"Ép dầu, ép mỡ" chứ đừng ép trẻ học chữ trước lớp 1

Thứ năm, 21/06/2018 14:27 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định nghiêm cấm dạy chữ cho trẻ Mầm non, dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 vì nhiều hệ lụy; nhưng đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.

Phụ huynh ganh đua, trẻ con phải “khổ”

Có thể nói, việc dạy thêm, học thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 phần nhiều xuất phát từ tâm lý “cạnh tranh”, hơn thua của phụ huynh. Nhiều gia đình vẫn tìm lớp cho trẻ đi học để biết đọc, biết viết trước vì sợ con mình sẽ không theo kịp chương trình trên lớp; bị đuối hơn so với các bạn khác, sợ cô giáo không dạy chữ nữa vì cả lớp đã biết hết rồi. 


Chính vì vậy, những đứa trẻ mới chỉ “tốt nghiệp mẫu giáo” còn trong lứa tuổi hồn nhiên, vui tươi đáng nhẽ chỉ nên tiếp xúc với môi trường học hành khi chính thức bước vào trường tiểu học thì ngay từ nghỉ hè đã bị “ép” học hành nghiêm túc và phải đạt “chỉ tiêu” đọc thông viết thạo. Nhiều gia đình, tranh thủ ông bà, cha mẹ rảnh rỗi là dạy con học chữ, học viết, thậm chí từ lúc mới 3,4 tuổi.

Báo Công luận
 Lớp luyện chữ trong khu chung cư. Ảnh: TL

Chị Nguyễn Tuyết Mai (Vạn Phúc, Hà Đông) cho biết, cư dân trong tòa nhà mình sinh sống, cứ đến mùa hè là rộn ràng kêu gọi nhau tìm những lớp học và giáo viên dạy đánh vần, luyện chữ cho con. Những lớp học được tổ chức ngay trong tòa nhà bởi một số cô giáo chuyên hoặc không chuyên, đã nghỉ hưu nhưng được cha mẹ học sinh rất yên tâm, đồng thuận.

“Hôm trước đưa con đi học chữ, cô giáo bảo cả lớp chỉ có mỗi con tôi chưa đọc thông viết thạo, thậm chí chưa nhận được mặt chữ. Kiểu này, vào lớp 1 sẽ bị “đội sổ” và thua kém các bạn mất thôi”, chị Mai than thở.

Những gia đình có điều kiện hơn, lựa chọn mời gia sư về tận nhà hoặc tham gia các lớp học chuyên nghiệp do các giáo viên có kinh nghiệm tại các trường điểm tổ chức.

Anh Phạm Minh Long (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gần 1 tháng qua, đều đặn vào chiều thứ bảy và Chủ nhật, anh đều mời gia sư đến dạy con tập đọc, tập viết, chuẩn bị vào lớp 1. Lý do mà anh cho con học là muốn con làm quen với cách học nghiêm túc, đọc thông viết thạo để không bỡ ngỡ trước khi bước vào môi trường mới. “Không cho con đi học chữ trước, tôi lo đến khi đi học, con sẽ không theo kịp được các bạn, dẫn đến tâm lý chán học, tự ti về bản thân. Thêm vào đó, lớp quá đông, cô sẽ không thể quan tâm hết đến các con, dẫn tới nhiều thiệt thòi”, anh Long chia sẻ. 

Bên cạnh đó, một số gia đình quyết định cho con đi học sớm vì không muốn cho con cái ở nhà, khi mà con chỉ quanh quẩn và cuốn mình vào với những chiếc điện thoại hay chiếc máy tính cùng với những trò chơi vô bổ. Phụ huynh muốn con mình cũng như “con người ta” và quan điểm học hành càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình mới hiện nay của học sinh lớp 1 là khá nặng và học sinh khó tiếp thu chương trình này.

Do vậy, nhu cầu cho con đi học trước đã được hình thành và mặc định như một quy luật tự nhiên, trở thành trào lưu cùng với những hiệu ứng thông tin được lan truyền. Những lớp học thêm ở bậc tiền tiểu học vẫn mọc lên như nấm vào mỗi dịp hè mặc cho nỗ lực ngăn chặn của không chỉ riêng ngành GD-ĐT. 

"Con dao hai lưỡi"

Theo các thầy cô giáo, phụ huynh không nên cho con đi học chữ trước khi vào bậc Tiểu học. Mong muốn con đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 của phụ huynh đã nảy sinh nhiều áp lực cho chính các em và cả nhà trường, giáo viên. 

Báo Công luận
Học chữ sớm làm giảm khả năng tiếp thu của các em. Ảnh minh họa 

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu con trẻ được học trước thì chỉ có thể phát huy được khả năng ở giai đoạn đầu tiên khi vào lớp 1, nhưng sau đó khả năng tiếp thu của các em sẽ bị giảm hẳn. Vì biết trước nội dung học nên nhiều đứa trẻ bị mất khả năng tự học, không thấy hấp dẫn, sinh tâm lý lười, mất tập trung, gây ồn ào trong lớp học.

Một số đứa trẻ nếu được học trước cũng thường có những tâm lý ganh đua, tị nạnh hơn so với các bạn chưa được học. Điều đó có nghĩa là, chính việc phụ huynh bắt ép con mình học trước đã có những tác động không tốt đến tâm hồn non nớt của trẻ.

Thêm vào đó, trẻ sẽ không có cơ hội quan sát tự do, không kích thích được sự sáng tạo của riêng trẻ. Việc học vì thế trở nên nhàm chán. 

Theo cô Lê Kim Phương, giáo viên trường Tiểu học tại Hà Nội nhấn mạnh: “Dạy trước chương trình khiến trẻ không hào hứng với việc học trên lớp vì bản tính của trẻ là thích khám phá những điều mới mẻ. Thêm vào đó, giáo viên cũng rất vất vả khi đối tượng học sinh không đồng đều, nhiều trẻ biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1, có trẻ lại không. Dạy từ những nét chữ đầu tiên cho học sinh chưa biết thì những trẻ đã học trước không biết làm gì, không chú ý bài học, gây ồn ào”.

Cũng theo cô Phương, việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 cũng đem đến nhiều hệ lụy. “Nếu việc học chữ không đúng chuẩn từng nét ngay từ đầu thì rất khó để uốn nắn về sau. Nhiều trẻ học chữ trước độ tuổi có thể phát huy khả năng ghi nhớ ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó khả năng tiếp thu của các em sẽ giảm dần”.

Vì vậy, thay vì ép trẻ đọc thông viết thạo, phụ huynh cần tạo cho trẻ những thói quen học tập và truyền cảm hứng, sự thich thú mà trong những khi mà các trẻ được đến trường. Những người lớn trong gia đình vẫn phải dạy học cho các bé nhưng việc dạy học chủ yếu chỉ nên dựa trên tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Các phụ huynh không nên quá kì vọng vào việc con phải giỏi ngay từ đầu hay có tâm lý ganh đua để mà sẽ làm khổ con trẻ.

Báo Công luận
 Hãy để trẻ tự tin khi đến trường. Ảnh: TL

Lời khuyên của các chuyên gia, để giúp cho con có thể hòa nhập trong môi trường học tập chung với các bạn sau này, các cha mẹ cần cho con làm quen với các chữ cái, để dạy cho các em biết 29 chữ cái cùng các số và có thể cho biết thêm một số vần đơn giản. Từ đó, các bậc cha mẹ cần dạy cho các em biết cách cầm bút sao cho chắc, biết viết từng nét cong, nét thẳng, nét hất… Điều này đã sẽ giúp cho các bé tự tin và cảm thấy không thua thiệt so với câc bạn bè, giúp các bé sau này hào hứng với học tập hơn.

Ngoài ra, các cha mẹ cũng cần tập cho các bé một số kỹ năng cần thiết như biết nói lời đề nghị với cô, biết hợp tác với bạn, biết giữ vệ sinh cá nhân, biết sắp xếp đồ dùng và sách vở sau mỗi buổi học, thuộc và ghi nhớ số điện thoại gia đình… Tránh tình trạng để trẻ đi vệ sinh nhưng không biết lau chùi, không biết mặc quần, kéo khóa… 

Đồng thời, hình thành cho trẻ thói quen cần thiết: thức – ngủ và ăn uống điều độ, tự phục vụ được bản thân như tự ăn, tự dọn dẹp, tự vệ sinh cá nhân, tự xếp đồ và tự quản,… để trẻ có nề nếp, dễ thích ứng và hòa nhập nhanh với môi trường mới mà không bỡ ngỡ, khó khăn.

Trước diễn biến của phong trào cho con đi học sớm trước khi vào lớp 1, ngay từ ngày 29 tháng 8 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị nói rõ về việc không được dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. 

Và mới đây, trước tình trạng ở một số nơi vẫn còn có những chỗ tổ chức dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các phòng giáo dục chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non. Đây được xem là những động thái tích cực của cơ quan đầu ngành trước thực trạng này.

 

H.Lâm

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục