Những lời “ngát hương”...

Chủ nhật, 08/07/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Báo cũng là dịp Báo Nhà báo & Công luận lắng nghe những điều chân thành, chắt chiu những lời góp ý thiện chí, mang tính xây dựng để “soi lại” mình, hướng đến thúc đẩy tờ báo ngày càng phát triển hơn nữa... Chúng tôi trân trọng những tấm lòng đã quan tâm, đã dõi theo sự trưởng thành của tờ báo bằng tất cả sự mến thương và niềm kỳ vọng.

Những đánh giá, góp ý của lãnh đạo HNBVN, lãnh đạo các Ban chuyên môn trong cơ quan Trung ương HNBVN – những “độc giả” đặc biệt của tờ báo - với chúng tôi là những lời “ngát hương”, đáng trân trọng!

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Tôi mong báo NB&CL sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa

Tôi còn nhớ rất rõ cách đây 22 năm, khi báo Nhà báo & Công luận (NB&CL) ra mắt số đầu tiên. Ngay lập tức tờ báo được giới báo chí cả nước đón nhận. Từ đây giới báo chí đã có một cơ quan ngôn luận, một tờ báo thể hiện được tiếng nói của báo giới cả nước. Trải qua 22 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tờ báo đã có bước trưởng thành vượt bậc, trở thành một tờ báo có vị trí quan trọng trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp ngày càng tích cực vào đời sống báo chí, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tôi có một kỷ niệm hết sức sâu sắc đối với tờ báo. Đó là khi tờ báo chuẩn bị ra mắt, tôi được mời họp cộng tác viên, được các đồng chí lãnh đạo HNBVN trực tiếp phụ trách tờ báo đặt viết bài. Đó là một trong những bài báo để lại trong tôi kỷ niệm đẹp khiến tôi nhớ mãi. Trong khoảng 10 năm liên tục, gần như số báo nào cũng có bài của tôi.

Báo Công luận
 Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Tôi rất mừng là những năm gần đây, báo NB&CL đã có những bước đổi mới và phát triển mạnh mẽ, thể hiện được tinh thần trách nhiệm, sự lao động sáng tạo và miệt mài của BBT và đội ngũ những người làm báo NB&CL. Tờ báo đang khởi sắc và ngày càng chiếm được sự yêu mến của người làm báo và công chúng báo chí. 

Trong Hội báo toàn quốc 3 năm qua, báo NB&CL đã dần khẳng định là gương mặt sáng trong làng báo, được các đồng nghiệp yêu mến tìm đọc. Tôi cho đó là sự khích lệ rất lớn. Trong đời sống báo chí, tiếng nói của báo NB&CL luôn được coi trọng và đón đợi. Đó là niềm vinh dự nhưng cũng là sức ép với những người làm báo NB&CL, song tôi cho rằng đó là sức ép cần thiết, là động lực để tờ báo tiếp tục vươn lên, đổi mới, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa.

Báo chí đang đứng trước những thách thức lớn nhưng không phải không có nhiều cơ hội. Báo NB&CL đã biết nắm lấy cơ hội của thời đại công nghệ thông tin để vượt qua thách thức. Tôi đánh giá cao việc báo NB&CL tổ chức và thực hiện thành công mô hình tòa soạn hội tụ trên tinh thần sáng tạo để kết nối và truyền tải thông tin một cách mạnh mẽ, nhanh và hiệu quả hơn nữa.

Để hoạch định kế hoạch phát triển bền vững cho một tờ báo, nhất là báo NB&CL cần nhiều yếu tố. Nhưng điều quan trọng nhất là xây dựng được một tòa soạn đoàn kết, đồng chí hướng. Tôi rất mừng là gần đây, tờ báo đã ngày càng có những bước tiến trong xây dựng đội ngũ hướng đến một tòa soạn tinh thông nghề nghiệp và trong sáng về đạo đức. Trên bước đường đi tới, chúng ta phải chú trọng nhiều hơn nữa vấn đề này.

Tôi mong báo NB&CL sẽ tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo hơn nữa, xây dựng tờ báo in ngày càng đẹp, tờ báo điện tử ngày càng mạnh, tích hợp thêm các phương tiện truyền thông khác để trở thành tòa soạn đa phương tiện. Để khi nhắc đến báo NB&CL, là nhắc đến một thương hiệu khiến giới báo chí tự hào và tin tưởng.

Có thể nói, Báo NB&CL đang đứng trước những thách thức, nhưng tôi tin rằng tờ báo sẽ có một tương lai tươi sáng. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo HNBVN, vị thế của HNBVN ngày càng được tăng cường là những điều kiện tốt để báo NB&CL phát huy thế mạnh của mình. 

Tôi hy vọng báo NB&CL sẽ có những bước đi phù hợp với thách thức, tiến lên nắm bắt những kỹ năng làm báo trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, nêu cao tinh thần chiến đấu, tinh thần nhân văn của báo chí, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí giao phó.

Nhà báo, TS Trần Bá Dung – UV Ban Thường vụ HNBVN, Trưởng ban Nghiệp Vụ HNBVN: Nếu phát huy hết ý nghĩa tờ báo thì sân chơi, diện phủ sóng không báo nào bằng

Có thể nói rằng, báo Nhà báo và Công luận là tờ báo có vị trí rất đặc biệt, vì đây là cơ quan ngôn luận của HNBVN mà như nhiều người từng nói thì đây là báo của các nhà báo Việt Nam. Quả thực nếu tờ báo biết khai thác hết mức ý nghĩa của nó thì sân chơi, diện phủ sóng của báo không báo nào sánh bằng.

Trong quá trình theo dõi báo Nhà báo & Công luận 22 năm qua, tôi thấy tờ báo đã làm được nhiều điều đáng kể. Những thông tin đời sống báo chí, nhà báo nghề báo trong nước và quốc tế, một phần hồ sơ về báo chí, về cách thức tổ chức, các câu chuyện nghề, mô hình báo chí, bộ quy tắc đạo đức của nhiều nước trên thế giới... cơ bản đã cung cấp nhanh, dày dặn thông tin. 

Báo Công luận
Nhà báo, TS Trần Bá Dung – UV Ban Thường vụ HNBVN, Trưởng ban Nghiệp Vụ HNBVN. 

Đời sống báo chí nhiều thay đổi, báo Nhà báo & Công luận cũng cần những đổi mới để bắt kịp xu hướng, để phát triển bền vững, xứng tầm hơn nữa. Điều ấy rất cần phải hiểu đời sống báo chí, khéo léo, đầu tư công phu hơn, dành nhiều thời gian hơn nữa và khai thác có chiều sâu hơn nữa dưới góc độ nghề nghiệp. Chẳng hạn như, tờ báo cần khai thác được Hồ sơ báo chí một cách bài bản, khoa học và đậm nét hơn để tạo sự tin cậy, chuẩn mực. 

Bên cạnh đó, câu chuyện chuyên sâu hơn nữa “Công luận” mang nghĩa rộng cũng nên được quan tâm hơn. Tức là tiếng nói của nhà báo phải được tập hợp thành công luận trong giới báo chí. Mà đó mới là đặc trưng của riêng tờ báo Nhà báo & Công luận. Bởi “Công luận” ở đây không chỉ là “điểm dư luận các báo” mà cần khéo léo kéo các nhà báo tham gia vào các sự kiện để khi họ được trao đổi trực tiếp, tạo những phản xạ “muốn chia sẻ”, để họ cảm thấy Nhà báo & Công luận là “tờ báo của mình”, là “người nhà”. Tôi tin làm được điều này thì tờ báo sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà báo yêu mến tờ báo.

Đồng thời, tôi nghĩ, để tờ báo có vị trí quan trọng hơn trong lòng công chúng thì nên chăng chúng ta có những “cải cách” hơn nữa một số chuyên mục. Chúng ta nên có những góc nhìn, đánh giá của những người làm báo về các sự kiện, vấn đề nóng đang diễn ra, nhịp sống xung quanh qua lăng kính của các nhà báo là rất cần thiết trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin” như hiện nay. Như vậy diễn đàn của giới báo chí mới thực sự sôi nổi, nổi bật, đặc sắc và thu hút được người làm báo. 

Và đặc biệt là, tờ báo cũng cần cố gắng khai thác nhiều hơn nữa kho báu của các nhà báo, khai thác có chủ đích, đường nét rõ ràng về các nhà báo lão thành, nguyên Tổng biên tập, Tổng biên tập, các nhà báo điều tra... theo những trục thông tin, bám sát hơn đời sống nghề nghiệp, những dữ liệu vàng, biến thành tài sản, tài nguyên của báo. Nếu khai thác được như vậy thì tờ báo sẽ phát triển hơn nữa, gần gũi hơn nữa. 

Với 22 tuổi đời của báo, bằng đôi điều tâm huyết, tôi kỳ vọng vào lớp trẻ hôm nay sẽ làm được nhiều hơn nữa để tờ báo tiếp tục khẳng định được mình, xứng đáng là “tờ báo của các nhà báo”.

Nhà báo Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Tiếp tục củng cố, tạo dựng hôm nay, tạo dựng ngày mai

Tôi nhớ dịp báo Nhà báo và Công luận xuất bản số đầu tiên và chính thức ra mắt công chúng, giới báo chí xôn xao lắm. Vì cái măng sét báo quá hay. Hai chữ “Công luận” vừa có tính lịch sử (vì đã từng có những tờ báo giai đoạn trước chọn đặt tên này), vừa hiện đại, mạnh mẽ, phù hợp với tiêu chí của đổi mới với tinh thần “nói thẳng, nói thật”. Vì sức hút vốn có khi một tờ báo mới ra đời được “tiền hô, hậu ủng”. Và còn vì một lẽ nữa: đó là tờ báo của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của giới báo chí cả nước.

Báo Công luận
 Nhà báo Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bấy giờ, đổi mới báo chí như một ngọn gió mát, được đặc biệt đón nhận không chỉ trong phạm vi những người làm báo mà nó đã trở thành một phần mới mẻ và hấp dẫn đời sống tinh thần xã hội.

Thế rồi, không ngờ một ngày, tôi trở thành “hàng xóm” gần gũi của báo Nhà báo & Công luận, sau khi nhận quyết định thuyên chuyển công tác về tờ tạp chí của Hội, tiếp theo là nhận nhiệm vụ mới liên quan đến một đơn vị mới thành lập trực thuộc Hội mang tên Bảo tàng Báo chí Việt Nam.       

Nhờ thế mà hàng tuần, vào sáng thứ 5, tôi được cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực, màu sắc ngày một đẹp, bài vở ngày một hấp dẫn, số trang ngày một dày nặng – nhất là vào các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm của giới báo chí. Tôi đã có lần phát biểu rằng Nhà báo & Công luận cần những chuyên mục hay cùng những cây bút sắc để thu hút đồng nghiệp và giữ chân bạn đọc. Và qua thời gian, Nhà báo & Công luận đến nay cũng đã đào luyện được một số cây bút trẻ, đam mê, chịu khó học hỏi và thử sức, bút được mài sắc lên từng ngày.

Thừa hưởng những thành quả lẫn thách thức của 22 năm làm báo trong cơ chế thị trường, đối mặt với muôn vàn khó khăn, bài toán tồn tại của báo in giữa kỷ nguyên số vẫn còn nguyên đó, nhưng Nhà báo & Công luận với sức trẻ từ tuổi nghề, tuổi đời ở cả đội ngũ từ lãnh đạo đến phóng viên, vẫn hướng đến một sinh nhật tuổi 22 thật vui, thật ý nghĩa. Từ đó tiếp tục củng cố, tạo dựng hôm nay, tạo dựng ngày mai.

Tôi nghĩ, con người sống cho tốt không dễ, vì luôn phải đấu tranh với bản thân và đấu tranh với những cám dỗ bên ngoài. Nhà báo tốt càng không dễ, vì luôn phải bền bỉ, vững vàng, chuẩn mực và đam mê để cây bút trong tay không những không trở thành gánh nặng, thậm chí là công cụ hủy diệt chính bản thân họ, mà còn là vũ khí tạo dựng niềm tin, bảo vệ cái đẹp, giữ gìn và nhân rộng những điều hay lẽ phải. 

Đối với một tờ báo, nhất là một tờ báo của những người làm báo trong cả nước, con đường đi tới trái tim độc giả luôn đòi hỏi tờ báo ấy trong sinh tồn không chỉ phải biết vượt qua những cám dỗ, mà còn phải tập hợp được một đội ngũ biết cùng nhìn về một phía, biết sẻ chia với từng hơi thở của cuộc sống cần lao, tận tâm với sự nghiệp chung đồng thời luôn khát khao cống hiến vì mục tiêu cao cả của nghề báo.

Ở tuổi 22, Nhà báo & Công luận đã có được một cơ đồ nho nhỏ và một đội ngũ kha khá, hy vọng bầu trời của lao động và sáng tạo rộng lớn phía trước sẽ tiếp tục nâng cánh cho một tập thể làm báo coi trọng đoàn kết nhất trí, luôn trau dồi bản lĩnh, trí tuệ và tôn quý những giá trị thật. Xin được chúc mừng tuổi 22 trẻ trung của báo!

Nhà báo Phan Hữu Minh -  UV Ban Thường Vụ HNBVN, Trưởng ban Kiểm tra: …Còn phải là diễn đàn tin cậy của công chúng báo chí 

Là một nhà báo, là một độc giả cảm tình với tờ Nhà báo & Công luận, tôi theo sát từng bước đi và sự lớn mạnh, trưởng thành của tờ báo. Vui với việc chất lượng nội dung, chất lượng hình thức của tờ báo ngày một tốt hơn. Và không chủ quan khi nói rằng: Báo Công luận đã trở thành người bạn đồng hành của giới báo chí chuyên nghiệp. Báo in cũng thế mà báo điện tử cũng vậy. 

Sở dĩ nói như vậy là vì, hầu hết các tiêu chí thể hiện qua tên gọi và tôn chỉ mục đích của tờ báo đã đạt được, đó là: Diễn đàn về thông tin đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; diễn đàn của báo giới và quan trọng đã là cầu nối giữa báo chí với nhân dân…

Báo Công luận
Nhà báo Phan Hữu Minh -  UV Ban Thường Vụ HNBVN, Trưởng ban Kiểm tra. 

Vẫn biết để tổ chức sản xuất một tờ báo mà nguồn lực tài chính chưa có nhiều lại không được cấp ngân sách, tập thể cán bộ, phóng viên tòa soạn báo Nhà báo & Công luận đã khắc phục và vươn lên rất nhiều, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng làm tốt hơn nữa phần còn lại thì thật sự là điều mong mỏi của mọi người.

Phần còn lại ấy theo tôi là diễn đàn thật sự tin cậy của công chúng báo chí. Vậy làm thế nào để công chúng báo chí tin cậy mà trao gửi tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ?

Thứ nhất, tờ báo nên tăng cường các hoạt động tương tác với công chúng báo chí, coi những người nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ công chức là đối tượng để tờ báo phục vụ. Bằng cách nào? Có thể là mở các chuyên mục chẳng hạn: Tiếng nói nông dân với công luận, nhà giáo với công luận, công nhân với công luận… Dần dần công chúng có sự trao gửi, tin cậy sẽ làm sống dậy những góc khuất mà những người lao động bình thường ít khi nghĩ tới. Nếu làm tốt sự tương tác, tòa soạn sẽ giúp người dân có chỗ để nói tiếng nói của mình với báo chí.

Thứ hai là để thu hút sự quan tâm của độc giả, đối với công luận điện tử cần có sự nhanh nhạy hơn, trong từng tin, bài cần thiết phải có sự định hướng không những cho công chúng mà còn cho chính báo giới. Với tờ công luận in, do chưa phải nhật báo nên có sự đầu tư để tổng hợp, phân tích, nhận định, cũng nhằm khẳng định sự đúng đắn, cách nhìn chuẩn xác đối với sự kiện. Khi đã trở thành diễn đàn tin cậy của công chúng báo chí, tự nhiên tờ báo có nhiều hậu thuẫn để tiến công vào những lĩnh vực phức tạp mà Đảng, Nhà nước đang cần ở cơ quan báo chí.

Nhà báo Hà Hồng Dương - UV Ban chấp hành HNBVN – Trưởng ban Công tác Hội: Mãi là người bạn thân thiết, đồng hành của người làm báo

Bằng tất cả sự trân trọng và yêu mến đối với tờ báo “nhà mình”, tôi muốn nói rằng những năm qua, Báo Nhà báo & Công luận đã thực sự là người bạn thân thiết, đồng hành cùng với người làm báo trên cả nước. 

Sự hấp dẫn không chỉ đến từ một tên gọi rất đẹp Nhà báo - Công luận, không chỉ từ cách trình bày báo chuyên nghiệp, in ấn đẹp, tin bài phong phú vừa phản ánh nhanh, kịp thời và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng báo chí, vừa có nhiều bài chuyên sâu, phân tích, bình luận nhiều chiều để mổ xẻ nhiều góc cạnh của cuộc sống, mà điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là qua từng trang báo, bạn đọc cảm nhận được nhịp sống sôi động từng ngày, từng giờ của giới báo chí, là nơi để người làm báo trải lòng về nghề báo - một nghề rất đỗi tự hào nhưng cũng vô cùng nhọc nhằn và nguy hiểm.

Báo Công luận
Nhà báo Hà Hồng Dương - UV Ban chấp hành HNBVN – Trưởng ban Công tác Hội. 

Dưới góc độ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý tổ chức Hội và hội viên, tôi mong muốn Ban Biên tập quan tâm và đầu tư hơn nữa cho mảng đề tài Nhà báo tương xứng với tầm vóc của nó. Đối với những trang chuyên đề chúng ta đã làm rất tốt như: về bộ máy tổ chức Hội, chế độ cho đội ngũ cán bộ Hội, về đạo đức người làm báo, về nghiệp vụ… cần được phát huy, bên cạnh đó nên đưa những vấn đề có tính phản biện như: Vì sao lãnh đạo báo chí chưa nhiệt tình với hoạt động Hội? Vì sao tổ chức Hội Nhà báo địa phương hoạt động khó khăn khi đã có bộ máy, biên chế? Hoạt động của hơn 200 chi hội trực thuộc Trung ương hiện nay ra sao? Ý thức trách nhiệm, tâm tư nguyện vọng hội viên như thế nào? 

Nên lấy ý kiến nhiều chiều, nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Cần duy trì các chuyên mục như: Lăng kính hội viên; Gương sáng hoạt động Hội và mở thêm các chuyên mục mới, đặc biệt là những địa chỉ hội viên - nhà báo, gia đình Nhà báo - liệt sỹ, nhà báo thương binh có hoàn cảnh khó khăn… để mọi người cùng chung tay, góp sức giúp đỡ. 

Hoạt động nhân đạo từ thiện là nét đẹp truyền thống, nhân văn của tổ chức Hội Nhà báo, không chỉ lan tỏa trong cộng đồng mà trước hết ngay chính trong đội ngũ làm báo chúng ta. Chúc cho Nhà báo & Công luận và congluan.vn luôn tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết tuổi 22 giàu năng lượng sáng tạo, trí tuệ và phát triển vững chắc!

Sông Mây (Ghi)       

 

Tin khác

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

(CLO) Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Báo Hải Phòng tổ chức khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử (tại tên miền baohaiphong.vn). Dự khai trương có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nghề báo
Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo