Không để người có H nào bị bỏ lại phía sau

Thứ sáu, 01/12/2017 15:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí. Thế nhưng, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình lây nhiễm HIV vẫn diễn biến phức tạp.

Mỗi năm gần 10.000 người mới bị phát hiện HIV

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự xã hội và tương lai giống nòi. Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Việc áp dụng nhiều sáng kiến mới nhất trong phòng, chống HIV/AIDS cũng là điểm sáng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi Việt Nam đã cứu được gần nửa triệu người khỏi bị HIV và cứu sống 150 nghìn người thoát chết vì bệnh AIDS.

Tuy nhiên chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình lây nhiễm HIV vẫn diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh báo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc đảm bảo được quyền về sức khỏe cho mọi người dân. Chỉ có lấy người dân và quyền về sức khỏe làm trung tâm cho việc phát triển y tế trên phạm vi toàn cầu thì mọi người dân mới có thể được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng tốt, và không còn ai bị bỏ lại phía sau”.

Báo Công luận
Việc tuân thủ khám và uống thuốc methadone cũng giảm đáng kể tình trạng nhiễm H. Ảnh L.H 

Tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát

Đánh giá về tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã sớm hình thành hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở trong cả nước và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt được 65,7% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 58,1% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận. Khó khăn lớn nữa là trong những năm gần đây, kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho các chương trình phòng, chống AIDS liên tục bị cắt giảm nên những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ thiếu hụt kinh phí trầm trọng cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

“Dự kiến trong thời gian từ năm 2018, các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và chỉ hỗ trợ chúng ta về kỹ thuật. Do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc đảm bảo điều trị cho bệnh nhân (BN) AIDS sẽ ảnh hưởng rất lớn. Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển BN sang hệ thống điều trị thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn là rào cản cho những người có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Xé rào cản phân biệt, kỳ thị với người có H

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, số BN có H đăng ký điều trị cho đến nay đã lên tới 2.000 người (trong đó 60% đến từ các tỉnh thành phía Bắc, còn lại ở Hà Nội). Phần lớn họ chọn nơi đây để đăng ký điều trị bởi họ né tránh sự kỳ thị của người dân địa phương, sẵn sàng đi đến một nơi xa vừa không ảnh hưởng đến công việc làm ăn ở địa phương vừa được hưởng những quyền lợi về việc chăm sóc y tế cao từ tuyến TƯ. Việc tuân thủ điều trị ARV tốt, giúp BN kéo dài tuổi thọ, một số người có việc làm ổn định, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái như những người bình thường khác… Tuy nhiên, từ khi biết thông tin việc khám chữa bệnh và điều trị ARV cho người có H bắt buộc thanh toán qua BHYT - đồng nghĩa với việc BN phải về địa phương nơi mình đăng ký thẻ BHYT để nhận thuốc ARV - sẽ lộ danh tính mà họ từng giấu giếm bao lâu nay khiến họ vô cùng lo lắng.

“Nếu người có H không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong rất nhanh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu người có H tuân thủ điều trị có thể sống hơn 50 năm kể từ ngày nhiễm. Thực tế, người phát hiện có H đầu tiên ở nước ta cách đây 20 năm đến nay vẫn sống và lao động bình thường do tuân thủ tốt việc điều trị ARV” ,TS. Hoàng Đình Cảnh.

BN Triệu Thị G, 60 tuổi (ở Yên Bái) đã đăng ký điều trị HIV ở đây hơn 5 năm. Tại địa phương, công việc kinh doanh cửa hàng ăn uống của gia đình bà đang phát triển tốt cũng bởi không ai biết bà có HIV. Bởi vậy, bà G tuyên bố hoặc là tự túc mua thuốc ngoài, hoặc sẵn sàng bỏ điều trị nếu phải về quê khám và điều trị HIV.

Theo TS. Đỗ Duy Cường, những BN điều trị ở Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai có được kết quả như ngày nay là nhờ sự vào cuộc của các Bộ, Ngành và nguồn tài trợ chủ yếu từ các tổ chức Quốc tế. Từ khi biết thông tin BN sẽ phải thanh toán điều trị qua thẻ BHYT, họ đã thanh thủ mua BHYT với tỷ lệ lên tới 90%. Tuy nhiên, đa phần họ bảo “thà tôi bỏ tiền túi mua thuốc ARV bên ngoài chứ về cơ sở gần nhà nhận thuốc theo hệ thống bảo hiểm thì chắc cả làng, cả huyện đều biết tôi bị HIV”. Chưa kể, có gia đình cả nhà có H đang làm thuê tại Hà Nội, việc tuân thủ điều trị ARV ngày nào cũng phải đúng giờ, nếu không sẽ kháng thuốc. “Nên chăng để cho BN được quyền nhận thuốc ở đâu là tùy họ, miễn là có thẻ BHYT hoặc có một bước đệm nào hoặc thí điểm một vài nơi, chứ cắt đột ngột hoặc chuyển hết về BHYT là không ổn. Đã có BN sợ bị lộ danh tính mà treo cổ tự tử”, TS Cường đề xuất.

Mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 mà Việt Nam đang hướng tới từ việc xét nghiệm sớm để 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030./.

Lưu Hường

Tin khác

Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

(CLO) Tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% cho các trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn, kỹ thuật...

Sức khỏe
Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Ngày 8/3/2024 Sở y tế tỉnh Điện Biên đã ra kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây xảy ra nhiều vi phạm.

Sức khỏe
Bộ Y tế chỉ đạo không được từ chối người bệnh trong dịp nghỉ lễ

Bộ Y tế chỉ đạo không được từ chối người bệnh trong dịp nghỉ lễ

(CLO) Bộ Y tế vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các Bộ, ngành.

Sức khỏe
TP HCM: Báo động tình trạng thừa cân, béo phì ở nhiều lứa tuổi

TP HCM: Báo động tình trạng thừa cân, béo phì ở nhiều lứa tuổi

(CLO) Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng tại TP HCM đến năm 2030. Trong đó nhiều biện pháp được đề ra để giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đang diễn ra ở nhiều độ tuổi.

Sức khỏe
Nửa triệu liều vắc xin 5 trong 1 đang được kiểm nghiệm trước khi sử dụng tiêm chủng miễn phí

Nửa triệu liều vắc xin 5 trong 1 đang được kiểm nghiệm trước khi sử dụng tiêm chủng miễn phí

(CLO) Số vaccine 5 trong 1 này sau khi được kiểm nghiệm sẽ sớm được chuyển tới các địa phương để triển khai tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù cho các bé chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Sức khỏe