Những vệt sáng lung linh từ trang viết

Chủ nhật, 31/12/2017 05:11 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 2017 đang nhón những bước cuối cùng. Những ngày cuối năm bộn bề, có khi nào bạn nhân hóa cây bút, cho nó hỏi mình rằng: “Nhà báo ơi, anh xuống trái đất để làm gì?” Trước nay, ngòi bút vô tri chỉ là công cụ giúp chủ nhân sắp xếp những phẫn nộ, ác tâm, yêu thương, thứ tha… từ trái tim, khối óc trên trang viết.

Những trang viết ấy, thật may, không chỉ có những ống kính siêu zoom và đèn flash lạnh thấu cỗ quan tài, không rặt những cuộc đua tin như trên con đường cuồng nộ đầy máu và nước mắt… Bởi những đẹp đẽ sẽ vượt lên tối tăm, như đúc rút của Lưu Quang Vũ, “nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa? Sao rãnh nước trong veo đến thế?”

COCC, nào chỉ rặt những âu lo

Suốt năm 2016, chuyện cả nhà Bí thư Hà Giang làm quan, chuyện cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ưu ái con trai… đã phủ lên nhịp sống ngày giáp Tết bao băn khoăn, nghi hoặc, về những COCC (con ông cháu cha). Thì ngay tháng đầu tiên của 2017, nhà báo Tô Lan Hương trên ANTG đã đưa tới cho chúng ta một góc nhìn, một cách nghĩ khác qua câu chuyện của một COCC “hàng đầu” - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà.

Lê Mạnh Hà là con trai Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Anh có bằng Tiến sĩ Viễn thông, nhưng năm 40 tuổi vẫn là chuyên viên, gần 50 tuổi mới làm Giám đốc Sở.

Báo Công luận
Ông Lê Mạnh Hà khi còn làm GĐ Sở TT&TT TP.HCM 
Thời còn là Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, Lê Mạnh Hà là người quyết liệt phản đối cách thực hiện đề án tin học hóa cơ quan hành chính nhà nước (Đề án 112). Cũng chính Lê Mạnh Hà kiên quyết phạt thẳng tay những tờ báo đăng bản đồ Việt Nam không có Trường Sa, Hoàng Sa.

Vẫn là vị COCC này, từ lúc còn làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tới khi ra Trung ương, luôn đau đáu với sự “nặng mùi” của Đa Phước, khi các bãi rác nhà nước đầu tư phải đóng cửa, dồn rác cho Đa Phước. Rác chạy từ đầu này qua đầu kia thành phố…

Về “cái ghế” và quyền lực, Lê Mạnh Hà đã cho chúng ta một định nghĩa rất khác: “Mình thực sự có quyền lực khi là người làm tốt nhất, người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình!” Rồi nay anh “về với nhân dân”, để lại bao dấu ấn đẹp về một quan chức tự trọng, nặng lòng với thời cuộc…

Lắng nghe trái tim mình

Tháng Hai, Hà Nội chợt nóng ran giữa những cơn mưa phùn, khi một học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nam Trung Yên gãy chân mà không hiểu vì sao.

Bị phản ánh đi taxi vào trường gây tai nạn, cô Hiệu trưởng bất ngờ cho lấy phiếu khảo sát, để khẳng định không có bất cứ chiếc xe nào ra vào trường. Cô, có lẽ  cũng như bao con người bình thường khác đều rất sợ trách nhiệm, đều sẵn sàng thoái thác hoặc “đổ” cho ai đó khi có thể.

Giữa khô cằn, hoa đã nở. Chính cô giáo chủ nhiệm đã cùng đồng nghiệp thông qua báo chí tổ chức “họp báo”, để sự thật lộ sáng. Việc các cô làm không hẳn để thanh minh cho bản thân, mà hơn hết, các cô sẵn sàng mất tất cả để giữ phẩm giá người thầy, để chứng minh với học trò, rằng niềm kính yêu chúng dành cho họ luôn đúng chỗ và không bao giờ là đủ.

Báo Công luận
Đinh Thu Hiền- một nhà báo dấn thân, một nhà thơ hoài niệm...
Sang tháng Ba, ở Vũng Tàu, những bài viết của Chính Trực – bút danh của nhà báo Đinh Thu Hiền trên Phụ nữ Việt Nam về việc một bé gái bị xâm hại đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, buộc cơ quan tố tụng phải lật lại hồ sơ vụ án.

Đinh Thu Hiền đã đi, đã kể về hành trình ngược xuôi Sài Gòn – Vũng Tàu dài như vô tận, để rồi ông lão dâm ô nhiều bé gái ở Vũng Tàu giờ đã lĩnh án 3 năm tù. Việc chị và đồng nghiệp đã làm, là tác động làm thay đổi nhận thức của người dân, của cả hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Đoàn Quý Lâm, một cây viết điều tra “chuyên trị” kẻ ngược đãi trẻ em từng than thở, rằng giữa cuộc sống hối hả này, mấy ai nhận, mấy ai thấu hiểu và đi tới cùng... Nhà báo Đinh Thu Hiền, đã nghe được tiếng trẻ thơ mảnh lắm, cả tiếng thì thào giữa đêm tối, rồi chị đau đớn, chị đeo đuổi.

Hành trình của Chính Trực cho ta thấy rằng, rồi sẽ không ai cô độc trên hành trình đòi công lý, không em bé nào phải một mình gánh mang nỗi đau bởi sự cưỡng đoạt và cướp bóc tuổi thơ.

Ông đồ Nghệ và những kẻ mộng mơ

Sáng 9/10, thầy giáo Văn Như Cương qua đời, để lại bao trống trải, thậm chí là sự hẫng hụt của Hà Nội.

Viết, kể về thầy Văn Như Cương không bao giờ hết chuyện. Nhưng cách nhóm tác giả của Vietnamnet viết về ngày “ông đồ Nghệ tài hoa kiêu hãnh đã ra đi” lại không lắm ủ ê, chỉ thấy một tượng đài sừng sững và kiêu hãnh.

Bài viết nói về một giảng viên Toán của ĐH Sư Phạm Hà Nội, cuối năm 1988 bất ngờ đòi “ra riêng” mở trường tư. Qua bao thách thức, sự ra đời của Trường Lương Thế Vinh (và Marie Curie sau đó) đã trở thành điểm nhấn mẫu mực, mở ra giai đoạn bùng nổ của giáo dục ngoài công lập.

Con trai một ông “Đồ Nghệ”  trở thành thầy dạy Toán, lại hay chữ và chẳng thiếu kiêu, gàn, đã đi đầu trong một cuộc cách tân giáo dục mà đích đến có lẽ chỉ nhận được sự gật gù của những kẻ mộng mơ. Sự ra đi của thầy, nỗi mất mát của chúng ta nằm cả ở lời nhận xét: “Sẽ khiến các diễn đàn giáo dục bớt đi một tiếng nói thẳng thắn nhưng cần thiết với các nhà hoạch định chính sách.”

Báo Công luận
GS. Văn Như Cương 
Khi kẻ mộng mơ Văn Như Cương sang thế giới khác, thì có một chàng trai quê miệt Gò Công tên Trần Đặng Đăng Khoa cũng rời nước Việt theo một cách đầy lãng mạn. Khoa tới châu Âu bằng một chiếc xe máy cà tàng, vượt qua hơn 20.000km, qua 23 quốc gia, tiếp tục qua Nam Mỹ, Trung Mỹ vào 1/1/2018. Hành trang của Khoa, là nghị lực phi thường và nụ cười tỏa nắng.

Nhưng tại sao báo chí, già trẻ lớn bé lại dồn mọi sự quan tâm cho chàng phượt thủ này, khi còn bao chuyện quốc kế dân sinh đáng quan tâm khác? Không. Hành trình mộng mơ của Khoa không đơn giản chỉ “xách ba lô lên và đi”, mà được vun đắp, nuôi dưỡng và chờ đợi ngót nghét 20 năm.

Khoa khác với đại đa số người Việt, sinh ra, lớn lên bên lũy tre làng. Anh có “máu phiêu lưu” của người phương Tây – thứ máu thôi thúc họ căng buồm ra biển lớn. Trước những hành trình vạn dặm, buộc họ phải luôn chuẩn bị kỹ lưỡng – một dạng của sống và làm việc có kế hoạch.

Báo Công luận
Trần Đặng Đăng Khoa được đi nhờ xe qua khu vực chiến sự 
Và khi báo chí, cộng đồng đồng thanh tôn vinh, hay phân trần giúp Khoa trước mọi tọc mạch, đã tạo nên một làn sóng thôi thúc người Việt dám mộng mơ, dám vun đắp, chờ lúc chín muồi để lên đường. Hành trình của Khoa hôm nay, cũng như PGS Văn Như Cương 30 năm trước, là kết quả của một chuỗi: Dám mộng mơ, dám thực hiện và theo đuổi tới cùng.

Trang báo 2017, có ánh mặt đượm buồn của ông quan về với nhân dân, có nỗi trống vắng “Toán Như Cương, Văn cũng Như Cương”, có chàng trai tuổi 30 một mình trên đường xa tít tắp, để minh định một điều, rằng người Việt cũng có thể bước ra thế giới, điềm tĩnh và rắn rỏi…

Ngòi bút 2017 rê qua, sau đó là những vệt sáng lung linh kỳ diệu.❏

 

Đoàn An Nhiên               

Tin khác

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo
Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

(CLO) Ngày 23/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu 'Hành trình chinh phục bầu trời'

Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu "Hành trình chinh phục bầu trời"

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Hành trình chinh phục bầu trời”. Chương trình nhằm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày truyền thống của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (1/5/1959 - 1/5/2024).

Nghề báo