"Chúng tôi đang cố gắng xây dựng tờ tạp chí có bản sắc riêng..."

Chủ nhật, 05/08/2018 17:07 PM - 0 Trả lời

“Chúng tôi lựa chọn cho mình một con ngách nhỏ và bền bỉ, nỗ lực đi trên con đường ấy với trách nhiệm của những người làm nghề tâm huyết và hết lòng với nghề nghiệp. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng tờ tạp chí có bản sắc riêng về lĩnh vực môi trường, khi nhắc đến môi trường thì sẽ nhớ đến Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (moitruong.net.vn). Và dù 10 năm hay sau đó, chúng tôi vẫn tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích để hoạt động, không sa đà vào các vấn đề khác...”

Nhà báo Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhấn mạnh như thế trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập tạp chí (04.8.2008 - 04.8. 2018).

Bám sát tôn chỉ mục đích, không sa đà vào các vấn đề khác

Là một trong 9 cơ quan báo chí chuyên sâu về lĩnh vực môi trường, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đi theo hướng phát triển nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Định hướng phát triển của chúng tôi rất rõ từ nhiều năm nay đó là bám sát tôn chỉ mục đích, thể hiện rõ nét là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam. Với nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nước sạch biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề biến chất thải thành tài nguyên, cùng cộng đồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là tôn chỉ mục đích của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trong nhiệm kỳ qua mà tạp chí đã nỗ lực không ngừng để hướng đến.

Báo Công luận
 Nhà báo Nguyễn Văn Toàn - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống
Nội dung của tạp chí đề cập tới nhiều vấn đề từ chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường, nước sạch, các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường, những tấm gương, mô hình hay về bảo vệ môi trường, phản ánh về hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản của nước ta và các thông tin xoay quanh sức khỏe của người dân… Tất cả bài viết phản ánh được sự chính xác, khách quan, thể hiện được nguyện vọng của đông đảo nhân dân, do đó được nhiều độc giả đón nhận và yêu mến. Chúng tôi luôn có những thay đổi để tạp chí đến gần với hội viên trong Hội, đến gần với độc giả cả nước, phản ánh kịp thời các thông tin về môi trường và các tin tức sự kiện quan trọng khác của đất nước. Từ đó, suốt chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Môi trường & Cuộc sống đang ngày càng khẳng định rõ ràng hơn vai trò của mình trong hoạt động truyền thông, cổ vũ, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống xanh – sạch – đẹp, lên tiếng và nói không với các hành vi gây ô nhiễm môi trường…

Với xu hướng báo chí đa phương tiện như hiện nay, tôi thấy Môi trường và Cuộc sống đang có một cuộc “cải tổ” khá tích cực?

Trong bối cảnh báo chí cạnh tranh, nhu cầu của độc giả ngày càng khó tính, để đáp ứng điều đó, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chúng tôi rất quan tâm đến việc đổi mới, hoạt động theo hướng báo chí đa phương tiện gồm báo in, điện tử, các bản tin truyền hình, sắp tới sẽ đi sâu hơn về bản tin truyền hình và làm them audio. Đặc biệt, trước sự thay đổi về nhu cầu và cách tiếp nhận thông tin của độc giả trong thời đại báo chí cách mạng công nghệ số, đó là xu hướng tiếp nhận thông tin trên mạng internet, chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển tạp chí điện tử  www.moitruong.net.vn. Nhiều vụ tiêu cực về môi trường, tài nguyên khoáng sản, nước sạch… đã được Tạp chí nêu tên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Điều đó thể hiện những thông tin được đăng tải trên Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống rất có uy tín và có sức nặng. Không dừng lại ở đó, vào tháng 3/2018, Tạp chí Môi trường & Cuộc sống đã kiện toàn Ban Truyền hình, bản tin truyền hình Môi trường & Cuộc sống số đầu tiên đã được xuất bản. Đây là sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí, đánh dấu sự bước chân vào lĩnh vực truyền hình cũng cạnh tranh vô cùng khó khăn.

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các clip truyền hình về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay?

Báo Công luận
 TS. Hồ Ngọc Hải – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trao bằng khen cho cá nhân Tổng biên tập và Tập thể Tạp chí Môi trường và Cuộc sống vì đã có những thành tích xuất sắc trong 10 năm qua tại buổi lễ kỉ niệm
Nói thật là trước đây tôi học sân khấu điện ảnh, có một chút gì đó yêu nghề và muốn đẩy mạnh lĩnh vực truyền hình, và thực tế bạn đọc cũng thích xem những Video clip hơn. Nếu bài viết chỉ có text và ảnh thì cũng khó lôi cuốn được độc giả, vì vậy Ban biên tập tạp chí đã quyết định đầu tư làm thêm phần truyền hình. Và thực tế, đối với nhiều đơn vị ô nhiễm môi trường, nếu bài viết chỉ có text và ảnh sẽ bị nói là cắt ghép, nhưng khi có video clip thì thông tin sẽ khách quan hơn và họ sẽ khâm phục hơn. Các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để vào cuộc xử lý những đơn vị gây ô nhiễm môi trường này. Đã có nhiều tỉnh, thành phố, căn cứ vào Video clip của ban truyền hình Tạp chí đã vào cuộc xử lý, đó là những thành công lớn đối với cơ quan...

Nói đến vấn đề môi trường, nhiều ý kiến cho rằng: cứ động đến đâu sai đến đó, chủ trương tuyên truyền triệt để hay lựa chọn vấn đề, thưa ông?

Đúng là có thực tế như vậy. Nhưng chủ trương của tôi là không thực hiện quá nhiều nhưng đã thực hiện phải bài bản và xác thực. Khi phản ánh, Tạp chí thì thường mang tính chuyên sâu, thông tin phải đa chiều và khoa học ( ô nhiễm thế nào, người dân bị ảnh hưởng ra sao…). Mục đích để đưa tiếng nói của người dân tới các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, xử lý nhắc nhở các đơn vị hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi mong muốn và hy vọng qua những bài viết của mình, các đơn vị doanh nghiệp phải có ý thức hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường. Ngay cả các công ty xử lý môi trường cũng gây ô nhiễm môi trường, vì thực tế có thể công nghệ đầu tư không tốt, hoặc khâu quản lý không tốt, người vận hành không tốt thì sẽ gây ra ô nhiễm khí thải và bụi, dẫn đến người dân phản ánh và trách nhiệm của Tạp chí là xử lý, đăng bài để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Những tác phẩm “có sức nặng” và bài bản về các vấn đề liên quan đến môi trường...có giá trị và hiệu ứng xã hội như thế nào, thưa ông?

Có rất nhiều doanh nghiệp, mặc dù bị phản ánh nhưng họ vẫn rất thiện cảm gọi điện cảm ơn chúng tôi vì những gì phía tạp chí thông tin đều là đúng. Hoặc, tại một địa phương có những bãi rác thải sinh hoạt tự phát, nguồn nước sạch không đảm bảo ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như sức khoẻ của người dân, khi Tạp chí Môi trường và Cuộc sống thông tin thì sự việc đã nhanh chóng được giải quyết. Điều đó cho thấy, tuy là một tạp chí nhỏ, nhưng những bài báo đăng tải trên tạp chí rất có hiệu lực đối với xã hội. Thời đại công nghệ thông tin phát triển nên các thông tin cần phải được sàng lọc để phù hợp với tôn chỉ mục đích của Toà soạn. Bài viết phải chuyên sâu về môi trường gắn với người dân và mang tính xây dựng... Chúng tôi lựa chọn cho mình một con ngách nhỏ và bền bỉ, nỗ lực đi trên con đường ấy với trách nhiệm của những người làm nghề tâm huyết và hết lòng với nghề nghiệp. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng tờ tạp chí có bản sắc riêng về lĩnh vực môi trường, khi nhắc đến môi trường thì sẽ nhớ đến Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (moitruong.net.vn). Và dù 10 năm hay sau đó, chúng tôi vẫn tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích để hoạt động, không sa đà vào các vấn đề khác...

Báo Công luận
 Cần hơn cả tài chính, đó chính là nguồn nhân lực tốt
Cần hơn cả tài chính, đó chính là nguồn nhân lực tốt

Vấn đề về môi trường vấn đề nhạy cảm, trong quá trình phản ảnh, những cái va chạm từ trên xuống, rồi từ dưới lên, chắc hẳn là chuyện không hiếm. Xây dựng “bản sắc riêng” là không dễ chút nào, thưa ông?

Đúng vậy! Báo chí phải luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhưng với những sai phạm của doanh nghiệp thì báo chí vẫn phải nhắc nhở ở mức độ nhất định để doanh nghiệp nhận ra những vấn đề còn thiết sót của mình và có biện pháp khắc phục. Chúng tôi luôn xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, đi sâu vào vấn đề cuộc sống và dân sinh, để thấy nó thay đổi như thế nào, để nhận được sự ủng hộ của nhân dân, như vậy mới có thể phát triển. Theo nguyên tắc, khi có ý kiến của người dân thì cơ quan phải hành động, để ít nhiều cũng phải gây được áp lực và khiến các cơ quan chức năng vào cuộc để nhìn nhận lại cách quản lý của mình đã tốt hay chưa. 10 năm qua, Tạp chí Môi trường & Cuộc sống chúng tôi đã thực sự vươn mình để lớn mạnh, tự hào là ấn phẩm chuyên sâu phản ánh về lĩnh vực nước sạch và môi trường, được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan chức năng và bạn đọc đánh giá cao về chất lượng thông tin, hình thức trình bày.

Rõ ràng là làm được điều đó cần lắm sự “rèn người”, “rèn đạo đức” từ chính cơ quan báo chí, thưa ông?

Người đứng đầu cơ quan báo chí thời này phải năng động. Để phát triển một cơ quan báo chí hoạt động theo chuẩn chỉnh không chạy theo vấn đề nhạy cảm trong xã hội, thì người lãnh đạo phải là thuyền trưởng, phảo chèo lái và đi đúng đường. Cần hơn cả tài chính, đó chính là nguồn nhân lực tốt. Để chọn được nhân lực tốt ở các cơ quan báo chí rất khó khăn. Một sinh viên mới ra trường, nếu làm việc ở một cơ quan báo chí không tốt sa đà vào vấn đề tiêu cực thì chắc chắn nhân cách sẽ xấu, đến khi sang tờ báo tốt thì sẽ không làm việc được vì bị gò bó. Ở tòa soạn Môi trường và Cuộc sống, tất cả đều quy ra sản phẩm bài viết. Các phóng viên phải theo quy định của toà soạn đó là phải báo cáo công việc cụ thể hằng tuần, đi đâu làm gì phải báo cáo, sau đó Toà soạn duyệt thì mới viết giấy giới thiệu để triển khai. Từ cách quản lý nhân sự chặt chẽ như vậy, rất nhiều phóng viên mới về không đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn nên cũng phải tự xin nghỉ. Hiện nay, tình trạng viết giấy giới thiệu chung chung là điều rất nguy hiểm, nó đánh đồng giữa người làm truyền thông quảng cáo với nhà báo khi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm việc. Rất nhiều Tạp chí chí còn có tình trạng như vậy thậm chí là cả các báo. Do vậy, cách làm việc phải theo một quy chuẩn nhất định của tòa soạn, đi đâu làm gì cần phải có báo cáo đề tài, hình ảnh, clip gửi về thì mới được triển khai. Quy trình làm việc sát sao, chỉ những người yêu nghề báo mới tồn tại được.

Vậy ông  giải quyết như thế nào câu chuyện phải nhanh trong thời đại số ?

Nhanh nhưng vẫn phải đúng quy trình làm việc. Tôi cho phép, phóng viên của tôi ở tỉnh thành xa nếu không kịp về cơ quan, có thể báo cáo đề tài và kèm theo video clip qua email. Sau đó Toà soạn sẽ xem xét viết giấy giới thiệu cho triển khai đề tài. Tuy nhiên, vì ở xa mà việc thì gấp nên Toà soạn đã chọn cách chụp giấy giới gửi qua zalo hoặc Facebook cho phóng viên. Giấy giới thiệu có đóng dấu của Tổng biên tập và Thư ký tòa soạn hoặc Ban trị sự sẽ chụp ảnh gửi qua zalo cho phóng viên để tác nghiệp, một số các cơ quan chức năng đã chấp nhận hình thức này. Vì giấy giới thiệu chụp gửi qua Zalo, facebook đều thể hiện được nội dung làm việc và có dấu đỏ. Đặc biệt, tôi nghĩ rằng, khi PV đến với các cơ quan ban ngành làm việc thì bắt buộc phải có giấy giới thiệu. Thẻ nhà báo chỉ nên được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, còn bắt buộc vẫn phải có giấy giới thiệu vì nhiều trường hợp nhà báo sẽ không báo cáo đề tài với toà soạn mà sử dụng thẻ nhà báo đi “đánh quả” hoặc nhà báo bị đuổi việc ở toà soạn rồi nhưng không chịu nộp lại thẻ nhà báo, mà vẫn sử dụng thẻ nhà báo của cơ quan cũ để đi làm với mục đích cá nhân, gây nguy hiểm không chỉ cho tòa soạn mà còn cả doanh nghiệp.

Báo Công luận
 10 năm qua, Tạp chí Môi trường & Cuộc sống thực sự vươn mình để lớn mạnh, tự hào là ấn phẩm chuyên sâu phản ánh về lĩnh vực nước sạch và môi trường
Sau dấu ấn chặng đường 10 năm với biết bao kỳ vọng, con đường phía trước Tạp chí sẽ tiếp tục như thế nào thưa ông ?

Không còn con đường nào khác là tiếp tục duy trì cách làm, cách quản lý như hiện nay. Có nghĩa là quản lý chặt từ giấy giới thiệu, các hoạt động của các phóng viên. Có như vậy mới giữ vững được thương hiệu. Quản lý chặt giấy giới thiệu là điều an toàn nhất và giúp cho tờ báo có uy tín lâu nhất. Phóng viên, nhân viên không thể làm sai được vì đi đâu làm gì cơ quan đều quản lý. Phần lớn các vụ phóng viên bị bắt đều không có sự chỉ đạo của tòa soạn, trong giấy giới thiệu ghi chung chung để nhân viên truyền thông làm thay công việc của phóng viên. Còn đối với phóng viên, đi đâu làm gì đều phải báo cáo. Vì phóng viên là người của tòa soạn, thì phải chịu sự quản lý của tòa soạn. Muốn làm gì phải xin giấy giới thiệu, phải báo cáo đề tài cụ thể. Giấy giới thiệu là hồ sơ pháp lý để gắn tòa soạn với phóng viên, nhà báo.

Để xây dựng được đội ngũ chuẩn chỉnh ngay từ đầu, tòa soạn ưu tiên những người trẻ vào đào tạo để họ quen với nề nếp cách làm việc của tòa soạn. Chúng tôi không cần làm nhanh mà chỉ cần chậm nhưng chắc, hữu xạ tự nhiên hương. Các phóng viên đến xin việc cũng cần phải cân nhắc lựa chọn kỹ mới nhận vào làm. Quan điểm của tôi là, tuy khó khăn về kinh tế, nhưng buộc phải cắt đội ngũ truyền thông quảng cáo. Vì chính những người chuyên đi kêu gọi quảng cáo này quản lý không chặt thì sẽ xảy ra nhiều tiêu cực. Nếu xảy ra tiêu cực thì về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới tòa soạn. Khó khăn tài chính thì phần lớn các tòa soạn đều gặp phải nhưng nếu không làm nghiêm thì thiệt hại còn gấp nhiều lần.

Vâng, xin cảm ơn anh! Chúc tạp chí Môi trường và Cuộc sống tuổi lên 10 sẽ tiếp tục phát triển thành công hơn nữa trên con đường xây dựng bản sắc riêng về lĩnh vực này.

Hà Vân – Huy Hoàng (thực hiện)

 

Tin khác

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

(CLO) Ngày 22/4, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tập huấn về phát ngôn, giao tiếp báo chí và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách năm 2024. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Nghề báo
Rà soát các chương trình có quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

Rà soát các chương trình có quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

(CLO) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.

Nghề báo
Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024

Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024

(CLO) Ngày 22/4, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024, góp phần trong phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP.HCM.

Nghề báo
Gần 620 tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

Gần 620 tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

(CLO) Ngày 22/4, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba; phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Báo Thanh Hoá thông báo tuyển dụng 14 viên chức

Báo Thanh Hoá thông báo tuyển dụng 14 viên chức

(CLO) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá vừa có thông báo về việc tuyển dụng viên chức Cơ quan Báo Thanh Hóa năm 2024.

Nghề báo