Đảo ngọc Phú Quốc: Xin đừng để vỡ giấc mộng đặc khu!

Chủ nhật, 31/12/2017 05:14 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Đã quyết, đừng chần chừ!”– đó là kỳ vọng, là mong mỏi của những người làm báo và hàng triệu người đọc trước quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu xây dựng các đặc khu kinh tế, nổi bật là Phú Quốc. Có một Đảo Ngọc được thiên nhiên ưu đãi, đã phát triển mạnh mẽ suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, còn có những rào cản, mà mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng họp với các nhà đầu tư, đã thẳng thắn: Chiếc áo hiện tại của Phú Quốc đã quá chật!

Một huyện đảo nhỏ bé có nhiều siêu dự án tỉ đô

Hết quý III/2017, theo UBND huyện Phú Quốc, kinh tế huyện đảo phát triển ổn định, giữ mức tăng trưởng cao, trong đó thương mại – du lịch và dịch vụ đạt 8.230 tỉ, lũy kế 9 tháng là 24.839 tỉ. Bên cạnh đó, công nghiệp, thủy sản tiến đều, sản xuất nông nghiệp cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ,…

Nhưng đáng chú ý nhất phải là các kết quả về quản lý đất đai, giao đất, thu hồi đất cho các dự án. Cụ thể, Phú Quốc đã cấp GCNQSDĐ lần đầu 304 thửa; giao và cấp GCNQSDĐ 152 trường hợp; cấp giấy chuyển mục đích sử dụng 444 trường hợp; trình UBND tỉnh chấp thuận đầu tư cho 03 dự án (diện tích 10,8ha); thu hồi 02 chủ trương đầu tư (diện tích 16,66ha); quyết định chủ trương cho 16 dự án; cấp mới 9 GCN đăng ký đầu tư (diện tích tới 271,5ha) với tổng vốn đầu tư 9.958 tỉ đồng…

Tổng cộng, toàn huyện có 271 dự án còn hiệu lực, với diện tích 10.447ha, trong đó có 219 dự án được cấp GCN đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư (tổng diện tích 8.029ha), tổng vốn đăng ký 350.135 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 52 dự án đang hoàn thiện thủ tục (tính tới 10/9/2017). Một huyện đảo nhỏ bé, lực lượng cán bộ, nhân viên hành chính mỏng,… phải căng mình quản lý tới 271 dự án, trong đó có nhiều dự án tỉ đô, thì nhận xét của Chủ tịch Phạm Vũ Hồng về “chiếc áo chật” có đúng, đủ?

Báo Công luận
Dự án Vinpearl Phú Quốc đang dần hoàn thiện 
Báo cáo không biết nói dối. Quý 3/2017, “chiếc áo” khoác lên Phú Quốc chỉ ban hành 98 quyết định cưỡng chế. Trong khi đó, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, xâm phạm hành lang biển tràn lan, xảy ra ở khu vực từ Trung tâm giải trí Long Beach Center tới khu vực Dinh Cậu (TT.Dương Đông), khu vực biển ấp Cửa Lấp (xã Dương Tơ)… Và cơ quan chức năng như làm không xuể.

Về cấp GCN đầu tư, GCNQSDĐ cho cá nhân, doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, xử lý khiếu nại chưa triệt để, đã khiến tình trạng tranh chấp đất đai phức tạp, gây bất ổn xã hội, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp, ví dụ như các dự án Hải Lưu – Kim Anh, Nhà nghỉ Việt Thanh, Lan Anh Resort, Bim Group,… Nhiều năm qua, cả hệ thống chính quyền tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng vẫn còn là những tồn tại nhức nhối.

Du lịch là xương sống, sao bỏ mặc biển, rừng?

Theo Chủ tịch Phạm Vũ Hồng, du lịch, dịch vụ du lịch sẽ là trụ cột cơ bản nhất trong định hướng phát triển của Phú Quốc. Mục tiêu của Phú Quốc, là trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước và thế giới.

Thực tế, chỉ trong 9 tháng qua, Phú Quốc đã thu hút hơn 2,7 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt gần 300.000 người, mang lại doanh thu gần 3.000 tỉ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, lượng khách tới Phú Quốc trong 5 năm qua tăng đều, trên 30% mỗi năm. “Hạ tầng Phú Quốc đã cơ bản hoàn chỉnh, giao thông nội đảo, có sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, bệnh viện quốc tế… Phú Quốc đã có đường bay thẳng tới Singapore, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…, tiếp tục hướng tới kết nối với Thái Lan, châu Âu”, ông Hưng nói.

Về Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đây là chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở đó, tỉnh Kiên Giang xác định sẽ xây dựng đề án theo mô hình phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao. Nhà nước ít can thiệp vào thị trường, vận hành theo nguyên tắc thị trường là chính, có cơ chế, chính sách đột phá về kinh tế. Phát triển Phú Quốc với trụ cột chính là công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính - ngân hàng và kinh tế biển…

Du lịch Phú Quốc được nâng tầm từng ngày, ngoài định hướng đúng và nỗ lực của nhiều cơ quan, ban, ngành và nhân dân, còn có sự chung tay của các tập đoàn kinh tế có tầm nhìn, vào đầu tư và giúp Đảo Ngọc sở hữu hơn 7.000 phòng chuẩn 5 sao, hấp dẫn du khách. Và không khó để kể tên những Vingroup, Sun Group, CEO Group, Thai Group, Bim Group,...

Nhưng, bệ đỡ quan trọng nhất để Phú Quốc phát triển bền vững nguồn lực tự nhiên là việc Đảo Ngọc là một hòn đảo lớn, có hệ sinh thái đa dạng với rừng nguyên sinh chiếm trên 65%, là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được UNESCO công nhận.

Tuy vậy, công tác quản lý và bảo vệ rừng còn cho thấy sự “lỏng lẻo”, khi chính quyền chỉ tổ chức tuần tra kiểm soát 707 cuộc, có 2.328 lượt người tham dự, ban hành 29 quyết định xử phạt... Trong khi đó, rừng ven biển An Thới đã bị tàn phá liên miên. Hiện tại, rừng phòng hộ mũi Xếp (mốc 47.CTY.TP.BIM, ấp 7, TT.An Thới) cũng “chảy máu” chưa được xử lý nghiêm. Buồn hơn, theo báo cáo mới đây của Hạt Kiểm lâm huyện, đơn vị này chỉ phát hiện 01 vụ nghiêm trọng, chỉ ra 01 quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trong khi rừng vẫn đang bị tàn phá, báo chí thông tin không ngớt (?!)

Báo Công luận
Rừng phòng hộ khu vực Mũi Xếp – TT. An Thới bị tàn phá. 
Khi rừng còn “chảy máu”, bờ biển còn bị xâm hại, liệu Phú Quốc có đủ nguồn lực để trở thành một đặc khu đúng nghĩa hay không, dù chỉ xét theo yêu cầu của Chính phủ?! Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, ngoài mục tiêu thành trung tâm du lịch, giải trí, tài chính…, Phú Quốc còn phải trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển, trung tâm nghiên cứu khoa học!

Sắp tới, với những cơ chế mở, những chính sách vượt trội, các mục tiêu về kinh tế, du lịch của Phú Quốc sẽ có thể đạt được. Tuy nhiên, với nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, Đảo Ngọc sẽ thực hiện bằng cách nào, trả lời với thế hệ mai sau ra sao, hay phải nói rằng “vì cái áo chật quá”?

Thế nên, rừng còn, biển còn, Phú Quốc mới hội đủ điều kiện để trở mình, cất cánh. Rừng mất, biển bị tàn phá, đặc khu Phú Quốc sẽ dễ chỉ là giấc mộng ảo huyền.❏

Đoàn Kiên Giang

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương