Hậu M&A, các ngân hàng ra sao?

Thứ tư, 06/06/2018 06:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng và xu hướng toàn cầu hóa, hoạt động M&A đang trở thành xu hướng tất yếu để “nương nhau cùng vượt lũ” trong bối cảnh đầy khó khăn của thị trường tài chính hiện nay.

Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được thực hiện với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), nhiều tên tuổi đã biến mất, các ngân hàng yếu kém được xử lý... Câu hỏi được nhiều người quan tâm là hoạt động của các ngân hàng trong thời kỳ hậu M&A thế nào? Có thể thấy sau các thương vụ M&A, các ngân hàng đã bày tỏ sự hài lòng khi có cơ hội tăng trưởng thần tốc về tổng tài sản, vốn điều lệ, nhân sự, mạng lưới. 

Trong giai đoạn đầu, các ngân hàng đều phải “trả giá” về nợ xấu, sự sụt giảm lợi nhuận… song hệ thống ngân hàng “được” nhiều hơn “mất”. Sau gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu theo Đề án 254, đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả khả quan. Các ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu thông qua việc sáp nhập hoặc nhận vốn đầu tư nước ngoài. Minh chứng là việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Trong 9 NHTM đã cơ bản tái cơ cấu xong đều do sáp nhập và tự các ngân hàng giải quyết như: Tái cơ cấu của Ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Đại Tín; sáp nhập Tiên Phong Bank - Doji, Habubank - SHB, PVcomBank - Ngân hàng Phương Tây, Navibank… 

Năm 2015, đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động M&A với hàng loạt vụ sáp nhập đang và sẽ diễn ra, đặc biệt có sự tham gia của các ngân hàng hàng đầu trong Ngành Ngân hàng. Tiêu biểu như NHNN đã chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào BIDV; Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank hay sắp tới là thương vụ sáp nhập của Southern Bank vào Sacombank… Một thương vụ sáp nhập thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây là việc PG Bank về với VietinBank. 

Việc sáp nhập là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN, tạo cơ hội cho VietinBank đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu về quy mô và tiềm lực tài chính và nâng tầm mối quan hệ hợp tác chiến lược với Tập đoàn Petrolimex và các đơn vị thành viên. Sau sáp nhập, tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm trên 25.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên trên 40.000 tỷ đồng. 

Chi nhánh của VietinBank được mở rộng, trong bối cảnh việc mở mới này bị NHNN siết chặt, VietinBank có thể khai thác mạng lưới của Petrolimex cùng các dịch vụ tài chính đi kèm (hơn 6.200 cây xăng, trong đó 2.200 cây xăng của Petrolimex), đẩy mạnh dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng của Petrolimex. Ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh trong thời kỳ hậu M&A chính là HDBank. 

Báo Công luận
 Ngân hàng sau M&A sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. Nguồn ảnh minh hoạ - internet

Năm 2013, với sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HDFinance, HDBank trở thành một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam. Sau thành công của chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2016, năm 2017 đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của HDBank, với lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ đồng. SHB cũng đã trải qua giai đoạn đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu để tăng tốc trở lại. Sau khi sáp nhập Habubank vào năm 2012, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank chỉ còn 26 tỷ đồng. Những năm gần đây, tăng trưởng về quy mô tổng tài sản của SHB cải thiện rõ nét. 

Trải qua quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu kể từ năm 2011 đến nay, SCB (hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB) đã tích tụ tài chính từ nguồn quỹ dự phòng rủi ro gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được hoàn nhập sau giai đoạn tái cơ cấu vào cuối năm 2019, chuẩn bị cho sự bứt phá mới. BIDV, MaritimeBank, Sacombank cũng là những ngân hàng đã có bước cải tổ mạnh mẽ trong thời kỳ hậu M&A song vẫn còn khó khăn khi nợ xấu lớn. Thông tin từ HĐQT Sacombank cho biết đến nay, Sacombank (nhận Southernbank vào cuối năm 2016) còn 50.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý. 

Cái lợi sau M&A là sự ổn định chung của toàn thị trường. Ngân hàng sau M&A sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. Thông thường, khi hai hay nhiều bên sáp nhập lại đều có nhu cầu giảm việc làm, nhất là các công việc gián tiếp. Đồng thời thông qua M&A, bên mua cũng được tiếp nhận nguồn lao động có kỹ năng tốt và nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là dịp để các ngân hàng sàng lọc và sa thải những vị trí làm việc kém hiệu quả. Sau khi khắc phục những hậu quả nặng nề của các ngân hàng yếu kém, nền kinh tế sẽ có một hệ thống ngân hàng mạnh hơn, phát triển ổn định và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư. 

Mục tiêu giảm số lượng ngân hàng trong toàn hệ thống đòi hỏi các ngân hàng phải có sự nỗ lực rất lớn trong hoạt động mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh và tồn tại trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, hoạt động của ngành Ngân hàng cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi về mọi mặt, cả quản trị lẫn công tác quản lý rủi ro. Trước tình hình thanh khoản của thị trường M&A hiện nay, các chuyên gia tài chính cho rằng, từ nay đến hết năm 2018, thị trường M&A ngân hàng vẫn còn trầm lắng. Việc tái cơ cấu ngân hàng trong vài năm tới vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước. 

Có thể, sau năm 2018, làn sóng M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn, nếu nợ xấu ngân hàng phần nào được xử lý. Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục “nóng”, mạnh mẽ để quyết tâm đạt mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, tạo ổn định ngành, ổn định kinh tế vĩ mô. Cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng cần tiếp tục được đẩy mạnh./.

Cẩm Tú

Tin khác

Giá vàng thế giới tăng mạnh gấp đôi vàng SJC

Giá vàng thế giới tăng mạnh gấp đôi vàng SJC

(CLO) Giá vàng thế giới tăng mạnh gấp đôi giá vàng SJC khiến khoảng cách giữa hai thị trường lại được đưa xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

(CLO) Không chỉ Funtap mà một công ty game liên quan cũng liên tục đăng ký mới phát hành game Trung Quốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

(CLO) Khách hàng sử dụng thẻ Tín dụng và Ghi nợ quốc tế cá nhân mang thương hiệu Vietcombank Visa có cơ hội nhận được Chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Pháp và vé tham gia Thế vận hội Olympic 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

(NB&CL) 36 năm hình thành và phát triển (26/3/1988 – 26/3/2024) là tròn 36 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kiên định và thực hiện xuất sắc sứ mệnh riêng vốn có của mình “vì Tam nông”.

Tài chính - Bảo hiểm