Võ Văn Kiệt, trong thư ông viết:
“Chúng ta sẽ thấy sự lãng phí tới mức nào và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cần có biện pháp thích đáng gì phù hợp để chấm dứt sự lãng phí kéo dài này, tăng thêm nguồn thu cho ngân quỹ quốc gia. Được vậy dù có chậm cũng là tấm gương cho bên dưới, cho cả nước”.
Ông nói đến “tấm gương cho cả nước” vì ông hiểu sâu xa lãng phí nhà, đất công đâu chỉ có ở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra gần đây cho biết: riêng các cơ quan Trung ương ở Hà Nội tại 802 địa điểm nhà đất đã phát hiện 728.000m2 sử dụng sai mục đích. Người ta bán hoặc cho thuê đất công với giá tượng trưng, rẻ như bèo trong khi giá thị trường gấp 10 lần thậm chí gấp 50 lần, ngân sách thất thu rất lớn còn cán bộ tỷ tỷ phú đông thêm, đã mất tiền lại mất cán bộ, mất cả chì lẫn chài. Các tỉnh đều lãng phí đất công, Bến Tre, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hà Tây cũ... hàng chục triệu m2 đất công sử dụng sai mục đích. Trong tổng số gần 5 triệu hecta đất do các nông, lâm trường quản lý đã có trên 7.700 hecta bị “xà xẻo” cho thuê 54.000 hecta bị lấn chiếm.
Sau khi có thư của ông Võ Văn Kiệt, Bộ Tài chính tiếp tục thu hồi nhà, đất công bỏ hoang, sử dụng sai mục đích nhưng kết quả thu hồi nhà, đất công  còn chậm, càng chậm càng tổn thất lớn cho ngân sách nhà  đất công càng “bốc hơi”.  Chậm vì bên cạnh một số bộ, ngành làm tốt việc liệt kê và sắp xếp lại các nhà, đất công lãng phí còn những bộ ngành chây ì, níu kéo không muốn khai báo thành khẩn. Quá trình thuyết phục đấu tranh để ra được quyết định thu hồi nhà, đất công không hề đơn giản, nhiều trường hợp rất gian nan vì mỗi địa chỉ nhà đất công đều có những quyền lợi chằng chịt, nhất là khi quyền lợi ấy dính líu đến người có chức, có quyền.
Ngày 12-4-2009, Bộ Tài chính thu hồi 31 cơ sở nhà, đất bỏ lãng phí của Tổng công ty lương thực miền Nam, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục quản lý công sản cho biết qua sắp xếp, chuyển nhượng các mặt bằng nhà đất kể trên đã mang lại nguồn thu khoảng 15.000 tỷ đồng. Nếu nhà, đất công bỏ hoang, sử dụng sai mục đích của hàng trăm bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương cũng lần lượt được thu hồi, do Nhà nước sắp xếp, chuyển nhượng thì nguồn thu cho ngân sách sẽ là bao nhiêu ngàn tỷ đồng, trong khi nhiều năm qua Nhà nước chẳng thu được là bao. Một lần nữa Chính phủ lại quyết tâm thu hồi nhà, đất thừa ra riêng ở TP. Hồ Chí Minh quỹ đất hầu như chỉ còn rất ít trong khi yêu cầu xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhân dân rất cao, Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng những khu hành chính tập trung các cơ quan Trung ương trong đó có Văn phòng 2.

Thưa quý vị đại biểu
Tài sản nhân dân giao phó phần lớn đắt giá, nhà và đất thành phố dân gọi là đất vàng, đất bạc, đất kim cương, một số cơ quan có trách nhiệm đã không biết làm ra thêm của cải, lại còn mất dần mòn, của chung thành của riêng, nhân dân và Nhà nước chịu thiệt thòi, chỉ béo bở bọn tham nhũng. Tổn thất lớn này chẳng lẽ kéo dài mãi, 14 năm sau lại bắt buộc phải xây dựng khu hành chính tập trung như đã từng xây dựng rồi lại bỏ, lãng phí thực khủng khiếp thế nhưng nhiều cử tri lo lắng liệu lần này có còn một số bộ ngành cố tình dây dưa kéo dài vô thời hạn. Chống lãng phí không có chế tài, không có biện pháp nghiêm minh đối với những người cố tình gây ra lãng phí thì chống lãng phí mãi mãi chỉ là khẩu hiệu. Trước đây nếu bộ, ngành nào không chịu chấp hành lệnh thu hồi đất, nhà công thừa ra, lãnh đạo bộ, ngành đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm thì chắc chắn công tác thu hồi nhà, đất công thừa ra đã giải quyết xong từ lâu.
Đông đảo cử tri thiết tha đề nghị quý vị với quyền lực nhân dân giao phó, quan tâm nhiều hơn nữa đến nhà, đất công, vốn là mồ hôi công sức của dân, theo dõi và giám sát chặt chẽ quá trình thu hồi đất, nhà công thừa ra và cùng Chính phủ giải quyết dứt điểm một vụ lãng phí lớn nhất và cũng dài nhất, chưa rõ đến năm nào mới xong.
        Xin gửi quý vị lời chào trân trọng.
                                                                                                                
(Theo Thái Duy - Báo Đại Đoàn Kết)

Tin khác

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

(NB&CL) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Góc nhìn
“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

(NB&CL) Cách đây chừng 3,4 năm, khi bàn về câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam - mà theo nhiều chuyên gia ví von đó là công cuộc “lót ổ đón đại bàng”.

Góc nhìn
Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với  triển khai, thi hành pháp luật

Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với triển khai, thi hành pháp luật

(NB&CL) Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Góc nhìn