Báo cáo Dự toán NSNN năm 2019: Bước tiến thực hiện công khai, minh bạch

Thứ ba, 30/10/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhằm mục tiêu thúc đẩy các ý kiến thảo luận xã hội về Dự thảo Báo cáo công khai Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được Bộ Tài chính công bố, Tọa đàm “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức đã diễn ra sáng 29/10, tại Hà Nội.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, tổ chức xã hội và các công dân quan tâm tới chủ đề ngân sách nhà nước (NSNN).

Tăng cường trách nhiệm giải trình về thu chi NSNN

Tại buổi toạ đàm, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc Bộ Tài chính công khai, minh bạch báo cáo dự toán NSNN 2019 để lấy ý kiến các tổ chức và người dân.

Ông Phạm Đình Cường - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) chia sẻ, hiện có 3 văn bản quan trọng tác động đến vấn đề công khai NSNN là Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Như vậy khi công bố một tài liệu nào đó thuộc về NSNN sẽ chịu sự điều chỉnh bởi 3 luật này.

Ông Cường cho rằng, Bộ Tài chính đã thực hiện đúng quy định của Luật NSNN về vấn đề công khai ngân sách. “Mỗi người dân đều có quyền tiếp cận và đưa ra ý kiến về dự toán NSNN hàng năm của Chính phủ. Cho nên về mặt thực hiện, thì việc công bố và lấy ý kiến các tổ chức, người dân về dự toán NSNN năm 2019 của Bộ Tài chính là bước tiến lớn”.

Theo ông Cường, cách đây 30 năm, kể cả đại biểu Quốc hội khi nhận được tài liệu dự toán NSNN của Chính phủ trình đều đóng dấu là tài liệu cần thu hồi. Còn nay, đã công khai ngay cả trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính là bước tiến rất lớn.

Báo Công luận
 Các đại biểu chia sẻ thông tin tại Tọa đàm. Ảnh: Bộ Tài chính

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, năm 2018 là năm thứ hai triển khai thực hiện công khai dự toán NSNN Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh công khai minh bạch cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình về thu chi NSNN, hoàn thiện thể chế.

Ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, tuy kết quả thu NSNN trong 2 tháng còn lại của năm 2018 còn có biến động về thu và chi, đòi hỏi cần tiếp tục theo dõi, nhưng đến giờ dự kiến kết quả ước đạt cũng rất đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn cần phải tiếp tục theo dõi những yếu tố tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ NSNN, phân tích cơ cấu NSNN, cũng như những thách thức trong quản lý NSNN…

Siết chặt kỷ luật chi ngân sách

Nhận xét về Dự thảo Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Kinh tế tài chính và chính sách công đánh giá cao tính thận trọng của Báo cáo. Một trong những ưu điểm của Báo cáo năm nay là đề cập tương đối chi tiết hơn về nguồn thu để các chuyên gia, tổ chức, cá nhân có thể nắm bắt và thảo luận. Tuy nhiên, theo ông, dự thảo về chi đầu tư cần đưa chi tiết theo từng lĩnh vực giống như chi thường xuyên.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Dự thảo Báo cáo cho thấy sự tiến bộ về công bố chi tiêu ngân sách, nhưng cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN để có thể quy trách nhiệm cụ thể và cần đảm bảo sự nhất quán về số liệu giữa các năm.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, NSNN có mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thực tế, tình hình kinh tế nước ta có nhiều biến động nên mọi dự báo chỉ mang tính chất định hướng, còn nếu đặt mục tiêu mang tính áp đặt pháp lệnh thì rất khó.

“Quốc hội mỗi năm đưa ra Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu là các chỉ tiêu vĩ mô. Sau khi quyết toán (thực hiện sau 18 tháng) để nhìn nhận lại con số thu, chi thì thông qua nghị quyết về quyết toán của 18 tháng trước theo số thực thu, chi. Do vậy có sự chênh lệch về số liệu là không tránh khỏi” ông Nguyễn Minh Tân nói.

Nêu đề xuất tại Tọa đàm, ông Phạm Đình Cường cho rằng, để tăng cường hiệu quả nhiệm vụ tài chính - NSNN, Chính phủ cần rà soát lại chủ trương về phân bổ ngân sách trong các lĩnh vực, siết chặt kỷ luật chi ngân sách. Đồng thời, vẫn nên giữ bội chi ở mức như hiện nay và chỉ bội chi cho đầu tư phát triển, chứ không nên bội chi cho chi thường xuyên.

Xem xét mở rộng nguồn thu

So sánh về tỷ lệ huy động vào NSNN của thuế phí tại Việt Nam, TS Vũ Sỹ Cường đặt câu hỏi là gánh nặng về thuế, phí của Việt Nam hiện nay nhiều hay ít? Theo ông Cường, tại Thuỵ Điển tỷ trọng thuế, phí chiếm tới 35-40% GDP, còn Việt Nam tỷ lệ huy động vào NSNN qua các năm từ 23-24%, trong đó từ thuế phí dao động trong ngưỡng 18-20%, chưa đạt chiến lược thu từ ngành thuế.

Mặt khác, theo ông Cường trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây, số thu từ thuế, phí có xu hướng giảm, trong khi chiến lược của ngành thuế là tăng lên. Thực tế số thu từ thuế và lệ phí trong GDP năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19%, năm 2019 giảm xuống 18,7%. Thuế phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt. Đây là một rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. Hiện, ngân sách lại đang được bù đắp bằng những nguồn thu không bền vững như đất đai, tài nguyên, bán tài sản doanh nghiệp... trong khi chúng ta liên tục trì hoãn xây dựng các loại thuế.

TS Lê Đăng Doanh cũng đồng tình khi cho rằng, Việt Nam nhiều tiến bộ nhất định về công khai, minh bạch ngân sách, qua đó giúp người dân theo dõi và giám sát tốt hơn. Tuy nhiên, ông Doanh tỏ ra lo ngại về vấn đề chi thường xuyên hiện nay. Hiện chi ngân sách cho bộ máy hành chính của nước ta còn quá cồng kềnh, trùng lắp, thậm chí nhiều khoản chi không cần thiết, quá sức chịu động của nền kinh tế.

Mặt khác, theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam đang hội nhập, tham gia các FTA rất sâu rộng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu thuế nhập khẩu đang giảm mạnh. Hiện tại, nguồn thu lại đang dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (khoảng 72%), trong khi giá trị gia tăng thu về lại rất hạn chế. Có thể sản lượng xuất khẩu cao làm tăng GDP nhưng chưa chắc ngân sách đã tăng được tương ứng.

TS Lê Đăng Doanh quan ngại, thu từ dầu thô lại không bền vững, sản lượng dầu thô đang có xu hướng giảm do tìm mỏ mới rất khó khăn. Do đó, tình hình thu ngân sách từ nguồn này cũng đang có biến động, cần phải thích nghi. Ông Doanh đề xuất thêm cần xem xét lại khoản thu thuế từ các hộ kinh tế gia đình, vì khoản thu này hiện chưa bình đẳng, tương xứng, trong khi đó tỷ lệ chiếm khá lớn trong GDP. Bên cạnh những biện pháp tăng thu, cần phải giảm chi để không tạo áp lực quá lớn đến ngân sách, trong đó phải giảm chi thường xuyên.

PV

Tin khác

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”

(CLO) Ngày 16/4, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”.

Tài chính - Bảo hiểm
Imexpharm (IMP) lãi kỷ lục, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%

Imexpharm (IMP) lãi kỷ lục, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%

(CLO) CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Công ty dự định chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
Haxaco (HAX) lợi nhuận Quý 1 tăng vọt, vẫn chậm kế hoạch năm 2024

Haxaco (HAX) lợi nhuận Quý 1 tăng vọt, vẫn chậm kế hoạch năm 2024

(CLO) Sau một năm kinh doanh khó khăn, lợi nhuận Quý 1/2024 của Ô tô Hàng Xanh - Haxaco (HAX) đã có sự tăng trưởng trở lại.

Tài chính - Bảo hiểm
NHNN kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp thông quan nhập khẩu vàng

NHNN kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp thông quan nhập khẩu vàng

(CLO) NHNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.

Tài chính - Bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 24.200 tỷ đồng trong phiên 15/4

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 24.200 tỷ đồng trong phiên 15/4

(CLO) Đây là lần bơm ròng tiền mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây của Ngân hàng Nhà nước vào thanh khoản hệ thống với 24.200 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm