Vingroup, Thaco và PNJ đã "Dậy thì thành công” như thế nào?

Chủ nhật, 31/12/2017 05:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bảng xếp hạng VNR500 2017 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 - tiếp tục ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu như 2007 - năm đầu tiên VNR500 được công bố, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã chiếm khoảng 50% trong số những cái tên được xướng lên trong bảng xếp hạng.

Về mặt doanh thu, năm 2017, khu vực kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo, nhưng đóng góp còn 52%, giảm so với con số 59% năm 2016. Trong khi đó, đóng góp của khu vực tư nhân lại tăng từ 27% (2016) lên 32,3% năm nay. Sự tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân và tỉ trọng doanh thu của khối này đã phản ánh phần nào nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, khẳng định vai trò và sự vươn mình mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân.


Bảy “kỳ quan” của Vingroup

Công ty CP Tập đoàn Vingroup, tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993 bởi những người Việt trẻ và nhạy bén. Thời điểm Liên bang Xô Viết sụp đổ, đời sống người dân các nước chìm trong thiếu thốn, Technocom đã lao vào lĩnh vực thực phẩm “thời thượng” lúc bấy giờ - sản phẩm mì ăn liền, thành công rực rỡ với thương hiệu Mivina.

Từ năm 2000, Technocom - Vingroup về Việt Nam. Tiếp tục với tầm nhìn và sự nhạy bén, Vingroup đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản, xây dựng nên hai thượng hiệu đắt giá Vinpearl và Vincom. Bằng những nỗ lực không ngừng, Vincom đã trở thành một trong những thương hiệu số 1 Việt Nam về bất động sản, với hàng loạt các tổ hợp Trung tâm thương mại - Văn phòng - Căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn. Cùng với Vincom, Vinpearl cũng trở thành cánh chim đầu đàn của ngành du lịch với chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, công viên giải trí, sân golf… đẳng cấp quốc tế.

Tháng 1/2012, Vinpearl sáp nhập vào Vincom, chính thức hoạt động dưới mô hình tập đoàn (Vingroup), bắt đầu tái cơ cấu và xây dựng hệ sinh thái của họ, gồm 7 miếng ghép: Bất động sản, du lịch, bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp, và mới đây là ô tô.

Ngày 5/12/2017 vừa qua, Vingroup vừa vươn lên vị trí số 1 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2017. Đáng kể, 4 thương hiệu thành viên của Vingroup gồm Vinhomes (bất động sản nhà ở), Vincommerce (bán lẻ), Vinpearl (du lịch - nghỉ dưỡng), Vincom Retail (bất động sản bán lẻ) cũng được vinh danh trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2017, do hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance công bố.

Báo Công luận
Khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng. 
Tính đến ngày 30/9/2017, tổng tài sản Vingroup đạt 204.938 tỷ đồng, tăng 24.482 tỷ đồng so với cuối năm 2016; luôn ghi nhận sự tăng trưởng tốt của tất cả các mảng từ bất động sản, cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bán lẻ, giáo dục...

Từ một thương hiệu Mivina ở đất nước Đông Âu xa xôi, những người Việt trẻ với tầm nhìn và quyết tâm, đã xây dựng nên một đế chế với 7 thành viên xứng đáng được gọi là “kỳ quan kinh tế Việt Nam.

Hệ sinh thái toàn động cơ, sắt, thép, cao su… ở Thaco

Những năm qua, Trường Hải – Thaco luôn so kè với Vingroup trên VNR500. Nhưng khác với Vingroup, Thaco lại tập trung xây dựng một hệ sinh thái rất “lạ”, với chỉ 1 cá thể duy nhất là ô tô. Và để đủ tầm “thu gom” các  thương hiệu lớn (Kia, Mazda, Peugeot, Mini, BMW, Fuso) về với mình, Thaco đã trải qua đúng 20 năm lặn lội, vắt kiệt những đôi tay và bao khối óc.

Công ty TNHH ôtô Trường Hải được thành lập ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai ngày 29/4/1997, bởi kỹ sư cơ khí Trần Bá Dương. Ban đầu, họ chủ yếu nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang và bán ra thị trường, bên cạnh đó là cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô. Tới 21/6/2001, họ thành lập Công ty Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Tracimexco – Trường Hải, chuyển sang sản xuất và lắp ráp xe KIA tải nhẹ, đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô đầu tiên và lớn nhất Việt Nam thời điểm ấy.

Đến cuối 2002, Trường Hải đón tiếp Đoàn xúc tiến đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam vào thăm và kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Cuộc gặp này được xem là “bước ngoặt lịch sử. Bởi ngay sau đó, năm 2003, Trường Hải đầu tư vào Chu Lai 600 tỷ cho nhà máy lắp ráp ô tô với diện tích 36,8ha, công suất 25.000 xe/năm, gặt hái nhiều trái ngọt…

Báo Công luận
Nhà máy BusThaco lớn nhất Đông Nam Á đã chính thức khánh thành. 
Năm 2007, khi tròn 10 tuổi, Trường Hải từ “TNHH” lên “Cổ phần”, nhân sự tăng lên tới 3.000 người. Liên tiếp sau đó: Năm 2010 thành lập Nhà máy Vina Mazda hơn 20 triệu USD; 2011 đưa vào hoạt động nhà máy Thaco Bus; 2013 hợp tác sản xuất và lắp ráp xe Peugeot; 2015 bán ra 80.421 xe, đạt 38,6% thị phần VAMA; 2016 trở thành doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam, với hơn 65.000 tỷ đồng...

Năm 2017 này, Thaco khiến thị trường ô tô Việt Nam “chao đảo” khi bất ngờ phát động cuộc đua giảm giá bán xe, bất ngờ đồng thời công bố hợp tác với BMW và MINI. Mới đây, thương hiệu xe tải nổi tiếng FUSO cũng chính thức về với Thaco, trở thành miếng ghép thứ 6 trong một hệ sinh thái như đã nói, là hơi… “lạ”, với các cá thể là ô tô cơ bản giống hệt nhau.

Giấc mơ ô tô Việt Nam của Thaco như chúng ta thấy, đã nên hình nên dạng.

Hành trình rẽ sóng của PNJ

Đứng cạnh những nam doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Trần Đình Long nức tiếng, là rất nhiều nữ doanh nhân “quyền lực”, có thể kể tên TGD Vinamilk Mai Kiều Liên, TGĐ TH Milk Thái Hương, TGĐ VietjetAir Nguyễn Thị Phương Thảo… Những ngày Tết 2018 đang tới gần, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới nữ tướng ngành kim hoàn Cao Thị Ngọc Dung, “người giữ lửa” của PNJ hiện tại, người thuyền trưởng chèo lái PNJ suốt 20 năm.

PNJ cuối những năm 1990 vẫn là tên tuổi lớn trong mảng kinh doanh vàng miếng. Nhưng từ thời điểm “đỉnh cao” ấy, thuyền trưởng Cao Thị Ngọc Dung đã có những bước chuyển hướng.

Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch HĐQT/TGĐ PNJ cho biết, từ năm 1988, PJN đã tập hợp các nghệ nhân giỏi của TP.HCM, xây dựng nền tảng để phát triển và kinh doanh trang sức – một bước đi được xem là “trước thời đại”. Và khi Nhà nước không cho kinh doanh vàng miếng, PNJ đã có sẵn đội ngũ nghệ nhân (nhiều người được đào tạo ở nước ngoài), có dây chuyền hiện đại nhập khẩu Italia, người dân ngày càng có điều kiện kinh tế để thỏa mãn sở thích trang sức…, PNJ đã sản xuất không đủ bán. Rồi tới nay, trang sức là mảng kinh doanh cốt lõi, đang đóng góp 80% trong tổng doanh thu doanh nghiệp.

Báo Công luận
Bà Cao Thị Ngọc Dung - nữ hoàng "đế chế" vàng bạc Phú Nhuận PNJ. 
Tới năm 2017, PNJ đã sở hữu hơn 250 cửa hàng (kế hoạch đạt 300 cửa hàng đến hết năm 2018), vẫn giữ năng lực sản xuất vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ dự kiến đạt lần lượt trên 10.000 tỉ đồng và trên 600 tỷ đồng (tăng 22% và 28% so với 2016). Tỷ trọng xuất khẩu của PNJ được đặt mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm nay.

Mới đây, PNJ được Tạp chí trang sức Jewellery News Asia vinh danh doanh nghiệp kim hoàn xuất sắc nhất ASEAN. Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM Nguyễn Văn Dưng đã bày tỏ: “Tôi tin PNJ sẽ đưa ngành kim hoàn Việt Nam ra thế giới.” Và không chỉ ghi dấu ấn trong kinh doanh, PNJ còn là doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội, những “Quỹ từ thiện PNJ”, “Mái ấm PNJ”… luôn được báo chí, cộng đồng nhắc tới, tôn vinh.

Ở tuổi 60, nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung vẫn không ngừng học hỏi, trao gửi niềm tin vào thế hệ trẻ, ở PNJ, ở đất nước Việt Nam.

An Nhiên - Kiên Giang (ghi)

 

Tin khác

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

(CLO) Dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng cùng cường độ công việc cao nhưng thợ lắp điều hòa phấn khởi bởi có thể “cá kiếm” hàng triệu đồng mỗi ngày.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

(CLO) Dữ liệu giao dịch do dịch vụ tài chính toàn cầu tổng hợp cho thấy tỷ trọng của đồng euro trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT vào tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc đấu thầu vàng miếng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

(CLO) Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng, do nhu cầu yếu, trong khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài khiến hoạt động ở Thái Lan bị đình trệ.

Thị trường - Doanh nghiệp