Những người “tạo sóng”

Thứ năm, 22/02/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong cuộc vật lộn tìm phương cách để tồn tại, ngành truyền thông đang viện tới “trí tuệ nhân tạo” (AI), xem đó là “phao cứu sinh”. Nhưng thực tế, nhìn lại đời sống truyền thông thế giới 2017, có thể thấy dù AI có nhiều điểm ưu việt, nhưng những thiết bị vô hồn vẫn chẳng thể nào thay đổi được những ký giả bằng da bằng thịt. Chính họ đã “tạo sóng” góp phần làm nên đời sống báo chí sống động trong năm qua.

Hope Hicks - từ người mẫu trở thành Giám đốc truyền thông

Có lẽ chưa năm nào mà bộ phận truyền thông Nhà Trắng lại được nhắc đến nhiều trong một năm như năm đầu tiên của nhiệm kỳ Donald Trump vừa qua. Sau cú sa thải chóng mặt của Anthony Scaramucci, những “sai lầm nhớ đời” của Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer… thì việc cất nhắc Hope Hicks - một mỹ nhân mới chỉ 28 tuổi, xuất thân từ… người mẫu, trở thành Giám đốc truyền thông mới của Nhà Trắng lại khiến dư luận tiếp tục sửng sốt. Tuổi tác, xuất thân từ người mẫu, vốn liếng chính trị ít ỏi và nhan sắc mỹ nhân… tất cả đã khiến Hope Hicks  trở thành một trong những cái tên nổi bật của làng truyền thông. 

Báo Công luận
 
Ở tuổi 28, Hope Hicks trở thành người trẻ nhất giữ chức vụ này trong gần 5 thập kỷ qua. Trước khi quen biết và được gia đình Trump mời về làm việc trên cương vị phụ trách PR cho dòng sản phẩm thời trang cao cấp của “ái nữ” Ivanka Trump, Hope Hicks từng làm việc với tư cách người mẫu, diễn viên, quan hệ công chúng (PR). Mối quan hệ thân thiết với “ái nữ” đã giúp ngài Tổng thống tương lai hiểu nhiều hơn về Hope Hicks và khi quyết định tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã chọn Hope Hicks làm thư ký báo chí cho chiến dịch tranh cử của ông và sau đó là giữ vai trò trợ lý của Tổng thống Trump. 

Trong quá trình tranh cử, Hope Hicks thường xuyên xuất hiện bên ông Trump, đóng vai trò như người phát ngôn của ông. Tuy nhiên, với những “điểm khác lạ” như không có tài khoản trên mạng xã hội, không bao giờ xuất hiện trên truyền hình và thường từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, Hope Hicks được gọi là “người phụ nữ bí ẩn” bên cạnh Tổng thống. Có lẽ vì là người được coi là góp công lớn đưa tới chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống mà theo báo chí Mỹ, Hope Hicks là người được ông Trump hết sức tin cậy và trọng vọng. Ông còn đặt biệt danh cho Hope Hicks là “Hopester” trong khi Hope Hicks được quyền gọi thẳng tên của ông thay vì “ngài Tổng thống” như hầu hết các trợ lý khác của ông. Trả lời phỏng vấn GQ vào năm ngoái, Tổng thống Donald Trump khẳng định “cô Hope là một người xuất chúng”.

Daphne Caruana Galizia - “ngòi bút không sợ hãi”

Theo thống kê của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trong năm 2017, có ít nhất 50 nhà báo chuyên nghiệp bị thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp, biến năm 2017 trở thành năm “ít mất mát” nhất trong thập kỷ qua đối với giới báo chí khi con số này thấp hơn nhiều so với con số 79 nhà báo thiệt mạng trong năm 2016. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là sự hiểm nguy đối với nhà báo lại đang có chiều hướng tăng lên ngay tại những vùng đất tưởng như yên bình, đã có rất nhiều sự ra đi khiến cộng đồng báo chí đau xót, trong đó có trường hợp Daphne Caruana Galizia. 

Daphne Caruana Galizia là nữ nhà báo, blogger người Malta 53 tuổi, rất nổi tiếng với hàng loạt bài điều tra chấn động phanh phui rất nhiều bê bối từ các ngân hàng chuyên phục vụ rửa tiền đến những mối liên quan giữa ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến của Malta và mafia, chuyện tham nhũng, hối lộ... Gần đây, bà Daphne Caruana Galizia được cả thế giới biết đến khi là một trong những nhà báo chủ lực góp phần phanh phui Hồ sơ Panama - vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. Cũng chính nhờ vụ hồ sơ Panama, bà Galizia được tờ Politico bình chọn là một trong 28 người tạo ra “cơn địa chấn” ở châu Âu năm 2017.

Báo Công luận
 
Chiều 16/10, chiếc ô tô Peugeot 108 của bà Daphne Caruana Galizia bị cài thiết bị nổ cực mạnh, đã nổ tung không lâu sau khi bà rời nhà riêng ở Bidnija, ngoại ô thủ đô Valletta. Vụ nổ khiến chiếc xe vỡ tan, bắn mảnh vỡ sang cánh đồng gần đó, còn thi thể của bà thì không thể nhận dạng. Vụ sát hại nữ phóng viên điều tra gây chấn động dư luận trong nước, giới báo chí khu vực và thế giới. Hiệp hội Các phóng viên, nhà biên tập và blogger (South Asia Media Defenders Network-SAMDEN) lên tiếng: “Sự ra đi của bà Galizia là một hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực, hăm dọa liên quan tới truyền thông báo chí đang tăng mạnh”

Thủ tướng Malta Joseph Muscat cho rằng cái chết của bà là kết quả cuộc “một cuộc tấn công man rợ, đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào sự tự do ngôn luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert lên án: “Đây là vụ tấn công hèn nhát cướp đi sinh mạng của một phóng viên dũng cảm, tài năng, người đã cống hiến cả sự nghiệp để làm sáng tỏ những hành vi tham nhũng”. Ngày 22/10, gần một tuần sau ngày bà Galizia mất, tất cả 7 tờ báo cấp quốc gia ở Malta đã đồng loạt in trang nhất màu đen để tang bà, trên nền màu đen là dòng chữ in đậm: “Ngòi bút khuất phục sợ hãi”. “Những kẻ sát nhân đã quyết định bịt miệng bà ấy, nhưng họ sẽ không thể “bịt miệng” tinh thần của bà ấy, cũng như không thể bịt miệng chúng tôi”- ông Christophe Deloire, nhà báo Pháp thuộc tổ chức Phóng viên không biên giới tuyên bố.

Jim Acosta và hai cuộc “khẩu chiến” với Tổng thống

Nếu tình trạng “căng như dây đàn” giữa giới truyền thông Mỹ và Tổng thống Donald Trump là một trong những điểm nhấn trong năm qua thì Jim Acosta, phóng viên chuyên trách của đài CNN, với những cuộc “khẩu chiến” khá căng thẳng với người đứng đầu Nhà Trắng, là một trong những ký giả gây chú ý nhất. “Haven’t you spread a lof fake news yourself” - “Không phải là ông cũng từng nhiều lần tung tin giả sao, thưa Tổng thống?”. Người đặt câu hỏi khiến nhiều người có mặt tại Phòng Bầu dục trong buổi họp báo ngày 14/8/2017 ngỡ ngàng không ai khác là Jim Acosta. 

Trước đó, Jim Acosta đã khuấy động bầu không khí của cuộc họp báo thường kỳ tại Nhà Trắng bằng những câu hỏi chất vấn Tổng thống Donald Trump. Mọi căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Jim Acosta “tra hỏi” ông Trump  xung quanh vụ bạo loạn gây chết người ở bang Virginia. Jim Acosta chất vấn tại sao ông Trump không chỉ trích những nhóm chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhóm KKK hay các nhóm ủng hộ phát xít và cực đoan vào cuối tuần trước và điều gì đã khiến ông phải chờ đợi tới 2 ngày mới đưa ra phát ngôn, vì sao ông Trump không có buổi họp báo về vấn đề này như ông Trump đã tuyên bố trước đó. 

Báo Công luận
 
Đến nước này, ông Trump chỉ tay vào mặt Acosta: “Tôi chỉ thích tin thật, không phải tin giả. Các ông là hãng tin giả”. Trước đó 8 tháng, trong cuộc  họp báo đầu tiên diễn ra ngày 11/1/2017 tại Nhà Trắng của ông Trump, trước việc các hãng truyền thông, trong đó có CNN, bị ông Trump gọi là “rác rưởi” và sản xuất “tin tức giả”, Acosta chấn vấn: “Vì ông tấn công tổ chức của chúng tôi, tôi có thể hỏi ông một câu không?”. “Hãy giữ yên lặng. Tôi sẽ không cho anh hỏi. Tôi không cho anh hỏi câu nào cả. Các anh là hãng tin giả” (“I’m not going to give you a question. You’re fake news”), người đứng đầu Nhà Trắng lớn tiếng từ chối. Cuộc đối đáp nảy lửa giữa ông Trump và phóng viên đã gây ồn ào khán phòng. Thông tin về màn “đấu khẩu” này sau đó gây xôn xao mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ.

Jim Acosta là phóng viên chuyên trách tại Nhà Trắng của Đài CNN từ tháng 8/2013. Trước khi về CNN, Acosta là ký giả kỳ cựu của Đài CBS News. Từ đó đến nay, Jim Acosta là một gương mặt nổi bật của đài CNN, cũng là người được xem là thích đối đầu với các quan chức Nhà Trắng. Không chỉ “khẩu chiến” với Tổng thống, Jim Acosta từng “tố” đội ngũ của ông Trump có thành kiến với truyền thông. Trước đó, ông nhiều lần phàn nàn về việc Nhà Trắng không cho phép sử dụng máy ảnh trong các cuộc họp báo. Ông cũng từng chỉ trích chính quyền ông Trump thay đổi chính sách về di trú, nói rằng nó đi ngược lại tinh thần của nước Mỹ.

Anthony Scaramucci và 11 ngày làm việc giông bão

Làng truyền thông thế giới 2017 còn đổ dồn sự chú ý vào một cái tên khác: Anthony Scaramucci. Người đàn ông này chính là người chiếm giữ “thời hạn nhân sự ngắn kỷ lục” tại Nhà Trắng với vỏn vẹn trong 11 ngày đảm nhiệm cương vị Giám đốc truyền thông Nhà Trắng (từ 21- 31/7/2017). Ông Scaramucci bị sa thải bởi những bình luận “báng bổ” trên tạp chí The New Yorker tuần trước nhằm vào cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và chiến lược gia trưởng Steve Bannon.  Chính trường Mỹ cũng dậy sóng bởi những lời bình luận khiếm nhã này.  

Báo Công luận
 
Tuy nhiên, quyết định sa thải Anthony Scaramucci chỉ sau hơn chục ngày tại vị của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn khiến giới truyền thông ngỡ ngàng bởi ông Scaramucci được biết đến là nhân vật có mối quan hệ lâu dài với Tổng thống. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, ông Scaramucci luôn tỏ ra mình hiểu rõ mong muốn cũng như kết nối được với Tổng thống. Quyết định sa thải Anthony Scaramucci là một trong nhiều quyết định “gây sốc” chỉ trong 6 tháng đầu tiên nắm giữ cương vị Tổng thống của ông Donald Trump khi đã có 12 nhân vật quan trọng trong chính phủ Mỹ bị mất chức. Ông Scaramucci là người “lập kỷ lục” giữ ghế trong thời gian ngắn nhất với chỉ 10 ngày, sau đó là cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates (11 ngày) và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (23 ngày). Người có thời gian giữ ghế lâu nhất trước khi mất chức là cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus với tổng cộng 189 ngày làm việc.

Chamath Palihapitiya - người buộc tội “đức Vua”

Nhiều tiềm lực, nhiều sáng tạo mang tính tiên phong, đột phá, “ông Vua  mạng xã hội” Facebook vẫn đang quyết liệt, mạnh mẽ củng cố vị thế thống trị trên địa hạt truyền thông. Tuy nhiên, trên đỉnh vinh quang, đối diện với “đức Vua” không chỉ là những tán dương ngọt ngào mà còn cả những lời chỉ trích ngày càng gay gắt. Trong đó, lời buộc tội được chú ý nhiều nhất, được dẫn lại nhiều nhất là của Chamath Palihapitiya  - một cựu lãnh đạo cấp cao của chính Facebook. 

Báo Công luận
 
Là nhân vật từng được mệnh danh là “công thần” xác lập nên “đế chế Facebook” nhưng trong một cuộc thảo luận diễn ra tại Stanford Graduate School of Business, Chamath Palihapitiya đã phải chua chát thừa nhận ông cảm thấy “vô cùng tội lỗi” về những gì ông đã làm để xây dựng “các công cụ đang xé nát cơ cấu vận hành của xã hội”, tạo nên những “thông tin sai lệch, niềm tin sai lệch”. “Các vòng lặp phản hồi ngắn hạn và tạo ra phấn khích mà chúng tôi tạo ra đang phá hoại cách xã hội vận hành. Không có thảo luận, không có sự hợp tác, thông tin sai lệch, sai sự thật... Và đây không phải vấn đề của Mỹ, không phải về quảng cáo của Nga mà là vấn đề toàn cầu… Chúng ta đang trong một tình cảnh thực sự tồi tệ. Facebook làm xói mòn nền tảng cốt lõi của cách mọi người hành xử với người khác. Và tôi không có giải pháp nào cho vấn đề này. Giải pháp cho riêng tôi là không sử dụng những công cụ này nữa. Tôi đã không sử dụng nó trong nhiều năm”, Palihapitiya bức xúc chia sẻ.

ICIJ, gần 400 nhà báo và nỗ lực phanh phui “Hồ sơ Thiên Đường”

“Nhân vật truyền thông” “tạo sóng” và thu hút sự chú ý hơn cả trong năm 2017 không phải là một cá nhân nhà báo riêng biệt mà là Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và hơn 400 phóng viên điều tra từ 67 quốc gia tham gia dự án  “Hồ sơ Thiên Đường” (The Paradise Papers).

Cũng giống như Hồ sơ Panama, Hồ sơ Thiên Đường phanh phui các thông tin về tài khoản tại nước ngoài của những người giàu có nhất thế giới; những thiên đường thuế cùng loạt hồ sơ tiết lộ các cách thức trốn thuế của những người giàu nhất thế giới, các công ty đa quốc gia. Con số này bé hơn mức 2,6 TB dữ liệu của vụ Hồ sơ Panama, nhưng lớn hơn tất cả các vụ rò rỉ thông tin khác. Để có được bộ Hồ sơ chấn động này, trước hết phải kể đến vai trò đầu tàu của ICIJ, đứng đầu là Giám đốc Gerard Ryle và Phó Giám đốc Marina Walker. 

Báo Công luận
Nhà báo nổi tiếng người Australia Gerard Ryle . 
Theo Reuters, mặc dù tờ Suddeutsche Zeitung của Đức là cơ quan báo chí đầu tiên đăng tải thông tin liên quan đến “Hồ sơ Panama” song công đầu trong việc phát giác các tài liệu mật của Công ty Luật Mossack Fonseca lại thuộc về ICIJ. ICIJ là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1997 với trụ sở tại Mỹ và 195 phóng viên điều tra đến từ gần 70 quốc gia trên thế giới. ICIJ là “con đẻ” của nhà báo Mỹ Chuck Lewis khi mong muốn của nhà báo này là ICIJ sẽ là nơi tập trung điều tra ba vấn đề chính gồm tội phạm xuyên biên giới, tham nhũng và trách nhiệm của nhà cầm quyền. 

Tháng 7/2017, ICIJ được cơ quan thuế của Mỹ cấp quy chế tổ chức phi lợi nhuận hoạt động bằng tiền của các quỹ từ thiện, tiền quyên góp và tiền tư nhân tài trợ. Từ mục đích ấy, trong nhiều năm qua, ICIJ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui các vụ bê bối lớn trên thế giới, góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ trốn hoặc gian lận thuế. Văn phòng ICIJ ở Washington D.C gồm khoảng 30 người phụ trách khai thác dữ liệu và liên hệ với các nhà báo trên khắp thế giới. Người đứng đầu ICIJ là nhà báo nổi tiếng người Australia Gerard Ryle .

Trước khi trở thành Giám đốc ICIJ, Gerard Ryle từng là phóng viên, biên tập viên, chủ bút ở nhiều tờ báo khác nhau tại Australia và Ireland, trong đó có một loạt tờ báo nổi tiếng như The Sydney Morning Herlad, The Age. Ông có ít nhất 4 lần được vinh dự trao tặng các giải thưởng báo chí cao quý của Australia và từng là Phó Tổng biên tập tờ The Canberra Times và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về nghề báo… Một trụ cột khác của ICIJ là người phụ nữ mang tên Marina Walker, Phó Giám đốc ICIJ, cựu phóng viên điều tra người Argentina. Marina Walker có hơn 20 năm trong nghề báo, từng phanh phui nhiều vụ án tham nhũng, giành nhiều giải thưởng báo chí quốc tế... Trong vụ “Hồ sơ Panama”, bà Marina Walker là “tư lệnh” trực tiếp chỉ huy và điều phối hoạt động của gần 400 phóng viên.

Làm nên thành công của “Hồ sơ Thiên Đường”, dĩ nhiên không thể không kể đến vai trò của các nhà báo tham gia dự án Athena (bí danh ICIJ đặt cho dự án). Có thể kể ra đây những cái tên như nhà báo Mỹ Sasha Chavkin, nhà báo nữ Juliette Garside, người Anh, Edouard Perrin làm việc cho Hãng truyền hình Premières Lignes của Pháp, nhà báo gạo cội Toshihiro Okuyama làm việc cho báo Asahi Shimbun của Nhật, nữ nhà báo Thái Lan Prangtip Daorueng… 

Báo Công luận
Marina Walker 
Tuy nhiên, không thể nói ai tiêu biểu hơn ai trong “công trạng” làm nên thành công của Dự án này, bởi tất cả trong số họ đều phải trải qua những tháng ngày gian khổ, hy sinh như nhau, nỗ lực như nhau. Bởi bí mật là nguyên tắc tối thượng của “Hồ sơ Thiên Đường”, nên như hé lộ của nhà báo Pháp Benoît Collombat, thì những phóng viên tham gia Dự án đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo mật thông tin, gia đình người thân của họ cũng không được quyền biết về những gì họ đang làm, mọi phóng viên phải sử dụng tin nhắn và hộp thư mã hóa, hạn chế tối đa gọi điện thoại, công việc của người này hoàn toàn độc lập với người kia, không ai biết được phần việc của ai… 

Thách thức lớn nữa đối với các nhà báo tham gia dự án Athena là phải “thuộc lòng” công nghệ, có như vậy họ mới có thể khai thác, phân tích  hết được mọi dữ liệu đã được định dạng phức tạp trong Hồ sơ. Phức tạp là thế, khó khăn là thế, nguy hiểm là thế, nhưng họ đã nỗ lực vượt qua, và sự chấn động của dư luận khi “Hồ sơ Thiên Đường” được tung ra chính là “vòng nguyệt quế” xứng đáng dành cho họ.❏

Nguyễn Thành

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo