Cuộc đua tăng phí của các ngân hàng và Chỉ thị nóng của Ngân hàng Nhà nước

Thứ năm, 10/05/2018 14:29 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngân hàng Nhà nước vừa mới quy định khung biểu phí của dịch vụ rút tiền nội mạng và ngoại mạng của các ngân hàng để hạ nhiệt cuộc đua tăng phí của các ngân hàng đang diễn ra rầm rộ thời gian qua.

Sau một thời kỳ dài duy trì mức phí rút tiền nội mạng ở mức 1.100 đồng/giao dịch (sau thuế), nhiều ngân hàng lớn đã thông báo tăng phí rút tiền nội mạng. Tuy mức tăng vẫn nằm trong khung cho phép nhưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) thông báo từ ngày 12/5, các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để rút tiền mặt tại ATM của nhà băng này sẽ phải chịu mức phí 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), tăng 550 đồng so với mức phí cũ. 

Ngoài ra, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch. Phía Agribank cho biết thời gian qua các ngân hàng, trong đó có Agribank, đã hỗ trợ cho khách hàng khi chỉ thu phí rút tiền mặt ở mức 1.100 đồng/giao dịch, trong khi mức trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 3.300 đồng/giao dịch. Không lâu sau khi Agribank tăng phí rút tiền mặt ATM, 2 ngân hàng lớn khác là Vietinbank và BIDV cũng điều chỉnh tăng mức phí này. 

Báo Công luận
Ảnh minh họa - nguồn internet 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã ra thông báo điều chỉnh tăng phí rút tiền mặt ATM đối với các thẻ ghi nợ nội địa. Cụ thể, biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa mới áp dụng từ ngày 4/5 của BIDV, cho biết nhà băng này sẽ thu với mức phí 1.650 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng (nội mạng). Mức phí trên đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) kèm theo. Nếu so với mức phí cũ, phí mới đã tăng thêm 550 đồng/giao dịch, bằng với mức tăng của Agribank đưa ra trước đó. Vietinbank cũng điều chỉnh mức phí rút tiền mặt tại ATM với thẻ ghi nợ E-Partner, ở hai mức phí cho các dòng thẻ khác nhau. 

Cụ thể, đối với thẻ ghi nợ Gold và Pink-Card, mức phí rút tiền mặt tại ATM được điều chỉnh tăng lên 2.200 đồng (đã bao gồm thuế VAT), còn các thẻ dòng C-Card và S-Card mức phí cũng điều chỉnh tăng lên 1.650 đồng/giao dịch, từ mức 1.100 đồng trước đó. Biểu phí mới được Vietinbank áp dụng từ 5/5. Không chỉ tăng phí, các ngân hàng lớn còn đề xuất xem xét lại mức phí rút tiền ngoại mạng (chủ thẻ rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác) cũng như tỉ lệ chia sẻ phí giữa Napas và các ngân hàng trong các giao dịch liên mạng. 

Thời gian dài trước đây, tỉ lệ chia sẻ phí thu được giữa ngân hàng có ATM và Napas là 50:50, tức một giao dịch rút tiền ngoại mạng là 3.000 đồng (chưa thuế), mỗi bên hưởng 1.500 đồng. Theo các ngân hàng, tỉ lệ này chưa hợp lý vì ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí từ hạ tầng, nhân viên, đến quỹ tiền mặt. Từ ngày 1-3 vừa qua, Napas đã giảm 150 đồng/giao dịch rút tiền và tiến tới giảm dần theo lộ trình hằng năm. Nhưng nhiều ngân hàng vẫn cho rằng tỉ lệ chia sẻ này quá cao. Cùng với đó, nhiều ngân hàng còn đề xuất thu phí hạ tầng từ các ngân hàng nhỏ vì thời gian qua các ngân hàng nhỏ chỉ phát hành thẻ nhưng không đầu tư máy, dẫn đến hệ thống ATM của ngân hàng lớn phải gánh chịu trong khi mức thu từ các chủ thẻ quá thấp và chịu lỗ. Bên cạnh đó, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch. 

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 sáng 8/5, nhiều diễn giả cũng như chuyên gia ngân hàng đặc biệt quan tâm tới vấn đề các ngân hàng ồ ạt tăng phí dịch vụ thời gian gần đây. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng hiện nay các khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, vì tính ra rất nhiều loại phí. Theo bà Mùi, những phí ngân hàng bắt buộc thu rất thỏa đáng nhưng vấn đề là thu bao nhiêu và thu thế nào. Trong khi các ngân hàng vẫn nói là số thu phí hiện nay quá thấp, như muốn hòa vốn đầu tư vào mỗi điểm ATM thì phải thu gấp nhiều lần hiện nay, khoảng 7.000 đồng/giao dịch. Theo TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong câu chuyện phí cần có sự sòng phẳng và rõ ràng. 

Ông Bảo đặt vấn đề: "Ngân hàng kêu lỗ khi giá vốn một giao dịch rút tiền ATM là 9.000 đồng, nhưng chỉ thu được hơn 1.000 đồng. Giá vốn ATM là gì? Ngân hàng kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ, kèm theo việc chi lương qua tài khoản. Vậy việc tách riêng tính giá vốn ATM để tính chi phí thì liệu có tính đúng, tính đủ chưa?". Ngoài ra, ông Bảo cho rằng khi ngân hàng tăng phí thì phải tăng chất lượng dịch vụ và cần thông báo trước lộ trình cho người dân biết để chuẩn bị. Liên quan đến bất cập của phí giao dịch liên mạng, nhiều chuyên gia khác cho rằng các ngân hàng nên tự giải quyết với nhau, chẳng hạn như thu phí hạ tầng, không nên đổ lên người tiêu dùng. "Ngân hàng phát hành thẻ hưởng được nhiều lợi ích khi khách hàng mở thẻ, như được hưởng số tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản, chưa kể bán được dịch vụ khác nên ngân hàng phát hành thẻ buộc phải chia sẻ phí với ngân hàng có máy ATM" - ông Bảo nói. 

Chiều 9/5, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm dừng tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Động thái này nhằm hạ nhiệt cuộc đua tăng phí. Theo NHNN, các ngân hàng cần minh bạch thông tin, giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng, để tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Ngân hàng cần tránh việc tăng phí mà khách hàng chưa hiểu rõ. Song song đó, các ngân hàng khi tăng phí phải đảm bảo dịch vụ tốt hơn./.

Cẩm Tú


Tin khác

Đầu tư bảo mật 200 - 300 tỷ đồng, VNDirect vẫn bị hacker tấn công

Đầu tư bảo mật 200 - 300 tỷ đồng, VNDirect vẫn bị hacker tấn công

(CLO) Trên thực tế, các công ty chứng khoán đầu tư rất lớn trong vấn đề bảo mật, riêng VNDirect đầu tư 200 - 300 tỷ đồng về vấn đề này, nhưng vẫn bị hacker tấn công.

Tài chính - Bảo hiểm
Giá vàng thế giới tăng mạnh gấp đôi vàng SJC

Giá vàng thế giới tăng mạnh gấp đôi vàng SJC

(CLO) Giá vàng thế giới tăng mạnh gấp đôi giá vàng SJC khiến khoảng cách giữa hai thị trường lại được đưa xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

(CLO) Không chỉ Funtap mà một công ty game liên quan cũng liên tục đăng ký mới phát hành game Trung Quốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

(CLO) Khách hàng sử dụng thẻ Tín dụng và Ghi nợ quốc tế cá nhân mang thương hiệu Vietcombank Visa có cơ hội nhận được Chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Pháp và vé tham gia Thế vận hội Olympic 2024.

Tài chính - Bảo hiểm