Từ mũi thuốc độc tới cỗ quan tài, răn đe hay ngồn ngộn căn nguyên cái ác?

Thứ sáu, 17/11/2017 21:44 PM - 0 Trả lời

(CLO) Không con người văn minh nào cho phép mình dung dưỡng cái ác, và cũng không ai được phép ngăn cản mầm thiện, sự phục thiện. Nhiệm vụ của báo chí, là truyền tải những thông điệp sống đẹp đẽ, rồi là đi tới tận cùng sự thật... Nhưng sự kiện tử hình người có tội, điểm tận cùng của sự thật ấy liệu có phải chỉ là cỗ quan tài, là huyệt mộ một phận người?

Ở vụ án mạng rúng động Bình Phước, khi sự thật đã phơi bày, luật pháp đã nghiêm minh, thì bất ngờ xuất hiện hàng loạt những hình ảnh, video đầy rẫy máu và nước mắt, dưới đó là oán thù tầng tầng lớp lớp, những con chữ  oán thù… Chúng ta răn đe cái ác, hay là tạo cơ hội cho triệu triệu cái ác mới phủ bóng lên một cái ác, đã quá khứ?

1. Ngày 17/11, tại nghị trường Quốc hội, khi mà Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đứng trước các đại biểu, trước nhân dân để nói về tình trạng thông tin xấu độc, kích động, xuyên tạc sự thật... ngày càng tràn lan trên mạng xã hội, thì trên mạng xã hội cùng thời điểm, các thông tin, hình ảnh về thuốc độc, di ảnh, cỗ quan tài, trao xác, nhận xác…, và nhất là nước mắt thân nhân tử tù – những người lẽ ra và thực sự không hề có tội, không đáng phải chịu đau khổ, ám ảnh, lại tràn ngập, như một minh chứng không thể chối cãi (?)

Những hình ảnh, video, thông tin tường thuật kiểu từ nhà xác tới cỗ quan tài, những gương mặt vô hồn cạn khô nước mắt ấy, chắc chắn là đúng sự thật, không xuyên tạc, nhưng không thể nói là không kích động, không hoàn toàn không "xấu, độc"... Và khi chưa thể đo lường công dụng răn đe, cảnh cáo tội ác cao rộng nhường nào, nhưng khi trong và dưới các bài viết, dòng tin, đầy rẫy những dòng bình luận, là ngồn ngộn sự oán thù, sự nợ máu trả bằng máu… thì không khó để mô tả cảm xúc của người đọc: Sợ; Rùng mình; hay chí ít cũng "thấy có gì đó nghèn nghẹn, xót xa...".

Rồi sau đó, những "tận cùng sự thật” ấy nếu trở thành “Tiêu điểm”, “Hot”, hay “Quan tâm nhiều”… trên mặt báo, trang tin, mạng xã hội, nó dễ dàng và nghiễm nhiên vượt qua, khỏa lấp các sự kiện, vấn đề liên quan tới sự vượng suy của đất nước, của dân tộc đang được Quốc hội bàn thảo, chất vấn, hiến kế…, dễ làm xao lãng quá trình theo dõi, suy nghĩ, phản biện của hàng vạn, hàng triệu người dân có lương tâm, trách nhiệm (!?)

2. Nói về những dòng chữ, video các trang báo đào sâu, tường thuật tới từng chi tiết quá trình “trả giá” của tử tù, ngoài những bình luận yêu cầu phải “giết luôn đồng phạm Tiến”, đòi “xử bắn” chứ không nên tiêm thuốc, rồi khen “thuốc tốt”..., là những lời chia sẻ đầy nhân văn, có thể lay động tất cả những ai liên quan: “Cái ác không bao giờ bị triệt tiêu hoàn toàn trên trái đất này, cho dù bạn có xử tùng xẻo hay tứ mã phanh thây... Lòng nhân đạo mới cảm hóa được con người, lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Một xã hội nhân văn, một nền giáo dục liêm chính, luôn hướng thiện cho con em ngay từ nhỏ mới mong giảm thiểu tội ác…”

Lời chia sẻ của vị độc giả tên T.G liệu đã đủ để khép lại vụ án mạng, đủ để trả lời cho quyết tâm đi tới tận cùng sự thật của báo chí, truyền thông, mạng xã hội?

Nếu vẫn chưa, chúng ta hãy thử nhìn vào một thực tại "gần gũi" hơn, đầy rẫy hơn, là những vụ đánh chết, đốt xác kẻ trộm chó. 

Có người trong chúng ta biện minh rằng, phải đặt mình vào vị trí của người mất chó mới thấu hiểu và thông cảm được (cho hành vi giết chết đồng loại). Đành rằng, vật nuôi đôi khi như người thân, bè bạn, thậm chí có thể tới gần hơn với vai trò con cái của chủ nhân. Nhưng có ai từng nghĩ về căn nguyên của hành vi trộm chó. Có phải ma túy, đói nghèo, tham ô, bất công xã hội… - những tệ nạn, cái xấu mà xã hội văn minh, từ đảo quốc Singapore tới Nhật Bản, châu Âu, qua nước Mỹ… đều đang kiên quyết đấu tranh, hợp sức để loại bỏ?

Loại bỏ nguồn cơn dẫn tới hành vi tàn ác, phải là sự tri thức, sự phát triển của giáo dục, thể chất, chất lượng sống… con người, không phải bằng những xác chết cháy, những đám đông cuồng nộ... với đầy đủ sự hoang dã (?)

3. Trở về những hình ảnh, video tường thuật cái chết của tử tù tên Dương tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội.

Một nhà báo ví von rằng, báo chí, trang mạng cung cấp những món ăn tinh thần của người đọc. Trên bàn ăn ấy, có cơm cung cấp tinh bột cho năng lượng, thịt gà có nhiều protein tốt cho sức khỏe, rau xanh cung cấp chất xơ… Và cũng nên có một vài hạt tiêu xanh, trái ớt cho thêm hương vị đậm đà. Nhưng, một mâm cơm nếu ngập ngụa tiêu, ớt, nó quay trở lại tàn phá sức khỏe, bao tử, trái tim và não bộ con người.

Chúng ta có đang bất chấp để chạy theo views, hay đang muốn tương tác thật nhiều hơn nhiều hơn nữa với người đọc trong và ngoài nước? Nhưng có bao giờ ta tự hỏi, những vạn vạn lượt like share, triệu triệu “lượt xem trang” nếu đa phần là thù hận, khát máu..., sẽ là gì nếu đặt cạnh vài dòng bình luận từ tâm và bao dung của một vài người đọc, trong trường hợp này?

Chúng ta có thể là người quay clip tiêm thuốc độc đầu tiên, là những người tới nhà xác đầu tiên, mang máy quay và micro đi phỏng vấn cha mẹ tử tù đầu tiên... 

Nhưng, báo chí, cơ quan thông tin truyền thông có nên là những người đầu tiên mong muốn cái ác phải đền tội, hay vô tình làm cầu nối để những cái ác vùi dập một cái ác đã cũ xuống tận cùng huyệt mộ?

An Nhiên

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn