Để “chẳng bức ảnh nào phải trả bằng mạng sống”

Thứ bảy, 16/06/2018 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nghề báo - nghề mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng: mang đến sự thật - lại luôn xếp đầu bảng trong số những nghề nghiệp nguy hiểm và tổn thọ nhất. Nhiều nhà báo quốc tế đã phải chua chát thừa nhận họ “đã phải đánh đổi mạng sống để lên tiếng cho những người không thể cất tiếng nói”. Nhưng trớ trêu thay, dù biết rằng “chẳng bài báo, bức ảnh nào phải trả giá bằng mạng sống”, máu của người làm báo, vẫn cứ đổ xuống tại vô số những điểm nóng trên hành tinh này.

Và câu chuyện làm sao để bảo vệ được họ, bao năm qua, vẫn là câu chuyện chưa có câu trả lời đích đáng.

“Làm báo cùng thần chết”

Đó là câu ví von tưởng chừng như ghê người và “sốc quá mức” về nghề báo nhưng với những nhà báo chuyên tác nghiệp tại các điểm nóng đó thực sự là thực tế hiện hữu. Năm nào, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) cũng ghi nhận được con số không nhỏ các nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp. Cuối năm 2016, UNESCO còn công bố một thống kê rất sốc cho ngành báo chí thế giới rằng trung bình cứ… 5 ngày lại có một nhà báo bị sát hại. Năm 2017 vừa qua, CPJ ghi nhận có đến 65 nhà báo và nhân viên truyền thông bị giết trên toàn thế giới. 

Ngày 2/5/2018, tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva cho biết số nhà báo bị sát hại trên thế giới trong 4 tháng đầu năm 2018 đã tăng 57% so với cùng kỳ năm 2017, lên tới 44 nhà báo tại 18 quốc gia. Trong đó chỉ từ ngày 30/3/2018 đến nay, chỉ riêng tại dải Gaza, CPJ thống kê có ít nhất 23 nhà báo đã bị trúng đạn, trong đó có không ít nhà báo đã thiệt mạng. Chỉ trong ngày 30/4, có 9 nhà báo đã thiệt mạng trong 2 vụ đánh bom liên tiếp tại cùng một địa điểm ở thủ đô Kabul của Afghanistan. 

Thống kê của PEC cho thấy những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong khoảng thời gian nói trên là Afghanistan (11 nhà báo bị sát hại), tiếp đó là Mexico và Syria (mỗi nước có 4 nhà báo thiệt mạng); Ecuador, Ấn Độ và Yemen (mỗi nước có 3 nhà báo bị sát hại); Brazil, Dải Gaza, Guatemala và Pakistan (mỗi nước và vùng lãnh thổ có 2 nhà báo thiệt mạng). Các nước còn lại trong danh sách này Colombia, Haiti, Iraq, Liberia, Nicaragua, Nga, El Salvador và Slovakia (mỗi nước có 1 nhà báo bị sát hại).

Báo Công luận
 Phóng viên ảnh James Nachtwey tác nghiệp tại Nam Phi.

Điều đáng buồn là không chỉ số lượng nhà báo bị thiệt mạng hằng năm chẳng mấy khi giảm xuống thì hiện tượng nhà báo bị giết hại theo những cách ngày càng dã man, ngày càng trắng trợn lại không ngừng gia tăng. Máu của nhà báo không ngừng đổ xuống, không phải chỉ trên chiến trường bom rơi đạn lạc, mà cả những nơi tưởng chừng như bình yên nhất, không phải chỉ bởi chiến tranh mà còn trong các cuộc xung đột, nội chiến, khủng bố, chống buôn lậu ma túy, chống tham nhũng… 

Chỉ có thể kể ra đây một số vụ: Hai nhà báo Mỹ James Foley, Steven Sotloff bị lực lượng phiến quân Hồi giáo bắt cóc làm con tin để đòi tiền chuộc, rồi lại bị chúng xuống tay giết hại dã man hồi năm 2014; Mặc dù không có chiến tranh nhưng Mexico là quốc gia đặc biệt nguy hiểm đối với phóng viên viết về đề tài tham nhũng, tội phạm ma túy. Tháng 5/2017, Javier Valdez - nhà báo viết về ma túy nổi tiếng ở Mexico bị bắn chết trên đường phố Culiaca. Vụ việc đã gây nên sự phản đối kịch liệt từ người dân quốc gia này và trên toàn thế giới. 

Ngày 16/10/2017, Daphne Caruana Galizia - nữ nhà báo từng dẫn đầu cuộc điều tra về nạn tham nhũng tại Cộng hòa Malta, người tham gia điều tra vụ hồ sơ Panama gây chấn động thế giới - đã bị sát hại trong vụ tấn công bằng bom gài trên xe hơi của bà ở khu vực gần nhà riêng; Tháng 2/2018, cả Slovakia rúng động trước việc Jan Kuciak, một phóng viên 27 tuổi của trang mạng altuality.sk - cây bút nổi tiếng chuyên mảng điều tra tội phạm kinh tế- bị giết hại dã man cùng bạn gái tại nhà riêng. Cảnh sát đưa ra giả thuyết rất có thể vụ giết người có liên quan tới loạt phóng sự điều tra gian lận thuế và tham nhũng của Kuciak.

Đáng quan ngại, nói như một chuyên gia truyền thông: “Bạn không còn có thể dựa vào mác phóng viên để được an toàn nữa. Rất nhiều người trở thành mục tiêu tấn công chỉ đơn giản vì họ là nhà báo”. Nguy hiểm luôn rình rập họ mọi lúc, mọi nơi. Dễ dàng tìm kiếm một ví dụ để chứng minh: cả Yaser Murtaja, Ahmad Abu Hussein - hai nhà báo bị thiệt mạng tại dải Gaza hồi tháng 3 vừa qua - khi tác nghiệp đều đang mang trên mình áo khoác bảo hộ có ghi chữ “PRESS” (báo chí) - dấu hiệu “nhận dạng” đặc trưng của những người làm truyền thông để các tay súng phân biệt trước khi bóp cò. 

Tuy nhiên, dấu hiệu này dường như đã trở nên không có ý nghĩa nào trong việc bảo vệ các nhà báo, thậm chí đã có ý kiến buộc tội phía Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) dường như đã cố ý nhắm vào những con người mang trên mình chiếc áo bảo hộ đặc biệt ấy. Tương tự như thế, Jeroen Oerlemans - phóng viên ảnh chiến trường dày dặn kinh nghiệm của Hà Lan - đã bị một tay súng bắn tỉa của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sát hại khi đang tác nghiệp trong một cuộc đụng độ giữa IS và lực lượng quân chính phủ tại thành phố Sirte, Libya ngày 2/10/2016 khi anh đang một mình chạy băng qua đường để ghi lại những khoảnh khắc đắt giá trong cuộc chiến tại thành phố Sirte. 

Nhà báo Joanie de Rijke đồng nghiệp đồng hành cùng chuyến đi cuối cùng của Jeroen Oerlemans cho biết, viên đạn từ một tay súng bắn tỉa ẩn nấp trong tòa nhà trên phố đã nhằm thẳng vào tim anh dù khi đó, Jeroen Oerlemans có mặc áo chống đạn và đội mũ bảo vệ như trang phục của nhà báo tác nghiệp trên chiến trường.

Những cái giá quá đắt

Trên các trang viết, những phóng viên chuyên tác nghiệp tại điểm “nóng” vẫn được ca ngợi ngút trời như những “nhân vật danh giá nhất” của làng báo, rằng xông pha tác nghiệp bất kể hiểm nguy như họ mới “đáng mặt” làm báo. Những sự ngợi ca như thế đã khiến bất cứ phóng viên trẻ mới vào nghề nào cũng muốn xông pha vào cái gọi là điểm nóng để thể hiện mình; đã khiến rất nhiều nhà báo quên đi, hoặc cố quên đi những nguy hiểm luôn rập rình phía trước để có được cho mình cái gọi là “bài viết từ điểm nóng”.

Báo Công luận
Nữ nhà báo Marie Colvin đã bị thiệt mạng khi tác nghiệp tại Syria. 

Đúng là với nghề báo đúng nghĩa, phải dịch chuyển, phải xông pha. Đúng là một phóng viên chiến trường (war corresspondents), phóng viên tại điểm “nóng” (journalists in conflict) trong mắt đồng nghiệp và độc giả, luôn được “xếp hạng” cao hơn. Đúng là mỗi bài báo được viết từ điểm nóng thường có mức nhuận bút cao ngất ngưởng và mức thu nhập mà nhiều phóng viên chiến trường được trả mỗi năm lên tới nhiều chục nghìn USD…

 Nhưng tất cả, có đáng với công sức và thậm chí cả máu, tính mạng của họ hay không khi họ luôn được mệnh danh là những người “làm báo cùng Thần chết”, “Người đi tới những nơi mà người khác không dám đến”, phải đánh đổi mạng sống để lấy những dòng tin bức ảnh? Không biết nhiều phóng viên điểm nóng trả lời như thế nào trước câu hỏi này, nhưng phóng viên chiến trường người Hà Lan Jeroen Oerlemans, trước khi mất từng chia sẻ (sau một lần bị bắt cóc và đe dọa tính mạng) rằng: “Không có bức ảnh nào đáng để phải trả giá bằng sinh mạng”. Nhưng thật đau xót, chính Jeroen Oerlemans rốt cuộc cũng phải đổi sinh mạng mình vì những bức ảnh chiến sự. Một cái giá quá đắt…

Cái chết của Jeroen Oerlemans là một lời nhắc nhở đau đớn vì sự nguy hiểm mà các phóng viên chiến trường phải đối mặt khi đưa tin tại các điểm nóng trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders chia sẻ: “Oerlemans là một nhà báo đi tới những nơi mà người khác không dám đi. Được thôi thúc để truyền tải tin tức qua những bức ảnh ở những điểm nóng trên thế giới. Thật buồn khi cuối cùng anh ấy phải trả giá quá đắt cho điều đó”.

“Mặt trái của tấm huy chương”

Nhiều đồng nghiệp trong làng báo đã từng chua chát thừa nhận công việc của các phóng viên chuyên tác nghiệp tại “điểm nóng” thực ra “tấm huy chương có hai mặt” mà chúng ta đôi khi chỉ nhìn thấy mặt phải mà không nhìn thấy, hoặc không chịu nhìn thấy mặt trái của nó.

Trước tiên là điều kiện tác nghiệp không… như mơ. Ngoài việc phải đối mặt với nhiều hiểm họa hơn, các phóng viên tác nghiệp tại các điểm nóng thời nay, nếu so sánh với phóng viên chiến trường trong chiến tranh thế giới thứ 2 hay trong chiến tranh Việt Nam, có phần… thiệt thòi hơn. Xưa kia, phóng viên chiến trường là danh vị… oai hơn, được trọng vọng nhiều hơn. Họ ra chiến trường tác nghiệp trên cương vị “tháp tùng” đội quân chiến trận và trên hết là được bảo vệ “tận răng”. 

Thậm chí trong hai cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, các phóng viên còn được xếp biên chế vào các đơn vị quân đội. Nhưng giờ đây, khi tới tác nghiệp tại các vùng đang xảy ra xung đột, phóng viên chỉ có thể hành nghề một mình. Thậm chí khi tới tác nghiệp tại Syria - “vùng đất chết” của nhiều nhà báo thời nay - khi Chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại nước mình (họ chỉ cấp visa cho nhà báo trong những trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép các phóng viên nước ngoài đi theo các tour do nhà cầm quyền hướng dẫn) thì vị thế của các nhà báo chiến trường thay đổi, họ trở thành những người làm việc “không chính thống”, “ăn theo”, thường phải bám theo phía quân nổi dậy. Chính vì vậy, họ dễ gặp nhiều hiểm nguy hơn, sống và làm việc trong những điều kiện thiếu thốn hơn.

Báo Công luận
Khóa học bồi dưỡng kỹ năng tự bảo vệ cho phóng viên tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thêm nữa là câu chuyện “thân phận”. Nói về số phận của những phóng viên chiến trường thời nay có lẽ phải dùng cụm từ “những thân phận bị bỏ rơi”. Nếu xưa kia các cơ quan báo chí lớn thường “o bế” phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng rất kỹ lưỡng bởi đó là nguồn cung cấp thông tin “độc, lạ” cho họ. Tuy nhiên, giờ đây họ trở nên lạnh nhạt dần với việc tuyển dụng các phóng viên này bởi chi phí bỏ ra để “nuôi” một phóng viên điểm nóng giờ đây trở nên quá cao. 

Theo Guardian, điều kiện tài chính để “nuôi sống” một phóng viên chiến trường chuyên nghiệp phải là rất cao: trang thiết bị tác nghiệp tối tân, chi phí đi lại, đặc biệt là những khoản chi bảo hiểm y tế khổng lồ và nhiều phúc lợi khác. Không chỉ có vậy, các hãng tin có phóng viên chiến trường còn phải chi tiết tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên tác nghiệp trong môi trường chiến tranh, ngoài ra còn là việc đánh giá rủi ro, huấn luyện sinh tồn, lên trước kế hoạch giải cứu để đảm bảo an toàn cho các phóng viên.

Việc tác nghiệp tại điểm nóng ngày càng nguy hiểm, vì thế nếu có phóng viên, cơ quan báo chí sẽ còn phải gánh trách nhiệm rất nặng nề trong việc bảo toàn tính mạng cho họ. Phí bảo hiểm - điều khoản giờ đây rất nhiều phóng viên yêu cầu các tờ báo ký vào hợp đồng - cũng là khoản tiền không nhỏ mà tòa soạn sẽ phải chi trả. Chưa kể một thực tế là trong bối cảnh nạn khủng bố rình rập khắp nơi như hiện nay, các nhà báo chiến trường xuất thân từ các nước giàu như châu Âu, Mỹ, Nhật… trở thành mồi của các vụ bắt cóc con tin, nên “lỡ” có điều gì xảy ra sẽ là bài toán khó giải cho các tòa soạn. 

Nếu phải trả tiền chuộc, con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần. Robert Mahoney – quan chức CPJ cho biết, kể cả các hãng tin lớn còn cảm thấy khó khăn với khoản tiền này nếu phóng viên của họ mất tích tại chiến trường. “Nếu là hãng tin nhỏ, việc này không khác nào bị sóng thần quét qua”, ông nói. Thế nên mới có chuyện nhiều cơ quan truyền thông lớn giờ đây còn mạnh tay loại bỏ nhân sự là các phóng viên chiến trường chuyên nghiệp, thu hẹp quy mô bản tin chiến sự. Thay vào đó, khi có tin tức chiến sự, xung đột nóng nổi, họ chỉ cần “ới” các “phóng viên tự do”- những người tòa soạn không phải trả lương, không phải trả phí bảo hiểm và không cần chịu bất cứ trách nhiệm gì.

Và cũng phải “đính chính” lại là mức nhuận bút cho những bài báo, ảnh “nóng” không phải lúc nào cũng là quá cao. Cách đây ít năm, một nhà báo từng tác nghiệp tại chiến trường Syria chua chát kể: Tác nghiệp ở Syria vô cùng khắc nghiệt: trước khi đi phải đóng tiền bảo hiểm nhân mạng khoảng 1.000 USD/tháng, phải ngủ ở căn cứ phe nổi dậy, dưới làn đạn pháo và trên cái chiếu trải ở sàn với giá thuê 50 USD/đêm, thuê một chiếc xe tốn 250 USD/ngày, rất khó kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch, nỗi lo sợ hằng đêm bị cưỡng hiếp hay phân biệt giới tính, và đặc biệt là nếu bị thương nặng thì thà chết quách đi còn hơn vì bạn sẽ không đủ tiền trả cho việc cứu chữa. 

Nhưng rốt cuộc, cuối cùng được cái gì: một bài viết với mức nhuận bút “bèo” 70 USD. Còn với các phóng viên “tự do” chuyên tác nghiệp tại điểm nóng thì sao. Phóng viên Francesca Borri hé lộ với tờ Columbia Journalism Review rằng không có tiền mua bảo hiểm khoảng 1.000 USD/tháng, và cũng không có tiền thuê người giúp đỡ hoặc phiên dịch tiếng Anh và luôn cảm thấy đơn độc khi tác nghiệp tại nơi xa lạ. Còn phóng viên chiến trường tự do người Mỹ Steven Dorsey thì chia sẻ: “Nhưng không phải mỗi ngày đều có tin bài để lãnh nhuận bút. Có khi suốt hơn 2 tuần liền chúng tôi không kiếm được đồng nào mà số tiền mang theo thì cứ cạn dần”. Thế nên, mới có chuyện, Dorsey thú nhận: những lúc không tác nghiệp ở vùng chiến sự, Dorsey trở về làm… lính cứu hỏa.

“Không có bức ảnh nào đáng để phải trả giá bằng sinh mạng”

Nhưng trên tất cả, những chia sẻ cuối cùng của phóng viên chiến trường Jeroen Oerlemans thực sự đáng để tất cả những ai trân quý nghề báo và cả chính các tòa soạn báo phải lưu tâm. Người làm báo trước hết cũng là con người. Sự cẩn trọng và quan tâm đến tính mạng người làm báo không chỉ là câu chuyện trách nhiệm mà còn là tinh thần nhân văn buộc phải có của mỗi cơ quan báo chí đối với các phóng viên của mình. 

Không thể xem việc “lạnh nhạt” hay bỏ lửng dần với các phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng là xu thế, càng không thể chọn giải pháp mang tính chất cực đoan như nhiều cơ quan truyền thông ở châu Âu khi cấm đăng tải mọi phóng sự do các nhà báo độc lập gửi đến để “không kích thích họ lao vào nguy hiểm mong tìm được tin bài”, để lẩn tránh câu chuyện trách nhiệm lẫn câu chuyện tiền bạc.

Thế nên, câu chuyện bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp vẫn là câu chuyện phải được đặt lên bàn thảo luận một cách nghiêm túc, với sự tham gia đóng giải pháp của cả các cơ quan báo chí, chính quyền các nước sở tại, các tổ chức bảo vệ nhà báo và chính bản thân các nhà báo.

Trên thế giới cũng đã ban hành các đạo luật quốc tế bảo vệ phóng viên chiến trường. Công ước Hague (điều 13) và Công ước Geneva (điều 81) đã đề cập đến quyền và nghĩa vụ của các phóng viên chiến trường. Luật khẳng định các nhà báo được hưởng đầy đủ quyền lợi và sự bảo vệ giống như dân thường trong các khu vực xung đột vũ trang quốc tế, yêu cầu phóng viên chiến trường phải được đối xử như các tù binh dân sự khác nếu bị một trong các bên tham chiến bắt giữ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh luật vẫn bị “phớt lờ” tại nhiều nơi thì câu chuyện  nhà báo phải được trang bị kỹ năng “tự bảo vệ” khi tác nghiệp trở nên được quan tâm hàng đầu. Tất nhiên, mỗi phóng viên có thể tự đúc rút cho mình một “kho kinh nghiệm riêng”. Đơn cử như kinh nghiệm của nữ phóng viên chiến trường Clarissa Ward, đài CNN. Clarissa Ward cho biết ở Syria, chị luôn mặc bộ áo dài và trùm khăn kín mít như phụ nữ Hồi giáo để tránh bị chú ý.

Còn những kỹ năng chung nhất, theo Viện An toàn Tin tức Quốc tế (INSI), để có thể bảo toàn cho mình tại các điểm nóng, trước hết người phóng viên phải được đào tạo một cách kỹ lưỡng, từ sự hiểu biết về phong tục tập quán nơi họ sẽ đến tác nghiệp, nguồn gốc của cuộc xung đột, cuộc chiến tranh mà họ dấn thân vào đến những kỹ thuật bảo đảm an ninh và cứu thương cơ bản nhất. Bên cạnh đó, chính bản thân người phóng viên phải tự lên cho mình một kế hoạch chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cả về thể chất và tinh thần bởi tất cả các điểm nóng đều là những môi trường tác nghiệp vô cùng khắc nghiệt.

Một chương trình hành động bảo vệ nhà báo trên toàn thế giới từng được Liên đoàn Các nhà báo quốc tế (IFJ) đưa ra nhằm giảm thiểu rủi ro mà các nhà báo đang phải đối mặt khi tham gia đưa tin tại các cuộc xung đột vũ trang. IFJ  nhấn mạnh rằng, các cơ quan  truyền thông cần phải nâng cao trách nhiệm đối với sự an toàn của phóng viên.

Ngày nay, nhiều đoàn thể thành viên của IFJ đã hợp tác với các công ty truyền thông và các cơ quan quân sự để xây dựng các chương trình huấn luyện, chuẩn bị tác nghiệp tại các vùng chiến sự. IFJ với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu đã xuất bản tài liệu “Hướng dẫn sinh tồn” với các chỉ dẫn toàn diện, chuyên sâu cho các phóng viên chiến trường.

Hướng dẫn bao gồm các thông tin về thiết bị, đào tạo, biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị, sơ cứu… IFJ cũng đã thành lập Viện An toàn Tin tức Quốc tế (INSI) với mục tiêu cung cấp các chương trình hỗ trợ an toàn tại các điểm nóng giao tranh, thiết lập tiêu chuẩn cho các thiết bị an toàn (áo giáp, mặt nạ…), đảm bảo rằng các thiết bị có sẵn cho nhân viên và phóng viên tự do, đồng thời nâng cao nhận thức về việc đảm bảo an toàn khi tác nghiệp.

 

Hà Anh

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo