Hà Tĩnh: Loay hoay vẫn chưa tìm được lối ra cho BQL các bến xe khách

Thứ năm, 05/07/2018 21:03 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mặc dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, các bến xe khách tuyến huyện ở Hà Tĩnh lâm vào thảm cảnh đìu hiu, chợ chiều, hoạt động cầm chừng… gây lãng phí lớn. Các cấp chính quyền vẫn đang loay hoay tìm phương án tối ưu để phát huy hiệu quả những bến xe khách tiền tỷ này.

Nhiều bến xe tuyến huyện đang “chết yểu”

Có mặt tại bến xe thị xã Hồng Lĩnh, tận mắt chứng kiến mới thấy được tình trạng “sống dở, chết dở” của công trình này. Được xây dựng năm 2010 trên khu đất rộng 15.000 m2, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 6 tỷ đồng, bao gồm hệ thống sân bãi rộng, phòng vé, khu vực nhà chờ khang trang, đây được kỳ vọng là cửa ngõ đón khách phía Bắc của tỉnh với hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày.

Tuy vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, bến xe Hồng Lĩnh luôn trong cảnh vắng khách. Một số hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm, không tương xứng với quy mô của bến xe loại 1.

Ông Nguyễn Xuân Tứ, Quản lý bến xe khách Hồng Lĩnh cho biết, hiện nay các xe khách trên địa bàn Hà Tĩnh đều có nhiều điểm bán vé riêng, khách khi đón xe cũng chỉ chờ ở điểm bán vé chứ không vào bến mua vé, các phương tiện đón và trả khách dọc đường. Ngoài ra, sau khi Hà Tĩnh có các tuyến xe but ra đời, lượng xe chạy tuyến cố định và liên tỉnh liền kề như Vinh – Hà Tĩnh hầu hết ngừng hoạt động, dẫn đến lượng xe ra vào các bến giảm rõ rệt. Điều đó khiến hoạt động của các bến xe gặp nhiều khó khăn hơn.

Báo Công luận

Bến xe Hồng Lĩnh trong tình trạng “sống dở, chết dở”, không tương xứng với quy mô của bến xe loại 1 

Tương tự như bến xe Hồng Lĩnh, bến xe huyện Cẩm Xuyên được đầu tư xây dựng năm 2014 với diện tích 5.000m2, có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Sau một thời gian triển khai thi công, đến năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương giải thể Ban Quản lý Bến xe Hà Tĩnh (Chủ đầu tư dự án). Vì vậy, dự án xây dựng bến xe huyện Cẩm Xuyên cũng bị tạm dừng từ năm 2015.

Qua tìm hiểu, khi có quyết định dừng thi công, các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành khối lượng các hạng mục hạ tầng đầu tư trong giai đoạn 1, với tổng số tiền giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Chỉ cần hoàn thành thủ tục đấu nối với Quốc lộ 1A, công trình này có thể đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Nhưng do chưa xây dựng được phương án chuyển đổi, kết nối với nhà đầu tư mới nên từ năm 2015 đến nay, các hạng mục công trình của dự án bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói: "Với số tiền đầu tư lớn, công trình lại được xây dựng tại trung tâm đô thị Cẩm Xuyên, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tỉnh Hà Tĩnh có phương án xử lý phù hợp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn".

Số liệu từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Tĩnh cho thấy, theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn Hà Tĩnh có 18 bến xe các loại. Hiện nay đã có 10 bến xe được đầu tư xây dựng nhưng mới chỉ có 8 bến hoạt động. Giai đoạn 2011 – 2017, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng 4 bến xe đúng vị trí, bảo đảm diện tích quy hoạch với tổng mức đầu tư gần 92 tỷ đồng. Mặc dù đã được xây dựng với số tiền đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả hoạt động tại các bến xe còn thấp.

Loay hoay tìm phương án

Năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương thực hiện “xã hội hóa” công tác đầu tư, quản lý tại các bến xe nhằm duy trì hoạt động của các bến xe trên địa bàn. Tuy vậy, lộ trình chuyển đổi đó đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, năm 2015, sau khi có thông báo của UBND tỉnh về chuyển đổi mô hình quản lý và chuẩn bị đưa bến xe Hà Tĩnh mới vào khai thác, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thủ tục chuyển giao nhiệm vụ và một phần lao động của bến xe thành phố Hà Tĩnh về làm việc tại Công ty Cổ phần Bến xe Hà Tĩnh. Đối với các bến xe còn lại, trên cơ sở ý kiến của các ngành liên quan, Sở GTVT đã đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho cổ phần hóa Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh, có sự tham gia của Công ty Cổ phần Bến xe Hà Tĩnh với vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, phương án này không thành công do Công ty Cổ phần Bến xe Hà Tĩnh không đồng ý.

Khi phương án sáp nhập 2 đơn vị: Công ty Cổ phần Bến xe Hà Tĩnh và Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh không thành thì mọi hoạt động điều hành, quản lý tại 8 bến xe khách trước đây được phân chia lại.

Theo đó, Bến xe Hà Tĩnh sau khi được đầu tư mới đã chuyển giao cho Công ty Cổ phần Bến xe Hà Tĩnh quản lý, vận hành; các bến xe còn lại được giao cho Ban Quản lý bến xe khách Hà Tĩnh điều hành, quản lý.

Ông Lê Dũng Tiến, Trưởng Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh cho biết, trước đây, tất cả các bến xe trên địa bàn đều do Ban quản lý bến xe khách Hà Tĩnh điều hành, quản lý, trong đó doanh thu từ bến xe thành phố Hà Tĩnh chiếm 70% nguồn thu của đơn vị. Nay bến xe thành phố Hà Tĩnh đổi tên thành Bến xe Hà Tĩnh được xây mới, chuyển giao cho đơn vị khác quản lý, vận hành. Vì vậy, nguồn thu từ các bến xe còn lại chỉ bằng 28% so với trước đây, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn kinh phí để duy trì hoạt động và không có khả năng tái đầu tư.

Năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt phương án giải thể Ban quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh. Đồng thời, giao cho các đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê tài sản, thực hiện bán đấu giá 7 bến xe khách do Ban quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh quản lý.

Báo Công luận

Bến xe Cẩm Xuyên được đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng tại trung tâm đô thị huyện Cẩm Xuyên bị bỏ hoang từ năm 2015 đến nay 

Theo một lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh (xin giấu tên), việc ra quyết định giải thể Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh trong khi đơn vị liên tục hoàn thành nhiệm vụ, tự chủ được toàn bộ kinh phí hoạt động là không phù hợp với quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, Sở GTVT Hà Tĩnh đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh cho kiện toàn lại Ban quản lý bến xe và tiếp tục thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang loại hình Công ty Cổ phần nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, vận hành loại hình kinh doanh đặc thù này.

Ông Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế ngân sách (Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, quá trình xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý tại Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Việc triển khai quyết định phê duyệt phương án chậm và có nhiều vướng mắc, chưa lường hết những khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho người lao động.

Khi tỉnh Hà Tĩnh chưa có phương án giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của Ban quản lý Bến xe Hà Tĩnh thì nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi, liệu những bến xe khách tiền tỷ gây lãng phí trên địa bàn còn tồn tại đến bao giờ?

Trần Phong

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương