Cần xem xét trách nhiệm của UBND tỉnh Tiền Giang ?!

Thứ hai, 04/12/2017 16:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Báo chí, dư luận đang đổ dồn mọi trách nhiệm lên Bộ GTVT, cụ thể là chính ông Nguyễn Văn Thể, khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định cho phép trạm BOT Cai Lậy được đặt ở vị trí "tréo ngoe" như hiện nay, để lại hậu quả "nhức nhối không dễ xử lý như hiện tại. Tuy nhiên, không có nghĩa là HĐND, UBND và các cơ quan liên quan của tỉnh Tiền Giang có thể vô can trọng vụ việc này.

Bộ GTVT có làm trái chủ trương của Chính phủ?

Trước khi dự án tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy được phê duyệt, ngày 19/9/2013, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định công bố danh mục đầu tư dự án này để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT.  Danh mục kèm theo quyết định này ghi rõ dự án chỉ có duy nhất hạng mục tuyến tránh chiều dài 12km, nền đường rộng 12m, có hai làn xe.

Đến 18/10/2013, Bộ KHĐT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.

Báo Công luận
  Đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh. Phương án này sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án, thời gian thu phí khoảng 10 năm. Phương án này đi vào thực tế, gây nhức nhối trong quản lý nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội suốt nhiều tháng qua (ảnh Zing.vn)

Và tới 11/11/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư. Văn bản nêu rõ: "Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng yêu cầu hoàn thành đồng bộ trên tuyến QL1”Đến lúc này dự án BOT Cai Lậy chỉ có tuyến tránh 12km.

Tuy nhiên, trong quyết định phê duyệt dự án ngày 19/12/2013, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký lại có thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km, từ km1987+560 đến km2014", bên cạnh hợp phần chính là xây dựng mới tuyến tránh dài 12km. 

Ông Nguyễn Văn Thể có làm trái nội dung văn bản "đồng ý về nguyên tắc" của Thủ tướng Chính phủ hay không, cần phải xem xét kỹ lưỡng!

Báo chí thông tin rằng, trước khi phê duyệt dự án, Bộ GTVT đã gửi ba văn bản hỏa tốc tới HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ngày 28/10/2013 đề nghị thống nhất vị trí đặt trạm thu phí. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ra hai phương án đặt trạm thu phí. 

Phương án 1: Đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh. Phương án này sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án, thời gian thu phí khoảng 10 năm. Tất nhiên, Bộ GTVT đã chủ động đưa thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ qua thị xã Cai Lậy" cùng với xây dựng tuyến tránh vào phương án này…

Phương án 2: Đặt trạm thu phí trong tuyến tránh. Bộ GTVT đánh giá hiệu quả tài chính thấp, thời gian thu phí trên 30 năm và không giải quyết được ùn tắc trong thị trấn Cai Lậy.

Phương án 1 sau đó đã được chọn và đi vào thực tế, gây nhức nhối trong quản lý nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội suốt nhiều tháng qua.

...Và chính quyền tỉnh Tiền Giang không thể vô can!?

Có thể thấy, còn rất nhiều bất thường cần sớm được Thanh tra Chính phủ và các Ban, Ngành liên quan làm rõ về trách nhiệm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang đối với dự án này là rất lớn, rất nghiêm trọng trong việc đề xuất hay đồng thuận việc phát sinh thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ qua thị xã Cai Lậy" và phương án đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh.

Báo Công luận
Có tới 2 phương án để tỉnh Tiền Giang lựa chọn. Tỉnh đã chọn phương án 1, sau đó đưa lực lượng CSGT, CSCĐ... tới làm việc tại khu vực BOT Cai Lậy để đảm bảo ANTT, ATGT...

Và thực tế, việc đầu tư tuyến tránh, phát sinh hợp phần tăng cường mặt đường QL1, thay đổi vị trí đặt trạm... đã không "vắng mặt" chính quyền tỉnh Tiền Giang.

Cụ thể, ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 3901 do Phó Chủ tịch tỉnh Trần Kim Mai ký, gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, với lý do "giao thông trên QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy phức tạp, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra tập trung ở đoạn qua thị trấn Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang cũng đang thực hiện quy hoạch để trình Chính phủ thành lập thị xã Cai Lậy trên cơ sở nâng cấp từ thị trấn Cai Lậy, vì vậy việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết và cấp bách..." 

Báo Công luận
Đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang có giới thiệu cả nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong văn bản này, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án, đồng thời giới thiệu nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT là Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty CP Tân Hoàn Cầu.

Tiếp đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất. Cụ thể, văn bản 379/ĐĐBQH-VP ngày 6/11/2016 ghi rõ: "Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thống nhất chủ trương về vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh thị trấn Cai Lậy trên quốc lộ 1 tại lý trình Km 1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đề nghị khi làm dự án này, đồng thời với việc xây dựng tuyến tránh phải kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy…"

Báo Công luận
Văn bản của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang 

Và sau khi chính quyền tỉnh Tiền Giang có văn bản thống nhất hợp phần phát sinh, vị trí đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh, ngày 19/12/2013 dự án được phê duyệt, có thêm việc "tăng cường mặt đường quốc lộ 1" và vị trí tuyến tránh "ngược đời".

Đáng chú ý, về vị trí trạm BOT Cai Lậy hiện tại, trong văn bản 4717 ngày 2/10/2015, ông Lê Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy là Km1999+900 (do tỉnh Tiền Giang đề xuất). Tuy nhiên vị trí này đang gặp khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) do các hộ dân chưa đồng thuận. “Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999+300, QL1. Tại vị trí này, việc GPMB sẽ thuận lợi hơn, giảm thiệt hại cho người dân và giảm chi phí đầu tư cho dự án” - văn bản do ông Nghĩa ký nêu rõ.

Tới thời điểm hiện tại, có dấu hiệu truyền thông và dư luận đang "đá" toàn bộ trách nhiệm sang Bộ GTVT, buộc Bộ GTVT "sửa sai" mà không nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể của tỉnh Tiền Giang, liệu có công bằng, sòng phẳng !?

Cần nhớ, về quy trình đầu tư dự án BOT, tất cả phải bắt đầu từ địa phương.

Dự án được địa phương đề xuất, do không có vốn ngân sách nên địa phương và Bộ GTVT thống nhất chọn phương thức đầu tư BOT. Tiếp đó, địa phương đề nghị Bộ GTVT làm văn bản gửi Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư, Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư (qua đầu thầu hoặc chỉ định thầu. Ở đây, tỉnh Tiền Giang đề nghị xem xét việc xin đầu tư của Công ty BVEC và Công ty Tân Hoàn Cầu - PV). Tiếp đó, nhà đầu tư phải lập dự án, khi được Bộ GTVT chấp thuận, nhà đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cấp giấy phép đầu tư, thẩm định dự án để được Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức...

Như vậy, gốc rễ của mớ bùng nhùng BOT Cai Lậy đi ra từ tỉnh Tiền Giang. Có sai phạm trong đề xuất, phê duyệt đầu tư hay không; Có lợi ích nhóm hay không..., tất cả phải được Chính phủ, các Ban, Ngành có trách nhiệm làm rõ.

Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Kiên Giang

Tin khác

Hành khách tháo chạy tán loạn khi xe giường nằm bất ngờ bốc cháy dữ dội

Hành khách tháo chạy tán loạn khi xe giường nằm bất ngờ bốc cháy dữ dội

(CLO) Sau khi phát hiện xe khách giường nằm bốc cháy, tài xế đã dừng xe, hô hoán mọi người tháo chạy rồi dập lửa nhưng sau đó chiếc xe vẫn bị lửa thiêu rụi. Rất may, tài xế và 24 hành khách đều đã an toàn.

Giao thông
Hà Nội: Thêm 2 điểm cấp đổi giấy phép lái xe tại quận, huyện được ủy quyền

Hà Nội: Thêm 2 điểm cấp đổi giấy phép lái xe tại quận, huyện được ủy quyền

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có thông báo về việc ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính về đổi giấy phép lái xe và cấp lại giấy phép lái xe cho UBND quận Long Biên và UBND huyện Sóc Sơn.

Giao thông
Chính thức đưa vào khai thác Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên mới

Chính thức đưa vào khai thác Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên mới

(CLO) Hôm nay (20/4), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã chính thức khánh thành Đài Kiểm soát không lưu cảng hàng không Điện Biên mới, được xây dựng với kinh phí hơn 93 tỷ đồng.

Giao thông
Hải Dương: Xe ô tô lao xuống sông, lái xe tử nạn

Hải Dương: Xe ô tô lao xuống sông, lái xe tử nạn

(CLO) Khoảng 19 giờ ngày 19/4, tại đường Bạch Đằng, phường Trần Hưng Đạo TP Hải Dương, xe ô tô Madaz CX5 màu trắng đang lưu thông đã bất ngờ mất lái lao xuống sông Sặt làm lái xe tử vong.

Giao thông
Hà Nội: Nhiều showroom ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành “của riêng”

Hà Nội: Nhiều showroom ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành “của riêng”

(CLO) Vì mục đích kinh doanh không ít showroom ô tô, cửa hàng sửa chữa xe hơi chiếm lấn vỉa hè, tận dụng vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Giao thông