Vì sao trạm thu phí Cai Lậy "thất thủ"?

Thứ hai, 08/10/2018 11:34 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sự việc xảy ra ở trạm Thu phí BOT Cai Lậy, vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2017 đã gây ra hiệu ứng lan truyền, dẫn đến nhiều trạm thu phí BOT khác trên phạm vi cả nước bị tài xế phản ứng. Vụ việc đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, tạm dừng hoạt động trạm thu phí BOT Cai Lậy để các Bộ ngành chức năng phối hợp nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ.

Để phản ứng trạm thu phí BOT Cai Lậy, giới tài xế và người tham gia giao thông trên Quốc lộ 1 đã áp dụng nhiều hình thức như: dùng tiền mệnh giá thấp hay mệnh giá cao, bỏ vào chai nhựa thấm nước; yêu cầu thối lại tiền thừa dù chỉ có 100 đồng; đậu xe ngay cổng thu phí để nêu thắc mắc…  Những việc làm này, nhằm gây ùn tắc giao thông, buộc trạm thu phí phải liên tục xả trạm và tiến tới “thất thủ” hoàn toàn. Lý giải về việc phản ứng trạm thu phí BOT Cai Lậy, một tài xế trong nhóm “bạn hữu đường xa” nói: “Tụi em là nhóm “bạn hữu đường xa”, nói chung trạm thu phì này không hợp lý vì anh em đi qua đây rất nhiều lần chứ không phải một lần. Tụi em không đồng tình, nói chung cánh tài xế yêu cầu đặt trạm vào vị trí đường tránh là hay hơn. Tụi em đi hay không là quyền của tụi em, vì đã đóng phí đường bộ hàng năm chứ đâu phải không đóng đâu”.

Báo Công luận
Trạm thu phí BOT "thất thủ" 

Nguyên nhân cốt yếu làm cho trạm thu phí BOT Cai Lậy “thất thủ” là vị trí đặt trạm chưa hợp lý. Theo nguyên tắc, xây dựng công trình BOT, làm tuyến đường nào thì thu phí tại tuyến đường đó. Còn trạm thu phí BOT Cai Lậy không đặt trên tuyến tránh Cai Lậy mà đặt tại Quốc lộ 1 nên giới tài xế và người tham gia giao thông trên quốc lộ 1 không chấp nhận. Dù chủ đầu tư dự án và Bộ Giao thông vận tải giải thích: dự án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy có kết hợp với tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5 km với kinh phí đầu tư thêm khoảng 300 tỷ đồng nhưng vẫn không thuyết phục được “khách hàng”. Bởi tài xế và chủ phương tiện giao thông cho rằng, đã đóng phí đường bộ cho phương tiện nên tất nhiên phải được lưu thông miễn phí trên đường quốc lộ 1.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 8/2013, khi mật độ giao thông trên Quốc lộ 1 tăng đột biến, thường xuyên gây ùn tắc giao thông tại Thị xã Cai Lậy nên UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị sớm triển khai dự án tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Cai Lậy bằng ngân sách của nhà nước. Song phía Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành TW cho rằng, vốn nhà nước đang khó khăn nên trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng bằng hình thức BOT. Trong khi đó, nếu xây dựng dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy thì phải đặt trạm tại Quốc lộ 1 mới đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Thật ra, khi đặt trạm thu phí tại tuyến tránh Lai Lậy thì không doanh nghiệp nào chịu đầu tư. Thực tế cho thấy, nếu tuyến tránh Cai Lậy được xây dựng bằng ngân sách nhà nước thì sẽ không dẫn đến chuyện “lộn xộn” ở trạm thu phí khó giải quyết như hiện nay. Ngay từ đầu, tính khả thi của dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy không cao, mức độ rủi ro lớn. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tâm tư: “Dự án nằm trên địa bàn của tỉnh, do tỉnh đề nghị đầu tư bằng ngân sách. Do TW sắp xếp vốn không được do đó kêu gọi đầu tư BOT thôi. Hiện nay, tỉnh đề nghị TW cho ý kiến chỉ đạo, để sớm ổn định. Về phía tỉnh thì đã chỉ đạo các địa phương, các ngành phối hợp để giữ gìn an ninh, trật tự nhưng mà rất phức tạp vượt ra ngoài tầm của tỉnh”.

Báo Công luận
Nhiều tài xế không đồng tình vị trí đặt trạm thu phí 

Điều đáng nói là  Bộ Giao thông vận tải không tổ chức đấu thầu xây dựng dự án này mà chỉ định thầu cho liên doanh nhà thầu gồm: Công Ty Cổ phần Phát triển Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (TRICO). Về năng lực  tài chính các nhà thầu này, ngay từ đầu đã thể hiện rất yếu vì chỉ bỏ ra hơn 16% vốn, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng. 

Cụ thể trong tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ cho dự án xây tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 thì nhà đầu tư bỏ ra cho tuyến tránh Cai Lậy chỉ hơn 200 tỷ đồng. Như vậy, cứ mỗi tháng chủ dự án này phải hoàn trả lãi cho ngân hàng gần 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Giáp, thành viên Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang cho rằng, chính vì chọn nhà thầu năng lực về vốn quá yếu nên hiện nay giải pháp nhà nước mua lại dự án BOT là không thả thi, vì lãi mẹ đẻ lãi con “rất nhiều BOT tốt nhưng BOT Cai Lậy vi phạm ngay từ đầu. Khi chọn nhà đầu tư về mặt chủ quan tôi thấy Bộ Giao thông vận tải chọn không đúng đối tượng. Nhà đầu tư không có đủ vốn phải vay ngân hàng, mà vay ngân hàng thì phải trả lãi rồi. Nhà đầu tư bắt đền chứ, anh đã ký với tôi, tôi mới làm nếu không ký tôi đâu có làm. Tôi thấy cả 3 phương án của Bộ GTVT trình ra thì chưa có phương án nào hợp lòng dân và cũng không khắc phục được. Cái sai sót ban đầu là không lường được tuyến tránh này rủi ro rất cao, hậu quả rất khó”- ông Giáp nói.

Một vấn đề đáng lưu ý trong việc triển khai dự án xây dựng Tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT thì tính công khai, minh bạch chưa cao. Trong quá trình triển khai dự án thì Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã có sự thay đổi tên dự án, các hạng mục, cầu cống và kinh phí đầu tư từ 1.700 tỷ đồng xuống còn 1.400 tỷ đồng… Công việc này, chỉ có các ngành chức năng, các cơ quan công quyền và chính quyền địa phương biết; còn đối với người dân, tài xế và cả Hiệp hội vận tải tỉnh Tiền Giang cũng như phía báo chí chưa có thông tin về dự án này. Trước khi đưa vào trạm thu phí một ngày, chủ đầu tư và Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang mới họp công bố với báo chí. Công tác tuyên truyền rất hạn chế, thông tin mù mờ nên khi tổ chức thu phí trên Quốc lộ 1 tạo ra sự bất ngờ, dẫn đến  hiệu ứng “đám đông” phản ứng quyết liệt trạm thu phí BOT Cai Lậy. 

Ông Đỗ Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Tiền Giang tâm tư: “Dự án này đặt không đúng chỗ, không được sự đồng tình của nhiều người dân. Người dân chịu thiệt thòi vì phải đóng phí chồng lên phí. Dự án đúng ra phải lấy ý kiến người dân trên địa bàn đó và các Hiệp hội vận tải các tỉnh ĐBSCL. Người dân không biết dự án đó, chỉ biết làm tuyến tránh chứ đâu biết thu phí Tuyến tránh, chặn ngoài quốc lộ. Làm tuyến tránh chỗ nào thì thu chỗ đó. Dự án không rõ ràng, minh bạch nên người dân bức xúc”.

Báo Công luận
Nhà chức trách dùng biện pháp cẩu những xe không đồng ý mua vé 

Lần đầu tiên khai trương hoạt động trạm thu phí vào ngày 1/8 năm ngoái đã bị giới tài xế phản ứng dữ dội và sau 15 ngày thu phí cầm cự phải xả trạm. Phía tài xế và chủ phương tiện giao thông yêu cầu nhà đầu tư di dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh nhưng giải pháp được Bộ GTVT và nhà đầu tư đưa ra là chỉ hạ giá phí xuống khoảng 30% so mức phí đặt ra ban đầu. Do đó, khi lần 2 thu phí vào ngày 30/11 thì giới tài xế tiếp tục phản ứng mạnh mẽ hơn. Hàng chục lần trạm thu phí phải xả trạm, gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, phải có sự can thiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều người dân tỉnh Tiền Giang cho rằng, không nên làm tuyến tránh Cai Lậy, bởi rất tốn kém mà hiệu quả không cao. Vì tuyến tránh Cai Lậy chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại Thị xã Cai Lậy chứ không thể khắc phục vấn đề ùn tắc giao thông triền miên trên Quốc lộ 1, thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thực tế cho thấy, dù tuyến tránh Cai Lậy thông xe nhưng vẫn xảy ra ùn ứ giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn các huyện Châu Thành, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hơn nữa, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công và sẽ hoàn thành chậm nhất vào năm 2020 nên tuyến tránh Cai Lậy vài năm sau sẽ rất ít phương tiện qua lại, gây lãng phí.

Chủ trương kêu gọi đầu tư BOT cho lĩnh vực đường giao thông là rất cần thiết, nhất là vùng ĐBSCL rất yếu kém về hạ tầng giao thông. Vấn đề cần quan tâm, trước khi xây dựng dự án BOT Tuyến tránh Cai Lậy thì chính quyền địa phương, các Bộ, ngành hữu quan và nhà đầu tư phải cân nhắc hài hòa lợi ích các bên; không để thiệt thòi nhà đầu tư cũng không để thiệt hại cho người tham gia giao thông, tránh trường hợp, “lợi ích cục bộ” hay “lợi ích nhóm”. Từ đó, mới đưa ra phương án khả thi, hợp lòng dân.

Tại tỉnh Tiền Giang hiện có 4 dự án BOT lĩnh vực giao thông vận tải; trong đó có 2 dự án BOT không đạt hiệu quả là BOT tuyến tránh Cai Lậy và BOT cầu Mỹ Lợi. Riêng đối với dự án xây cầu Mỹ Lợi nối liền tỉnh Tiền Giang - Long An, do quá ít phương tiện qua lại nên nhà đầu tư mỗi tháng phải bù lỗ gần 4 tỷ đồng. Theo ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty cổ phần  BOT cầu Rạch Miễu (nối liền tỉnh Tiền Giang và Bến Tre): kinh nghiệm cho thấy dự án nào dân cần, dân có nhu cầu thì đầu tư BOT rất hiệu quả, bởi vì dân là “khách hàng” của BOT. Cầu Rạch Miễu qua hơn 10 năm xây dựng theo hình thức BOT đã phá bỏ thế “ốc đảo” của Bến Tre, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của nhiều tỉnh ĐBSCL như: Bến Tre, Trà Vinh- Sóc Trăng- Vĩnh Long.  Thời gian qua, chưa có trường hợp nào phản ứng trạm thu phí hay dùng các hình thức làm khó nhân viên thu phí. Ông Nam cho rằng: “Dự án BOT cầu Rạch Miễu thứ nhất là đặt trúng vị trí. Thứ hai là dự án này mang lại hiệu quả rất lớn, đạt 3 mặt cho: nhà nước- người dân và nhà đầu tư. Bằng chứng, trước đây muốn qua tỉnh Bến Tre, phải đi phà từ Tiền Giang qua mất ít nhất 30 phút mới qua được. Tiền đi phà cũng cao hơn phí qua cầu rất nhiều. Do đó, tôi nghĩ cầu Rạch Miễu được sự đồng thuận của người dân nên không có phản ứng nào xảy ra”.

Công bằng mà nói, dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy tại tỉnh Tiền Giang, tuy hợp pháp nhưng chưa hợp lý. Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp, gay gắt giữa tài xế và nhân viên thu phí thì chủ đầu tư, cơ quan chức năng chưa “can thiệp”, xử lý kịp thời mà chỉ thực hiện điệp khúc: “ ùn tắc - xả trạm; thông thoáng thì thu phí”. Những âm thanh la hét, bấm còi xe inh ỏi, ùn ứ giao thông làm lộn xộn cả khu vực.

Những bất cập đối với dự án BOT Cai Lậy cũng như nhiều dự án BOT khác trong cả nước đang được Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng giải quyết hợp tình, hợp lý, không để  kéo dài; không để từ xung đột kinh tế  trở thành xung đột xã hội, châm ngòi cho những bất ổn xã hội khác và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ chế, chủ trương của Đảng- Nhà nước.  

Hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang- Bộ Giao thông vận tải đang chốt phương án tối ưu để trình Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết dự án BOT Tuyến tránh Cai Lậy. Hy vọng phương án lần này sẽ được đông đảo người dân, giới tài xế ủng hộ và đồng thuận.

 Nhật Trường

Tin khác

Thêm nút giao cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sắp được đưa vào khai thác

Thêm nút giao cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sắp được đưa vào khai thác

(CLO) Thông tin từ Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long), nút giao Đồng Thắng trên tuyến sẽ hoàn thành các hạng mục trước ngày 31/3.

Giao thông
Đồng Nai đề xuất bổ sung làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Đồng Nai đề xuất bổ sung làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

(CLO) Mới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai có báo cáo trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn.

Giao thông
Tiếp tục tăng cường chạy tàu khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Tiếp tục tăng cường chạy tàu khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

(CLO) Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), căn cứ vào kế hoạch chạy tàu hiện hành và để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt bổ sung thêm kế hoạch chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 28/3.

Giao thông
Điều chỉnh Slot bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất dịp 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè

Điều chỉnh Slot bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất dịp 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè

(CLO) Tin từ Cục Hàng không Viêt Nam cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định công bố điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (Slot) cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè 2024.

Giao thông
Đi đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, người dân có thể gửi xe ở đâu?

Đi đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, người dân có thể gửi xe ở đâu?

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa phối hợp với đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội khảo sát các điểm đỗ xe cho hành khách đi tàu.

Giao thông