Nghĩ về tờ báo của DÂN!

Thứ năm, 12/07/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 16 giờ 30, ngày 6/7/2018, máy bay hạ cánh sân bay Phú Bài. Những ngày đầu tháng 7, miền Bắc nắng nóng như thiêu như đốt. Hà Nội hơn 40 độ C; Huế cũng xấp xỉ 39 – 40 độ C. Thời gian không nhiều, thời tiết khắc nghiệt, nhưng Hội Nhà báo tỉnh và Báo Thừa Thiên Huế chuẩn bị khá chu đáo nội dung, các tư liệu cho cuộc hội thảo về báo DÂN, đặc biệt đã sưu tầm đầy đủ - phối hợp với nhà xuất bản Thuận Hóa in tuyển tập 17 số báo DÂN xuất bản nửa cuối năm 1938, 80 năm trước.

Ngày 6 tháng 7, kỷ niệm 80 năm ngày báo DÂN ra số đầu (6/7/1938 – 6/7/2018),  cuộc hội thảo khoa học “Báo DÂN trong dòng chảy báo chí cách mạng” lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Huế. DÂN là tuần báo công khai của Xứ Ủy Trung Kỳ, xuất bản tại Huế năm 1938, phát hành rộng rãi lúc bấy giờ. 

DÂN xuất bản được 17 số thì bị Nhà cầm quyền Pháp đình bản, đóng cửa. Báo DÂN số 1, trên trang nhất ghi rõ tôn chỉ mục đích, phương châm hành động, do nhà cách mạng Phan Đăng Lưu viết, nổi bật ba điều: “1/DÂN đúng như tên gọi của nó là tờ báo của dân, những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ đều được bày tỏ trên tờ báo này. 2/DÂN yêu cầu anh chị em gắng thế nào cho mỗi làng, mỗi sở công, sở tư, mỗi trường học, mỗi nhà máy, ít nhất cũng được một bạn đọc. 3/DÂN yêu cầu anh chị em đối với nó thấy có khuyết điểm gì cứ thành thật chỉ trích, để sửa đổi dần cho thành một cơ quan ngôn luận hoàn toàn”.

Các nhà cách mạng tiền bối đều là những nhà báo lớn. Đối với họ,  làm báo, viết báo là để tuyên truyền, cổ động, tổ chức cách mạng, tập hợp dân chúng. Hãy lắng nghe “Những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ” của dân, thông qua báo chí. Né tránh báo chí là né tránh chính mình. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhấn mạnh điều này khi  phát biểu và trả lời phỏng vấn báo chí tại  hội thảo. 

Ông nhắc đến việc cán bộ, đảng viên, các cơ quan công quyền cần lắng nghe hơi thở, lắng nghe “Những ý muốn chính đáng”, “những lời phàn nàn có căn cứ” của người dân. Những biểu hiện xa dân là nguy hại cho uy tín của Đảng, chính quyền. 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc đến những bài học vẫn nguyên vẹn tính thời sự của báo DÂN đối với các cơ quan báo chí ngày nay, đó là công việc tổ chức phát hành tờ báo được “Dân chúng ham chuộng” như Bác Hồ đã dạy, mạng lưới phát hành sâu rộng tới mọi vùng miền; rằng tờ báo phải sống được từ phát hành, từ bán báo, từ bằng  sự nỗ lực của chính mình.

Báo Công luận
Toàn cảnh buổi Hội thảo về báo DÂN. 

Nhà báo, nhà văn lão thành  Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người có hơn 70 năm gắn bó với nghề báo, nghiệp văn gửi đến hội thảo tham luận, vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Văn phong Phan Đăng Lưu (chủ bút báo DÂN) bình dân mà đầy trí tuệ. Ấy là do phải bươn chải để tờ báo có thể sống nhờ độc giả phần lớn là người bình dân, song sâu xa, căn cốt hơn theo chúng tôi nghĩ, là bắt nguồn từ tính cách một người viết gắn bó với dân, vì lợi ích của dân dám vượt lên tất cả, đương đầu với cái chết. Tính chiến đấu quyện với tính chất đời thường mà không dung tục ấy của báo chí cách mạng dường như nay đang bị lãng quên”.

Trước cuộc hội thảo báo DÂN 3 ngày, 3/7/2018, đồng nghiệp Tô Phán, Tổng Giám đốc đài PT-TH Hà Nội phát biểu tại một diễn đàn chính thức về chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí tại cơ quan mình. 

Ông nói đài Hà Nội có hơn 700 người, 500 biên chế, còn lại là hợp đồng, 140 cán bộ chủ chốt, mấy tiến sĩ, thạc sĩ. Có 40% số người làm việc làng nhàng, không máu lửa, cứ diễn - đi ra đi vào, chất lượng công việc thấp, giao cho họ việc gì cũng khó khăn, đụng con ông nọ, cháu bà kia từ trung ương đến thành phố, nên khó lòng giảm biên chế đối với họ. Khi cần phân công cán bộ của đài đi tháp tùng lãnh đạo thành phố cũng không dám giao cho số cán bộ “làng nhàng” này. Cuối năm bình bầu thi đua 100% lao động tiên tiến, họ không cãi ai, không chửi ai, không thể đưa họ ra khỏi đài được. 

Nếu sự thật đúng như vậy, thì điều mà nhà báo Phan Quang nêu tại hội thảo là chí lý, chí tình. Đặt trong bối cảnh đó, rõ ràng hội thảo, sự luận bàn những bài học sâu sắc có thể rút ra từ báo DÂN, ấn phẩm công khai của Xứ ủy Trung Kỳ cách đây 8 thập niên là rất có ý nghĩa về đời sống báo chí nước nhà ngày nay; bao gồm cả việc lắng nghe “Những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ” mà nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, chủ bút báo DÂN đã khẳng định 80 năm trước.

Sự đồng thuận của lòng DÂN, sức mạnh của nhân dân quyết định tất cả! Bài học sống còn này là mãi mãi, không bao giờ cũ. Quá đúng, quá hay, nhưng sự thật là, một bộ phận quan chức lại “không lắng nghe dân”, vô cảm với dân, vụ lợi, thu vén, tham nhũng, chia chác nhóm lợi ích.

Cố đô Huế là cái nôi của văn hóa - báo chí, từ những ngày Đảng còn hoạt động bí mật, chưa giành được chính quyền, với nhiều tên tuổi lớn về báo chí – văn nghệ. Đến Huế lần này, gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, con trai nhà cách mạng nổi tiếng, nhà lý luận – chính luận báo chí  xuất sắc Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. 

Vẫn như ngày nào, ông sống bình dị nơi quê nhà, làm thơ, đi bộ, đạp xe dọc sông Hương, sống  nghĩa tình, dù đã nghỉ ngơi nhưng ông vẫn rất trách nhiệm với thời cuộc. Nhà văn, nhà báo Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê; đồng nghiệp Hoàng Thị Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế; nhà báo Đinh Khắc An, nguyên Tổng biên tập báo Thừa Thiên Huế… với nhiều kỷ niệm đồng nghiệp, bạn viết thật vui. 

Với Tô Nhuận Vỹ, khi anh ấy làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, một thời nổi tiếng với những bài viết đổi mới, góc cạnh. Năm 1987, 1988 Tô Nhuận Vỹ vào TP. Hồ Chí Minh rồi xuống thành phố biển Vũng Tàu  gặp Ban biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo hợp tác xuất bản tác phẩm “Tình yêu thời thổ tả” của nhà văn, nhà báo Colombia lừng danh Gabriel Garcia Marquez (1928 – 2014), từng đoạt giải Nobel văn chương. 

Thời ấy,  những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước  còn  khó khăn, thiếu thốn trăm bề – ngăn sông cấm chợ. Tạp chí Sông Hương đưa tác phẩm dịch của Marquez vào Nam, liên kết với nhà in báo Vũng Tàu - Côn Đảo in ấn, rồi cùng phát hành, hy vọng kiếm chút lãi để phục vụ xuất bản báo và tạp chí. Do những lý do khách quan, sự hợp tác này chưa thành, để lại nhiều kỷ niệm về đời và nghề khó quên.

Với Nguyễn Khắc Phê, em trai bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, dân Hà Tĩnh gốc, tài hoa, giàu cá tính, thông minh, nhớ dai. Hồi ký – Tự truyện của Nguyễn Khắc Phê “Số phận không định trước” khá nổi tiếng về phận đời, phận nghề của nhà văn, nhà báo tài hoa tư chất thầy đồ Nghệ. Bất cứ lúc nào khi Phạm Quốc Toàn gọi: “Bác Nguyễn Khắc Phê ơi, bác cho bài… 2.000 từ nhé, đăng tạp chí của Hội Nhà báo”. Vài  ngày sau, ông gõ vào Email bài theo đúng yêu cầu, kèm lời nhắn: “Anh check mail nhận bài”. Bài của ông gần như chẳng cần sửa chữ nào – ngòi bút của nhà văn này sắc sảo, chỉn chu.

Báo Công luận
 

Nhà báo Đinh Khắc An, chủ biên bộ sách Lịch sử báo Đảng bộ Thừa Thiên Huế, nguyên TBT báo Thừa Thiên Huế, sinh ngày 6/7, sau báo Dân đúng 16 năm. Khi sắp nghỉ hưu, dưới sự chủ trị của ông, báo Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Báo Đảng địa phương tuyên truyền Xây dựng Đảng” khá xôm tụ, tập hợp đông đủ các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên và một số báo Đảng ngoài khu vực.

 Chuyện đang vui, bỗng nhiên có ai đó viết thư mạo danh, không thuận với Tổng biên tập – dựng chuyện  tầm phào. Gặp ông bên lề hội thảo về báo DÂN, Đinh Khắc An nói: “Tôi đi Bắc Giang, về lúc tối cho kịp hội thảo. Đến Bắc Giang gặp bạn bè rất vui,  ăn vải thiều mệt nghỉ, cứ nghĩ là nghỉ ngơi cho hết cái sự đời, nhưng ngứa ngáy quá, lại đi hội thảo báo DÂN, làm được  gì cho công việc thì gắng sức vậy”

Nhà báo Hoàng Thị Thọ tặng tôi cuốn sách khá bề thế “100 năm trường Đồng Khánh - Huế”. Chị Thọ nói: “Kỷ niệm ngày Hội Nhà báo Việt Nam cử chúng ta đi thăm Liên bang Xô viết bị hoãn, do chính trị bên đó thời điểm ấy bất ổn. Anh đọc… cựu nữ sinh Đồng Khánh cho vui. Ta trở về với tuổi Teen…”

Tạm biệt cố đô Huế, tạm biệt “nôi” của báo chí – văn nghệ, thành phố văn hóa Festival. Chuẩn bị ra sân bay, đúng lúc sông Hương, núi Ngự có trận mưa… vàng rất to, xua tan mọi sự nóng bức giữa mùa hè. 

Tiếng vọng của báo DÂN, âm hưởng – vọng về - kết nối quá khứ và hiện tại về một tờ báo của DÂN, như chính tên gọi của nó – đậm sắc hương trong dòng chảy báo chí cách mạng,  hướng trọn niềm tin vào DÂN, với Dân, cho DÂN!

Ngày 9.7.2018

Phạm Quốc Toàn

Tin khác

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo
Quỹ từ thiện 'Ước mơ xanh' - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

Quỹ từ thiện "Ước mơ xanh" - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Nghề báo
Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đoạt giải nhất giải báo chí miền Đông Nam Bộ

Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đoạt giải nhất giải báo chí miền Đông Nam Bộ

(CLO) Các tác phẩm vào chung khảo mùa giải lần thứ II có chất lượng tốt, đề tài hay, gần gũi với đời sống dân sinh, với yêu cầu phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Số lượng bài tham gia nhiều hơn mùa giải thứ nhất, nhiều bài có chất lượng cao vào chung khảo.

Nghề báo
Ra mắt Tự truyện 'Sống đến bình minh' của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

(CLO) Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Nghề báo
Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo