Lào Cai: Hướng tới vị thế tỉnh “đầu tàu” khu vực Tây Bắc

Thứ sáu, 15/06/2018 19:41 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khí thế phát triển đang ngập tràn trên mảnh đất địa đầu vùng Tây Bắc, hừng hực trong mỗi con người Lào Cai. 27 năm sau ngày tái lập, giàu có về tiềm năng, dồi dào thế và lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai đang tự tin đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cùng chung sức nỗ lực hướng tới vị thế tỉnh “đầu tàu” vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Khi quá khứ gian khó trở thành động lực phát triển

Khó có thể nói hết những khó khăn của Lào Cai những ngày đầu mới tái lập (ngày 1/10/1991, từ việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái): 87% số xã, phường, thị trấn không có điện; thu ngân sách trên địa bàn cả năm mới đạt 19 tỷ đồng; còn 17 vạn người trong độ tuổi mù chữ, 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, 36 xã chưa có trạm y tế; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 680 nghìn đồng/năm, 54% số hộ thuộc diện đói nghèo... Thu ngân sách luôn không bù nổi chi, Lào Cai luôn có tên trong danh sách những tỉnh khó khăn nhất cả nước.

Nhưng với những con người Lào Cai giàu nghị lực và ý chí, khó khăn, gian khổ không hề là lực cản mà còn là động lực thôi thúc họ phải nỗ lực tìm mọi cách để thoát khó, thoát nghèo, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Một cây làm chẳng nên non - Đảng bộ và chính quyền Lào Cai đã sớm nhận ra rất rõ điều này, xác định việc cần phải làm ngay và làm đầu tiên là tạo sự đoàn kết, thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Bên cạnh đó, biết rõ “sức mình có hạn”, Lào Cai đã sớm biết sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của Trung ương, sự ủng hộ của các tỉnh bạn; biết thu hút, trân trọng các doanh nghiệp; chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại, hợp tác của các thành phần kinh tế, tạo nguồn lực to lớn cho sự phát triển. Đơn cử như việc, trong khi nhiều địa phương khác còn dè dặt trước khái niệm “kinh tế tư nhân”, là một tỉnh “vùng sâu, vùng xa” nhưng Lào Cai đã “sớm đi trước một bước” khi đặc biệt quan tâm việc phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, thông thoáng nhất cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…

Một “bí quyết” rất đáng để nhiều địa phương khác học tập nữa là việc Lào Cai đã biết chủ động vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, xác định đúng chiến lược phát triển, lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp, chọn những lĩnh vực, những khâu đột phá để tập trung mọi nguồn lực thực hiện. Đơn cử như với thế mạnh cửa khẩu và danh lam thắng cảnh, Lào Cai đã nhanh chóng xác định tập trung phát triển hai mảng dịch vụ thương mại và du lịch để phát huy thế mạnh của Khu kinh tế cửa khẩu và hàng loạt danh lam thắng cảnh tại Lào Cai.

Báo Công luận
  Một góc Lào Cai 

 

Những thành công đáng ghi nhận

Thành công đã mỉm cười với những người biết nỗ lực. Với hướng đi đúng và nỗ lực đổi mới, phát triển không ngừng nghỉ, sau 27 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, từ một Lào Cai “khó khăn quanh năm” đến nay đã trở thành một Lào Cai đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước. Bình quân trong hơn ¼ thế kỷ, tốc độ tăng trưởng GRDP Lào Cai đạt 11,4%. Năm 1991 GRDP/người của tỉnh mới đạt 0,5 triệu đồng, bằng 71,4% so với bình quân chung của vùng và 45,5% so bình quân cả nước thì đến năm 2017 đạt 52,1 triệu đồng (gấp 103 lần so năm 1991), cao thứ hai trong số các tỉnh trong vùng (sau Thái Nguyên) và bằng 95,7% so với mức bình quân cả nước.

Xây dựng phát triển nhanh, bộ mặt từ đô thị đến nông thôn có nhiều đổi mới. Nông thôn Lào Cai có bước phát triển với 100% xã có đường ô tô và điện lưới đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường giao thông liên thôn. Thành phố Lào Cai từ đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh biên giới nay đã khang trang, từng bước hiện đại, là đô thị loại II từ năm 2014. Hiện nay tỉnh Lào Cai đã hình thành 09 đô thị, 34 trung tâm cụm xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư và liên tục cải thiện qua các năm, đặc biệt là kết cấu hạ tầng cho phát triển vùng cao, vùng nông thôn và phát triển vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, hoàn thành đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường cao tốc dài nhất cả nước, cải tạo nâng cấp QL4D, 4E thực hiện nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai, khởi động dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa; triển khai quy hoạch chi tiết Sân bay Lào Cai. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; tăng cường đầu tư hạ tầng thiết yếu đô thị huyện Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương tạo nên hệ thống đô thị miền núi…

Báo Công luận
 Lễ Kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai.

Kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế động lực có bước phát triển vượt bậc của Lào Cai. Tốc độ tăng trưởng bình quân của dịch vụ đạt 15,4%/năm. Du lịch phát triển nhanh, khẳng định là vị trí trung tâm của vùng; nổi bật với các khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Du lịch phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho nhân dân. Hiện nay, du lịch đã trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2017, Lào Cai đã đón 3,503 triệu lượt khách du lịch, gấp 18 lần năm 2000 và gấp 175 lần so với năm 1991.

Cải cách hành chính được Lào Cai đặc biệt quan tâm chỉ đạo hướng tới phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng trong top đầu so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lào Cai là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI).

Từ một tỉnh có phong trào giáo dục yếu kém, Lào Cai đã vươn lên đứng trong tốp đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Sau hơn ¼ thế kỷ tái lập, Lào Cai thành lập được 14 bệnh viện, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 500 giường bệnh (hoạt động công suất 700 giường bệnh) với cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, đồng bộ.

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Những thành tựu phát triển vượt bậc 27 năm qua vừa là niềm tự hào vừa là nguồn động lực, bước tạo đà vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lào Cai thêm tự tin hướng tới những đích đến cao hơn, xa hơn. Tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Lào Cai (12/7/1907 - 12/7/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu rõ, tỉnh Lào Cai có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có lợi thế là trung tâm kinh tế, giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là cửa ngõ quan trọng trong huyết mạch giao thông đường bộ, đường thủy trên Sông Hồng và đường sắt, cửa khẩu quốc tế Lào Cai có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đặc biệt, “Lào Cai có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn, tiềm năng cho phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến; có bề dày lịch sử, giàu truyền thống cách mạng, mang đậm bản sắc dân tộc, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh. 

Báo Công luận
 Một góc đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai ngày 12/4/2017 cũng nhấn mạnh để xây dựng Lào Cai đến năm 2020 là tỉnh giàu mạnh, trung tâm phát triển của vùng Tây Bắc, tỉnh khá của cả nước, Lào Cai phải khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, đoàn kết,  đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Thủ tướng gợi mở, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Lào Cai cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; trong đó, đa dạng hóa các sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Phấn đấu năm 2017 tỉnh thu hút được 3 triệu du khách và đến năm 2020 thu hút được 5 - 6 triệu du khách và cơ cấu du lịch trong GRDP phải đạt 30%.

Chỉ đạo, gợi mở của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đồng nhất với quan điểm phát triển của Đảng bộ và chính quyền Lào Cai, phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của miền Bắc, đến năm 2035, là tỉnh phát triển khá của cả nước. Để biến mục tiêu ấy trở thành hiện thực, Lào Cai đề ra cho mình nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó trọng tâm là phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Điểm nhấn là phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai mở rộng gắn liền với phát triển thành phố Lào Cai là đô thị loại I trước năm 2025 (dự kiến năm 2020); hình thành khu cửa khẩu quốc tế “hạt nhân” để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc; Xây dựng Lào Cai trở thành trọng điểm du lịch của vùng và quốc gia, khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2025 vươn tầm trở thành khu du lịch có tầm cỡ quốc tế.

Triển vọng và thách thức đang ở phía trước, những điều kiện để Lào Cai tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đang rộng mở, như chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai: Với tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Lào Cai phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực miền núi phía Bắc, là địa bàn quan trọng về hợp tác, giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước.

Lào Cai nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh biên giới, luôn giữ vị trí trọng yếu trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay từ buổi bình minh dựng nước, Lào Cai đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng ở vùng thượng lưu sông Hồng. Vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Ngày 30/3/1886, thực dân Pháp đưa quân lên đánh phá, bình định Lào Cai. Sau khi chiếm đóng Lào Cai, chúng áp đặt chế độ quân sự đặc biệt “Đạo Quan binh”. Để khai thác nguồn tài nguyên địa phương và giành ảnh hưởng với vùng Vân Nam (Trung Quốc), ngày 12/7/1907, chính quyền thực dân thành lập tỉnh Lào Cai. Từ năm 1976 - 1991 Lào Cai sáp nhập trong “mái nhà chung” Hoàng Liên Sơn, đến tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập. 

 

Việt Cường - Đức Toàn

 

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương