Phía sau những tranh cãi gay gắt giữa Đông y và Tây y về “Thuốc làm từ thịt người”

Thứ ba, 13/11/2018 10:09 AM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày qua, thông tin Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra công văn không cho phép đăng ký, sản xuất nhập khẩu và lưu hành các “Thuốc Trung Quốc làm từ thịt người” tại Việt Nam đang tạo ra dư luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, các thuốc “viên nang thịt người” này chỉ là thuốc làm từ nhau thai, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào?

Báo Công luận
Những viên thuốc thịt người bị phanh phui đã lập tức trở thành sự kiện gây chấn động trong cộng đồng. Ảnh minh họa.

Câu chuyện “kinh hoàng” từ 7 năm trước

Ngày 6/8/2011, 1 trong 3 kênh truyền hình lớn nhất của Hàn Quốc là SBS đã phát một phóng sự có tên “Viên nang thịt người”. SBS khẳng định đã “vạch trần sự thật về những viên thuốc "thần dược" làm từ thịt người” có nguồn gốc từ Trung Quốc...

Đoạn ghi hình cho thấy một số bệnh viện của Trung Quốc đã bán thi thể các thai nhi sinh non hoặc bị nạo thai cho các cơ sở bào chế loại dược liệu “thuốc thịt người”. SBS gọi đây là “tội ác phản nhân loại”.

Nhà đài cũng khẳng định, họ đã phối hợp với Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc và Viện Khoa học Quốc gia Hàn Quốc thực hiện phân tích “viên nang thịt người”, kết quả cho thấy loại bột trong viên nang chứa AND với 99,7% giống cấu trúc gen của con người.

Ngay lập tức sự kiện trở nên chấn động trong cộng đồng.

Các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin. Báo chí phương Tây đăng tải những “viên nang thịt người” có nguồn gốc ở Trung Quốc, được sản xuất từ xác chết của thai nhi, để làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh ung thư, hay các bệnh nan y giai đoạn cuối.

Ngày 9/8/2011, phát ngôn viên Bộ Y tế của Trung Quốc đã phải đưa ra tuyên bố Trung Quốc sẽ điều tra kĩ lưỡng thực hư câu chuyện “viên nang thịt người” và hứa nhanh chóng đưa ra câu trả lời chính xác.

Ngày 26/5/2013, báo chí Hàn Quốc lại tiếp tục đưa tin cảnh sát nước này bắt giữ một người đàn ông Trung Quốc buôn lậu một loại thuốc có khả năng được làm từ thịt người. 

Quá trình điều tra, người đàn ông bị nghi ngờ từ năm 2004 đến thời điểm bị bắt, đã thực hiện trót lọt 41 lần vận chuyển “viên nang thịt người” vào Hàn Quốc... Khi Viện Khoa học Quốc gia Hàn Quốc tiến hành phân tích thì các viên thuốc đều chứa AND của con người.

Theo hãng tin Yonhap, từ tháng 8/2011 đến tháng 8/2012, Hải quan Hàn Quốc bắt giữ 94 vụ buôn lậu “viên nang thịt người” vào Hàn Quốc, với tổng số 43.607 viên...

Báo chí Hàn Quốc đưa tin, mặc dù lực lượng hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra mạnh mẽ, nhưng trong thực tế “viên nang thịt người” vẫn bị buôn lậu tràn lan, rất khó kiểm soát.

Mới đây, ngày 12/10/2018, một bức thư được cho là của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria gửi cho Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria, thông báo phía Hàn Quốc vừa thu giữ 2.751 viên thuốc Trung Quốc được sản xuất từ thai nhi, trẻ sơ sinh, thịt người chết... một lần nữa gây chấn động dư luận.

Bức thư cũng tiết lộ, chính quyền Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại khi mỗi viên thuốc chứa tới 18,7 tỉ con virus, bao gồm cả virus viêm gan B, toàn bộ số thuốc được buôn lậu qua đường xách tay.

Chưa biết tính xác thực của bức thư, nhưng Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria đã lên tiếng cam kết bảo vệ người dân Nigeria chống lại các viên thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ thịt người.

Trung Quốc đã giải thích như thế nào về “viên nang thịt người”?

Ngày 8/5/2012, phát ngôn viên Bộ Y tế Đặng Hải Hoa đã trả lời các câu hỏi của báo chí quốc tế, theo đó Trung Quốc đã chỉ đạo điều tra cẩn thận và khẳng định không có “viên nang thịt người”.

Cũng theo ông Đặng Hải Hoa, ngay sau khi có thông tin vụ việc “viên nang thịt người”, Bộ Y tế Trung Quốc đã chỉ đạo văn phòng y tế các tỉnh ngay lập tức tiến hành điều tra. Song đến nay kết quả vẫn còn là ẩn số.

Bộ Y tế Trung Quốc cũng đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về rác thải y tế, quy trình xử lí các bộ phận của thai nhi, nghiêm cấm xâm phạm xác chết và hài cốt thai nhi; nhân viên y tế phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Theo truyền thông Trung Quốc, cái được gọi là “viên nang thịt người” không được làm từ “thịt người” mà làm từ nhau thai.

Nhau thai trong y học Trung Quốc được gọi là "tử hà sa", có vị mặn, ngọt, nóng; tác dụng bổ dương, tốt cho tim, gan, phổi, thận. Những phụ nữ khỏe mạnh, khi sinh các bà đỡ sẽ lấy bánh nhau tươi, cắt bỏ dây rốn và bóc màng ối, rửa sạch máu, có thể nấu ăn hoặc hấp rồi sấy khô làm thuốc.

Nhau thai được sử dụng cho những phụ nữ quá sản tử cung, teo tử cung, viêm tử cung, không có kinh nguyệt, rong kinh, thiếu sữa, lao, hen suyễn, cổ trướng, đặc biệt là cơ thể suy kiệt.

Đàn ông thận yếu, thiếu máu, vô sinh, bất lực, ù tai, đau lưng, thở ngắn, chán ăn, giảm cân, suy kiệt cũng có thể dùng.

Nếu nhìn theo góc độ y học hiện đại, trong nhau thai có nhiều protein, carbonhydrat, muối khoáng, vitamin, các yếu tố miễn dịch. Đặc biệt, nhau thai có khá nhiều hormone, đặc biệt là nội tiết tố nữ, progesterone, steroid, gonandotropins, hormone vỏ thượng thận.

Vì thế, trong chừng mực nào đó nhau thai có tác dụng với sức khỏe.

Ở Việt Nam có dùng nhau thai người làm thuốc?

Theo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản, vụ việc thuốc “viên nang từ thịt người”, rất có thể bản chất chỉ là thuốc chiết xuất từ nhau thai người – hay trong Đông y còn gọi là "tử hà sa". Trong Đông y, không có bất cứ vị thuốc nào làm từ thịt người mà chỉ có bài thuốc “hà sa đại tảo hoàn”, giúp bổ khí huyết, tăng sức đề kháng cơ thể.

Vị Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phân tích, có AND người trong thuốc chưa có nghĩa là thuốc đó làm từ thịt người mà là thành phần có trong cơ thể, từ lông, tóc, móng, xương…

“Nói thuốc làm từ thịt người như vậy là không chính xác về mặt ngôn ngữ y khoa”, ông Trần Văn Bản khẳng định, đồng thời khuyến cáo cần phải có thông tin rõ hơn về thực hư của câu chuyện thuốc “viên nang từ thịt người” để người dân không quá hoảng sợ, hoang mang và hiểu sai vấn đề.

Theo ông Bản, từ những năm 2000 trở lại trước, nhau thai được sử dụng để chưng cất thuốc bổ gọi là Filatop, nhưng hiện nay do điều kiện kinh tế và đời sống đã tốt, nên không còn sản xuất Filatop từ nhau thai nữa. Thời kì bao cấp, rất nhiều người đã từng ăn nhau bà đẻ, thậm chí các y bác sĩ cũng ăn...

Vẫn còn nhiều nỗi lo…

Nhưng, đó là cách giải thích của các thầy thuốc Đông y, còn trong tư duy của người Việt không có khái niệm, ý niệm về chuyện sử dụng thịt người để phục vụ bất cứ mục đích gì.

Đối với mỗi người Việt, đã là làm từ thịt người, thì cho dù chữa được bệnh hiểm nghèo cũng không sử dụng, bởi vì nó quá xa lạ với văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc.

Trên thực tế, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định các loại thuốc làm từ thịt người trị được bệnh hiểm nghèo. Chưa kể, có thể là loại chứa mầm bệnh nguy hiểm do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng... Hiện nay các thầy thuốc Đông y cũng hạn chế dùng đến "tử hà sa" bởi nếu không khéo lại “rước họa vào thân”.

Mặc dù lo ngại về loại thuốc “làm từ thịt người” xuất xứ Trung Quốc đã được Bộ Y tế khẳng định là không có trên thị trường, nhưng việc nhiều sản phẩm ngoại nhập từng đi bằng rất nhiều đường khác nhau vào nước ta lâu nay với những thông tin không lành mạnh vẫn đang là mối lo ngại lớn. 

Câu hỏi dư luận đang đặt ra là, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực thi công vụ tốt đến đâu và chịu trách nhiệm thế nào khi nhiều sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ vẫn lưu hành ở các chợ, cửa hàng, thậm chí trong siêu thị và  hàng chục tấn thịt, nội tạng gia súc, chân lợn, chân bò đã bốc mùi thối vẫn “ngang nhiên qua được cửa khẩu, “ung dung” đặt trên bàn nhậu mà không bị bắt giữ?

Trên thực tế, mặc dù nhau thai là hàng cấm ở Việt Nam, song một số cửa hàng Đông y vẫn “lén lút” bày bán nếu khách hàng có nhu cầu. Do đó, việc tuyên truyền cho cộng đồng biết để tự bảo vệ mình là cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải kiểm soát và xử phạt thật nghiêm những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đưa các loại thuốc làm từ thịt người từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Chỉ khi hàng hóa được nhập khẩu theo con đường chính tắc, có sự quản lý chặt, kiểm tra tốt… thì mọi nguy cơ độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng trong nước mới có thể bị ngăn chặn và loại bỏ.

Từ năm 2015, Cục Quản lý Dược đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai của sản phụ phải xử lý theo quy chế quản lý chất thải y tế. Các bệnh viện đều thực hiện tiêu hủy bệnh phẩm này.

 

Thành Văn

 

 

Tin khác

Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

(CLO) Theo dự thảo, trung tâm y tế huyện chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

Sức khỏe
Uống Detox Táo giảm cân, người phụ nữ bị mất thị lực

Uống Detox Táo giảm cân, người phụ nữ bị mất thị lực

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Sức khỏe
Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

(CLO) Tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% cho các trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn, kỹ thuật...

Sức khỏe
Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Ngày 8/3/2024 Sở y tế tỉnh Điện Biên đã ra kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây xảy ra nhiều vi phạm.

Sức khỏe
Bộ Y tế chỉ đạo không được từ chối người bệnh trong dịp nghỉ lễ

Bộ Y tế chỉ đạo không được từ chối người bệnh trong dịp nghỉ lễ

(CLO) Bộ Y tế vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các Bộ, ngành.

Sức khỏe