Sở ngành thiếu thống nhất, doanh nghiệp và người dân lãnh hậu quả

Thứ hai, 15/10/2018 17:40 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 15/10, có 9/13 HTX và Doanh nghiệp vận tải xe buýt tại TP. Hồ Chí Minh đồng loạt cắt giảm chuyến trên nhiều tuyến xe buýt được trợ giá đã làm nhiều hành khách lo lắng khi di chuyển. Nguyên nhân đến từ việc Sở Tài chính và Sở GTVT không thống nhất được cách tính trợ giá...

Từ tối hôm qua, một số trang fanpage của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phát đi thông báo về việc cắt giảm chuyến xe buýt trợ giá. Tại trang của Tuổi trẻ Trường ĐH Kinh tế Luật khuyến cáo: Ngày 15/10 sẽ đồng loạt cắt giảm chuyến trên nhiều tuyến xe buýt được trợ giá do lâm cảnh nợ nần phát sinh vượt quá khả năng chi trả…  các tuyến đông khách như 03, 06, 08, 33, 150,... sẽ đồng loạt giảm chuyến. Các bạn sinh viên UEL nhớ dậy sớm để đến trường đúng giờ nhé. Ad thấy là câu chuyện đón xe buýt trước cổng KTX chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng đâu.

“Em đứng đây gần 50 phút rồi mà chưa bắt được xe. Ngày trước chờ chỉ tầm 20 phút, nay ít xe lại lại rất đông.” - bạn Phương Uyên đón xe từ quận 3 để bắt tuyến xe buýt số 06 đến Đại học Nông Lâm (quận Thủ Đức) nói.

Báo Công luận
Tuổi trẻ Trường ĐH Kinh tế Luật dùng hình ảnh để khuyến cáo các bạn sinh viên

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi đến trụ sở của một HTX vận tải xe buýt trên đường Lạc Long Quân, tại đây một cán bộ cho biết: Đúng đấy anh, hôm nay, các xã viên HTX đã đồng loạt cắt giảm từ 30 - 50% chuyến xe trên một tuyến do tiền trợ giá chậm - thấp, làm họ lâm vào cảnh nợ nần phát sinh vượt quá khả năng chi trả.

Theo thông tin, dù hiện nay đã đến tháng 10/2018 nhưng các HTX xe buýt tại TP HCM chỉ được tạm ứng 50% đơn giá cuối năm 2017. Nguyên nhân của việc nợ nần này xuất phát từ việc Sở GTVT và các HTX, doanh nghiệp vận tải xe buýt không thương thảo được hợp đồng do cách tính phân bổ tiền trợ giá xe buýt không thống nhất.

Ngày 10/10 vừa qua, nhiều HTX đã viết đơn đơn kiến nghị gửi đến HĐND, UBND TP. HCM cùng các sở ban ngành xem lại khối lượng đặt hàng kinh phí trợ giá xe buýt năm 2018. Trong kiến nghị, các HTX đề nghị trả lại luồng tuyến và không tiếp tục hoạt động do thua lỗ kéo dài. Riêng các tuyến đã lỡ đầu tư mới thì các HTX này đề nghị lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đơn vị có khả năng tài chính để chuyển nhượng lại nhằm thu hồi vốn đã đầu tư.

Cạnh đó, những HTX này cũng đề nghị cấp có thẩm quyền sớm cấp bổ sung kinh phí trợ giá do chênh lệch nhiên liệu, chi phí đầu tư xe mới theo nguyên tắc “tính đúng tính đủ”.

Chuyện "lạ" khi thương thảo số tiền chưa có 

Theo quyết định 20/2014 của UBND TP. Hồ Chí Minh thì kinh phí trợ giá được tính theo công thức: kinh phí trợ giá xe buýt = chi phí chuyến xe - doanh thu đặt hàng (bán vé). Với công thức này, lượng hành khách giảm thì trợ giá sẽ tăng và ngược lại.

Ngay từ đầu năm, dựa vào nguồn kinh phí được phân bổ trợ giá cho xe buýt 1.000 tỷ đồng từ UBND thành phố Hồ Chí Minh (trong đó trợ giá hoạt động xe buýt hành khách là 863 tỷ đồng, còn lại là xe đưa rước học sinh, công nhân,... Với số tiền này, Sở GTVT cho rằng không đủ khi hoạt động xe buýt nên xin thêm 330 tỷ đồng. Trong thời gian đang chờ Sở Tài chính thẩm định đề xuất, thì Sở GTVT lại thương thảo hợp đồng với các HTX dựa trên cơ sở phần kinh phí xin thêm đã được duyệt.

Tuy nhiên, khi nguồn kinh phí bổ sung 330 tỷ đồng chưa được duyệt thì Sở GTVT lại “đổi chiều” hủy kết quả thương thảo lần 1 và yêu cầu thương thảo lần 2 trên cơ sở dự toán đã được duyệt trước đây, tức khoản trợ giá gói gọn trong 863 tỷ đồng cho cả năm 2018. Với kinh phí trợ giá chỉ 863 tỷ, Sở GTVT chuyển sang áp đặt tăng doanh thu bán vé lên nhằm cân đối cho đủ cả năm. Trong khi đó, các HTX không đồng ý việc điều chỉnh này bởi họ cho rằng khách đi xe buýt hiện nay có xu hướng giảm, việc tăng doanh thu chỉ là con số ảo.

Theo một xã viên HTX vận tải xe buýt: Nếu như lần 1 thương thảo về doanh thu bán vé kỳ vọng tăng 20% so với năm 2017 thì lần thương thảo thứ 2 mức doanh thu này được tăng lên 37%. Đây là điều phi thực tế, chẳng lẽ bắt chúng tôi phải móc túi để bù lỗ cho khoản thu ảo này?

Chênh nhau về cách tính

Cùng một công thức tính trợ giá, nhưng Sở GTVT và kết quả thẩm định của Sở Tài chính chênh nhau rất lớn. Cụ thể theo Sở GTVT, số tiền trợ giá hoạt động xe buýt năm 2018 cần khoảng 1.604 tỷ đồng, trong khi Sở Tài chính cân đối chỉ hơn 821 tỷ đồng (chênh lệch gần 49%)  các yếu tố ảnh hưởng đến số tiền trợ giá như tổng chi phí, tổng doanh thu theo cách tính của 2 sở cũng lần lượt có tỷ lệ chênh nhau từ 17,7 đến 26%.

Nguyên nhân đề xuất bổ sung dự toán thêm 330 tỷ của Sở GTVT chưa được duyệt, theo Sở Tài chính là việc đề xuất thêm 124,9 tỷ đồng (trong số 330 tỷ đồng) do giảm doanh thu vé khiến trợ giá tăng là chưa phù hợp và chưa đủ cơ sở thẩm định. Sở Tài chính cho rằng chưa rõ bằng phương pháp nào mà Sở GTVT lại giảm doanh thu khiến tiền trợ giá tăng, đồng thời đề nghị phải tính toán lại việc tăng chi phí do chênh lệch dữ liệu, khấu hao phương tiện một cách chính xác để làm cơ sở cho thẩm định bổ sung dự toán.

Sau một thời gian cầm cố, bù lỗ, để chờ cách giải quyết của cơ quan chức năng, thì ngày 10/10 các HTX và doanh nghiệp vận tải xe buýt trên địa bàn thành phố tuyên bố sẽ cắt giảm chuyến bắt đầu từ ngày 15/10. Trước tình hình đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã có công văn khẩn gửi đến các HTX và doanh nghiệp vận tải xe buýt này về việc ổn định hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá.

Báo Công luận
 Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã có công văn khẩn gửi đến các HTX và doanh nghiệp vận tải xe buýt

Tại nội dung trong văn bản, Trung tâm đã ghi nhận nỗ lực chia sẻ và trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải, các thành viên HTX trong thời gian qua trong việc duy trì tạm ổn định hoạt động của các tuyến xe buýt để phục vụ người dân trong điều kiện chưa ký kết được hợp đồng chính thức.

“Đối với các kiến nghị của các doanh nghiệp ngày 10/10/2018, lãnh đạo Sở GTVT đã họp với các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị liên quan; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo trung tâm các phòng nghiệp vụ sở giao thông vận tải khẩn trương thực hiện trình cấp bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt 2018 Theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân thành phố tại văn bản 3405/UBND- ĐT ngày 27 tháng 7 năm 2018. Trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt năm 2018 đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải tiếp tục động viên các thành viên ổn định hoạt động tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tránh tình trạng tự ý bỏ tuyến, bỏ chuyến gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của hệ thống xe buýt và an ninh trật tự.” - Văn bản của Trung tâm quản lý giao thông công cộng nêu.

Thái Sơn

Tin khác

Sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

(CLO) Tin từ Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai xây dựng hai trạm dừng nghỉ tạm thời để phục vụ nhu cầu của người dân.

Giao thông
Còn 33 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội

Còn 33 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội

(CLO) Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có tổng số 33 điểm ùn tắc giao thông gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh.

Giao thông
Hà Nội: Xử lý gần 2.000 xe ba, bốn bánh tự chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Hà Nội: Xử lý gần 2.000 xe ba, bốn bánh tự chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông

(CLO) Qua một tháng cao điểm kiểm tra, xử lý xe ba, bốn bánh tự chế, không đảm bảo an toàn, chở hàng hóa cồng kềnh tại Hà Nội; lực lượng chức năng đã xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm và tạm giữ 540 phương tiện các loại.

Giao thông
Hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Điện Biên

Hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Điện Biên

(CLO) Các hãng hàng không Việt Nam đã có thông báo tăng cường tần suất các chuyến bay đi/đến đến cảng hàng không Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Giao thông
Hà Nội: Dự kiến tăng cường trên 700 xe khách phục vụ dịp cao điểm 30/4 - 1/5

Hà Nội: Dự kiến tăng cường trên 700 xe khách phục vụ dịp cao điểm 30/4 - 1/5

(CLO) Tin từ công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai kế hoạch phục vụ hành khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày sắp tới, dự báo nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao.

Giao thông