Thuế VAT: Đừng tăng thuế, nếu không muốn tăng người nghèo!

Thứ sáu, 06/07/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tăng VAT không ảnh hưởng đến người nghèo là một trong những tít báo phổ biến, tràn ngập truyền thông vào cuối tháng 8 năm ngoái, sau một phát ngôn của lãnh đạo Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại Hội thảo Công bố tác động của việc tăng thuế GTGT (VAT) ngày 27/6 cho thấy, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân số, đặc biệt các nhóm nghèo.

Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia đã khẳng định: Đừng tăng thuế nếu không muốn tăng người nghèo!

Người nghèo thêm nặng gánh

Theo các chuyên gia thuộc VEPR, tăng thuế luôn là vấn đề gây tranh cãi trong công luận ở mọi quốc gia. Không nằm ngoài quy luật ấy, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính Việt Nam năm 2017 cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

VAT đang là loại thuế đóng góp nhiều nhất vào tổng số thu thuế của Việt Nam. Năm 2006, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm trên 42% tổng số thu thuế, đến năm 2016, con số này chỉ còn 23%. Ngược lại, năm 2006, tỷ trọng của VAT trong tổng số thu thuế là 23%, đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,5 lần, ở mức 33%.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Việt Nam có tỷ trọng trong tổng số thu thuế khá khiêm tốn, khoảng 6%. Trong khi, mức trung bình của các nước ASEAN 5 là 11%, con số của các nước thu nhập thấp là 19% và các nước thu nhập cao là 28%. 

Với các loại thuế gián thu khác (thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), tỷ trọng của tổng số thu các loại thuế này trên tổng số thu thuế ở Việt Nam năm 2016 là 22%. Các loại thuế tài sản của Việt Nam có tỷ trọng rất khiêm tốn (gần 3% năm 2016). 

Bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm nghiên cứu đã tính toán mức độ ảnh hưởng đối với 2 phương án tăng thuế.

Báo Công luận
 

Với đề xuất của Bộ Tài chính, tăng thuế VAT thêm 1,2 lần (hàng hoá đang chịu mức thuế 5% lên 6%; thuế 10% tăng lên 12%). Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ chi tiêu bình quân sẽ giảm đi 0,89%, trong khi tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26% (tương ứng 240.000 người). Phương án mà nhóm nghiên cứu đưa ra: Áp dụng thuế suất chung 10%. Với phương án này sẽ làm giảm chi tiêu 0,32% và gia tăng hộ nghèo thêm 202.000 người (thấp hơn phương án 1). Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Theo TS. Nguyễn Việt Cường - Đại học Kinh tế Quốc dân, với phương án tăng thuế VAT từ 5% lên 6%, tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên. 

Còn với phương án chỉ tăng thuế VAT ở một số mặt hàng từ 5% lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn, chủ yếu ở nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng...

Theo ông Cường, hiện chi tiêu bình quân hiện nay của người dân vào khoảng 34,5 triệu đồng/người/năm, trung bình một tháng là gần 3 triệu đồng. Nếu áp dụng phương án 1, mức VAT tăng 1,2% thì chi tiêu thực tế hộ gia đình giảm đi tương ứng 0,89%, giá cả tăng lên. 

Trường hợp này khiến người dân phải giảm chi tiêu vì phải tiết kiệm để bù đắp hoàn toàn chi phí giá tăng lên. Nếu áp dụng tăng VAT những hàng hóa chịu thuế 5% lên 10%, các hộ chi tiêu nhiều về lương thực, thực phẩm thiết yếu ở mức 5% sẽ chịu ảnh hưởng, nó có thể chiếm 23% tổng chi tiêu, mức ảnh hưởng thấp hơn.

Nghiên cứu của VEPR cũng chỉ rõ, xét về tác động lên nghèo đói thì thuế VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo. Đối với các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động.

Các chuyên gia đồng tình, việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo. Sự tổn thương sẽ có mức độ khác nhau giữa các nhóm.

 Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Và về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… thì ảnh hưởng mạnh hơn từ việc tăng thuế VAT.

Báo Công luận
 Đừng tăng thuế nếu không muốn tăng người nghèo. (Ảnh minh họa)

Không nên tăng thuế VAT

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế đề nghị chưa tăng thuế VAT trong những năm tới. Lý do là, ông Bích Hồ thẳng thắn nhận định, việc đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà thôi. Mặt khác, thực tế sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp còn hạn chế, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khuyến cáo nên quản lý chặt thuế khoán. Bởi thuế khoán đối với hộ kinh doanh đang thất thu rất lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, việc tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm. 

Ông Thành cũng cho rằng: Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản, do tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. 

Do đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế.

Mới đây, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước, trả lời cử tri về Dự thảo sửa đổi về Luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến DN, người dân, các chuyên gia, các cơ quan giữ mức thuế phổ thông là 10%. 

Không nâng mức thuế giá trị gia tăng này cần tính toán nhằm đảm bảo công bằng, đặc biệt hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế, làm mất tính trung lập của thuế.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn