Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ: Chuẩn bị cho bước đột phá mới

Thứ sáu, 03/04/2015 16:53 PM - 0 Trả lời

Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ: Chuẩn bị cho bước đột phá mới

(NB&CL) - Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ là bệnh viện công lập chuyên khoa Nhi duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2015, BV sẽ “lột xác” đưa vào sử dụng một bệnh viện hoàn toàn mới 500 giường với trang thiết bị hiện đại bậc nhất. NB&CL đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV về các bước chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. 
 
 
 
Thưa BS Lê Hoàng Sơn, có lẽ BV đang chuẩn bị những bước cuối cùng để chuyển sang BV mới. Ông có thể chia sẻ những thông tin về BV mới với độc giả NB&CL?
 
Việc xây dựng bệnh viện mới đang được khẩn trương xây dựng với lộ trình hoàn tất hẳn để di dời vào cuối năm 2015. Ngày 11/04/2014 vừa qua đã hoàn thành xong phần thô và làm lễ cất nóc. Bên cạnh đó, bệnh viện cũ cũng đã nhận được ngân sách từ UBND tỉnh trong năm 2013 để sửa chữa tạm thời cơ sở hạ tầng 1 số khoa phòng quá tải để duy trì phục vụ bệnh nhi từ nay đến khi bệnh viện mới hoàn tất (Các khoa như: 2 khoa khám, khoa Nhiễm, khoa Ngoại, Sơ sinh)
 
Về Trang thiết bị: Trong tháng 2/2014 vừa qua, chúng tôi đã nhận được quyết định số 290/QĐ-SYT của Sở y tế về việc phê duyệt Đề án BV vệ tinh tại BVNĐ TPCT. Đề án này chính là nhằm tiếp nhận có hiệu quả 8 gói kỹ thuật cao được chuyển giao từ bệnh viện Nhi Đồng 1 (BV hạt nhân) trong giai đoạn 2013 – 2015 và duy trì bền vững từ 2016 – 2020 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ. Các gói kỹ thuật bao gồm: Lọc máu liên tục, điều trị rắn cắn, phẫu thuật ngã hậu môn (Hirchsprung), phẫu thuật lỗ tiểu thấp, nắn xương (C-arm), gây mê hồi sức nhi, quản lý bệnh tim mạn tính và ngoại sơ sinh. Để thực hiện đề án này, chúng tôi cần tối thiểu 21 trang thiết bị dụng cụ tương ứng với các kỹ thuật. Hiện nay toàn bộ kinh phí mua sắm TTB và các chi phí hoạt động khác của đề án đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục với Sở kế hoạch đầu tư, để thông qua Hồi đồng nhân dân, dự kiến BVNĐ sẽ nhận được kinh phí mua sắm trang thiết bị vào tháng 6/2014
 
Đề án bệnh viện vệ tinh rất cần thiết để đảm bảo về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của đơn vị, cũng như là điều kiện thuận lợi để đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cống hiến tài năng và không ngừng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên sâu nhi khoa cho bản thân và bệnh viện. Từ đó, góp phần gia tăng uy tín và vị thế của bệnh viện chuyên khoa hạng I trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền thương hiệu bệnh viện vệ tinh và bệnh viện hạt nhân qua việc giảm tải tại bệnh viện tuyến Trung ương
 
Báo Công luận 
 
BS Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Cần Thơ 
 
Với qui mô của 1 bệnh viện trọng tâm chuyên khoa Nhi, đội ngũ y – bác sĩ của bệnh viện hiện tại như thế nào, thưa bác sĩ?
 
Năm 2013 chỉ tiêu giường bệnh tăng 300 (thực kê 373). Biên chế bác sĩ và điều dưỡng hiện nay đang trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhi tại 11 khoa lâm sàng là 258 người. Trung bình số lượng đến khám, điều trị luôn trong tình trạng "vượt ngưỡng", quá tải: điều trị nội trú gần 500 bệnh nhi/ ngày, ngoại trú gần 1.500 bệnh nhi/ngày. Mỗi bác sĩ tại các khoa khám phải làm việc hết công suất và luôn vượt hơn 50 lượt khám/ngày mới đáp ứng được nhu cầu người bệnh; Bác sĩ điều trị nội trú trong giai đoạn cao điểm, trung bình khám 30 bệnh/ ngày; thêm vào đó điều kiện làm việc chật hẹp là vấn đề khó khăn cho cả nhân viên y tế và người dân trong và ngoài thành phố.
 
Trong năm 2013, BV đã cử 69 Bác sĩ, Điều dưỡng, kỹ thuật viên tham dự các khóa đào tạo liên tục, tập huấn, hội thảo – hội nghị nhi khoa theo chuyên đề tại thành phố Hồ Chí Minh (BVNĐ1,2, ĐHYD HCM, ĐHYD Phạm Ngọc Thạch, Viện tim, ...) với thời gian tham dự ngắn nhất là 1 buổi, dài nhất là 9 tháng. Về mục tiêu dài hạn, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu: Tiến sĩ có 03 người; Chuyên khoa 2: 03 người; Chuyên khoa 1: 06 người; Đại học 12 người. 
 
Thưa bác sĩ, việc tiếp cận thành tựu y khoa ở BV Nhi đồng Cần Thơ hiện nay ra sao? Những trường hợp khó điều trị, BV xử lý thế nào?
 
Năm 2013: Có gần 10 đề tài NCKH cấp sơ sở và luận án chuyên khoa 2, 01 cấp thành phố được thông qua và ứng dụng và tổng quan Hội nghị nhi khoa ĐBSCL góp phần làm tăng hiệu quả, hiệu năng trong khám điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhi. Vì vậy, những trường hợp bệnh khó có thể điều trị chúng tôi đã xử lý khá tốt. Cụ thể:
 
- Về Sơ sinh: Bệnh màng trong ở trẻ sanh non (Tỉ lệ trẻ sanh non được cứu sống nhờ áp dụng kỹ thuật Bơm Surfactant trong năm 2013: 81%; trong đó nhẹ nhất 800gr); Phát hiện sớm và điều trị tích cực bệnh lý Viêm màng não sơ sinh, cứu sống đạt gần 100%; Điều trị thở máy rung tần cao (HFO) đối với trẻ suy hô hấp quá nặng (Viêm phổi hít) không đáp ứng với các kiểu hỗ trợ máy thở thông thường, cứu sống khoảng 25%
 
- Về Hồi sức tích cực:  Bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Nhiễm trùng huyết, Viêm phổi suy hô hấp nặng, Sốc nhiễm trùng có biến chứng suy đa cơ quan do vi khuẩn kháng thuốc,...các trường hợp ngộ độc, bệnh lý tim thận máu,...đều được bệnh viện triển khai thực hiện góp phần cứu sống bệnh nặng nguy hiểm.
 
- Về Ngoại khoa: Phẫu thuật nội soi các bệnh lý của hệ tiêu hoá, hệ tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, bỏng được thực hiện tốt; các bệnh lý về ngoại nhi; đồng thời tăng cường về Hồi sức gây mê
 
Phẫu thuật thành công các bệnh lý sơ sinh như: Thoát vị hoành, teo tá tràng, teo ruột non, không hậu môn, viêm phúc mạc sơ sinh,....mang lại thành công đáng kể; Phẫu thuật tinh hoàn ẩn thể cao và những bệnh lý cấp cứu như: Vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận,...do chấn thương; điều trị phẫu thuật và bảo tồn trong Chấn thương chỉnh hình cũng đã đạt kết quả rất tốt
 
Với vai trò giám đốc của một trong các bệnh viện cấp thành phố, nhiều áp lực của công việc, BS xử lý áp lực như thế nào để dung hòa các mối quan hệ xã hội và cuộc sống cá nhân?
 
Trên cương vị lãnh đạo bệnh viện, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đòi hỏi 1 giám đốc phải hội đủ về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý lãnh đạo, y đức của người thầy thuốc; và phải có bản lĩnh, khách quan trung thực, hài hòa trong mọi diễn biến với tình hình thực tế để giải quyết công việc và để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của mình trong thời gian tới
 
Ông đã có chuẩn bị gì cho việc tiếp nhận bệnh viên mới, thưa bác sĩ?
 
Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ là Bệnh viện chuyên khoa hạng I, qui mô 500 giường bệnh với 36 khoa, phòng; 775 công chức viên chức (Xây dựng theo hệ số 1.55/giường bệnh). Hiện tại, bệnh viện đã cơ bản giải quyết được nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa của người dân thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, giảm bớt được số lượng bệnh phải chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị cho Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ qui mô 500 giường chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2015, nhu cầu về Đào tạo, tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực bệnh viện Nhi đồng TPCT, giai đoạn 2014 đến 2020, thật sự là một vần đề rất cấp bách và cần thiết. Để đảm bảo chất lượng hoạt động thiết thực cho bệnh viện mới này, chúng tôi đang từng bước thực hiện theo qui trình như sau:
 
* Tuyển dụng và phân bổ nhân sự theo đúng chức danh và chuyên khoa. Chú trọng tuyển dụng đầy đủ lực lượng Bác sĩ cho khoa mũi nhọn như: Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê ngoại nhi, phẫu nhi và quản lý bệnh mãn tính
 
* Đào tạo định hướng nhân viên mới và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp theo các chức danh
 
- Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; bố trí lao động hợp lý và định hướng nhân viên mới
 
- Đẩy mạnh đào tạo mũi nhọn tại các khoa: Ngoại, cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc và sơ sinh
 
- Nâng cao trình độ chuyên môn và đầu tư phát triển các khoa lâm sàng: Tim mạch, Nội tiết – thận, Sốt xuất huyết - huyết học và Dinh dưỡng; cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm
 
- Tăng cường công tác bồi dưỡng các chức danh ở các cấp lãnh đạo và quản lý theo tiêu chuẩn bệnh viện hạng I
 
Xin cám ơn bác sĩ
 
Hồng Ân- Gia Lượng (Thực hiện)
 
Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ là bệnh viện công lập chuyên khoa Nhi duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Được thành lập từ năm 1979, tiếp nhận khám chữa bệnh trẻ em từ 0 – 15 tuổi, trong đó số bệnh nhi các vùng lân cận là 60%. Ngày 01 tháng 06 năm 2011 bệnh viện đã được nâng hạng I và bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ mới được khởi công xây dựng cách bệnh viện cũ 7km, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tổng diện tích bệnh viện mới 44.000m2, qui mô 500 giường, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhi ở TP Cần Thơ và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Hiện tại, Bệnh viện có 7 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng và 4 khoa cận lâm sàng; với 363 nhân viên và 300 giường bệnh
 
Năm 2013: Tổng số ngoại trú 415.891 lượt bệnh; điều trị nội trú 21.165; công suất sử dụng giường bệnh 110%
 

Tin khác

Bài 2: Chiếc áo không làm nên… thầy tu!

Bài 2: Chiếc áo không làm nên… thầy tu!

(CLO) Nhiều người sau khi được phong giáo sư, tiến sĩ của các tổ chức nước ngoài, khi quay về cuộc sống đời thường vẫn "chứng nào, tật nấy”, thậm chí vướng vào lao lý, bị pháp luật trừng phạt.

Giáo dục
Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục