Tiếng chuông báo tử kỳ thi “2 trong 1”?

Thứ ba, 24/07/2018 09:43 AM - 0 Trả lời

(CLO) Có lẽ chưa khi nào câu chuyện mùa thi lại khiến cả xã hội hoang mang, “thịnh nộ” như kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Việc điểm số bị “phù phép” đến chóng mặt tại điểm thi tỉnh Hà Giang, Sơn La như tiếng chuông báo động về những hệ lụy khôn lường cho nền giáo dục nước nhà. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ thi “2 trong 1” đã thực sự hết sứ mệnh, nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương và việc xét tuyển ĐH, CĐ nên để các trường tự quyết.

Báo Công luận
Hàng loạt tiêu cực mang tính “hệ thống” bị phanh phui tại các địa phương phải chăng là tiếng chuông báo tử cho kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD- ĐT khởi xướng? Ảnh minh họa.

 

Hãy thử hình dung, nếu như sự việc ở Hà Giang, Sơn La không bị phát hiện đưa ra ánh sáng thì điều gì sẽ xảy ra? Sự gian dối, lọc lừa còn tiếp diễn đến khi nào khi niềm tin bị đánh cắp, sự bất công quá đáng với những thí sinh có thực lực. Thật nguy hiểm nếu như những con người không có tài không có đức “lọt qua” các cửa để giữ các vị trí quan trọng của xã hội?

Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức kỳ thi "2 trong 1" trong những năm tiếp theo. Nhưng điều cả xã hội mong muốn là trả lại sự trung thực cho ngành giáo dục và tính thiết thực, hiệu quả mà kỳ thi mang đến.

Thực tế cho thấy, nếu Bộ GD-ĐT vẫn cứ loay hoay với phương án đổi mới thi cử theo kiểu ăn đong, thiếu một lộ trình dài hơi, thì câu chuyện tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ không bao giờ hết rối, hết tiêu cực.

Sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại Hà Giang, Sơn La giống như giọt nước tràn ly, làm đảo lộn tất cả những giá trị tốt đẹp mà Bộ GD-ĐT đã dày công vun đắp trong 4 năm qua. 

Vụ việc nghiêm trọng tới mức, có người đã ví von, hàng loạt tiêu cực mang tính “hệ thống” bị phanh phui tại các địa phương phải chăng là tiếng chuông báo tử cho kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD- ĐT khởi xướng…

Kỳ thi “2 trong 1” đã hết sứ mệnh?

Không thể phủ nhận rằng, trong mấy năm qua, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến mang tính đột phá tích cực. Đặc biệt là việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học thành một kỳ thi chung duy nhất – kỳ thi THPT Quốc gia.

Đây là một sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục Việt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015. Là kỳ thi “2 trong 1”, thực hiện hai nhiệm vụ, tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí.

Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Sư phạm Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục ĐHQG Hà Nội, bước cải cách này quan trọng và cần thiết cho nền giáo dục tiên tiến tiếp cận với quốc tế đặc biệt là nền giáo dục Tây Âu và Mỹ, tuy nhiên, việc gộp 2 trong 1 với hình thức tổ chức thi tại các địa phương sẽ tạo ra tâm lí “sân nhà” nên dễ cho sự “chỉ huy” của những người có quyền tại mỗi tỉnh dẫn đến tình trạng tiêu cực khi có thể.

Với lợi thế đó thì con cháu họ phải vào đại học bằng được, nhất là những trường tốp cao. Có thể nhận thấy rằng, kỳ thi mang tính đột phá về ý tưởng là tốt nhưng chưa thực sự phù hợp với tư tưởng “học để làm quan” và tâm lí “phép vua thua lệ làng” của người Việt. 

... Đã đến lúc trả lại sự tự chủ cho các trường

Sau 4 năm triển khai hình thức thi với những sự khen chê, đặc biệt là sau lùm xùm của sự cố tiêu cực tại Hà Giang, Sơn La... đã dấy lên sự nghi ngờ trong dư luận về hiệu quả thật sự của một cuộc cải cách mạnh mẽ, hội nhập của Bộ Giáo dục.

Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đã phơi bày những "lỗ hổng chết" người trong thi cử hiện nay. Nhiều bất cập xảy ra khi tích hợp vừa thi tốt nghiệp vừa thi tuyển đại học. Rất nhiều phụ huynh đồng tình với đề xuất nên bỏ hẳn kì thi tốt nghiệp, cho rằng giờ là đúng thời điểm nên thực hiện. Cùng với đó, làn sóng “tẩy chay”, quay lưng với cách thức thi "rối như canh hẹ" này ngày càng nhiều, đồng thời có ý kiến thẳng thắn yêu cầu bỏ kỳ thi THPT, trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. 

Theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nên quy về một mối, dưới sự điều hành của Bộ GD-ĐT và sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh sẽ giảm thiểu tối đa những tiêu cực.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này PGS. TS Mai Văn Hưng nhận định, hình thức thi 2 trong 1 đã bộc lộ một số mặt hạn chế như chúng ta đã biết nhất là các lỗ hổng có thể làm thay đổi kết quả thi, nếu không có những biện pháp kĩ thuật lấp được “lỗ hổng” thì nên bỏ. Việc tổ chức thi tốt nghiệp trả về cho các tỉnh, điều này là hợp lí vì kì thi này không có tính chất cạnh tranh.

Bởi vậy, về lâu dài thì việc tuyển sinh do các trường tổ chức là cần thiết và mang tính bắt buộc, ấy là khi đầu vào đại học không còn là áp lực đối với học sinh, còn đầu ra là một sự chọn lọc sinh viên qua quá trình học tập.

Cũng theo PGS,TS Mai Văn Hưng, Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lí nhà nước về lâu dài thì không nên điều hành việc thi tuyển mà việc này nên để cho một cơ quan đánh giá độc lập, hoặc các trường đại học. Song trước khi chưa có cơ quan này Bộ GD- ĐT nên điều hành, nhưng điều quan trọng là cơ chế điều hành, quy chế tuyển sinh phải hạn chế được tối đa những tiêu cực của con người.

Có thể nhận thấy kỳ thi đại học 3 chung diễn ra trước năm 2015 được coi là khách quan do cơ chế thi và chấm thi hoàn toàn do các trường đại học (những người không quen biết thí sinh và địa phương) tiến hành dưới sự điều hành chung của Bộ GD-ĐT.

Khi đó có hàng triệu bài thi (nên không thể nhận ra để tiêu cực), nên dù ai có muốn thay đổi kết quả là hoàn toàn bất khả thi. Hình thức thi này có thể tốn kém ít nhiều nhưng cái quan trọng là đảm bảo sự trung thực và không phải làm lại như hiện nay, mà việc làm lại, sửa sai lại tốn kém hơn nhiều. 

Từ câu chuyện này, nhiều ý kiến đề xuất, giải pháp trước mắt cho kỳ thi THPT Quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, là chuyển khâu chấm thi cho ĐH, hoặc Bộ GD&ĐT trực tiếp làm. 

Về lâu dài, Bộ nên trả việc công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương và trả kỳ tuyển sinh cho các trường ĐH. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, nên xem xét bỏ kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1", bởi không nên ôm đồm kỳ thi "2 trong 1" ít hiệu quả, khi chỉ để tìm ra 2 - 3% học sinh rớt tốt nghiệp. 

Về tuyển sinh ĐH, nên giao hẳn để các trường tự chủ là giải pháp tốt nhất ngăn ngừa tiêu cực, họ sẽ chịu chất lượng đầu vào và cả đầu ra. Nếu xóa bỏ được kỳ thi "2 trong 1" như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục.

Đã đến lúc Bộ nên xem xét thay đổi phương án tổ chức kỳ thi THPT sao cho vừa giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội nhưng vẫn đảm bảo công bằng trong thi cử và đảm bảo các trường ĐH lựa chọn được người tài thực sự, lấy lại niềm tin của xã hội ở kỳ thi quan trọng này.

H.Lâm - Mai Nhung - Mai Hương (Thực hiện)

 

 

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, chuyên gia giáo dục, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội: Sai về tư duy và thực tiễn

Báo Công luận
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh:  giaoducnet.

Câu chuyện gian lận thi cử “chấn động” ở Hà Giang trong mùa tuyển sinh năm 2018 đã phơi bày thực trạng nhức nhối trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi của ngành giáo dục trong thời gian qua. Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rơi vào tình thế bế tắc, luẩn quẩn..
4 năm qua, kể từ khi Bộ Giáo dục áp dụng hình thức thi cử và xét tuyển mới, những áp lực, căng thẳng, tranh cãi vẫn liên tục diễn ra và ngày càng gây bức xúc cho dư luận.

Việc gộp hai mục tiêu trong một kỳ thi là sai về khoa học, sai về tư duy và thực tiễn, trong đó có trách nhiệm rất lớn của những người đứng đầu ngành giáo dục. Vốn dĩ mục tiêu và thước đo đặt ra với kỳ thi tốt nghiệp và đại học là hoàn toàn khác nhau.

Phổ thông là bậc học phổ cập, kiến thức chỉ cần đạt chuẩn, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp nhưng đại học là đào tạo chuyên sâu vào một nghề, tính cạnh tranh cao, số lượng trúng tuyển là hữu hạn. Và “một kỳ thi chung có thể là tai họa”, đó không còn là dự báo mà là thực tế nhức nhối đã xảy ra qua các mùa thi cử gần đây.

Có thể thấy, bức tranh giáo dục đã phác thảo những lát cắt thật rõ nét về cách thức tổ chức thi cử đầy luẩn quẩn ở Việt Nam trong 4 năm qua. Chính vì “sai từ gốc của vấn đề”, “sai tư duy logic”, “hy vọng vào kết quả tốt đẹp chỉ là sự lãng mạn viển vông”. 

Cơ chế tuyển sinh sai lầm, đặt hai mục tiêu trong một kỳ thi là phi khoa học, kéo theo nhiều hệ lụy, đề thi không chuẩn cho hai mục tiêu, học sinh “tập trung vào các môn để thi”, thời khóa biểu bị xáo trộn lớn, nền tảng kiến thức bị méo mó, thiếu hụt kiến thức cơ bản phổ thông để bước vào đời. 

Trước thực trạng nhức nhối của công tác thi và chấm thi ở kỳ thi THPT quốc gia hiện nay, có ba vấn đề cần phải làm ngay.

Thứ nhất, tách kỳ thi ra làm hai. Bậc phổ thông đưa về các trường ở địa phương, có thể giao cho Bộ, Sở tổ chức ra đề và chấm thi, nhằm giảm tốn kém và gánh nặng cho xã hội, đồng thời phù hợp với xu thế của nền giáo dục tiên tiến. Bậc đại học, về nguyên tắc phải giao trả lại cho các trường nhưng nó cần phải có lộ trình, tạm thời giữ hình thức thi ba chung.

Thứ hai, chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân, tiến hành phân luồng học sinh mạnh mẽ từ THCS. Nguồn nhân lực vẫn theo lối mòn “thầy nhiều hơn thợ” nghịch lý này đã được cảnh báo hàng chục năm qua. 

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT đến năm 2020 mới có khoảng được 30% học sinh sang học nghề sau THCS? Chúng ta không thể để 220.000 sinh viên tốt nghiệp ra không có việc làm, nhiều em cất bằng cử nhân để đi làm công nhân, rất lãng phí cho xã hội, một đất nước đang phát triển không thể thầy nhiều hơn thợ.

Thứ ba, chấn chỉnh lại bộ máy thi cử, cách thức chấm thi và ra đề, đồng thời xem lại hệ thống tổ chức cán bộ, nhân sự, đặc biệt cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân.Thi cử từ xưa đến nay được coi là phép nước, chúng ta phải xem xét hết sức cẩn trọng. Tất cả thành công hay thất bại của một chính sách hay một chủ trương, suy cho cùng đều liên quan đến con người và tổ chức. 


 

Tags:

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn