“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ người làm báo nước nhà

Thứ hai, 17/12/2018 14:42 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đã hơn 4 năm kể từ ngày Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được phê duyệt và hơn một năm kể từ ngày Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, đến nay Bảo tàng đã sưu tầm được gần 2 vạn hiện vật, kỷ vật và mọi công việc đang được khẩn trương hoàn thành cho ngày khai trương dự kiến vào tháng 9 năm 2019. Đằng sau mỗi kỷ vật, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam là những câu chuyện cảm động, hào hùng của các thế hệ người làm báo nước nhà.

Nỗ lực cho ngày khai trương

Có thể thấy được nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong việc bổ sung thêm nhiều hiện vật, tư liệu quý giá vào kho lưu trữ trong thời gian vừa qua. Cuộc hành trình đi đến nhiều địa phương trên cả nước kéo dài từ biên giới Cao- Bắc- Lạng đến miền Tây sông nước- Nam sông Hậu đã làm phong phú thêm kho tư liệu của Bảo tàng. Điều này sẽ giúp cán bộ, nhân viên Bảo tàng tự tin hơn để xây dựng kế hoạch, kịch bản trưng bày cũng như giúp bộ phận thiết kế tiếp cận được một cách toàn diện, chính xác hơn lịch sử báo chí Việt Nam thông qua những hiện vật và tư liệu mà Bảo tàng cung cấp.

Có hiện vật trong tay nhưng việc phân loại, sàng lọc những di sản báo chí, từ đó nghiên cứu, tập hợp, chuẩn bị kế hoạch chi tiết cũng như kịch bản trưng bày chi tiết, đồng thời không quên đẩy mạnh việc sưu tầm, tiếp nhận hiện vật, tư liệu, triển khai các hoạt động bảo quản, truyền thông, số hóa…. cũng đang được Bảo tàng tích cực triển khai. Muốn có trưng bày thành công nhất thiết phải có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, mà bắt đầu chính là sự chuẩn bị về hiện vật, tư liệu một cách tốt nhất. Không bằng lòng với những gì đã có trong tay, các cán bộ, nhần viên Bảo tàng hàng ngày vẫn tiếp tục đào sâu tìm hiểu từng sự kiện, từng hiện vật, tài liệu và khi cần phải ngay lập tức có mặt tại các cơ quan báo chí, các thư viện, gõ cửa các chuyên gia, cố vấn để bổ khuyết bằng được.

Báo Công luận
Bà Trần Thị Kim Hoa- Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong lần thuyết minh về các hiện vật tại Bảo tàng (Ảnh: Hà Linh)

Trong cuộc trò chuyện gần đây, bà Trần Thị Kim Hoa- Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia, các nhà báo và công chúng. Tuy hiện vật, tư liệu hiện có của Bảo tàng là tương đối phong phú nhưng chưa đáng là bao so với những di sản báo chí mà lịch sử 152 năm làm báo của chúng ta đã để lại vì vậy công cuộc tìm kiếm, tiếp nhận, khai thác hiện vật, tư liệu sẽ luôn được chú trọng, được coi là công việc thường xuyên, liên tục, không chỉ để phục vụ cho công tác trưng bày sắp tới mà còn phục vụ cho hoạt động lâu dài cho Bảo tàng trong quá trình đến với công chúng”.

Trong những ngày cuối tháng 11/2018, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa, đó là tổ chức được tọa đàm khoa học “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại”. Đây là dịp để các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động bảo tàng, tiếp cận tư duy mới về làm bảo tàng để hình dung rõ hơn về hướng đi mới của một bảo tàng hiện đại. Nhiều ý kiến của các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tàng ở Việt Nam như: PGS. TS Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản; bà Huỳnh Ngọc Vân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và hiện là cố vấn, quản lý Bảo tàng Áo dài; ông Triệu Hiển - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam ghi chép tỉ mỉ và nghiêm túc tiếp thu.

Mỗi kỷ vật một câu chuyện

Không thể ngay lập tức kể hết những hiện vật, tư liệu báo chí giá trị mà Bảo tàng may mắn khai thác và tiếp nhận được trong quá trình từ “không” đến “có” đó. Trong đó phải kể đến một số hiện vật giấy, ảnh quý giá là bản gốc như các tờ Tiếng dân, Nam phong... xuất bản từ 1918, bản in li tô tờ Thanh niên năm 1926 hay tấm thẻ nhà báo của bà Nguyễn Khoa Bội Lan năm 1948 và tấm ảnh Bác Hồ đánh máy chữ có bút tích của Người năm 1950...

Báo Công luận
Tập nhật ký viết tay của nhà báo Lệ Thu tại Bảo tàng (Ảnh: Hà Linh)

Được đánh giá là món quà quý giá và độc đáo, bức tượng bán thân đầu tiên của nhà báo Sương Nguyệt Anh được nhà báo Mai Sông Bé- Nguyên Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Đồng Nai gửi ra hiến tặng. Đó là bức tượng gốm men nâu, ánh vàng đồng, cao 65cm đặt trên bục cao 1m. Ông Bé gọi đây là một “kiệt tác” có được từ bàn tay tỉ mỉ của nghệ nhân Đinh Công Lai (Giảng viên Khoa Gốm, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) cùng các đồng nghiệp ở 2 Khoa Gốm - Điêu khắc thực hiện. Qúa trình làm tượng vô cùng nghiêm ngặt, từ khâu nặn mẫu, đổ khuôn bằng thạch cao, kết hợp với đất sét rồi cho vào lò nung dưới nhiệt độ 1200 độ C. Men Biên Hòa xưa nay vốn đã nổi tiếng cùng với việc sử dụng chất liệu gốm nên tượng rất bền màu, bền cơ và có thể chịu đựng được dưới mọi thời tiết.

Báo Công luận
Tấm thẻ nhà báo của nhà báo lão thành Nguyễn Khoa Bội Lan tại Bảo tàng (Ảnh: Hà Linh)

Tìm hiểu sự có mặt về tấm thẻ báo của nhà báo lão thành Nguyễn Khoa Bội Lan, được nhà báo Dương Phước Thu (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế) cho biết: Thời điểm năm 1948, bà Bội Lan là đặc phái viên Báo Cứu quốc (nay là Báo Đại đoàn kết) hoạt động tại Thừa Thiên Huế. Trên tấm thẻ còn lưu lại chữ ký của chủ bút Lưu Qúy Kỳ. Bà Lan đã đem theo nó bên mình suốt nửa thế kỉ như một kỷ vật của đời làm báo. Tuy nhiên khi biết ông Thu là người đam mê nghiên cứu sưu tầm, bà đã tặng nó cho ông. Tháng 9 năm 2016 vừa qua trong Lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, ông Thu đã trực tiếp hiến tặng.

Báo Công luận
Bức tượng bán thân của nhà báo Sương Nguyệt Anh tại Bảo tàng (Ảnh: Hà Linh)

 

Có thể nói tập nhật ký viết tay ghi lại cuộc hành trình đến ngày thống nhất đất nước của một người mẹ gánh trên vai trách nhiệm của một nhà báo, một chiến sĩ nơi tiền tuyến khi được trưng bày tại Triển lãm năm nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người tham dự. Nữ nhà báo Lệ Thu đã viết dòng nhật ký đầu tiên vào ngày 10/8/1973 và kết thúc vào ngày 1/5/1975 khi bà là phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng. Bản viết tay của bà được chép trên tờ giấy pô-luya (loại giấy mỏng thời kháng chiến để mang theo cho nhẹ). Năm 2015, nhật ký của bà được NXB Quân đội Nhân dân in thành sách mang tên “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”. Tất cả những cảm xúc được bà ghi chép trong hơn 300 trang sách thấm đẫm những kí ức chiến tranh ở mảnh đất miền Trung mà chủ yếu là trên quê hương Bình Định (từ ngày 1/1/1974 đến 28/4/1975, 485 ngày với 240 trang).

Như vậy có thể nói mỗi kỷ vật là một câu chuyện thú vị đằng sau, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có gần 2 vạn câu chuyện cảm động sẽ được kể khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được khai trương.

Hà Linh

Tin khác

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo