Chúng ta có đủ chế tài để xử lý tình trạng “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”

Chủ nhật, 31/12/2017 11:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang hoàn tất quá trình xây dựng dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in”. Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của báo chí, việc sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo... được quy định trong Nghị định mới như thế nào là những vấn đề mà giới báo chí đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với Báo NB&CL, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng - Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Tổ biên tập Nghị định nói rõ hơn về những vấn đề này.

Báo Công luận
Ông Ngô Huy Toàn trao đổi với PV.

+ Được biết, Bộ TT&TT đang soạn thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Vì sao lại phải ban hành những quy định mới, chế tài mới, phải chăng những quy định cũ đã không còn phù hợp?

- Nghị định 159 trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm hành chính; bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định 159 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế, nhiều quy định quản lý mới được ban hành nhưng chưa có chế tài để xử phạt, do vậy việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 159 là rất cần thiết.

Cụ thể hơn là từ khi Nghị định 159 được ban hành đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành đã tác động lớn đến hoạt động này. Ví dụ như Luật Báo chí 2016, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, Nghị định số 08/2017/NĐ-CP, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, Nghị định số 60/2014/NĐ-CP nhưng lại chưa được cập nhật trong Nghị định 159.

+ Xin ông cho biết điểm mới của dự thảo Nghị định này?

- Dự thảo Nghị định lần này có nhiều điểm mới, trong lĩnh vực báo chí có một số điểm mới quan trọng, là Dự thảo Nghị định mới sửa đổi hầu hết các điều liên quan đến hoạt động báo chí của Nghị định 159/2013/NĐ-CP (12/13 Điều), chỉ có duy nhất một điều được giữ nguyên là điều 7 quy định về các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí.

Trước hết là Dự thảo Nghị định mới thiết kế các khung phạt hợp lý hơn. Trước đây khoảng cách giữa các khung khá xa, do đó dự thảo Nghị định đã cố gắng đưa khoảng cách các mức phạt gần hơn và tránh trùng lặp. Nghị định mới cũng tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí để đáp ứng yêu cầu xã hội đòi hỏi. Vì như chúng ta đã biết, trong thời gian qua những vi phạm về tôn chỉ mục đích đều ít nhiều gắn với hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên, với những tiêu cực trong hoạt động báo chí đã bị dư luận xã hội lên án. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm này không chỉ quy định tăng mức phạt tiền mà còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 3 đến 12 tháng, đây là biện pháp xử lý rất nghiêm khắc.

Ngoài ra, Nghị định mới quy định chi tiết hơn về xử lý đối với hành vi vi phạm điều cấm trong hoạt động báo chí, trong đó có những hành vi rất mới, ví dụ thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em (thực hiện không đúng quy định về cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em; đăng, phát thông tin không phù hợp với trẻ em không đúng tỷ lệ theo quy định)…

Nghị định lần này cũng hoàn thiện, tăng cường các biện pháp xử phạt bổ sung để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng tính răn đe đối với đối tượng vi phạm. Chẳng hạn, trước đây thời gian tước quyền sử dụng giấy phép tối đa là 3 tháng nhưng với quy định mới, đối tượng vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép đến 12 tháng. Một điểm mới nữa là trong dự thảo Nghị định lần này có bổ sung một điều quy định về các hành vi vi phạm và hình thức xử lý liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp, được chuyển từ Nghị định 174 sang.

+ Vì sao Nghị định này có quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp? Phải chăng như vậy là chúng ta đã thừa nhận trang thông tin điện tử là loại hình báo chí?

- Trang thông tin điện tử tổng hợp không phải là loại hình báo chí, đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng việc quy định trong dự thảo nghị định này là hợp lý, cần thiết, bởi lẽ nó cũng liên quan đến nội dung thông tin, Báo chí là nguồn tin quan trọng của trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử tổng hợp có liên quan mật thiết với báo chí, là công cụ nối dài để chuyển tải thông tin của báo chí đến với xã hội. Hơn nữa, trang thông tin điện tử tổng hợp còn gắn chặt với những thay đổi nội dung của báo chí, chẳng hạn báo chí nếu có thay đổi nội dung hoặc cải chính, xin lỗi thì trang thông tin điện tử tổng hợp được phép trích dẫn cũng phải kịp thời chỉnh sửa theo nội dung báo chí đã thay đổi, phải đăng lại lời cải chính, xin lỗi khi báo chí có đăng cải chính, xin lỗi. Mặt khác, trong Luật Báo chí 2016 cũng dành riêng một điều để quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp.

+ Hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến tình trạng một số phóng viên liên minh lại để làm tiền, nhũng nhiễu các đơn vị, doanh nghiệp; tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ... Nghị định này có chế tài như thế nào để ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi này?

- Những hiện tượng này là có thật, gây nhức nhối trong dư luận xã hội thời gian qua. Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng này. Trên thực tế, không ít những phóng viên, nhà báo vi phạm không chỉ về đạo đức nghề nghiệp mà còn vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng bắt giữ, khởi tố. Nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, bị thu hồi thẻ nhà báo...

Báo Công luận
 
Ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm này là rất quan trọng và Nghị định lần này cũng hướng tới mục tiêu đó. Trong dự thảo Nghị định mới, hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí, lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân hoặc lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi có thể bị phạt từ 10 đến 40 triệu đồng.

Về tình trạng đăng - gỡ hiện cũng có nhiều cơ chế xử lý. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo và Bộ TT&TT đã yêu cầu các cơ quan báo chí bị phản ảnh phải thực hiện trách nhiệm giải trình, từ đó làm rõ lý do của việc đăng bài, gỡ bài. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm trong việc đăng bài, gỡ bài sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí chúng ta có đủ chế tài để xử lý. Vấn đề ở đây là phải có cơ chế giám sát, phát hiện sai phạm vì các đối tượng vi phạm thường có nhiều cách thức để lẩn tránh, che giấu hành vi vi phạm. Ở đây, vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí rất quan trọng, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà báo, phóng viên để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh. Mặt khác, phải tạo cơ chế để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị phóng viên nhũng nhiễu cung cấp thông tin, hợp tác với cơ quan chức năng đấu tranh chống tiêu cực. Hiện nay, không ít tổ chức, cá nhân bị nhũng nhiễu vẫn e ngại không dám lên tiếng; thậm chí sợ, không phản ánh đến cơ quan chức năng, do đó có những hành vi vi phạm, vụ việc tiêu cực chưa được đưa ra công luận.

+ Vừa qua, có chuyện TAND quận Cầu Giấy xét xử, tuyên phạt báo Gia đình VN phải bồi thường cho một cá nhân gần 70 triệu đồng vì đăng ảnh chân dung của người đó mà không có sự đồng ý bằng văn bản. Nhiều nhà báo cho rằng, sự việc này đã tạo ra tiền lệ không tốt, ảnh hưởng xấu đến việc tác nghiệp của báo chí. Vậy Nghị định mới quy định như thế nào về việc sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo, để phóng viên, người làm báo bớt đi nỗi “sợ” bỗng dưng bị kiện và thua kiện?

- Đây không phải nội dung mới mà vấn đề quyền cá nhân đã quy định trong nhiều văn bản pháp luật, ví dụ như Luật Dân sự, Luật Báo chí... Từ năm 2002, Nghị định 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Báo chí năm 1989 đã quy định rất rõ về vấn đề này.

Quy định của chúng ta là rất tiến bộ và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất nhiên, cơ quan báo chí phải hiểu rõ giới hạn sử dụng hình ảnh cá nhân, đặc biệt là trong bài viết phản ánh về tiêu cực. Nhà báo có kinh nghiệm, nghiệp vụ vững sẽ không bị vướng vào lỗi này và hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh minh họa làm sinh động cho bài viết mà không vi phạm pháp luật; hoặc trong nghiệp vụ tòa soạn có thể sử dụng kỹ thuật để xử lý ảnh... Việc xử lý như vậy vừa đảm bảo được thông tin đầy đủ, sinh động vừa đảm bảo các yếu tố về đạo đức, nhân văn.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

T. Toàn (Thực hiện)

 

 

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo