Hà Nội: Đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố sẽ giúp quy hoạch lại hè đường tốt hơn

Chủ nhật, 26/11/2017 08:36 AM - 0 Trả lời

(CLO) Giá dịch vụ trông giữ phương tiện được đề xuất điều chỉnh tiệm cận với giá thị trường nên cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ giao thông tĩnh tốt hơn. Đây cũng là biện pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, đó là khẳng định của ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội xung quanh đề xuất HĐND

Theo Sở GTVT Hà Nội. Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 của HĐND TP Hà Nội  quy định:“ Xây dựng phương án tổ chức thí điểm dừng đỗ xe thông minh áp dụng tại các lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thực hiện từ ngày 1-7-2017; xây dựng phương án tổng thể thu phí lòng đường, vỉa hè áp dụng thống nhất, bình đẳng giữa các đơn vị trình HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất”. Cũng trong Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội cũng đã đề cập đến giải pháp xây dựng giá trông giữ phương tiện theo khu vực và lũy tiến. Mức giá dịch vụ trông giữ phương tiện được thực hiện từ năm 2012 đến nay một số chi phí đã biến động như tiền lương, bảo hiểm, nguyên nhiên vật liệu, công cụ, dụng cụ... đều tăng.

Thực tế hiện nay cho thấy, do mức giá chưa kịp điều chỉnh nên tình trạng thu cao hơn giá quy định, không niêm yết giá, không có chứng từ thu… vẫn thường xuyên diễn ra. Qua kết quả khảo sát, đa số người dân đã phải chi trả mức giá cao hơn giá quy định do vi phạm về quản lý giá của các đơn vị trông giữ (mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra). 

Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đang xem xét phương án điều chỉnh giá trông giữ xe do liên ngành Tài chính, GT-VT, Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Thuế đề xuất. Việc kịp thời điều chỉnh mức phí sử dụng lòng đường, hè phố nhằm bảo đảm việc điều tiết nguồn thu vào ngân sách Nhà nước thông qua phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Dự kiến, nếu được HĐND TP thông qua ngay tại kỳ họp tới, UBND TP Hà Nội sẽ phê duyệt điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ xe để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn.

Báo Công luận
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (ảnh Văn Chương) 

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, mức tăng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với trông giữ phương tiện giao thông tại các quận nội thành đề xuất tăng cao, được thực hiện đồng thời với việc tăng giá dịch vụ trông giữ phương tiện giao thông theo khu vực, lũy tiến theo giờ. Khi đó người dân (chủ phương tiện giao thông) sẽ cân nhắc chuyển từ việc sử dụng phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng, góp phần giảm phương tiện cá nhân vào nội đô. Ngày 8-11-2017, Ban Cán sự Đảng thành phố đã báo cáo và được Thường trực Thành ủy Hà Nội chấp thuận các nội dung điều chỉnh quy định thu, mức thu, phương pháp thu đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện giao thông. UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp của công dân qua cổng thông tin điện tử, đã tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP sẽ thẩm tra đề án phí trong tháng 11-2017. Theo kế hoạch nội dung sửa đổi bổ sung quy định thu phí này sẽ báo cáo trước HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2017. Các bước đang được triển khai theo đúng các quy định hiện hành, dự kiến thực hiện mức phí mới và phương pháp thu phí đối với iParking áp dụng đồng thời cùng giá dịch vụ trông giữ được điều chỉnh từ ngày 1-1-2018.

Qua đó, giá dịch vụ trông giữ xe được điều chỉnh nhằm thực hiện 1 trong 45 giải pháp tại Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, với hai nội dung chính: Tại các điểm trông xe theo hình thức iParking để quản lý dừng, đỗ phương tiện áp dụng mức giá dịch vụ lũy tiến (các giờ sau có mức giá cao hơn, thu theo mức 60 phút/lượt. Lượt thứ nhất và thứ hai giá 25.000 đồng/giờ; lượt thứ ba và thứ tư giá 35.000 đồng/giờ; lượt thứ năm và thứ sáu giá 45.000 đồng/giờ). Tại các vị trí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện thì giá trông giữ xe giảm dần theo khu vực (tại khu vực các tuyến phố cần hạn chế quận Hoàn Kiếm trải rộng ra đến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, các huyện ngoại thành). Giá trông giữ xe tại các vị trí lòng đường, hè phố cao hơn so với giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe theo quy hoạch, bãi đỗ xe tập trung để đáp ứng nhu cầu trông giữ xe, góp phần tăng lưu lượng xe có nhu cầu trông giữ xe tại các điểm này so với hiện nay, khuyến khích các bãi đỗ xe hiện đại và tập trung hạn chế việc sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện. Cụ thể: sẽ tăng phí với tỷ lệ tăng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, tăng 250% đối với các tuyến phố từ vành đai 1 đến đô thị lõi, tăng 130% đối với các tuyến phố từ vành đai 2 đến vành đai 1, tăng 130% đối với các tuyến phố từ vành đai 3 đến vành đai 2 và giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành và thị xã Sơn Tây. Như vậy, bình quân tăng 2 lần trên toàn địa bàn.

Từ nguyên tắc trên đã xác định giá dịch vụ trông giữ xe cho từng khu vực (đối với trông giữ thủ công), giá lũy tiến (đối với ứng dụng công nghệ iParking), tính toán chi phí để bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định với mức lợi nhuận hợp lý 4,5% trên tổng chi phí, phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước thông qua phí đối với trông giữ thủ công nộp phí theo m2, đối với trông giữ theo iParking nộp phí theo 30% doanh thu.

Cơ bản không ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân

Cũng theo ông Viện, liên ngành cho rằng, với mức điều chỉnh giá dich vụ trông giữ xe từ năm 2018 tới đây đã tiệm cận, sát với giá thị trường chấp thuận (theo khảo sát của đơn vị tư vấn, đa số người dân đã phải trả mức giá dịch vụ này) nên cơ bản không ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe tại các vị trí lòng đường hè phố sát với giá thị trường chấp thuận đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực canh tranh, hạn chế vi phạm như thu tiền cao hơn giá quy định... qua đó người dân sẽ được cung cấp dịch vụ giao thông tĩnh tốt hơn. Mức tăng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với trông giữ phương tiện giao thông tại các quận nội thành đề xuất tăng cao, được thực hiện đồng thời với việc tăng giá dịch vụ trông giữ phương tiện giao thông theo khu vực, lũy tiến theo giờ; người dân (chủ phương tiện giao thông) sẽ cân nhắc chuyển từ việc sử dụng phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng.

Như vậy, việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe là biện pháp kinh tế để thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.

Ngoài ra, theo đồ án quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016, quy hoạch bãi đỗ xe theo định hướng trong khu vực từ vành đai 3 trở vào có tổng số 416 bãi đỗ xe, với tổng diện tích đỗ xe dự kiến khoảng 346,60 ha. Đến nay đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt nhưng số dự án triển khai hoàn thành là 20/88 dự án và 16/88 đang triển khai thi công (còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư). Sở GT-VT Hà Nội đã khảo sát các vị trí có đủ điều kiện để cấp phép trông giữ phương tiện với khoảng 1.500 điểm. Các điểm này sẽ ứng dụng công nghệ iParking trong trông giữ phương tiện. Với mức tăng giá trông giữ xe tại các vị trí lòng đường, hè phố cao hơn mức giá trông giữ tại các bãi đỗ xe tập trung đã hạn chế việc sử dụng lòng đường để trông giữ phương tiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe hiện đại, các điểm đỗ xe, bến, bãi trông giữ xe tập trung, tầng hầm trông giữ xe; tạo nguồn cung cho hệ thống giao thông tĩnh vốn đang hạn chế của thành phố, đặc biệt là các quận nội thành. Bên cạnh đó, việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe tại các vị trí lòng đường, hè phố sát với giá thị trường chấp thuận đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực canh tranh, hạn chế vi phạm như thu tiền cao hơn giá quy định... Qua đó, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ giao thông tĩnh tốt hơn. Tuy hiên, công tác giám sát của các cấp, các ngành cần thường xuyên và liên tục để giám sát và kịp thời chấn chỉnh việc vi phạm về quản lý giá trông giữ xe trên địa bàn như: thu tiền trông giữ theo giá quy định, có niêm yết giá, cung cấp chứng từ thu tạo công bằng, minh bạch trong quản lý hoạt động giao thông tĩnh hiện nay.

 

PV

Tin khác

Nam Định thành lập 2 bến phà mới Ninh Mỹ và Kinh Lũng

Nam Định thành lập 2 bến phà mới Ninh Mỹ và Kinh Lũng

(CLO) Việc thành lập các bến phà Ninh Mỹ và Kinh Lũng góp phần hoàn thiện dần mạng lưới giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của các địa phương, phục vụ việc đi lại, đảm bảo giao thông thông suốt.

Giao thông
Gia Lai: Dân tố đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 666 gian dối, chủ đầu tư nói gì?

Gia Lai: Dân tố đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 666 gian dối, chủ đầu tư nói gì?

(CLO) Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền clip người dân bức xúc việc đơn vị thi công đường liên huyện Mang Yang – Ia Pa (Gia Lai) thi công gian dối. Liên quan đến sự việc này, chủ đầu tư – Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có kiểm tra và thông tin về vụ việc.

Giao thông
Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

(CLO) Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công những dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chậm, trữ lượng và công suất khai thác chưa đáp ứng kịp thời.

Giao thông
Xây dựng đường gom nhằm xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt

Xây dựng đường gom nhằm xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt

(CLO) Việc đầu tư xây dựng đường gom trong hành lang an toàn giao thông đường sắt phải xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường gom để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ.

Giao thông
Hà Nội: Gần 600 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm không đóng tiền phạt

Hà Nội: Gần 600 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm không đóng tiền phạt

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các địa phương phối hợp quản lý, không cấp đổi giấy phép lái xe cho tài xế khi chưa chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Giao thông