Xây dựng đặc khu kinh tế: Được và mất

Thứ ba, 17/04/2018 12:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo Bộ Tài chính, để xây dựng thành công, 3 đặc khu cần tới 1,57 triệu tỷ đồng. Trong đó, Phú Quốc là đặc khu “ngốn” nhiều vốn nhất, lên tới 900.000 tỷ đồng. Ông Phùng Quốc Hiển- Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng tổng số vốn cần huy động cho 3 đặc khu kinh tế là hơn một triệu tỷ đồng, nhưng hiệu quả là gì thì "chưa được làm rõ".

1,57 triệu tỷ đồng thành lập 3 đặc khu?

Sáng 16/4, dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc một lần nữa được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp thứ 23.

Mục tiêu chính của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, như vậy phải thảo luận kỹ lưỡng khía cạnh tài chính, ngân sách của dự luật. Câu hỏi phải trả lời ở đây là ba đặc khu này sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu lại được gì? Vấn đề là phải thu hút đầu tư vào đặc khu chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn giảm thuế. Chúng ta bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2018 – 2030, đặc khu Vân Đồn cần khoảng 270.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, phần vốn trong nước chiếm 50%, vốn nước ngoài chiếm 50%; phân kỳ theo 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 2018 – 2022 cần khoảng 165.000 tỷ đồng và giai đoạn 2022 – 2030 cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Đối với đặc khu Bắc Vân Phong, trong giai đoạn 2019 – 2025, tổng mức đầu tư toàn xã hội được xác định vào khoảng 400.000 tỷ đồng. Còn với Phú Quốc, tổng mức đầu tư được ước tính trên 40 tỷ USD, tương đương khoảng 900.000 tỷ đồng, trong giai đoạn từ 2016-2030. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, nước ngoài khoảng 41%; phân kỳ theo 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 2016 – 2020 cần khoảng 460.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021 – 2030 cần khoảng 440.000 tỷ đồng.

Báo Công luận
 Bức tranh kinh tế đặc khu đang dần rõ nét hơn. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, với đặc khu Phú Quốc, Bộ Tài chính lưu ý đơn vị lập đề án chưa xác định cụ thể cơ cấu nguồn vốn: vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn huy động…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ý tán thành với hướng để lại các khoản thu ngân sách trong vòng 10 năm để các đặc khu tái đầu tư nhưng kèm theo điều kiện, như thế, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm toàn bộ với các nội dung chi thường xuyên như chi cho giáo dục, y tế, chi lương cho bộ máy. Ngân sách Trung ương có thể hỗ trợ trực tiếp cho đặc khu, không cần thông qua cấp tỉnh, tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, trong vòng 10 năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân cũng quán triệt quan điểm, chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và không thể bàn ra được, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, bàn luận sao phải ra được luật chứ không phải là để rút.

“Vấn đề cơ bản nhất đã giải quyết được rồi là luật không trái Hiến pháp, đặc khu có cả HĐND, UBND để đảm bảo việc kiểm soát quyền lực nhưng lại gọn nhẹ, hiệu quả (HĐND không quá 15 người, hoạt động chuyên trách, UBND chỉ có 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch), bỏ được cơ chế Hội đồng tư vấn đi rồi. Còn các cơ chế chính sách ưu đãi ra mở ra từ từ, vừa làm vừa thử nghiệm, chứ không phải là mở ra rồi lại co dần”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Và lợi ích là gì?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Việt Nam thành lập ba đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng nhằm xây dựng ba vùng động lực. Ở đây, chúng ta không làm thí điểm đặc khu kinh tế, nên cần phải thành lập cả 3 đặc khu, gồm Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc, trong cùng một thời gian. Thực tế, cả 3 đặc khu dự kiến thành lập đều có tiềm năng, lợi thế đặc biệt so với khu vực khác và mỗi khu lại có đặc thù, lợi thế, tiềm năng và chiến lược phát triển khác nhau.

Nếu có chiến lược phát triển đúng hướng, cả 3 đặc khu đều phát huy tối đa tiềm năng, ưu thế đặc thù và cùng phát triển; không đặc khu nào triệt tiêu, hạn chế sự phát triển đặc khu nào, mà ngược lại, bổ trợ nhau, hỗ trợ nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau, nên 3 đặc khu sẽ hợp thành thế chân kiềng cùng phát triển, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Chính vì vậy, cần phải có định hướng ngành, nghề ưu tiên phát triển cho từng đặc khu, căn cứ vào quy mô diện tích tự nhiên, dân số, vị trí địa lý, đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đặc khu.

Bộ Tài chính cho biết đối với đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề nghị để lại 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn đến năm 2030. Đồng thời tỉnh đề nghị bổ sung có mục tiêu cho đặc khu trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập, tương ứng 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh đang điều tiết về ngân sách trung ương (khoảng 2.000 tỷ đồng/năm). Tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị quy định ngân sách tỉnh bổ sung cho đặc khu tối thiểu 1.500 tỷ đồng/năm trong 5 năm kể từ ngày thành lập, nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của đặc khu và thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Đối với đặc khu Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có đề xuất để lại 100% thuế xuất nhập khẩu và toàn bộ số thu nội địa trên địa bàn Bắc Vân Phong đến năm 2030 để thực hiện chính sách đặc thù; ngân sách trung ương để lại 50% các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Khánh Hòa để bổ sung cho đặc khu.

Đối với đặc khu Phú Quốc, Bộ Tài chính cho hay ngoài các nhóm chính sách chung, tỉnh Kiên Giang còn đề nghị cơ chế, chính sách đặc thù riêng như để lại số thu nội địa, tiền lương cơ sở, về thế chấp quyền sử dụng đất, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, về kinh doanh trò chơi có thưởng.

Về số thu xuất nhập khẩu, theo cơ chế ưu đãi, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản máy móc thiết bị đã được miễn thuế nhập khẩu. Đây là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Mặt khác, khoản thu thuế xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn không phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, vì địa bàn nộp thuế do doanh nghiệp quyết định. Vì vậy đề nghị không đặt vấn đề để lại khoản thu thuế xuất nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho rằng các đề nghị như: để lại 50% nguồn thu nội địa trên địa bàn; cho phép cán bộ công chức trong đặc khu Phú Quốc được hưởng mức lương cơ sở cao gấp 2 lần mức lương cơ sở hiện hành; cho phép nhà đầu tư được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài… cần “thực hiện theo dự thảo Luật”.

Để giải quyết vấn đề này, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải quy định cụ thể ngành, nghề trọng tâm ưu tiên phát triển dựa vào tính đặc thù riêng có của từng đặc khu. Ưu tiên, ưu đãi đối với ngành, nghề trọng tâm cho đặc khu kinh tế phải khác với quy định chung. Và mức độ ưu tiên, ưu đãi đối với đặc khu này phải khác với đặc khu khác dựa vào lợi thế so sánh và tính đặc thù của từng đặc khu, nhưng phải bảo đảm không dàn trải, chỉ tập trung vào những ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa 3 đặc khu với nhau và giữa các đặc khu kinh tế với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi có hiệu lực sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính ở cả 3 đặc khu kinh tế.

Đối với Vân Đồn, cần tập trung ưu tiên, ưu đãi để phát triển lĩnh vực công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao; du lịch văn hóa; kinh doanh dịch vụ, vận tải, hậu cần hàng không có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đầu tư các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; trung tâm giải trí có thưởng quốc tế; thương mại và mua sắm quốc tế…

Với Bắc Vân Phong, tập trung ưu tiên, ưu đãi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; dịch vụ hậu cần cảng biển có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Riêng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, đóng tàu; sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử, yêu cầu có vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng. 

Còn đối với Phú Quốc, nên tập trung ưu tiên, ưu đãi cho các dự án đầu tư vào dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp; khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên; trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; đầu tư xây dựng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; dịch vụ y tế; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục - đào tạo… nếu đáp ứng đủ điều kiện, trong đó có yêu cầu về vốn đầu tư tối thiểu.

Như vậy, 3 đặc khu cần có nguồn vốn đầu tư khá lớn để phát triển hạ tầng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển đô thị, không gian vùng. Như vậy, 3 đặc khu cần có nguồn vốn đầu tư khá lớn để phát triển hạ tầng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển đô thị, không gian vùng. Điều này khiến nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả đầu tư cũng như nguồn thu sẽ sụt giảm khi áp dụng các chính sách ưu đãi. Điểm chung của 3 đề án phát triển đặc khu là các tỉnh đồng loạt đề nghị giữ lại phần thu ngân sách tại đặc khu, cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại có thể tạo ra gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế, bởi lợi ích đặc khu mang lại liệu có lớn hơn chi phí bỏ ra hay không nên cần cân nhắc. Nếu cả 3 địa phương đều xin giữ lại thêm nguồn thu trên địa bàn để làm đặc khu, ngân sách nhà nước sẽ đối mặt với nguy cơ hụt thu nghiêm trọng. Ở một khía cạnh khác, chưa tính đến hiệu quả đầu tư, việc làm thế nào để huy động được số vốn khổng lồ như vậy cũng không hề đơn giản.

Chính phủ phải trả lời là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì, trong ngắn hạn có thể chưa có hiệu quả nhưng dài hạn thì phải thu được kết quả tích cực. Trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng hiện nay, việc xây dựng đặc khu phải chú trọng ưu tiên thể chế vượt trội, không phải chỉ chú trọng ưu tiên ưu đãi. Như thế mới kêu gọi được nhà đầu tư tốt. Còn nếu cứ theo lối xin ưu tiên, ưu đãi, chúng ta vô tình đi vào lối mòn xin-cho./.

Hoàng Phi

 

Tin khác

Thị trường bất động sản cho thuê tại Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định

Thị trường bất động sản cho thuê tại Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định

(CLO) Mới đây, Savills Châu Á – Thái Bình Dương đã công bố Báo cáo khảo sát Prime Benchmark - Xác định quy chuẩn giá thuê do đơn vị này thực hiện. Báo cáo này đã cung cấp những thông tin về hoạt động của thị trường cho thuê tại nhiều thành phố khác nhau trong khu vực Châu Á.

Bất động sản
“Tâm chấn” Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

“Tâm chấn” Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

(CLO) Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm thành phố đảo Hoàng Gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi ngành nghề, lĩnh vực.

Bất động sản
Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

(CLO) Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như đã khôi phục về mức trước đại dịch. Riêng tại Việt Nam, thị trường vẫn đang chờ đợi sự trở lại của dòng khách quốc tế, hứa hẹn có sự tăng trưởng trong năm 2024.

Bất động sản
Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

(CLO) Trước khi được chuyển đổi từ condotel thành chung cư, trước khi được phép huy động vốn, Đà Nẵng Times Square của chủ đầu tư ngập nợ Kim Long Nam bị Đầu tư Phương Trang cầm cố ở ngân hàng.

Bất động sản