Xin tận thu lâm sản để phá rừng liên tiếp xảy ra tại Đăk Nông, Đăk Lăk

Thứ hai, 03/09/2018 07:54 AM - 0 Trả lời

(CLO) Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều vụ việc phá rừng xảy ra tại các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk đều có chung một "kịch bản" là xin "tận thu lâm sản". Dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu phối hợp giữa các cơ quan địa phương đã lộ rõ nhưng chậm được chấn chỉnh, điều tra xử lý.

Đắk Lắk: Xin tận thu gỗ gãy đổ để khai thác rừng phòng hộ?

Theo Dân Việt, cuối tháng 8/2018, tại tiểu khu 701 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý (xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), lâm tặc cho san ủi đường rừng để tiện ra vào nơi khai thác gỗ. Phía cuối đường, sườn đồi trơ gốc keo đường kính từ 30cm đến hơn 50cm. Nhiều cây keo khoảng 15 năm tuổi bị cắt khúc còn nằm nguyên trên đỉnh đồi…

Báo Công luận
Rừng phòng hộ Đăk Lắk bị tỉa thưa hết cây gỗ lớn - Ảnh: Dân Việt.

Nhận tin báo, UBND xã Cư Bông vào hiện trường kiểm tra, ghi nhận: Khoảng 9ha rừng phòng hộ tại khoảnh 1,2 tiểu khu 701 bị khai thác hết những cây gỗ lớn; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar không thông báo cho địa phương về việc khai thác gỗ này.

Trước đó, UBND xã Cư Yang (huyện Ea Kar) cũng nhận được nguồn tin báo của nhân dân về việc một số cá nhân đang khai thác gỗ tại khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn 15 (cũng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar).

Ông Phan Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar cho biết: Do ảnh hưởng cơn bão số 12 năm 2017 nên khu vực rừng nói trên có nhiều cây gãy đổ. Đơn vị đã xin phép khai thác tận thu số gỗ này. 

Theo tìm hiểu, hiện việc khai thác tận thu gỗ tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar chỉ mới được  Sở NN&PTNT Đắk Lắk đồng ý chủ trương. Ngoài ra, mặc dù chủ trương là khai thác gỗ gãy đổ, nhưng thực tế hầu hết số gỗ bị khai thác là cây đứng có đường kính lớn, nhiều cây gỗ gãy đổ kích thước nhỏ lại không được khai thác (!?).

Trước đó, theo TN&MT, vào 22/8, Công an huyện Ea Kar đã bắt giữ 2 xe tải chở hơn 50m3 gỗ keo. Mở rộng điều tra, công an phát hiện nhiều diện tích rừng bị khai thác không nằm trong kế hoạch tận thu gỗ gãy đổ. 

Đắk Nông: Mất rừng vì ký duyệt cho "tận dụng củi"

Theo tin từ TTXVN, ngày 10/8/2010, UBND huyện Tuy Đức đã ra Quyết định giao 1198,7 ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư bon Bu Koh quản lý, bảo vệ. 

Tới 15/8/2017, Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh có tờ trình gửi UBND huyện Tuy Đức, UBND xã Đắk R’Tih, xin được cắt dọn và tận dụng củi trên những diện tích rừng thông bị chết để trồng lại rừng.

Báo Công luận
Rừng thông tại Tuy Đức, Đăk Nông bị tàn phá bởi đơn xin "tận thu củi" - TTXVN 

Tiếp đó, ngày 21/8/2017, UBND xã Đắk R’Tih có tờ trình gửi UBND huyện Tuy Đức để xin dọn dẹp thông chết tại rừng do cộng đồng bon Bu Koh quản lý.

Đến 18/9/2017, UBND huyện Tuy Đức có văn bản ý cho Cộng đồng bon Bu Koh cắt dọn, tận dụng củi thông đã chết, dọn dẹp thực bì trên diện tích 15,4 ha rừng… Đồng thời, huyện giao UBND xã Đắk R’Tih kiểm tra, giám sát, nghiệm thu theo kiến nghị của cộng đồng bon Bu Koh; báo cáo việc thực hiện cho UBND huyện thông qua Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức.

Sau khi được UBND huyện Tuy Đức đồng ý cho phép, đại diện cộng đồng bon Bu Koh đã ký hợp đồng với một cá nhân tiến hành dọn rừng, khai thác, tận thu thông chết (hợp đồng không số, ngày, tháng ký và căn cứ các quy định pháp luật).

Và từ văn bản của UBND huyện Tuy Đức, các đối tượng đã cưa hạ hàng trăm cây thông sống và khai thác ra ngoài phạm vi cho phép. Theo kiểm đếm chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, gần 400 cây thông đã bị cưa hạ, trong đó gần 130 gốc tươi, đường kính từ 20-50cm. Ngoài số lượng đã được vận chuyển đi tiêu thụ, tại hiện trường còn khoảng 130m3 gỗ.

Đáng chú ý, theo người dân địa phương, việc khai thác thông đã diễn ra suốt 3-4 tháng, có xe tải vào bốc gỗ hàng ngày… Đặc biệt, họ đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền, ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Dấu hỏi về thẩm quyền phê duyệt, cho phép tận thu lâm sản?

Từ tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố "đóng cửa rừng", đã khiến việc quản lý, khai thác rừng được siết chặt. Tuy nhiên, lâm tặc đang "lách luật" để phá rừng qua đơn xin "tận thu lâm sản".

Tại Khánh Hòa, cũng cơn bão số 12 năm 2017, gần 27.300ha rừng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, toàn bộ cây rừng gãy đổ phải "nằm chờ" quyết định cho phép của UBND tỉnh, để đảm bảo việc giám định thiệt hại cần khẩn trương nhưng phải chặt chẽ, chỉ tận thu những diện tích không có khả năng phục hồi.

Báo Công luận
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tại Đăk Lăk năm 2016. Ảnh: ĐĐK.

Tại Đăk Lăk, việc khai thác gỗ tận thu tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar do Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương, nhưng chưa rõ Sở NN&PTNT hay phải UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép?

Còn tại Đăk Nông, quy trình cho phép dọn dẹp, tận thu lâm sản từ cấp xã lên cấp huyện như tại Tuy Đức diễn ra chỉ chưa tới 1 tháng. Thêm nữa, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước khá lỏng lẻo.

Về vụ phá rừng thông, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Long nói với báo chí: UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm báo cáo vụ việc đến các cơ quan chức năng liên quan để điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, nói với TTXVN, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức cho rằng: Hạt không nhận được báo cáo bằng văn bản, điện thoại, trong các cuộc họp với Kiểm lâm địa bàn hoặc các đơn vị khác về tình hình cắt dọn, tận dụng củi thông…. Sự "lệch pha"  trên có đáng được thông cảm?

Tới nay, tại Đăk Nông, VKSND tỉnh đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức để điều tra hành vi "nhận hối lộ". Còn tại Đăk Lăk, cơ quan công an huyện Ea Kar đang điều tra làm rõ những việc làm tiếp tay cho phá rừng.

Phước An (T/h)

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương