Nước mắt người thợ săn… cào cào

Thứ năm, 19/04/2018 16:50 PM - 0 Trả lời

(CLO) Từ Tây Ninh nắng nung người, nhóm thợ săn với chiếc lồng lớn sau xe lũ lượt theo TL6 sang huyện Củ Chi (TP.HCM), tìm đến các đồng cỏ xanh mướt để săn... cào cào. Cào cào được xem là con vật gây hại mùa màng, thế nhưng ở Củ Chi không phải ai cũng được phép làm điều đó.

Sống ở nông thôn nhưng không có đủ ruộng đất để canh tác thì đây chính là nghề được nhiều gia đình chọn làm kế sinh nhai. Và từ mấy chục năm qua, con cào cào chính là "lộc trời" đã giúp dân nghèo nuôi sống gia đình, con cái được đến trường.

Đứng trưa, Tây Ninh nắng cháy da người, người thợ săn phải vượt hơn 30 km sang huyện Củ Chi, vợt hết đồng cỏ này sang đồng cỏ khác và trở về nhà lúc 8 -9g đêm với thùng cào cào một, hai ký. Tiếp đó, cả nhà phải xúm nhau chong đèn chọn lựa cho vào từng bịch nhỏ. Công đoạn cuối cùng này có thể kéo dài đến 1 - 2g sáng hôm sau. Trung bình mỗi ngày một thợ săn có thể kiếm khoảng từ 300 - 500 ngàn đồng, sau khi trừ mọi chi phí thì số tiền kiếm hằng tháng cũng tạm ổn hơn so với làm phụ hồ hay chặt mía thuê...

Báo Công luận
Bắt cào cào trên những cánh đồng  

Đong đưa trên chiếc võng ở một quán nước ven đường gần ngã ba Sông Lô (huyện Củ Chi, TP.HCM), anh T.T.B (SN: 1987, ngụ huyện Gò Dầu - Tây Ninh) vừa lim dim tìm giấc ngủ vừa nói: “Gần 2 tháng nay, đi vợt cào cào ở Củ Chi gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm chi phí nên nửa đêm về sáng phải tranh thủ sang các cánh đồng gần thuộc huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) bắt thêm mới đủ chi phí cho 2 đứa con đang ăn học".

Trong khi anh B. còn ngập ngừng trước câu hỏi về khoản phí phát sinh mà người đi săn cào cào đang phải gánh chịu, một người đàn ông ngoài 50 mà nhóm thợ săn gọi là chú Sáu trên chiếc xe lỉnh kỉnh dụng cụ hành nghề cũng vừa kịp tới. Vừa quăng mình trên chiếc võng gần đó, người này nói với sang, mỗi ngày đi về phải tốn ít nhất 70 ngàn đồng tiền xăng xe, thêm nước non hàng quán nên mỗi người tốn không dưới 100 ngàn đồng/ ngày. Vì vậy vào thời điểm vàng (khoảng từ 17g đến 19g) ai cũng phải cố gắng, phải vợt được trên 1 kg nếu không thì không đủ tiền lo cho vợ con.

Theo nhóm thợ săn, hiện đang là mùa nắng nên giá thu mua khá cao, nhưng ngặt nỗi mùa này không phải là mùa cào cào sinh sản nên việc săn bắt không được nhiều, tay vợt nào giỏi lắm thì may mắn mới bắt được khoảng 2kg, còn lại đa phần đều chỉ trên dưới 1kg. Vì vậy nhiều hôm ra khỏi nhà từ 12g trưa và về nhà lúc 9 - 10g đêm, rồi cả nhà quần quật cả đêm lựa chọn vào bịch mà cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, thậm chí có hôm còn lỗ tiền xăng xe,với giá tại ruộng là 250.000 đồng/kg, còn nếu mang về nhà đóng bịch thì được giá hơn, hiện 18.000 đồng/10 bịch (18-20 con/bịch).

Đến 16g30, chuyện sinh nhai của nhóm thợ săn đang rôm rả bỗng rơi rụng rồi im bặt khi một thợ săn nằm trên chiếc võng cuối quán bật dậy, mệt mỏi ra hiệu lên đường bằng hành động tự móc túi mình lấy ra 3 tờ 50.000 đồng, rồi cầm trên tay phe phẩy. Theo đó, nhiều thợ săn khác cũng bật dậy, móc tiền ra góp như một phản ứng tự nhiên không nói lời nào. Duy nhất một thợ săn có dáng người cao gầy khắc khổ, đi chân đất gây chú ý với tờ 50.000 và 100.000 đồng sẵn trên tay nhưng lần lữa mãi vẫn chưa thể quyết định góp hay là thôi... Sau lời động viên của nhóm bạn săn, người này chép miệng: "Hôm qua, chung chi trăm rưỡi mà vợt được có trăm bảy. Hôm nay trời gió như thế này chắc cũng chẳng khá hơn". Nghe xong lý do, không ai nói với ai câu nào, 12 thợ săn có mặt trong quán lặng lẽ ra xe nổ máy hướng về xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi). 

Theo chân nhóm thợ săn đến cánh đồng cỏ rộng mênh mông bên đường Cây Gõ (xã Phú Mỹ Hưng) mà nhóm thợ săn gọi là khu ao cá. Chưa dừng lại ở đó, nhóm thợ săn tiếp tục đi xuyên qua đồng cỏ trên đường 812 ra đến tận bờ sông Sài Gòn. Cả nhóm "ém quân" nơi cuối đường, ở một góc khuất trên con đường cập bờ sông. Tại đây, ngoài nhóm thợ săn còn xuất hiện thêm 2 thanh niên mặc áo ba lỗ để lộ những mảng xăm trên người. Bất ngờ khi nhận ra "người quen" tại địa điểm bí mật, nhóm thợ săn tỏ ra lúng túng vờ như không quen biết. Còn 2 gã xăm trổ khi thấy người lạ cũng nhanh chóng rồ ga mất hút trên con đường đầy bụi.

Ít phút sau, nhóm thợ săn cũng biến mất dù trên xe vẫn ngổn ngang dụng cụ hành nghề. Phải đến khi trời bắt đầu nhá nhem tối, nhóm thợ săn mới bắt đầu xuất hiện rải rác trên các cánh đồng. Và khác hẳn cách đây vài chục phút, vừa nhận ra "người quen" nhóm thợ săn đã vồn vã... than: "Trời gió quá, mới vợt một lượt mà chẳng được bao nhiêu!".

Báo Công luận
Nhóm  thợ  săn cào cào với nhiều áp lực 

Châm điếu thuốc ngồi nghỉ mệt trên bờ ruộng, anh T. (SN: 1990, ngụ xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu - Tây Ninh), cho biết, hiện ở Củ Chi còn rất nhiều đồng cỏ rộng lớn, cào cào nhiều, người địa phương gần như không ai đi bắt nên nhóm Tây Ninh mới kéo xuống đây. Trước đây, nhóm thợ săn từ Tây Ninh kéo xuống không dưới 20 người, nhưng hiện chỉ còn trên dưới 10 người là thường xuyên. Ít người đồng nghĩa địa bàn hoạt động rộng, bắt được nhiều hơn nhưng bù lại phải chung chi mỗi ngày hết 150.000 đồng. Và đây cũng là lý do khiến nhiều tay thợ săn ấm ức bỏ sang tận Long An, Bình Dương... Còn ở đây bất kể dù mưa hay gió, thuận lợi hay không đều phải chung đủ theo yêu cầu - đàn ông là 150.000 đồng còn phụ nữ thì 100.000 đồng.

Dường như nhận ra "người quen", 2 tay vợt đang quần thảo dưới đồng cũng túm vợt lên bờ góp chuyện, trước đây nhóm người này rất táo tợn, chặn thu tiền ngay giữa đường nhưng gần đây có lẽ có một vài phản ứng nên nhóm người này không trực tiếp thu nữa mà giao cho một người trong nhóm thợ săn tự đứng ra gom. Người mà chúng thường sử dụng đứng ra gom tiền của cả nhóm là chú Sáu - người lớn tuổi nhất trong nhóm và tên Tý (thường gọi là Tý Phí Lù). Sau khi thu xong, người đứng ra thu sẽ cầm tiền và dẫn cả nhóm đến điểm hẹn -  thường là trên đoạn đường vắng dọc bờ sông Sài Gòn để đưa tiền, đồng thời cho chúng nhận diện và đánh dấu lồng.

Báo Công luận
Vượt hơn 30 km đường đầy nắng bụi, nhóm thợ săn tụ tập nghỉ chân ở một quán nước ven đường chờ "làm thủ tục" để được phép ra đồng. 

Một thợ săn cho biết, tình trạng này chỉ mới xảy ra khoảng chừng 2 tháng gần đây. Nhóm người này có khoảng gần 20 người do một thanh niên xăm trổ đầy người thường gọi là "Tài nhớt" (ngụ ấp Góc Chàng, xã An Nhơn Tây) và Đạt, Tình (ngụ ấp Xóm Chùa, xã An Phú) đứng đầu. Lúc đầu, nhóm này đến ngăn cản không cho bắt cào cào, thấy vậy một người dân địa phương cũng là người thu mua cào cào đứng ra xin cho cả nhóm thì nhóm này ra điều kiện. Để được vợt cào cào trên các cánh đồng thuộc xã Phú Mỹ Hưng, An Phú và An Nhơn Tây thì trước tiên người thu mua phải đưa 50 triệu đồng, còn lại hàng tháng phải đứng ra thu gom của nhóm thợ săn để đưa cho chúng 30 triệu đồng. Là dân địa phương, người thu mua biết khá rõ về nhóm người này nhưng số tiền mà nhóm này đòi hỏi quá lớn nên không kham nổi.

Yêu cầu không được người thu mua đáp ứng, nhóm người này liên tiếp ra tay hành hung 2 thợ săn. Cụ thể, ngày 27/03/2018 một người đang hành nghề tại ấp Phú Trung, xã An Phú, huyện Củ Chi bị đánh dằn mặt đến nhập viện. Tiếp đó, ngày 7/4/2018 vừa qua một thợ săn khác cũng bị đánh đến be bét máu vì không chung chi mà vẫn lén mang dụng cụ hành nghề đến các đồng cỏ. Được biết, một trong hai vụ việc sau đó đã được trình báo Công an xã An Phú (?).

Thanh Hải

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương