Sáng ngời trời Nam

Thứ năm, 26/04/2018 07:46 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tình cờ gặp cụ Huỳnh Bá Ảnh - cựu tử tù Côn Đảo - ở quán cafe của cụ Phan Hoàng Oanh trong khuôn viên Ban Quản lý Di tích Côn Đảo. Bảy Oanh là tên người dân Côn Đảo quen gọi cựu tù Phan Hoàng Oanh, quê gốc xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Cụ là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, giam ở khu Chuồng Cọp của Mỹ từ 1970.

Báo Công luận

 

Cựu tù Bảy Oanh (bên trái) và cựu tử tù Huỳnh Bá Ảnh (bên phải). 

Sau Giải phóng (1/5/1975) Bảy Oanh về quê xây dựng gia đình, rồi vợ chồng tình nguyện theo tiếng gọi của Nhà nước ra kiến thiết Côn Đảo. Tại đây, Bảy Oanh qua nhiều công việc, lúc đầu phụ trách thanh niên, sau làm Giám đốc Nông - Lâm trường Côn Đảo; rồi đi học Trường Đảng nhiều năm, trở về làm Trưởng ban Văn hóa - Thông tin Côn Đảo, rồi Chánh Văn phòng Huyện ủy. Từ 1992 – 2006 ông làm Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Đảo. Nghỉ hưu, Bảy Oanh được bầu làm Chủ tịch Hội Người tù Kháng chiến Côn Đảo cho tới nay... Khi ấy, tử tù Huỳnh Bá Ảnh trở về Sóc Trăng, xây dựng gia đình; thời gian dài đảm nhận chức vụ Phó phòng Công an thị xã. Những năm gần đây, cứ vào dịp 30/4 Huỳnh Bá Ảnh lại trở ra Côn Đảo thăm bạn tù xưa, thăm Bảy Oanh...

Nhập cuộc, tôi hỏi: - Ấn tượng của cụ với Hội Người tù kháng chiến? Bảy Oanh chậm rãi: Mới giải phóng, Côn Đảo có 153 cựu tù kháng chiến tình nguyện ở lại Côn Đảo. Khi tôi làm Chủ tịch Hội Người tù Kháng chiến chỉ còn 14; nay còn lại 5. Cụ Nguyễn Thị Ni lớn tuổi hơn cả. Các ông Nguyễn Xuân Viên, Nguyễn Văn Ước, Lê Văn Vảnh cũng tuổi 75 – 76. Đòn tù xưa ngấm sâu nên xương cốt nhức buốt thấy mồ mỗi khi dở trời. Tội lắm! Các hội viên thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ, giúp nhau khi khó khăn, đau yếu.

Hơn thế, Hội Người tù Kháng chiến như "Bảo tàng sống" về truyền thống bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện với thanh niên, học sinh; tiếp các đoàn cựu binh trong và ngoài nước! Vốn tò mò, tôi dò hỏi: Các cụ thường nói những gì với thanh niên, học sinh và những cựu binh thăm Côn Đảo? Bảy Oanh rành mạch: Chỉ nói những gì chúng tôi biết, từng trải để họ hiểu về những năm tháng không thể quên ở Nhà tù Đế quốc - Địa ngục trần gian này; để họ thấy Côn Đảo là "Trường học" đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ!... 

Nuốt uất nghẹn vào trong, cụ Huỳnh Bá Ảnh xen lời như cốt xả bớt căm giận: Di tích còn đó, mô hình, mô phỏng còn đó, dấu tích ghê rợn vẫn nguyên trạng đó, với Cầu tầu 914 (con số tù nhân thiệt mạng khi xây cầu), trại giam Banh I, Banh II, Banh III, Phú Phong, Phú Bình; đày ải chúng tôi bằng biệt giam Khu "Chuồng Bò”, "Chuồng Cọp", sà lim, khám tử hình; gông chân khóa cẳng trong "lồng sắt" dày cộp với đủ cách tra tấn... nhưng đâu có nhụt được ý chí của hàng vạn chiến sĩ cách mạng. Trước lúc chết, chúng tôi vẫn kiên trung, bất khuất, vẫn xổ những lời khinh bỉ vào mặt kẻ thù. Cho nên, không chỉ truyền dạy mà phải lưu giữ, tôn tạo; phải khắc cốt, ghi xương tội ác của thực dân đế quốc!...

 

Báo Công luận
Cầu cảng Côn Đảo. 


Đến Côn Đảo. Đêm đến chúng tôi cùng dòng người tứ phương, nhón bước  nhẹ nhàng, trầm lặng vào Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của 1.923 phần mộ liệt sĩ (trong đó chỉ 700 mộ có tên tuổi). Các phần mộ đều xây lát bằng đá đen Côn Đảo, đều có đèn led đủ sáng để du khách hương khói, thăm khấn. Tâm điểm Nghĩa trang là Tháp Đài tưởng niệm liệt sĩ cao chọc trời bằng đá màu thạch, uy nghiêm. Chúng tôi, ai nấy đều cẩn trọng từ bước chân, từ âm điệu lời nói, thành kính, ơn nghĩa, nhớ thương, tri ân, khẩn cầu quốc thịnh, dân an... Kế đó là mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu như điểm nhấn của nghĩa trang, hút khách thăm viếng, hương khói, khấn vái cả đêm lẫn ngày.

Bởi lẽ, Võ Thị Sáu là nữ tử tù đầu tiên bị kẻ thù kết án và đưa ra hành quyết tại đây vào đúng tuổi trăng tròn. Chắp tay trước mộ chí, nhìn di ảnh chị trên nền đá trắng, ánh mắt ngời ngợi khí phách của người con gái miền Đất Đỏ, chúng tôi lại nằm lòng về cuộc chiến đấu kiên cường, gan góc, đanh thép, dũng mãnh trực diện với kẻ thù của chị mà cứ như huyền thoại.

Suốt tuổi thơ tôi đã đọc, đã học, đã hát về chị "Mùa hoa lê ki ma nở". Nhớ về mùa xuân 1950 chỉ với trái lựu đạn, chị đã giết hai tên ác ôn Cả Suốt và Cả Đay trừ họa cho thôn xóm. Khi bị địch kết án tử hình, chị vẫn hiên ngang vạch tội quân thù cùng đám quan tòa. Trước giàn súng, đạn đã lên nòng chỉ tích tắc sẽ phải từ biệt cõi đời, vậy mà chị vẫn hiên ngang thét lớn, vẫn hô vang: "Đả đảo thực dân Pháp"! "Việt Nam Độc lập muôn năm"! "Hồ Chủ tịch muôn năm"!

Gìn giữ, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử là trách nhiệm trực tiếp đặc biệt quan trọng của Ban Quản lý Di tích Côn Đảo mà Giám đốc Phạm Thị Tám đã chia sẻ với chúng tôi. Bởi đây là Khu Di tích đặc biệt của quốc gia, theo bút phê của Thủ tướng Chính phủ, là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt. Đồng thời là điểm du lịch lịch sử và du lịch tâm linh. Nơi mà tên tuổi các vị tiền bối khai quốc công thần, nơi các lãnh tụ anh minh ngời ngợi tên đất, tên đường, phố phường trên mọi miền Tổ quốc, từng bị đế quốc giam hãm, tù đầy, hành hạ như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh... 

Cho nên, phải chăm sóc gìn giữ di tích, chống xuống cấp bằng việc thường ngày coi trọng kiểm tra, trực bảo vệ, hướng dẫn khách tuân theo quy chế. Bằng việc thuyết minh truyền cảm chân thực lịch sử; bằng việc tiếp nhận, phúc đáp thông tin của các gia đình liệt sĩ; lưu lại hình ảnh, di ảnh liệt sĩ, tử tù do gia đình họ cung cấp để lịch sử gốc ngày một hoàn thiện... Chan chan niềm vui, Giám đốc Tám nói với chúng tôi: Cho dù đường tới Côn Đảo còn khó khăn, mỗi ngày mới chỉ có 14 chuyến bay nội địa; đường thủy xa xôi, chỉ thuận trong mấy tháng trời êm, biển lặng, thế nhưng năm 2017 Khu Di tích Nhà tù đã đón tới 100.000 lượt khách, trong đó có 7% là khách quốc tế. 

Hòa niềm vui, tôi nói lại nhận xét của chàng trai Vedran Kajic người Croatia (bạn của Ngô Thị Việt Anh nhân viên du lịch Côn Đảo) bay nửa vòng trái đất tới đây thăm thú suốt 2 tuần, xuýt xoa rằng: Côn Đảo là mảnh đất lý tưởng du lịch lịch sử và sinh thái. Đảo xanh, trời xanh, nước biển xanh với những thảm cát vàng ươm, cùng nét cổ thụ rêu mốc trong những bức tường đá, những gốc cây bàng cốc đế sần sùi, môi trường trong lành, người dân hòa thuận yêu thương nhau như con em một nhà... hiếm đâu có được!...

Báo Công luận

Khách thăm Khu di tích Nhà tù Côn Đảo. 

Tiếp nối mạch chuyện, tôi lại hỏi cựu tử tù Huỳnh Bá Ảnh: Côn Đảo xưa và nay có gì khác? Cụ ngồi bật dậy. Giọng âm oang: Trời đất ơi. Một trời một vực. Xưa không dân. Chỉ có tù nhân và cai tù. Xưa là "Địa ngục". Nay là "Thiên đường"!... Tự dưng những câu kết trường ca "Sông Côn Đảo" của Anh Ngọc viết sau 30/4/1975, bừng nhớ trong tôi: "Đã trở về giữa lòng mẹ Việt Nam/ Những đứa con kiên cường hồn hậu/ Nghìn gương mặt một nụ cười Võ Thị Sáu/ Nghìn cuộc đời một dáng đứng Lê Hồng Phong/ Điệp khúc này sóng hát với mênh mông/ Pho tượng lớn thiên nhiên vừa phác thảo/ Lấy đỉnh núi Côn Sơn làm chất liệu/ Tự do bay trên đôi cánh tượng đài/ Giữa muôn trùng tạc dáng tương lai".

"Tạc dáng tương lai". Đó cũng là tất cả những gì Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo truyền cảm hứng cho chúng tôi ngay ngày đầu đặt chân tới đây. Côn Đảo có tới 16 hòn đảo lớn nhỏ. Nhưng chỉ riêng đảo Côn Sơn có dân sinh sống. Suốt 113 năm (1862 – 1975) là nơi Pháp và Mỹ giam cầm đầy đọa những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản. 

Từ 1/5/1975 đến nay với 43 năm, dân số Côn Đảo đã lên hơn 8.000, cộng với khách du lịch lưu trú mỗi ngày thì Côn Đảo thường có trên 10.000 người. Năng lực lưu trú, khách sạn, nhà hàng ăn, ở, phương tiện đi lại trên bờ, dưới biển tạm ổn. Hướng tới 2020 sẽ đón 180.000 lượt khách; nào ngờ năm qua đã có tới trên 120.000 lượt khách. 

Dân số cơ học tăng, áp lực trở thành cái giá của sự phát triển nên tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân đều phải vào cuộc mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực để Côn Đảo xứng danh là Khu du lịch quốc gia; du lịch lịch sử, tâm linh và sinh thái. Cốt sao để quá khứ bi hùng không bao giờ bị khuất lấp. Cốt sao để khí phách cách mạng được nhân thành hành động mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, để Côn Đảo thực sự là xứ đảo an bình, văn hóa; là "Thiên đường" sáng ngời phía trời Nam của đất nước Việt Nam ta!

Bút ký của Nguyễn Uyển

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương