"Giáo dục đại học phải có sứ mệnh góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế Việt Nam sáng tạo"

Thứ năm, 11/10/2018 10:33 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đã nhắn nhủ như vậy tại lễ khai khóa 2018 -2019 của ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM ngày 10/10 vừa qua..

Hàng năm vào các Lễ khai giảng năm học, ĐHQG-TP HCM luôn được vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương và địa phương đến tham dự và làm diễn giả nói chuyện với cán bộ - giảng viên, sinh viên của nhà trường. Mỗi năm là một chủ đề có sức thu hút và thiết thực.

Báo Công luận
Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ với các thầy cô giáo cùng sinh viên ĐHQG-HCM

Gắn với chủ đề năm 2018 của Đại học Quốc gia TP.HCM là “Khoa học công nghệ - Nâng tầm hội nhập”, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đến dự và chia sẻ với các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhà khoa học cùng sinh viên một số thông điệp về “Sứ mệnh và vai trò của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trong bài nói chuyện, ông Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh đến 2 nội dung chính: Thứ nhất, về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học của Việt Nam; thứ 2 là về sứ mệnh và vai trò của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học Việt Nam trong thời đại 4.0

Giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được gọi là Giáo dục 4.0. Đây là nền giáo dục được thiết lập để đáp ứng nhu cầu thị trường cho nền công nghiệp 4.0, theo đó, Giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa, kích thích sự khai phá đổi mới sáng tạo. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện đến giáo dục đại học. Trước hết, là đến việc đổi mới nội dung, chương trình, ngành học: CMCN 4.0 sẽ giúp cơ sở giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các trường đại học thay đổi theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ “dạy những gì mà giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”

Nói về môi trường và phương thức học tập trong thời đại CMCN 4.0, ngoài hình thức học tập truyền thống theo tập trung, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: "ngày nay, cùng với sự phát triển của CMCN 4.0, các hình thức học tập đa dạng cũng xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo như đào tạo mở và đào tạo từ xa. Phương thức đào tạo sẽ thay đổi theo hướng lấy việc học (thay vì việc dạy) làm trọng tâm, cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo; học liên tục và học suốt đời." Về tài liệu, học liệu, phương tiện, thiết bị dạy học: "sẽ không còn dừng lại ở các nội dung “tĩnh” như trong các giáo trình, sách hay tài liệu tham khảo truyền thống mà còn có thể có các nội dung “động”, là các nội dung có thể tương tác với người học, được thể hiện và minh hoạ một cách sinh động, trực quan nhất nhằm giúp người học tiếp thu nhanh nhất các nội dung kiến thức."

Đối với vai trò của người dạy và yêu cầu đối với người học, ông Bình nhấn mạnh: "Người dạy phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, hướng dẫn người học, phải quan tâm đến từng học sinh về đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, năng lực sở trường, hoàn cảnh riêng. Nhà giáo phải giúp người học điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học."

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, để chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới toàn cầu hóa và thay đổi nhanh chóng, sinh viên cần phải được trang bị về ngoại ngữ và kĩ năng CNTT như những công cụ không thể thiếu, cả trong học tập và khi bước vào thị trường lao động. Ngoài sách giáo khoa, giáo trình, sinh viên còn cần được dạy các chủ đề phức tạp dựa trên các vấn đề thực tế, phải được dạy cách sử dụng nhiều nguồn thông tin và dữ liệu, phải được khuyến khích đọc nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn để thu nhận nhiều hơn các tri thức mới. Việc học không chỉ hạn chế trong không gian lớp học, tài liệu dạy học truyền thống. Học trực tuyến phát triển sẽ tạo điều kiện cho cá nhân hoá quá trình học tập về nhu cầu học tập, điều kiện học tập. Ý thức tự giác, tự quản lí, kĩ năng CNTT sẽ đóng vai trò lớn quyết định thành công học tập của người học khi học với trường học, lớp học, giáo viên ảo. Bên cạnh đó, kĩ năng đánh giá, lựa chọn khoá học, học liệu, kĩ năng tự quản lí, độc lập... sẽ là những kĩ năng thiết yếu của người học trong môi trường dạy học ảo.

Báo Công luận
 Ông Nguyễn Văn Bình đánh trống khai khóa tại ĐHQG - TP HCM

Vai trò và sứ mệnh của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại 4.0 

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, qua nghiên cứu các chiến lược, chính sách cho thấy, một nội dung cốt lõi đều được đề cập là vấn đề đào tạo nhân lực 4.0, trong đó có việc định hình sứ mệnh và vai trò của các đại học trong phát triển kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã nhận thấy rằng, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, và giáo dục chính là cách thức cơ bản để tích lũy vốn con người.

"Đối với Việt Nam, yêu cầu này là hết sức cấp thiết trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Giáo dục đại học phải có sứ mệnh góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế Việt Nam sáng tạo, bao trùm và bền vững; thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ sự chuyển dịch nền kinh tế từ vị thế gia công, lắp ráp là chủ yếu sang đủ năng lực chế tạo sản phẩm; từ một nền kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ, tài nguyên không tái tạo và gia tăng vốn đầu tư sang nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo; từ nền sản xuất phụ thuộc vào bên ngoài sang củng cố nền kinh tế trong nước; từ trọng tâm sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất các sản phẩm sáng tạo; từ quốc gia khởi nghiệp sang quốc gia sáng tạo.

Mô hình Đại học Quốc gia là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu, vì chất lượng của giáo dục đại học có tác động trực tiếp và sâu sắc đến sự chuyển biến về kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, việc đầu tư cho hệ thống 2 đại học lớn của Việt Nam thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Chính phủ đối với ĐHQG, tạo tiền đề quan trọng để Đại học Quốc gia thực hiện tốt vai trò tiên phong và sứ mệnh của mình. Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM là một tổ hợp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực.” - ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nói. 

Thái Sơn - Khuất Đại Nam

Tin khác

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục