Khải Đơn: Được sống với nghề báo là điều thật dễ chịu!

Thứ ba, 20/02/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nữ nhà báo Khải Đơn (tên thật là Phạm Lan Phương) đã tạo dựng cho mình chỗ đứng trong lòng rất nhiều người đọc, từ những bài viết trên Blog 360 của Yahoo!, tới khi làm việc ở báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… Mỗi trang viết của Khải Đơn dẫn dắt độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, là những câu chuyện về người trẻ, về tình yêu, mơ ước và khát khao tự do, về hành trình xê dịch, về nỗi đau ngổn ngang…

Những dòng chữ của Khải Đơn nhẹ tênh mà lan tỏa được thông điệp sống tích cực, lan tỏa cả những trăn trở về thời cuộc làm buốt tim người đọc…

+ Những chia sẻ, những phóng sự, bình luận của Khải Đơn luôn song hành cùng sự trải nghiệm. Bạn đã đi như thế nào, đã có được gì từ hàng trăm, hàng ngàn chuyến về miền Tây, qua Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan…, hay những vùng thiên tai, chiến sự?

- Vì lý do tường thuật, nên tôi thường đi nhiều nơi. Các chuyến đi công việc thường xen lẫn với các chuyến đi chơi, vì tôi cũng sống với sở thích này.

Tôi không đến các địa điểm du lịch nổi tiếng vì không thích nơi đông người. Khi đến một nơi, tôi tìm đến những thứ mình yêu thích. Người đọc thường thấy tôi ở đâu đó quanh các khu vực có xung đột vì tôi tò mò con người sẽ biến đổi ra sao khi xung đột xuất hiện, nhân cách của họ, ý niệm của họ về thay đổi, cách họ tiếp cận và tồn tại, cách họ sống sót cùng nhau... là những thứ tôi muốn hút vào mình.

Như thời tôi tới Nhật Bản, tôi xin phép tổ chức đã mời tôi giúp tôi đến được Hashima, hòn đảo bỏ hoang nằm giữa biển Nhật Bản, bởi tôi biết đó là một trong những phế tích công nghiệp quan trọng nhất trong giai đoạn bùng nổ phát triển của Nhật. Những tòa nhà 11 tầng bằng bê tông, xây hơn 100 năm, nằm giữa biển, không hề sụp gãy, suy chuyển. Và ở đó hàng ngàn người Hàn Quốc, Trung Quốc đã chôn thây vì phải làm nô lệ lao động trong mỏ than đó. Những điều như vậy, chỉ có thể học được khi đến và nhìn ngắm, cảm nhận sự vĩ đại nhưng cũng tàn bạo đó của con người…

Báo Công luận
Nhà báo Khải Đơn 
Tôi cũng dành rất nhiều thời gian của mình đi bộ trong các rừng quốc gia, núi, những thị trấn nhỏ, đặc biệt là biên giới. Thiên nhiên làm tôi phản chiếu bản thân tốt hơn, tĩnh lặng hơn và đào sâu vào những giá trị mình quan tâm như cảm xúc của tôi, sự giận dữ, cách vượt qua những điều không thể chống cự được... Như khi đến Grand Canyon ở bang Arizona ở Mỹ, tôi đã không đi đến các vị trí ngắm Hẻm Núi Lớn bằng xe bus, mà chọn đường chạy dài nhất Bright Angel, để chạy bộ từ đỉnh Hẻm núi xuống đáy hẻm núi, gần sông Colorado. Đường chạy đó cao 1.000 feet. Tôi đã chạy cực kỳ mệt mỏi suốt 6 giờ, nhưng khi trở về, tôi nhớ nơi ấy thật nhiều. Vẻ đẹp tuyệt diệu đó, không thể nào có thể so bằng các bức ảnh, hay đứng chung với hàng ngàn du khách. Tôi nhớ từng chú sóc tôi gặp, từng đoạn hẻm núi tôi vấp ngã, từng mùi cát bụi lấm đầy mặt tôi khi chạy sau hai người phương Tây khác, màu mây thay đổi ra sao, màu đất từ đỏ thẫm, qua xám, qua vàng, qua trắng... từng tone ra sao. Tôi chọn cách để giác quan của mình thao túng và để nơi đó ghi dấu vào tinh thần tôi theo cách như vậy.

Tôi còn tìm đến thư viện địa phương, quán cafe, vì đó là một vài thú vui nhỏ tôi duy trì để không kiệt sức khi đi đường xa. Tôi uống cà phê nhiều và cố nếm thử càng nhiều loại mới càng tốt. Đến thư viện địa phương là cách để nhìn xem người địa phương học gì, đọc gì, họ quan tâm đến điều gì, và có thứ gì tôi không thể biết được nếu chỉ đi ngoài đường.

+ Khải Đơn làm báo, rồi viết sách, viết rất nhiều sách trong thời gian ngắn, và đều được người trẻ đón nhận cuồng nhiệt. Tại sao lại là người trẻ?

- Đầu tiên, người trẻ - là chính bản thân tôi. Những người viết mới thường bắt đầu bằng chủ thể là bản thân, tôi cũng là người như vậy. Tuy nhiên, còn một lý do nữa, đó là tôi nhận thấy người trẻ xung quanh tôi đang cố gắng chống đỡ với tuổi trẻ của họ một cách lộn xộn và mệt mỏi y hệt như tôi. Mất niềm tin vào vài giá trị quan trọng. Không có kế hoạch. Sống lộn xộn. Không tin vào danh tính bản thân. Đánh mất sự thân thuộc gần gũi... tôi đều đã trải qua. Khi viết lại, tôi muốn người đọc tìm thấy thứ họ cảm thấy gần gũi, dễ chịu, và từ đó bớt hỗn loạn và sợ hãi hơn trong cuộc đời họ. Và tôi muốn là bạn của họ, như chúng tôi là những người đọc và viết cho nhau nghe.

Báo Công luận
 
+ Có những vấn đề đương đại của giới trẻ mà chính Khải Đơn trăn trở, cật vấn..., bạn gửi gắm gì trong từng cuốn sách ấy?

- Ở “Đừng tháo xuống nụ cười”, tôi đổ vào đó tất cả những xung đột thời đi học của mình, quan niệm về sự thành đạt, sự mất niềm tin, sự vô nghĩa của trường lớp và định kiến. Có thể nói là hơi quá liều cho một tuổi trẻ đầy bi quan, nhưng đó là tôi, nguyên bản ở thời kỳ đầu; “Sài Gòn - Thị thành hoang dại” - được viết như một tập truyện ngắn xen lẫn tản văn, viết về 8 năm tôi ở Sài Gòn, trước khi tôi quyết định rời Sài Gòn đi làm ở Thái Lan khoảng 2 năm. Quyển đó như một món quà viết cho người lạ đến đô thị. Sài Gòn khiến ta có thêm sự động viên, dũng cảm để sống. Với tôi, đó là nơi như vậy; “Ta có bi quan không?” - tôi viết về những cú sốc của mình trong thời gian sau đó, một người bạn mất, giá trị bị nhầm lẫn, tổn thương, bị tấn công....;  “Gập ghềnh tuổi 20” - tôi chỉ xoáy vào vấn đề của người trẻ, đi học đại học ra sao, học gì, chọn gì, vì sao ta bỏ học, ta xoay sở với tiền bạc ra sao, công việc tương lai, cách suy nghĩ về bản thân và những người xung quanh...

+ Giờ Khải Đơn viết cho các báo, hay cho Facebook và blog cá nhân nhiều hơn?

- Tôi làm tất cả công việc cùng một lúc, viết bài theo đặt hàng của các báo tại Việt Nam và công việc tại một vài hãng tin quốc tế. Trên website và blog là trang tôi viết những gì yêu thích. Thường Facebook và blog là 2 kênh chính tôi viết những suy nghĩ hàng ngày, như là một cách tập luyện kỹ thuật viết.

+ Mọi người đang nói về mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội. Theo Khải Đơn, nhà báo phải “sống” trên mạng xã hội ra sao, khi không ít người có thiếu sót, thậm chí sai lầm?

- Tôi cho rằng hai trạng thái này khác nhau. Báo chí có hệ thống xác minh thông tin và động cơ thông tin riêng. Mạng xã hội không có hệ thống xác minh thông tin và có động cơ cá nhân. Tôi đã làm cho hãng tin quốc tế vài năm. Ở công ty, quy định là danh tính của tôi trên mạng xã hội cũng chính là danh tính của tờ báo. Mọi phát ngôn của tôi cũng là tờ báo phát ngôn - vì người đọc họ chẳng quan tâm đó là tôi hay tờ báo của tôi. Vì thế chúng tôi phải ứng xử trên mạng xã hội như một nhà báo của tờ báo đó. Đó là cách tôi ứng xử khi làm cho một hãng tin. Còn khi tôi làm việc tự do, trang Facebook là kênh phát ngôn của riêng tôi và tôi điều khiển nó như tờ báo của cá nhân mình. Tôi rất rành rọt trong công việc và cá nhân.

Báo Công luận
 
+ Theo Khải Đơn, người viết báo, làm báo cần trang bị những gì để có thể thực sự làm nghề, sống - chết được với nghề?

- Tôi không rõ những gì là đủ cho một nhà báo. Cá nhân tôi thực hành thường xuyên việc đọc, đọc các sách ngoài tiểu thuyết về phát triển xã hội, các vấn đề xã hội tôi quan tâm. Tôi làm quen với digital từ khá sớm, và nhận ra nếu không điều chỉnh và học thêm kỹ thuật thể hiện và phát hành trên internet, nhà báo sẽ bị bỏ lại. Có rất nhiều nhà báo giỏi tôi tôn trọng nói rằng họ không thể làm sao “câu view” với độc giả được. Tôi biết thông tin tốt khó có thể câu view. Tôi đã thực hành rất nhiều kỹ thuật tương tự đi kèm với sự cân bằng giá trị nội dung. Và tôi học cách thỏa hiệp giữa hai bên nội dung - trình bày. Không thể bỏ đi 1 trong 2, vì đó là cách báo chí hiện đại vận hành, là góc mà người viết bị dồn vào trong thời kỹ thuật số. Đó là lí do tôi học các kỹ thuật về digital để nội dung đến tay người đọc tốt hơn và gần gũi hơn.

Cuối cùng của một nhà báo, như từ xưa đến giờ, là thông tin, xác minh, phỏng vấn, thể loại nào ra thể loại đó, là tất cả những gì tôi vẫn thực hành với việc của mình. Tôi viết bình luận sẽ là bình luận. Nhưng viết phóng sự sẽ là phóng sự. Viết Facebook thể hiện ý kiến cá nhân sẽ là cá nhân. Tôi không bao giờ nhầm lẫn các thể loại với nhau và làm tổn thương đối tượng của mình hay làm lệch đi nội dung cần thể hiện.

Báo Công luận
Khải Đơn 
Tôi không mong sẽ... chết với nghề, mà tôi chọn sống với nghề này, vì đó là giá trị tôi yêu thích. Tôi lớn lên bên cạnh những nhà báo chân thành sống được với nghề. Làm báo không phải sẽ giàu được, và tôi biết điều đó từ khi bước vào công việc. Nhưng nếu mỗi ngày đều được viết, làm việc với thông tin, yêu thông tin đó, có đối thoại với độc giả, tôi thấy dễ chịu, yên tâm và hạnh phúc nhiều.

Đó là điều khiến tôi thấy sống với nghề là điều thật dễ chịu.

+ Cảm ơn chia sẻ của Khải Đơn!

Kiên Giang (Ghi)

Tin khác

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo