Nhà báo Nguyễn Ngọc Diệp - Báo Tuổi trẻ: Tôi thích chọn thông tin văn hóa có ảnh hưởng tích cực tới công chúng

Thứ năm, 29/03/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Không có gì tự nhiên đến, không có những bài viết tốt nếu không trang bị đủ kiến thức nền và nhất là “năng nhặt chặt bị” thu lượm kiến thức và thông tin”. Đó là cách nghĩ, cách làm và cách học của nhà báo Nguyễn Ngọc Diệp - Báo Tuổi trẻ.

Nghề báo là nghề năng nhặt chặt bị

+ Chị là một trong số ít phóng viên viết về điện ảnh khai thác được những đề tài khá riêng biệt. Chị có thể chia sẻ bí quyết riêng của mình?

- Khi còn làm ở tờ Thể thao & Văn hóa (TTXVN), tôi được giao theo dõi mảng điện ảnh. Điện ảnh thực sự là một ngành rất khó vì nó là loại hình nghệ thuật tổng hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác. Với những đòi hỏi khắt khe của tờ báo, tôi cảm thấy buộc phải nâng cao trình độ. Tôi nghĩ làm nghề nào cũng vậy thôi. Khi làm đến một giai đoạn nào đó mình sẽ hết vốn, và một cách tự nhiên mình sẽ phải tự học thêm, nếu còn muốn tiếp tục phát triển nghề nghiệp. 

Khi biết tôi quay trở lại trường đại học để học thêm ngành lý luận phê bình điện ảnh, không chỉ gia đình, mà đồng nghiệp đều cảm thấy đây là lựa chọn kì lạ. Vì ngành học này quá ít người học và xem ra chẳng có tương lai gì cho việc… kiếm tiền. Nhưng tôi nghĩ một cách rất thực tế, tôi không thể viết về điện ảnh với vốn hiểu biết quá ít ỏi được. 

Quả nhiên sau khi học xong, dù kiến thức thu về rất khiêm tốn, nhưng tôi viết tốt hơn hẳn. Khi có nhiều kiến thức hơn, tôi có thể tự tin trò chuyện với người làm nghề điện ảnh, phát triển nhiều mối quan hệ, có nhiều nguồn tin hơn.

Ngoài ra tôi vẫn cho rằng nghề báo là nghề năng nhặt chặt bị. Nhiều khi để có một câu trích dẫn có chất lượng trong bài viết, tôi đã phải trò chuyện với một nhân vật nào đó hàng tiếng đồng hồ, thậm chí phải lê la ngồi một hội thảo nào đó trong suốt hai ngày… 

Một tuần chắc tôi phải ngồi trong rạp ba buổi để xem phim thương mại. Ngoài ra, tôi rất quan tâm đến các liên hoan phim độc lập, phim tài liệu, phim thể nghiệm, và sẵn lòng đi tất cả những sự kiện này, dù có thể về chưa viết được bài ngay. Một hoạt động nữa không thể thiếu là đọc sách. Tôi là người không tiếc tiền mua sách, thích đọc và ý thức được rằng người thầy tốt nhất chính là sách. 

Tôi đã từng bị người lớn trong gia đình mắng “mày suốt ngày chỉ lý thuyết”, nhưng tôi biết làm văn hóa nghệ thuật mà không đọc sách thì không có cách nào làm tốt được.

 

Báo Công luận
 Nhà báo Ngọc Diệp tới Hội An trong thời gian tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 tổ chức tại Đà Nẵng - Ảnh: Lưu Mai

 

Mình chê cho sướng mồm thì có ích gì?

+ Khi xem một bộ phim mà thấy có nhiều "sạn", chị có phải cân nhắc khi chê bộ phim đó trong các bài review phim (phê bình phim) không?

- Dù đã học thêm về điện ảnh nhưng tôi vẫn cảm thấy review phim rất khó. Làm thế nào để chỉ ra cái hay, cái dở của bộ phim cần có rất nhiều năm kinh nghiệm xem phim và có kiến thức nền về điện ảnh. Mà điện ảnh thì mênh mông khủng khiếp.

Khi mới vào nghề báo, như bao nhiêu PV trẻ khác tôi rất thích chê. Vì chê, bắt lỗi một sự kiện nào đó rất dễ và bài viết cũng gây chú ý hơn. Nhưng theo thời gian tôi không còn hứng thú đó nữa.

 Kinh nghiệm giúp tôi hiểu, đôi khi mình phải đặt mình trong vai trò của BTC sự kiện. Có những tác động khách quan khiến họ không kịp trở tay. Mình chê cho sướng mồm thì có ích gì?

Với điện ảnh Việt Nam, tôi xác định, đây là giai đoạn đang phát triển rất khó khăn, chật vật. Làm phim là đầu tư mạo hiểm mất nhà như chơi, mà đội ngũ làm phim chuyên nghiệp cũng đang vừa làm vừa học, nên tôi xác định mình cũng cần phải tỉnh táo khi review phim Việt. Nếu biết được nhiều thông tin về điều kiện sản xuất bộ phim, review cũng sẽ tốt hơn. 

Tuy vậy, tôi lại cảm thấy không cần phải bao dung với những nhà làm phim ẩu, những người chỉ quan tâm chiêu trò để rút ví khán giả bằng mọi giá. Lúc đó tôi cũng chê rất… thẳng thừng.

+ Chị có hay xem đi xem lại một bộ phim, trao đổi lại với bạn bè... để khi viết hạn chế cảm tính, và viết khách quan hơn?

- Việc xem đi xem lại một bộ phim là yêu cầu bắt buộc với người làm phê bình chuyên nghiệp. Nhưng với một PV điện ảnh thì việc này xem ra rất tốn thời gian và tốn tiền. Vì tiền nhuận bút chẳng xông xênh đến mức đi xem phim hai lần. Nên tốt nhất được xem lần đầu thì căng óc ra mà xem, tay lăm lăm cây bút, quyển sổ để ghi chú thông tin mình quan tâm.

 Tôi thường bước vào một bộ phim với tâm thế thoải mái, không định kiến. Tôi có rất nhiều bạn xem phim tâm đầu ý hợp. Tuy nhiên khi viết review phim, tôi luôn muốn viết bằng quan điểm cá nhân của mình, chứ không muốn bị ảnh hưởng từ người khác.

 

Báo Công luận
 Nhà báo Ngọc Diệp và vợ chồng đạo diễn Thanh Vân, Nhuệ Giang  -  Ảnh: Nam Trần

 

+ Tôi thấy nhiều nhà báo thường viết chê một chút, khen một chút để tạo cảm giác bài viết đa chiều, song bài viết lại dễ thành vụn vặt. Tôi thích một nhà báo viết về điện ảnh, anh ấy khai thác những góc nhìn sâu hơn, rộng hơn chứ không đi vào các chi tiết quá vụn vặt? Còn chị thì sao?

- Tôi nghĩ vẫn có hai cách viết báo cơ bản. Cách thứ nhất là thu thập thông tin, sau đó kết cấu lại thành một bài viết. Đây là dạng bài phản ánh các PV vẫn hay viết nhất. Cách thứ hai là từ một cái tứ, từ một ý tưởng, ta đi chứng minh.Tôi sử dụng cả hai cách. Tôi thấy cách thứ hai khó hơn, nhưng thú vị hơn, vì nó buộc mình phải tư duy nhiều hơn.

 Dẫu vậy, kể cả khi có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng đôi khi ta vẫn sẽ rơi vào cảnh ngồi dán mắt vào màn hình, gõ ra những ý nghĩ của mình mà bài viết vẫn ngổn ngang…

Đánh giá tin bài dựa theo view là sự thiệt thòi cho cả độc giả lẫn người viết

+ Giữa 2 xu hướng tác nghiệp: đưa tin “hot” để hấp dẫn bạn đọc và viết những bài có chiều sâu. Chị chọn lối đi nào cho mình?

- Thực ra tôi rất khâm phục các đồng nghiệp làm mảng giải trí, showbiz vì họ rất năng động, nhanh nhạy, và rất giỏi kỹ thuật làm báo điện tử. Khi nào tôi phát hiện ra một thông tin “hậu trường” để làm tôi cũng thích lắm. Tuy nhiên, tôi cũng phải công nhận mình có xu hướng lựa chọn những thông tin văn hóa, nghệ thuật mà mình cho rằng có chất lượng tốt, có ảnh hưởng tích cực tới công chúng.

Tôi quan niệm một tờ báo cần phải có cả tin “hot” để giải trí cho bạn đọc, đồng thời phải có những bài văn hóa, nghệ thuật chất lượng tốt, cho dù bài về văn hóa, nghệ thuật view thấp hơn hẳn. Có thể bài đó chỉ đến được tới vài trăm bạn đọc, nhưng nó lại khiến bạn đọc đi xem phim, đi bảo tàng, đi nghe ca nhạc, thì vẫn tốt hơn những cái tin giải trí đọc xong là trôi tuột chứ.

Tôi thấy nhiều tòa soạn báo hiện nay đang đánh giá tin bài dựa theo view, khiến các PV không còn dám đầu tư cho các bài viết về văn hóa nghệ thuật chất lượng. Cá nhân tôi thấy điều đó không chỉ thiệt thòi cho tờ báo, cho bạn đọc, mà thiệt thòi cho cả chính cá nhân PV đó. Vì PV là nghề cái gì cũng biết, nhưng thực ra chẳng biết cái gì (nếu không chịu khó đầu tư một mảng gì đó chuyên sâu). 

Làm giải trí lâu, có thể PV đó được rất nhiều tiền, nhưng về mặt kiến thức, nhận thức xã hội lại không bằng những PV theo dõi văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị…

Báo Công luận
 Nhà báo Ngọc Diệp tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 - Ảnh: NVCC

+ Có vẻ chị đã rất may mắn khi được đồng hành cùng tờ Tuổi Trẻ - nơi tạo cho chị cơ hội thoả sức khai thác mảng điện ảnh với những góc nhìn táo bạo nhất?

- Đây là tờ báo tôi ngưỡng mộ từ thời sinh viên. Khi tôi về làm việc tại tờ báo tôi yêu thích là Thể thao & Văn hóa, thì Tuổi Trẻ vẫn là tờ báo tôi chọn mua, chọn đọc để lấy cảm hứng nghề nghiệp. Khi nghỉ việc ở Thể thao & Văn hóa, tôi cũng không nghĩ mình sẽ về làm tại Tuổi Trẻ. Nhưng cơ duyên đưa đẩy, tôi lại về tờ báo này. 

Tôi đang trong giai đoạn rất hào hứng làm PV Tuổi Trẻ. Vì ở đây tôi gặp được những đồng nghiệp xuất sắc, được học hỏi cách làm báo tại một tòa soạn hàng đầu. Tôi cũng rất thích thú vì được làm việc với những biên tập viên giỏi, rất am hiểu về văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.

+ Gần đây tôi thấy chị đầu tư những bài viết e-magazine trên báo điện tử rất công phu về những nhà làm phim gạo cội. Chị có ý định đi một vệt dài hơi?

- Ban đầu BTV đặt hàng tôi. Khi bắt tay vào việc tôi thấy rất thú vị, vì tôi thực sự cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về sự nghiệp của một người nổi tiếng.

Tôi buộc phải xem lại phim, đọc tiểu sử của họ, gặp gỡ, phỏng vấn họ. Công việc này rất mất công, nhưng đáng giá. Sau đó biên tập viên chau chuốt lại bài vở, đội ngũ đồ họa dựng bài, kết quả là cho ra đời những bài magazine không chỉ giàu thông tin mà còn rất đẹp mắt. Tôi đang thử nghiệm làm magazine và cảm thấy rất thích thú khi làm việc nhóm kiểu này.

+ Chị có ý định tập hợp những bài báo của mình để sau này ra sách?

- Thực tình là tôi không có ý định đó. Tôi nghĩ vốn dĩ những bài báo chỉ sống được trong một thời gian ngắn ngủi. Nó cũng đã có “đất” của riêng nó là trên tờ báo, trên trang điện tử rồi.

Còn để viết sách thì cần phải đầu tư hơn, phải có ý tưởng tốt thì mới làm sách. Tôi cũng có nhiều cuốn sách trong tưởng tượng rồi, nhưng quả thực là tôi chưa thực sự bắt tay vào.

+ Đọc những bài viết về điện ảnh của chị có thể thấy được sự chuyển động hay dậm chân tại chỗ của điện ảnh Việt... nhất là trong 2 năm gần đây. Chị đánh giá thế nào về điện ảnh Việt trong năm 2017 và 2018?

- Tôi nghĩ đây vẫn là giai đoạn “tập làm phim” của điện ảnh Việt Nam thôi, là giai đoạn kiếm tiền, lấy ngắn nuôi dài, nhưng chưa nhìn thấy tương lai. Khu vực mà tôi đánh giá cao hơn cả là khu vực làm phim độc lập vì họ phải tự thân vận động về tài chính, họ làm phim với quyết tâm cao nhất. Ngoài ra, họ cũng là những người đem giải thưởng quốc tế về cho đất nước. Tôi thích phim độc lập vì giàu tính cá nhân, đó là điều rất cần thiết với một tác phẩm điện ảnh.

Tôi đặc biệt thích phim tài liệu độc lập và tôi cho rằng trong điều kiện của Việt Nam, phát triển điện ảnh tài liệu rất phù hợp. Vì Việt Nam là một mỏ đề tài, ngoài ra làm phim tài liệu phù hợp với ngân sách ít ỏi của các nhà làm phim Việt hiện nay hơn. Tôi vẫn hay nói đùa điện ảnh Việt muốn đoạt Oscar thì tốt nhất làm phim tài liệu thì dễ đoạt Oscar hơn, còn phim truyện thì chưa mơ tới Oscar được.

Tài liệu nó hay ở chỗ hiện thực cuộc sống quá phong phú, không thể đoán trước được và đầy bất ngờ. Có những bộ phim tài liệu nước ngoài có câu chuyện độc đáo đến mức các biên kịch phim truyện xem xong thấy tưởng tượng của mình quá ư tầm thường.

Linh Linh (Thực hiện)

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo