Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Một quyết định chưa hợp lòng người dân!

Chủ nhật, 15/04/2018 11:34 AM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày qua, thông tin Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với nhà ở có giá trị 700 triệu đồng trở lên đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Đi đến đâu cũng thấy người dân bàn luận về vấn đề này. Đa số người dân chưa đồng tình với đề xuất này. Trong khi đó, các chuyên gia cũng đều cho rằng đề xuất này là chưa hợp lý và chưa đúng thời điểm.

Bộ Tài chính giải thích thế nào?

Về việc đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính cho rằng: “Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Trong khi đó tại Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất”.

Do đó Bộ Tài Chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Chẳng hạn, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Lý giải về “mốc 700 triệu”, Bộ Tài chính cho biết: “Theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Do đó nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng  thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).

Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các phương án này là tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là những người dù có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Do đó, Bộ Tài chính có đưa một điều vào dự thảo Luật, trong đó quy định cho phép chậm nộp tiền thuế đến khi chuyển nhượng.

Báo Công luận
Việc đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu sẽ tác động mạnh đến dân 
Đề xuất chưa được người dân đồng tình

Rất nhiều người dân khi được hỏi ý kiến đã phản đối đề xuất trên. Chị Hồng Thanh (Cầu Giấy) nói: “Nhà nước ban hành chính sách phải phù hợp với cuộc sống người dân. Nếu cứ tận thu thuế thế này, chúng ta sẽ đánh mất lòng tin của dân”. Nhiều người dân cùng chung mong muốn: “Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có ý kiến thu thuế nhà ở. Chỉ nên đánh thuế vào những vụ mua đi bán lại, chứ những người chỉ có nhà ở do ki cóp làm nên hoặc do cha mẹ để lại thì không nên đánh thuế vì họ lấy đâu ra tiền nộp thuế, phải tính toán kỹ, đừng làm đảo lộn cuộc sống bình thường của người dân”.

Bức xúc của người dân về đề xuất này là ở chỗ đáng lẽ Bộ Tài chính cần đưa ra các chính sách để không thất thu thuế, đưa ra những biện pháp để thu thuế các công ty nước ngoài đang lãi hàng ngàn tỉ ở Việt Nam nhưng không chịu đóng thuế, hoặc lách thuế, thay vì bắt người dân phải chịu.

Nói như Tiến sĩ Vũ Đình Ánh thì: “Thu thuế như vặt lông vịt, nhưng vặt làm sao cho sạch và đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”. Song với kiểu thu thuế này, người dân không thể không kêu toáng lên.

Không chỉ người dân không đồng tình mà ngay cả những người điều hành các công ty lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng không đồng tình. Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc phân tích: “Việc đánh thuế nhà sẽ làm mất lòng người dân. Với người giàu, nộp thêm một phần thuế không phải là vấn đề nhưng với tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp, đó sẽ là một gánh nặng. Giá nhà tại Việt Nam hiện nay đã rất cao rồi. Một gia đình trẻ mua một căn nhà xa trung tâm cũng mất từ 1 – 1,5 tỷ đồng. Họ còn phải nuôi con và trang trải cuộc sống, nếu đóng thêm vài triệu đồng tiền thuế nữa thì rất nặng gánh”. Ông Quyết cũng cho rằng, việc đánh thuế sẽ khiến giá nhà bị đội lên. Người dân đã phải chịu thuế khi mua nhà thì khi bán, tất yếu họ sẽ cộng giá trị thuế vào giá trị căn nhà. Đặc biệt, ông Quyết nhấn mạnh rằng việc đánh thuế nhà sẽ tạo ra vấn nạn trốn thuế.

Các chuyên gia kinh tế: Chưa hợp lý và chưa đúng thời điểm

Theo nhiều chuyên gia, thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến trên thế giới, nhưng Việt Nam áp dụng phải cần có lộ trình, để các khung pháp lý kiên toàn vừa đủ. Hiện tại, vẫn cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện khác mới có thể áp dụng trơn tru và hợp lý. Trước mắt việc đưa ra tỷ lệ thu 0,4% là hợp lý cho lộ trình đầu tiên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng là không hợp lý, khiến người dân phải đóng 2 lần thuế, tạo gánh nặng cho nhiều người. 

Ông Hiếu cũng cho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở.

Hiện tại, Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không. Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Ông đề nghị: “Căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà”.

Còn theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) thì sắc thuế này sẽ hợp lý nếu Luật Đất đai sửa đổi mang chiều hướng tích cực hơn. Thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất. Trong khi đó ở Việt Nam đang có khoản thu này. Tiền thu vào ngân sách lẽ ra được xem là một sắc thuế, thì nước ta lại không ghi nhận. Với tiền sử dụng đất Việt Nam đang thu dựa trên Luật Đất đai chứ không phải là các loại thuế phí.

 “Tôi đồng ý với việc áp thuế tài sản đối với nhà ở như các nước khác, nhưng với điều kiện không có tiền sử dụng đất quá nặng như hiện nay. Hơn hết cần chuyển tiền sử dụng đất thành một sắc thuế có thể gọi là thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tùy theo công năng và mục đích sử dụng là gì? Sắc thuế này có thể thu 10% trên bảng giá đất địa phương, chứ ban hành luật thuế tài sản lúc này là chưa đủ điều kiện”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Việc thu thuế tài sản ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của người dân nên chắc chắn khi đưa ra sẽ vấp phải những phản đối không nhỏ. Mặc dù đề xuất của Bô Tài chính là hết sức bình thường, nhưng để tránh bị người dân phản ứng gay gắt, có lẽ Bộ Tài chính nên chọn một thời điểm hợp lý hơn. Mà điều quan trọng nhất là đánh thuế phải đảm bảo tính công bằng, không đẩy gánh nặng lên người dân.

Thanh Nguyễn


Tin khác

3 bộ luật nào sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản trong thời gian tới?

3 bộ luật nào sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản trong thời gian tới?

(CLO) Theo ông Nguyễn Văn Đính, 3 luật có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất tới thị trường bất động sản thời gian tới là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.

Bất động sản
Lý do Vinhomes Grand Park được giới trẻ chọn là “mảnh đất vàng” khởi nghiệp

Lý do Vinhomes Grand Park được giới trẻ chọn là “mảnh đất vàng” khởi nghiệp

(CLO) Giới trẻ đang đua nhau đổ về đại đô thị sầm uất và đáng sống bậc nhất khu Đông để tìm kiếm không gian sống “chất”, sống tận hưởng thời thượng. Đây cũng là nơi có sẵn hệ sinh thái, môi trường lý tưởng cho người trẻ khởi nghiệp bền vững.

Bất động sản
Sau thời kỳ trầm lắng, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà của người Việt đã thay đổi

Sau thời kỳ trầm lắng, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà của người Việt đã thay đổi

(CLO) Đợt tăng giá căn hộ chung cư tại Hà Nội thời gian qua đang thu hút sự quan tâm lớn từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Bất động sản
Hàng nghìn căn hộ cao cấp sắp ra mắt thị trường phía Tây Hà Nội

Hàng nghìn căn hộ cao cấp sắp ra mắt thị trường phía Tây Hà Nội

(CLO) Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường bất động sản nhà ở khu vực phía Tây.

Bất động sản
Bất động sản ngoại thành TP HCM vẫn chưa thể tạo 'sóng'

Bất động sản ngoại thành TP HCM vẫn chưa thể tạo 'sóng'

(CLO) Từng nóng lên nhờ các thông tin tin quy hoạch, lên thành phố, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, diễn biến tại thị trường bất động sản tại các huyện ngoại thành của TP HCM vẫn chưa đủ yếu tố để tạo thành "cơn sóng" mới.

Bất động sản