26.500 tỷ đồng doanh nghiệp nợ thuế khó thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ?

Thứ bảy, 14/04/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế đối với những khoản không thể thu hồi. Việc xóa nợ thuế cho doanh nghiệp đối với những trường hợp không thể thu hồi là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn.

Vì vậy, nếu đề xuất xóa nợ thuế được Quốc hội cho phép, điều quan trọng nhất là quá trình thực thi phải thực hiện công khai, minh bạch. Mặc dù đợt xoá nợ thuế lần này của Bộ Tài chính không phân biệt đối tượng nhưng theo một số chuyên gia kinh tế cần công bố rõ số nợ của doanh nghiệp Nhà nước chiếm bao nhiêu. 

Bởi trên thực tế có những doanh nghiêp nhà nước cố tình chây ì nợ thuế nhưng cơ quan thuế không dám mạnh tay như đối với các doanh nghiệp tư nhân. Nếu không công bố rõ ràng, dư luận có quyền nghi ngờ về sự công bằng trong chính sách này. 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2017, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt lên đến 78.619 tỉ đồng. Trong đó, số nợ thuế các loại do ngành thuế quản lý là 73.145 tỉ đồng; nợ thuế do ngành hải quan quản lý là 5.474 tỉ đồng. 

Các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do nguyên nhân khách quan lên đến 35.347 tỉ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trong khi đó, kết quả xử lý nợ thuế đạt rất thấp đối với những trường hợp nợ không có khả năng thu.

 Giai đoạn 2007-2017, tổng số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp mà ngành thuế xóa nợ là 1.122 tỉ đồng, chiếm 3,3% số nợ không có khả năng thu hồi. 

Báo Công luận
Tổng số tiền doanh nghiệp nợ thuế khó đòi lên tới 25.600 tỉ đồng, số tiền này đang được Bộ Tài chính trình Quốc hội đề nghị xoá nợ.

Vì sao lại có số nợ thuế lên tới hàng chục ngàn tỷ như thế? Ở đây cần thấy rằng, số tiền xóa nợ thuế thực chất là tiền không thu được, cộng với tiền phạt chậm nộp đẩy khoản nợ thuế ngày càng cao “treo” trên hệ thống sổ sách của cơ quan thuế, từ năm này qua năm khác nhưng không xử lý được. 

Cơ quan thuế có muốn thu cũng không thu được. Trong tổng số 26.500 tỉ đồng nợ thuế mà Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ, nhiều nhất tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh với 24.302 tỉ đồng. Đó là những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1-1-2017, không còn khả năng nộp ngân sách và đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Trong đó, khoảng 10% là doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. 

Từ thông lệ quốc tế, rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng không có khả năng thanh toán như phá sản, mất tích, đã chết… cũng như sau khi cơ quan thuế áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế với doanh nghiệp mà không thu được nợ. Như vậy, việc đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính trước hết là phù hợp với thông lệ quốc tế, đang được nhiều quốc gia áp dụng. 

Thứ hai, theo đề xuất của Bộ Tài chính là thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với một số trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng, do trở ngại khách quan hoặc những trường hợp không còn khả năng thu, theo tôi là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Liên quan đến việc đánh giá tác động của việc xóa nợ thuế này, tôi cho rằng, nếu việc xóa nợ thuế được thực hiện sẽ đem lại nhiều tác động tích cực. 

Trước hết, việc xóa nợ thuế, xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bị khó khăn bất khả kháng cho thấy chính sách thuế có sự đồng hành cùng doanh nghiệp, sẻ chia với doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn; để từ đó doanh nghiệp sẽ có động lực tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, doanh nghiệp sẽ dần có khả năng trả tiền nợ thuế, đồng thời tạo tiền đề để tăng thu ngân sách nhà nước trong tương lai. Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý, việc xóa nợ thuế sẽ góp phần làm minh bạch số tiền nợ thuế, minh bạch nguồn thu, phản ánh chính xác số tiền nợ thuế; giúp cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế thuận lợi hơn và giúp cho Nhà nước dễ dàng cân đối các khoản thu chi ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ của Nhà nước. 

Đề xuất xóa nợ thuế cho một số đối tượng mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đáng ra nên được thực hiện từ lâu rồi. lựa chọn các đối tượng để xóa nợ, khoanh nợ thuế được cơ quan thuế rà soát kỹ lưỡng các đối tượng cụ thể để đề xuất theo quy định của pháp luật. Thêm nữa, quy định về xóa nợ thuế rất hạn chế về đối tượng và quy định rất chặt chẽ; có sự tham khảo lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề nghiệp và người nộp thuế trong cả nước. 

Việc xóa nợ thuế đúng đối tượng là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn. Vì vậy, nếu đề xuất xóa nợ thuế được Quốc hội cho phép, điều quan trọng nhất là quá trình thực thi phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng, tổ chức khác nhau… 

Bên cạnh đó, xét một cách tổng thể, Luật Quản lý thuế hiện hành cần có những sự sửa đổi, bổ sung. Bởi, một số quy định không có tính thực tế đã khiến các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, nhưng cũng không thể xóa bỏ như thực tế đang xảy ra. 

Việc xóa nợ thuế cần có người chịu trách nhiệm, có sự kiểm tra chéo, thậm chí sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán để kiểm tra xác suất. Đây là việc làm cần thiết để tránh thông đồng giữa các bên, lạm dụng chính sách bởi tỉ lệ xác suất vi phạm khó tránh khỏi. Hơn nữa, đối với kinh tế thị trường, việc xóa nợ thuế có thể vài năm lặp lại một lần. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm đã là thuế thì 1 đồng cũng cần, nên xóa nợ thuế phải bảo đảm nguyên tắc minh bạch và công bằng. Xóa nợ thuế là bài toán khó của ngành tài chính do vướng quy định, số tiền xóa nợ thuế thực chất là tiền không thu được cộng với tiền phạt chậm nộp thì khoản nợ thuế ngày càng cao "treo" ở đó không xử lý được và làm xấu tình hình tài chính của DN.

 Xóa nợ thuế có thể mất một khoản cho ngân sách nhưng DN sau khi sắp xếp lại có thể sẽ phục hồi, tạo ra nguồn thu ngân sách. 

Bên cạnh đó, đối tượng xóa nợ thuế còn có các DN nhà nước, thu nợ thuế thực chất là lấy tiền của nhà nước thì vô nghĩa. "Chủ trương là hoàn toàn phù hợp nhưng quá trình thực thi phải bảo đảm đưa ra tiêu chí, nguyên tắc nhất định và thực thi đúng; có thanh kiểm tra để bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng. Không thể nói chung chung dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng gây thất thoát của nhà nước!" - chuyên gia Ngô Trí Long nói. 

Cẩm Tú

Tin khác

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

(CLO) Dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng cùng cường độ công việc cao nhưng thợ lắp điều hòa phấn khởi bởi có thể “cá kiếm” hàng triệu đồng mỗi ngày.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

(CLO) Dữ liệu giao dịch do dịch vụ tài chính toàn cầu tổng hợp cho thấy tỷ trọng của đồng euro trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT vào tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc đấu thầu vàng miếng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

(CLO) Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng, do nhu cầu yếu, trong khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài khiến hoạt động ở Thái Lan bị đình trệ.

Thị trường - Doanh nghiệp