Nỗ lực định vị giá trị thương hiệu Agribank trong khu vực và toàn cầu

Thứ năm, 11/10/2018 08:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 30 năm xây dựng và phát triển (1988-2018), Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì “tam nông”, làm tốt vai trò cung ứng vốn, tạo nền tảng vững chắc cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam không ngừng phát triển. Không dừng lại ở đó, Agribank đang nỗ lực hướng đến mục tiêu ngân hàng thương mại (NHTM) bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, ngân hàng mang tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới.

30 năm quá đỗi tự hào

Năm 1988, Agribank được ra đời theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chỉ chiếm 42%, còn lại 58% phải vay từ Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu trên 10%; khách hàng chủ yếu là những DN quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, thiếu việc làm và luôn đứng trước nguy cơ phá sản... Lĩnh vực đầu tư chính là nông nghiệp, nông thôn dù vô cùng tiềm năng nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro, bấp bênh nhất…  Thời điểm đó, với Agribank, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhưng thử thách sẽ chẳng thể là gì với những người biết nỗ lực. Vượt lên tất cả, Agribank từng bước khắc phục khó khăn, đi lên và lớn mạnh. Đến nay, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Agribank trở thành ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, số lượng khách hàng, hệ thống mạng lưới. Tính đến 31/12/2017, mạng lưới hoạt động của Agribank có 01 Trụ sở chính; 03 Văn phòng đại diện; 01 Chi nhánh tại Campuchia; 03 đơn vị sự nghiệp; 06 công ty con; 158 Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Agribank; 2.232 chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank trải rộng trong cả nước, tạo điều kiện cho người dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiếp cận các dịch vụ tài chính và tiện ích ngân hàng. Tổng tài sản của Agribank vượt con số 1 triệu tỷ đồng, trong đó 645.367 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện nay, Agribank có trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực đối với phát triển thị trường thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Agribank đã thiết lập quan hệ đại lý với 825 ngân hàng tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế tới 164 quốc gia với nhiều sản phẩm đa dạng. Dịch vụ thẻ Agribank tiếp tục trên đà tăng trưởng mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ giúp Agribank giữ vững vị trí top 3 ngân hàng dẫn đầu thị trường. Đến cuối năm 2017, Agribank đứng đầu về số lượng máy ATM với 2.626 máy, chiếm 15% thị phần toàn ngành ngân hàng. Tính đến cuối năm 2017 đạt 21.502.600 thẻ, doanh số thanh toán thẻ đạt 445 nghìn tỷ đồng.

Đáng nói hơn cả là 30 thập kỷ qua, Agribank đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “vì tam nông”, mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, thực sự là đòn bẩy hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Báo Công luận
 Agribank tăng cường hợp tác quốc tế.
Sẵn sàng chuyển mình để chinh phục những đỉnh cao mới

Những thành tựu gặt hái được 3 thập kỷ qua là rất đỗi tự hào nhưng không thể khiến “người Agribank tự mãn”. Họ hiểu rằng phía trước còn rất nhiều những đỉnh cao phải chinh phục và để bước đến được những đỉnh cao ấy, họ sẽ phải không ngừng nỗ lực, không ngừng đổi mới tư duy, sẵn sàng chuyển mình trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nói chung, ngành ngân hàng nói riêng.

Bắt nhịp với những thay đổi của thời cuộc, hệ thống Agribank đã kịp thời ban hành các quy trình, văn bản, cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ phù hợp với tình hình hoạt động và thị trường nhằm đảm bảo cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục, gia tăng tiện ích cho khách hàng; Đánh giá và triển khai giải pháp phát triển sản phẩm dịch vụ kịp thời đối với các thỏa thuận hợp tác với các đối tác, trung gian thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ; Tập trung khai thác các kênh phân phối truyền thống, mở rộng tính năng, tiện ích dịch vụ trên các kênh phân phối hiện đại (ATM, mobile banking, internet banking), phát triển kênh phân phối sản phẩm dịch vụ qua các điểm giao dịch lưu động, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, tài chính ngân hàng theo mặt bằng chung tại thị trường Việt Nam. Qua đó, góp phần mở rộng thị phần, nâng cao hiệu quả triển khai sản phẩm dịch vụ của Agribank đến khách hàng hộ sản xuất, cá nhân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với việc mở rộng liên kết đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, Agribank còn tập trung hoàn thiện xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng (đơn vị đầu mối tiếp nhận giải quyết khiếu nại khách hàng) từ cuối năm 2017. Hệ thống công nghệ thông tin cũng được hệ thống Agribank đầu tư và vận hành ổn định, an toàn, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý hoạt động, giúp triển khai thêm nhiều dịch vụ, tiện ích hiện đại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản phẩm dịch vụ.

Công tác quảng bá sản phẩm dịch vụ cũng được hệ thống Agribank chú trọng đẩy mạnh, triển khai có hệ thống, bài bản, chuyên nghiệp hơn trên cơ sở lập kế hoạch quảng bá sản phẩm bám sát các chương trình kế hoạch phát triển sản phẩm dịch vụ. Tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới, các kênh truyền thông nội bộ (màn hình ATM, Website agribank.com.vn, tờ thông tin Agribank, Agribank TV…) và các trang mạng xã hội.

Agribank cũng tăng cường đẩy mạnh và mở rộng liên kết với các đối tác. Tính riêng năm 2017, Agribank đã liên kết với nhiều tổ chức kinh tế trong việc sử dụng dịch vụ của nhau và kết hợp bán chéo sản phẩm như: Liên kết với Viettel, Vinaphone, các công ty điện lực, nước sạch, liên kết thu học phí, triển khai sản phẩm dịch vụ với các trường đại học...

Tại hầu hết các chi nhánh, công tác kiểm tra, giám sát về công tác sản phẩm dịch vụ cũng được thực hiện thường xuyên, việc giải quyết khiếu nại hỗ trợ khách hàng kịp thời hơn. Việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ, đổi mới tác phong giao dịch được quan tâm thực hiện.

Năm 2018 - năm ghi dấu chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Agribank, cũng là năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chuẩn bị cho Agribank cổ phần hóa khi đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Báo Công luận
 
Bước tiến dài trong việc trở thành ngân hàng có tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới

Thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn năm 2030, Agribank xác định mục tiêu giữ vững vị trí NHTM hàng đầu Việt Nam, hoạt động theo mô hình NHTM do Nhà nước nắm cổ phần chi phối; Có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, tiên tiến và năng lực tài chính cao; hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; Giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng hiện đại, tiện ích, đạt tiêu chuẩn quốc tế; định vị giá trị thương hiệu Agribank khu vực và toàn cầu.

Năm 2018, Agribank đẩy mạnh quan hệ với các nhà tài trợ là tổ chức đa phương, thiết lập quan hệ với các tổ chức song phương để tìm hiểu về kế hoạch thực hiện Dự án tại Việt Nam. Agribank cũng liên hệ chặt chẽ với NHNN, Bộ Tài chính để tìm hiểu về kế hoạch ký kết các Hiệp định Dự án; xác định tiến độ của từng Dự án để tiếp cận một cách hiệu quả. Tiếp tục làm việc với nhà tài trợ, Ban Quản lý các Dự án,… để mở rộng đối tượng cho vay, tháo gỡ các khó khăn về giải ngân Dự án; Củng cố và phát triển hệ thống ngân hàng đại lý, chủ động, tích cực trong việc bán chéo sản phẩm dịch vụ của Agribank với các ngân hàng đối tác. Triển khai Đề án phát triển quan hệ hợp tác tại 03 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Bên cạnh đó, Agribank cũng tích cực tìm kiếm các đối tác chiến lược tại các thị trường khác để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Agribank. Chú trọng công tác chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tuân thủ luật cấm vận; hoàn thiện quy trình chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tuân thủ luật cấm vận; khẩn trương xây dựng và triển khai đề án trang bị hệ thống phòng, chống rửa tiền của Agribank.

Mới đây, trên bảng xếp hạng Top 1000 và Top các ngân hàng theo châu lục của The Banker - tạp chí tài chính hàng đầu thế giới - được công bố vào tháng 7 hằng năm, Agribank được xếp hạng thứ 465 thế giới và xếp thứ 2 quốc gia năm 2018. Với sự thăng hạng về thứ bậc trong bảng xếp hạng của tạp chí The Banker năm 2018, Agribank đang tiến những bước dài trong việc trở thành một ngân hàng đa năng, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới. Với bề dày truyền thống 30 năm, Agribank có những bước phát triển đột phá mới và đang sẵn sàng cho mục tiêu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020.          

                PV

Tin khác

Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỷ USD sau khi rời Nga

Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỷ USD sau khi rời Nga

(CLO) Reuters đưa tin, trích dẫn các tính toán dựa trên hồ sơ và báo cáo của loạt công ty, các công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga phải chịu khoản lỗ hàng lên tới 107 tỷ USD, đồng thời mất đáng kể doanh thu.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá xăng dầu

Đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá xăng dầu

(CLO) Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83.

Thị trường - Doanh nghiệp
Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong quý I

Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong quý I

(CLO) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt 14,18%, dẫn đầu cả nước. Các ngành dịch vụ duy trì hoạt động ổn định.

Thị trường - Doanh nghiệp
Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp